Thiên Chúa Ba
Ngôi Bao Trùm Đời Sống Người Tín Hữu
Suy Niệm Lễ Chúa Ba Ngôi
Năm – C
(Mt 16, 12 - 15)
Ngày hôm nay, Phụng vụ Giáo hội mừng
kính trọng thể Một Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần.
Một bản thể duy nhất trong Ba Ngôi Vị. Thiên Chúa không phải là Ðấng đơn độc
nhưng là Ðấng thông hiệp trọn vẹn. Nhân loại là hình ảnh của Thiên Chúa luôn
tràn đầy tình yêu, là món quà thân yêu được ban tặng cho mỗi người. Chúng ta có
thể dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Ba Ngôi bao trùm cả đời sống chúng ta và
tôn thờ Ngài.
Bài giáo lý thuộc lòng
Thủa thiếu thời, trước khi bước vào Thánh lễ Chúa nhật, sau phần Kinh
Sáng Tối, mọi người lại cùng nhau cất lên : Bổn dạy những lẽ cần cho được rỗi
linh hồn. Phần thứ I… bắt gặp câu :
Hỏi. Có mấy sự mầu nhiệm rất cần phải tin cho được rỗi linh hồn?
Thưa. Có Ba Sự Mầu Nhiệm này : một là sự Đức Chúa Trời Ba Ngôi...
Lớn lên tôi mới hiểu đây là Một trong Ba Mầu Nhiệm phải tin cho được rỗi
linh hồn. Thảo nào, những câu hỏi mà người học ai cũng được hỏi và buộc phải trả
lời chính xác là :
Hỏi. Có nhiều Đức Chúa Trời chăng ?
Thưa. Có một Đức Chúa Trời mà thôi.
H. Đức Chúa Trời
có mấy Ngôi?
T. Đức Chúa Trời
có Ba Ngôi : Ngôi Nhất là Cha. Ngôi Hai là Con : Ngôi Ba là Thánh Thần.
H. Ngôi Nhất là Cha, có phải Đức Chúa Trời
chăng ?
T. Phải.
H. Ngôi Hai là Con, có phải Đức Chúa Trời chăng ?
T.Phải.
H.Ngôi Ba là Thánh Thần, có phải Đức Chúa Trời
chăng ?
T. Phải.
H. Nếu vậy có phải ba Đức Chúa Trời chăng ?
T. Chẳng có, vì Ba Ngôi cũng một tính, một phép, vậy
có một Đức Chúa Trời mà thôi.
H. Ba Ngôi, có Ngôi nào trước, Ngôi nào sau, Ngôi nào
hơn, Ngôi nào kém chăng ?
T. Ba Ngôi cũng bằng nhau. (Sách Bổn Địa Phận Hà Nội
tr. 11)
Điều thứ nhất. Đoạn thứ II. Phần I Sách Bổn nói trên là một bản tóm tắt tuyệt
vời đầy đủ, dễ hiểu về Thiên Chúa là thực thể duy nhất hiện hữu trong Ba Ngôi
Vị. Ba Ngôi bình đẳng, đồng tồn tại vĩnh cửu, tuy riêng biệt nhưng cùng một bản
thể và một uy quyền ngang nhau, nên Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa mà thôi.
Một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi
Khi bước vào khoa Thần học, tôi được dạy và đọc thấy các nhà thần học
suy tư về Một Thiên Chúa có Ba Ngôi. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Chúa
Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa
Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là Một
Thiên Chúa hòa quyện vào nhau một cách hoàn hảo trong Tình Yêu và hành động,
cùng tác động trên thế giới.
“Đức tin công
giáo là thế này, chúng ta thờ kính Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi, và Ba Ngôi
trong Một Thiên Chúa, mà không lẫn lộn các Ngôi Vị, không phân chia bản thể : thật vậy, Ngôi Cha là khác, Ngôi
Con là khác và Ngôi Thánh Thần là khác; nhưng thần tính, sự vinh quang ngang
nhau và uy quyền vĩnh cửu của Chúa Cha, của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần là
một”.
Các Ngôi vị thần
linh không thể tách rời nhau trong cùng một bản thể duy nhất, thì cũng không thể
tách rời nhau trong các hoạt động của mình. Nhưng trong hoạt động thần linh duy
nhất này, mỗi Ngôi vị hiện diện theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi, nhất
là trong các sứ vụ thần linh là việc Nhập Thể của Chúa Con và việc trao ban
Chúa Thánh Thần (GLHTCG số 266-267).
Ba Ngôi trong đời sống người tín hữu
Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta đều được ghi
Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Liền sau đó sẽ được thẩm vấn và
đòi buộc tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Câu hỏi sẽ là:
- Anh chị em có tin kính Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Dựng
nên trời đất không?
- Anh chị em có tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức
Chúa Cha… ?
- Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần… ? Câu trả lời cho cả
ba câu hỏi trên sẽ là, “Thưa có.”
Và cứ thế, hằng ngày, biết bao lần chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba
Ngôi, từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận
lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh,
trước cơn cám dỗ nguy hiểm … chúng ta đọc kinh Vinh Danh, kinh Sáng Danh, kinh
Tin Kính… nhất là chúng ta làm Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, cho
thấy toàn thể thân xác cũng như linh hồn ta, tất cả con người ta được thánh hiến
nhân danh Một Chúa Ba Ngôi và Thiên Chúa Ba Ngôi bao trùm toàn bộ đời sống ta.
Vậy, nhờ ân sủng của bí tích Rửa Tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần,
chúng ta được kêu gọi để tham dự vào sự sống của Ba Ngôi Diễm Phúc, “ở trần thế
này trong bóng tối của đức tin và sau khi chết trong ánh sáng vĩnh cửu” (GLHTCG
số 265). Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