CHÚA NHẬT
I MÙA VỌNG C
Gr 33,14-16
; 1Tx 3,12-4,2 ; Lc 21,25-28.34-36
TỈNH THỨC
VÀ CẦU NGUYỆN ĐÓN CHÚA LẠI ĐẾN
I.HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 21,25-28.34-36
(25) Khi ấy Đức Giê-su phán cùng các môn đệ rằng:
“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới
đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. (26)
Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống
địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. (27) Bấy giờ
thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám
mây mà đến. (28) Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy
đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc”. (34) Vậy
anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say
sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp
xuống đầu anh em, (35) vì ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp
mặt đất. (36) Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ
sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con
Người.
2. Ý CHÍNH:
Bài Tin mừng hôm nay là một phần trong diễn từ cánh
chung của Đức Giê-su và được viết theo lối văn khải huyền (x. Lc
21,5-36). Trong đó Đức Giê-su cho biết sẽ có những điềm lạ trên trời
dưới đất, tiên báo việc Con Người sẽ đến trên đám mây, đầy quyền uy
cao cả. Người cũng dạy các tín hữu phải tỉnh thức và cầu nguyện
luôn, để chờ đón ngày ấy. Cần tránh sa đà vào các đam mê, để khi
Chúa đến bất ngờ, họ sẽ không lo bị phạt, và có thể đứng vững
trước mặt Đức Ki-tô Thẩm Phán.
3. CHÚ THÍCH:
- C 25-26: + Sẽ có những điềm lạ trên mặt
trời, mặt trăng và các vì sao: Người Do thái thời
xưa quan niệm không gian có ba tầng: Trời, đất và biển. Qua câu này,
Đức Giê-su muốn dùng những hình ảnh có tính khải huyền, để diễn tả
sự can thiệp dứt khoát của Thiên Chúa trên vũ trụ mà Ngài sắp giải
thoát chúng khỏi sự dữ (x. Rm 8,19). Vì thế sự rung chuyển của ba
tầng trời là dấu chỉ báo hiệu sự sụp đổ của chúng trong ngày tận
thế (x. Kh 21,1-8).
- C 27-28: + Con Người: Đức
Giê-su tự xưng là Con Người, vì danh hiệu này thể hiện đúng sứ mệnh
Thiên Sai của Người. Danh hiệu Con Người có hai ý nghĩa khác nhau nhưng
bổ túc cho nhau: Một là: “Người tôi
tớ của Đức Gia-vê” sẽ
phải chịu đau khổ để đền tội thay cho nhân loại (x. Mc 8,31); Hai là “Chúa
Con sẽ được đưa lên trời ngự bên hữu Chúa Cha” (x. Tv 110,1), và sẽ
tái lâm đến trên mây trời vào ngày tận thế, để trở thành Thẩm Phán
tối cao xét xử thế gian và thiết lập một “Vương quyền vĩnh cửu” (x.
Đn 7,13-14). +Ngự trên đám mây: Mây được coi như xa giá của
Thiên Chúa. Câu này cho biết Đức Ki-tô sẽ ngự đến trong uy quyền và
vinh quang giống như Thiên Chúa. +Anh em hãy đứng thẳng và ngẩng
đầu lên: Trong ngày đó, thái độ của các tín hữu sẽ là
“đứng thẳng” và “ngẩng đầu lên” trong niềm hy vọng và vui mừng vì
sắp nhận được ơn cứu độ. Trong Tân ước, cứu độ không những ám chỉ
cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Giê-su thực hiện trên núi Sọ (x. Rm
3,24-26), mà còn ám chỉ công trình Người sẽ hoàn tất vào lúc cuối
thời, khi Người quang lâm và làm cho mọi xác phàm được sống lại (x.
Lc 21,28).
- C 34-35: + Đề phòng: Đồng nghĩavớp cảnh giác. Đức
Giê-su nhắn nhủ các tín hữu phải luôn cảnh giác vì tính cách bất
ngờ của ngày tận thế. +Chiếc lưới bất thần chụp xuống:
Giờ chết của mỗi người
hay ngày tận thế chung toàn nhân lọai ví như chiếc lưới bất thần
chụp xuống như người thuyền chài lưới bắt cá. Việc chụp lưới này mang ý nghĩa
không ai tránh thoát được.
