ANH EM SẮP ĐƯỢC CỨU CHUỘC
(Lc 21, 25- 28. 34- 36)
1. Tóm Lược Ý Chính
Bài Đọc Một: Gr
33, 14- 16
Bài đọc
Cựu Ước hôm nay, ngôn sứ Giêrêmia đưa ra hai ý:
Thứ nhất: Lời
hứa của Thiên Chúa: Thiên Chúa sẽ thực hiện những điều tốt lành. Ngài sẽ cho mọc
lên một chồi non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đavít. Người sẽ trị nước
theo lẽ công minh chính trực. Thứ hai:
Niềm Hy Vọng: Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ được an cư lạc nghiệp.
Bài Đọc Hai: 1Tx
3, 12- 4, 2
Nơi
thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thexalonica, Thánh Phaolô cho ta ba điểm:
Thứ nhất: Lời
Nguyện: Xin Thiên Chúa ban cho tình thương của anh em ngày thêm đậm đà thắm thiết.
Thứ hai: Lời Hứa: Thiên Chúa sẽ ban
cho anh em bền tâm vững chí, trở nên thánh thiện, không có gì đáng trách trong
ngày Đức Giêsu quang lâm. Thứ ba: Lời
Khuyên Nhủ: Anh em đã được chúng tôi khuyên dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng
Thiên Chúa; vậy nhân danh Đức Giêsu, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới
nhiều hơn nữa.
Bài Đọc Tin Mừng: Lc
21, 25- 28. 34- 36
Bài đọc
Tin Mừng hôm nay chúng ta rút ra bốn ý chính:
Thứ nhất: Sẽ
có những điềm là trên mặt trời, mặt trăng, các vì sao, biển gào sóng thét và
làm cho con người phải run sợ. Thứ hai:
Con Người sẽ đến đầy quyền năng và vinh quang. Thứ ba: Khi những biến cố ấy
xảy ra, những ai đặt niềm tin vào Thiên Chúa sẽ đứng vững và đạt được ơn cứu độ.
Thứ tư: Hãy tỉnh thức và cầu nguyện,
đề phòng đừng để mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, vì lo lắng sự đời.
2. Suy Niệm
Hôm
nay, Giáo hội khởi đầu năm phụng vụ bằng Chúa nhật thứ nhất Mùa vọng. Có lẽ, chủ
hướng của Giáo hội muốn con cái mình khởi đầu cho một hành trình mới bằng hành
trang của hy vọng; Hy vọng vào một thế giới tươi đẹp hơn; hy vọng vào một Giáo
hội sống trung thành hơn với Lời Chúa; hy vọng tâm hồn mỗi người sẽ được biến đổi
để thật sự trở nên những đền thờ thiêng liêng xứng đáng nơi Chúa ngự; hy vọng mỗi
người sẽ đạt được ơn cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban.
Vậy
phụng vụ Lời Chúa hôm nay, chúng ta cùng nhau suy niệm hai ý:
a. Ơn Cứu Độ Mang Lại Cho Con Người Niềm
Hy Vọng
Trước
những biến động của đất trời, con người luôn cảm thấy khiếp sợ. Tuy nhiên, với những
ai đặt niềm tin vào Thiên Chúa thì đó là một niềm vui và hy vọng, vì biết rằng
Thiên Chúa sắp đến cứu độ con người. Quả thực, một khi đặt niềm tin vào ơn cứu
độ của Chúa sẽ mang lại cho con người niềm hy vọng, một niềm hy vọng vượt lên
trên sự sợ hãi và can đảm đón nhận thực tại cách bình thản. Trong Tông huấn Spe
Salvi, đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nói lên điểm này: “Sự cứu chuộc được trao ban qua việc ban tặng niềm hy vọng cho chúng ta,
một niềm hy vọng kiên vững nhờ đó chúng ta có thể đối mặt với thực tại: Chúng
ta có thể sống và đón nhận thực tại đầy cam go này, nếu chúng ta hướng nó đến một
mục đích và nếu chúng ta có thể ý thức về mục đích này” (Sp, số 1).