- C 36: + Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn:
Tỉnh thức là không mê
ngủ, là luôn ở tư thế “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” để chu
toàn bổn phận được trao phó (x. Lc 12,35-48). Tỉnh thức còn là sự
trung tín với Chúa. Cầu nguyện
luôn nghĩa là cầu nguyện không ngừng (x. Lc 18,1), không nhàm
chán hay nản chí (x. Lc 18,1). Cầu nguyện luôn là cách biểu hiện một
đức tin mạnh mẽ sống động. +Đứng vững trước mặt Con Người:
Nếu biết tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng thì các tín hữu
sẽ được cứu khỏi cơn gian nan thử thách sắp xảy đến và có thể đứng
vững được trước toà phán xét.
4. CÂU HỎI: 1)
Sự rung chuyển của ba tầng trời là dấu chỉ tiên báo điều gì sắp
xảy đến? 2) Trong Thánh Kinh từ ngữ “Con Người” mang ý nghĩa thế nào? 3)
Tại sao Đức Giê-su lại tự xưng là Con Người? 4) Tỉnh thức khác với
ngủ mê ra sao? 5) Làm sao có thể cầu nguyện luôn khi phải lo quá nhiều
công việc hằng ngày?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Chớ
để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa” (Lc 21,34).
2. CÂU CHUYỆN:
1) SỐ PHẬN BẤT NGỜ CỦA CON TÀU NỔI TIẾNG TI-TA-NIC:
Đêm 15.04.1912 các báo đài trên thế giới đồng
loạt đưa tin về con tàu Ti-ta-nic nổi tiếng bị đắm. Bấy giờ tàu này đang
chạy trên vùng Bắc Đại tây dương đụng phải tảng băng ngầm, khiên thành
tàu bị lủng một miếng lớn và nước ào vào các khoang hầm tàu. Mấy
tiếng đồng hồ sau thì con tàu đã bị gãy ra làm đôi và chìm xuống
lòng biển, mang theo phần lớn hành khách và toàn bộ thủy thủ đoàn.
Ti-ta-nic là một con tàu vĩ đại: dài 271 mét,
rộng 28 mét, cao 22 mét với 8 tầng đầy đủ tiện nghi. Trên tàu có phố
chợ, hồ bơi, sân chơi thể thao, rạp hát, vườn bông, nhà hàng... Số
hành khách có mặt trên tàu khi gặp nạn vào khoảng 1500 người. Hầu
hết hành khách là các người có địa vị cao trong xã hội như các ông
hoàng bà chúa, chính khách, đại phú gia, nghệ sĩ, thương gia... Con
tàu Ti-ta-nic khi hạ thủy đã được người ta đánh giá là an toàn tuyệt
đối, có thể thách thức trước mọi thời tiết. Nhưng trong thực tế khi
mới khởi hành được mấy ngày thì tàu đã gặp tai nạn thảm khốc nhất
trong lịch sử hàng hải thế giới từ trước đến nay.
2) TẦM QUAN TRỌNG
CỦA NIỀM HY VỌNG TRONG CUỘC SỐNG:
Trong một căn phòng nọ có bốn ngọn nến đang cháy sáng
trước bàn thờ. Bỗng cây nến thứ nhất mở miệng than van: “Tôi là biểu tượng của An bình. Thế nhưng thời nay, thế giới đã không có sự bình an
hòa thuận: con người không còn biết nhường nhịn nhau và hơi một chút đụng chạm
là họ dùng gươm đao súng đạn nói chuyện hơn thua với nhau... Thế
rồi ánh sáng của ngọn nến mờ dần và sau cùng tắt ngúm.
Cây nến thứ hai kiền bắt đầu tâm sự: “Tôi là biểu tượng cho Tin yêu. Thế nhưng thời nay, xem ra tôi đã
trở nên thừa
thãi. Biết bao người sống không tin yêu vào bất cứ ai và bất cứ sự gì! ”.
Nói xong cây nến cũng từ từ lịm tắt.
Đến lượt cây nến thứ ba than van: “Tôi là biểu tượng của Hạnh
phúc, nhưng đến nay tôi không còn đủ sức để tỏa sáng nữa. Người ta đã gạt
tôi sang một bên và không cần biết đến giá trị của tôi nữa. Nhiều người đã quên luôn cả hạnh phúc đời sau mà chỉ
tìm hạnh phúc chóng qua đời tạm này”. Dứt lời, ngọn nến liền vụt
tắt.
Căn phòng trở nên tối mịt và chỉ còn một ngọn nến thứ tư
tiếp tục phát ra ánh sáng yếu ớt. Bất chợt, một cô bé bước vào trong phòng nhìn
lên bàn thờ, thấy ba ngọn nến đã tắt, cô liền tự nhủ: “Tại sao ba
cây nến Hòa Bình, Tin Yêu và Hạnh Phúc lại bị tắt hết như thế? Cuộc sống của thế
giới luôn cần đến ánh sáng từ những cây nến này”.
Bấy giờ cô gái nghe có tiếng nói yếu ớt phát ra từ cây
nến thứ tư: “Đừng lo! Tôi là biểu tượng của Hy Vọng. Bao
lâu tôi còn cháy sáng dù rất nhỏ bé mong manh, thì nhân loại vẫn hy vọng có lại được nền Hòa Bình, Tin Yêu và Hạnh phúc”.
Nghe vậy cô bé liền dùng cây nến Hy Vọng đang cháy leo lét để thắp sáng ba cây
nến kia và căn phòng đã chiếu tỏa đầy ánh sáng chan hòa như trước.
Niềm hy vọng rất quan trọng trong cuộc đời mỗi người
chúng ta. Khi mọi sự xem ra đã bị tắt ngúm thì chúng ta cũng đừng thất vọng, vì
chỉ cần một chút ánh sáng hy vọng là chúng ta vẫn có thể tìm lại được các thứ
ánh sáng khác. Vì thế có người đã nói: “Thà thắp lên một ngọn đèn, còn hơn là ngồi đó mà nguyền
rủa bóng tối”. Ngọn đèn cháy sáng đó chính là niềm Hy Vọng vào một
tương lai tươi sáng sẽ đến.
Chúng ta bắt đầu bước vào Mùa Vọng, thời kỳ Hội Thánh mong
chờ Chúa lại đến. Đức Giêsu đã được Thiên Chúa sai đến trần gian cách đây 2015
năm để trở thành Đấng Emmanuel nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Người đã thiết
lập một Nước Trời, để mở ra một “Trời Mới Đất Mới” yêu thương an bình và hạnh
phúc cho loài người. Người chính “là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” cho chúng
ta. Người đã chiến thắng sự chết bằng sự phục sinh vinh quang, để mở ra một
Nước Trời là Hội Thánh sơ khai. Hội Thánh đó đã dần dần lớn lên thành cây cải
to lớn nhờ sự phù trợ của Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu đã đến mở ra con đường
sống là đường hẹp leo dốc, là đường khổ nạn “ngang qua đau khổ thập giá để vào
vinh quang Phục Sinh”. Người hứa sẽ tái lâm vào ngày tận thế để phán xét chung nhân
loại và đưa mọi người tin và thực hành Lời Người được lên trời ở với Người, để
Người ở đâu, họ cũng được ở đó với Người (x. Ga 14,3).
3. SUY NIỆM:
Gần đây, trong
dịp kỷ niệm biến cố đắm tàu Ti-ta-nic, một tạp chí tôn giáo kia, sau
khi nhắc lại thảm họa, đã nêu ra một câu hỏi để độc giả suy nghĩ như
sau: “Giả như chúng ta có mặt trên con tàu Ti-ta-nic khi nó đang bị
chìm, thì chúng ta có tiếp tục vui chơi ăn uống khiêu vũ... mà quên
rằng mình sắp chết chìm hay không?”. Câu hỏi này phù hợp với câu nói
của Đức Giê-su mà Hội thánh đề nghị các tín hữu suy nghĩ trong Mùa
Vọng như sau: “Anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì
chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới
bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34).