Chúa
Giêsu đến không phải gây nên sự hủy diệt hay đưa ra những cực hình man rợ. Đúng
hơn, Ngài đến là để mang lại cho con người ơn cứu độ. Trong bài đọc một, ngôn sứ
Giêrêmia nói lên một Thiên Chúa xót thương, luôn cứu thoát và mang lại cho dân
người sự an cư lạc nghiệp: “Trong những
ngày ấy, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ được an cư lạc nghiệp” (Gr
33, 16). Thánh Phaolô xác quyết: “Thiên
Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2, 4). Ý hướng
này, chúng ta gặp thấy nơi tư tưởng của đức giào hoàng Phanxicô khi nói về ơn cứu
độ của Đức Giêsu trong buổi đọc kinh Truyền tin vào thứ tư hằng tuần, ngày
26/8/2013: “Chúa Giêsu là cửa ngỏ của ơn
cứu độ. Cửa ngỏ của Chúa Giêsu không bao giờ đóng kín, mà luôn rộng mở cho tất
cả mọi người, không phân biệt một ai, không loại trừ một người nào, và cũng
không một đặc ân cho một ai”. Đó là những gì mang lại cho chúng ta niềm hy
vọng: hy vọng vì được Thiên Chúa tha thứ, được Ngài đi bước trước để mời gọi
chúng ta trở về với Ngài; hy vọng vì ngang qua cuộc đời tạm bợ này, chúng ta sẽ
bước vào cõi phúc viên mãn.
b. Yếu Tố Giúp Chúng Ta Sống Trong Hy Vọng:
Tỉnh Thức Và Cầu Nguyện
Ơn cứu
độ của Chúa không làm cho chúng ta trở nên thụ động, an phận và lười biếng. Những
hình thái này chỉ nói lên một con người thất vọng, thiếu hấp lực và khả năng
đón nhận ân sủng của Chúa.
Do
đó, để cuộc đời được thêu dệt bởi những chuỗi hy vọng, chúng ta cần tỉnh thức
và cầu nguyện; hai yếu tố này luôn song hành cùng nhau. Cầu nguyện là cánh cửa
mở ra để cho ân sủng Chúa đi vào và biến đổi cuộc đời nên thánh thiện, được bền
tâm vựng chí và không có gì đáng trách trong ngày Chúa Giêsu quang lâm (1Tx 3,
13). Đồng thời, cầu nguyện là tiếng chuông lay tỉnh lòng người để giúp họ rủ bỏ
những đam mê, vị kỷ hầu chỉ sống cho Chúa và tha nhân. Bởi vì, khi cầu nguyện,
chúng ta đặt Chúa làm tâm điểm cuộc đời, làm gia nghiệp và hướng đích cho hành
trình chứng nhân.
Như vậy,
cầu nguyện là con đường đi vào mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và là
cánh cửa mở ra với anh chị em. Chúng ta không thể nói tôi luôn bình an, sống
trong hy vọng và yêu thương anh chị em hết mực nếu thiếu vắng đời sống cầu nguyện;
Vắng bóng Thiên Chúa trong cuộc đời thì tất cả chỉ lá sáo rỗng, là hư vô. Có thể
nói, cầu nguyện là cán cân đo lường đời sống nội tâm, khả năng yêu thương và sự
bình an. Nói cách khác, cầu nguyện giúp chúng ta thức tỉnh để nhận ra đâu là
giá trị đích thực của cuộc sống, những gì là chân thật, cao quý, đáng mến, đem
lại danh thơm tiếng tốt và đức hạnh để Thiên Chúa là nguồn bình an luôn ở cùng
chúng ta (Pl 4, 8).
Lạy
Chúa là cội nguồn hy vọng, xin chiếu vào cuộc đời con ánh sáng tin yêu, sự thức
tỉnh và nhiệt tâm cầu nguyện để chúng con luôn sẵn sàng đón chờ Chúa đến trong
từng giây phút của cuộc đời. Amen.
Montfort Nguyễn Xuân Pháp. Ocist