1) Chết là gì ? Tại
sao phải chết ? Chết rồi sẽ đi đâu ?:
- Giáo lý dạy cho chúng ta: chết là khi linh hồn lìa ra
khỏi xác. Nói chung mọi người đều phải chết: Không hẳn già yếu mới chết mà ngay cả trẻ em mới sinh cũng có thể chết; Không nhất thiết người bệnh nặng mới chết mà có khi kẻ đang khỏe mạnh bình thường cũng tự nhiên lăn đùng ra chết. Có thể nói: Cái chết là quy luật tất yếu của đời người: con người sinh ra là bắt đầu tiến dần về cái chết. Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su cũng tiên báo về giờ chết
của riêng mỗi người và ngày tận thế chung của nhân loại. Vũ trụ có lúc khởi đầu thì cũng có ngày kết thúc. Sự sống
con người cũng sẽ kết thúc cùng một lúc với ngày tận thế chung của vũ trụ. Ngày ấy Đức Giêsu tiên báo sẽ đến cùng với những điềm báo là sự biến động
trên trời dưới đất. Mỗi người chúng ta tùy theo cách sống hiện tại cũng sẽ được sống
lại trong hạnh phúc thiên đàng hay trong nỗi bất hạnh hỏa ngục. Nếu chúng ta biết đi con đường hẹp, con đường
từ bỏ những thú vui tội lỗi bất chính để chu toàn bổn phận thì sự sống lại sẽ là hạnh phúc thiên đàng của
chúng ta. Ngược lại, chúng ta sẽ chịu
hình phạt hỏa ngục cùng với
ma quỷ khi chúng ta có lối sống buông thả theo các đam mê dục vọng, vô trách
nhiệm và thiếu tình người.
2) Cái chết
thường đến bất ngờ : Lời Chúa hôm
nay cũng nói đến sự bất ngờ như sau: “Anh em phải đề phòng, kẻo ngày
ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em” (Lc 21,34). Nơi
khác Chúa cũng nói: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày
nào Chúa của anh em đến... Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút
anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,42.44).
Nhưng không hoàn
toàn bất ngờ: Vì Chúa vẫn luôn thương
yêu chúng ta. Người hằng ban cho chúng ta những tín hiệu báo trước về
cái chết, để chúng ta kịp thời chuẩn bị. Mỗi khi chứng kiến một
người chết vì bệnh tật hay bị tai nạn xe cộ... là một tín hiệu Chúa
gửi tới để nhắc ta về cái chết của mỗi người chúng ta. Mỗi khi ta không
may bị trơn trượt té ngã … Khi phát hiện ra mấy sợi tóc bạc xuất hiện trên
đầu, khi một chiếc răng sâu phát đau phải đi nhổ, khi đôi mắt ngày càng
mờ dần phải đi cắt kiếng, tay chân bị thấp khớp sưng tấy lên khiến đi lại khó
khăn, hay một cơn đau tim nhẹ xuất hiện... là những tín hiệu cho thấy sức
khỏe chúng ta bắt đầu suy yếu và thần chết đang đến gần hơn ! Chúng ta không
nên bịt tai nhắm mắt trước những tín hiệu ấy, nhưng hãy tìm hiểu ý
nghĩa của nó và chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng đón chờ giờ chết đến bất
cứ lúc nào trong cuộc đời mình.
3)Chúng ta phải
làm gì?
- Phải canh
thức và đề phòng: Đừng để cho những đam
mê lạc thú bất chính, những nhu cầu của thể xác như cơm, áo, gạo,
tiền... chi phối chúng ta, làm cho chúng ta quên đi cùng đích cuộc đời
là được trở về Nhà Cha trên trời. Trong khi chờ đợi ngày ấy, chúng ta
cần phó thác cuộc sống trong tay Chúa Quan Phòng và ưu tiên tìm kiếm
Nước Trời như Lời Chúa phán: “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: Ta
sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây?” (Mt 6,31). Nhưng “trước hết hãy
tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người. Còn tất cả
những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
- Phải tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng (x. Lc 18,1): vì “tinh thần
thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn." (Mt 26,41). Tỉnh thức là không “chè chén say sưa”,nghĩa là không quá mê đắm hưởng
thụ các đam mê vật
chất đời này. Tỉnh thức là không “lo lắng sự đời”, không chỉ lo tìm kiếm những giá trị tạm thời là danh, lợi, thú,… mà phải biết chuẩn bị
cho đời sau bằng cách vươn hồn lên cao. Tỉnh thức là luôn “thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn” để đón Chúa đến bất cứ vào
lúc nào và để luôn trung tín với Chúa (x. Lc 12,35-48). Hãy luôn cầu nguyện và không
được nhàm chán hay nản chí (x. Lc 18,1). Cầu nguyện là biểu hiện đức
tin một cách mạnh mẽ và sống động. Khi cầu nguyện là chúng ta tự tách lìa mình khỏi các ràng buộc của thế giới vật chất để hướng tới những sự trên trời.
Nhất là cầu nguyện còn để xin ơn Chúa trợ
giúp, vì xác thịt
dễ bị các thú vui nhục dục lôi kéo. Chỉ khi được Chúa
giúp sức, chúng ta mới hy vọng sống siêu thóat, khỏi những quyến luyến lạc thú đời
này để vươn tới cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng đời
sau. Cụ thể, cầu nguyện là năng nhớ đến Chúa, dâng lên Người những lời nguyện
tắt kèm theo những việc cụ thể phục vụ tha nhân. Cầu nguyện còn là
năng đến nhà thờ dự lễ và rước lễ hằng ngày. Nhờ đó chúng ta sẽ có đủ
ơn thánh hoá của Chúa giúp nên hoàn thiện noi gương Chúa Cha trên trời hơn
(x. Mt 5,48).
- Phải sẵn sàng
đón chờ Chúa lại đến: Khi tổ chức mừng thọ 60,
70, 80 tuổi… chúng ta cần ý thức ngày giờ Chúa đến có thể đã gần bên cửa. Hãy
nhớ rằng khi chết, chúng ta không thể mang theo vàng bạc trần gian. Chỉ những
của cải thiêng liêng như các việc từ thiện bác ái và các đóng góp “làm cho danh
Cha cả sáng, Nước Cha trị đến” mới có giá trị trước tòa Chúa phán xét (x Mt 25,34-40).
Do đó ta cần phải cấp thời lo hòan thành những gì còn dở dang hoặc các công
trình văn hóa muốn lưu truyền cho con cháu. Ngòai ra các bậc làm cha mẹ hay các
vị có trách nhiệm lãnh đạo cộng đòan cũng cần phải làm di chúc. Cần liệu sao để
bản di chúc có giá trị pháp lý và ủy thác cho người có uy tín thi hành, hầu tránh
tình trạng tranh chấp chia rẽ nội bộ vì phân chia của cải không đồng đều giữa
các thành viên gia đình.
- Tin và sống
tình thương của Thiên Chúa: Thiên Chúa
không đến để trừng phạt, nhưng để xót thương và ban ơn cứu độ cho loài người
chúng ta. Tình yêu thương của Người sẽ đổ tràn trên những tâm hồn biết khiêm hạ
và xót thương, như thánh Phaolô đã viết như sau: “Xin Chúa cho tình thương của
anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết… Như
thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không
có gì đáng chê trách trước nhan Thiên Chúa trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta
quang lâm”.
4. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: 1) Khi vừa thức dậy, tôi quyết tâm sẽ dâng ngày mới cho Chúa
và noi gương thánh nữ Tê-rê-sa : “làm những việc bình thường bằng một
cách thức phi thường”. 2) Tôi sẽ năng dâng lời nguyện tắt: “Lạy Chúa
Giê-su. Xin dạy con yêu mến Chúa”.- “Lạy Chúa. Con xin làm việc này để cầu
cho (cha mẹ, con cái, anh em hay một tội nhân quen biết) được sớm nhận biết, ăn
năn trở lại cùng Chúa”.
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay Chúa dạy chúng con phải
sẵn sàng tỉnh thức và cầu nguyện chờ đợi ngày cánh chung hay giờ
chết của chúng con sẽ đến bất ngờ. Ngày nay những tiến bộ của khoa
học kỹ thuật và các sản phẩm kèm theo của nó thường là nguyên nhân phát
sinh lối sống ích kỷ: Người ta chỉ lo kiếm tiền để rồi sau đó lại chiều
theo các đam mê lạc thú bất chính. Chẳng mấy ai tỉnh thức nghĩ tới ngày
tận thế chung hay giờ chết riêng của mỗi người chắc chắn sẽ đến. Thật
hạnh phúc cho chúng con nếu khi Chúa đến, chúng con vẫn đang tỉnh thức
cầu nguyện và ở trong tư thế sẵn sàng đón chờ Chúa đến.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ)XIN
CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH - HHTM