CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI
Mầu nhiệm Ba Ngôi là sự thật toàn vẹn
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 12-15)
Sắp tới giờ biệt ly, Chúa Giê-su khẳng
định với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều
phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh
em không có sức chịu nổi”. Một trong những
điều các môn đệ Chúa
và chúng
ta ngày nay “không có sức chịu nổi” chính là mầu
nhiệm của tất cả những gì Thiên Chúa Ba Ngôi làm cho nhân loại, điều Chúa
Giê-su gọi là “chân lý toàn vẹn”. Vậy
làm sao chúng ta có thể nắm bắt được chân lý toàn vẹn này? Chúa Giê-su trả lời: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn
anh em tới sự thật toàn vẹn”.
Với Thiên Chúa, sự thật lúc nào cũng
là sự thật toàn vẹn, vì Người là chính sự thật.
Nhưng đối với chúng ta, sự thật toàn vẹn của Thiên Chúa vượt quá tầm hiểu
biết của chúng ta, nên chúng ta không hiểu được trọn vẹn. Vì thế, chúng ta cần một sự giúp đỡ đặc biệt
của Thiên Chúa, đó là việc loan báo của Chúa Thánh Thần.
Trước hết chúng ta hãy xem sự thật
toàn vẹn là gì. Chúa Giê-su nói về sự thật
ấy như sau: “(Thánh Thần) sẽ lấy những
gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi
sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế,
Thầy đã nói: Người lấy những gì là của
Thầy mà loan báo cho anh em”. Như vậy, sự
thật toàn vẹn chính là “mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” và Chúa Thánh Thần
“lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”.
Đâu là ý nghĩa của “mọi sự Chúa Cha
có”, “những gì là của Thầy” và cách thức Chúa Thánh Thần “loan báo” cho chúng
ta? Mọi
sự Chúa Cha có là cách nói Chúa Giê-su diễn tả những việc làm của Thiên
Chúa Cha. Chúa Cha có kế hoạch tạo dựng
vũ trụ, nhất là dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Khi tổ tông loài người sa ngã, Chúa Cha lại
có kế hoạch tái tạo dựng, điều mà thánh Phao-lô gọi là “thiên ý nhiệm mầu và kế
hoạch yêu thương” (Ê-phê-xô 1:9), tức chương trình cứu độ để chuộc lại tội lỗi
chúng ta và phục hồi chức phận làm con cái Chúa của chúng ta. Những
gì là của Thầy là việc Chúa Giê-su đã và đang thực hiện kế hoạch tạo dựng
và tái tạo dựng của Chúa Cha. Đúng vậy,
nhờ Ngôi Lời mà mọi sự được tạo thành, khi Thiên Chúa “phán: hãy có…”
“Những gì là của Thầy” cũng có nghĩa là tất cả những điều Con Một đã thực
hiện khi Người được Chúa Cha sai xuống trần gian. Lời giảng và những phép lạ, nhất là cuộc
Thương Khó, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giê-su đều là những điều sẽ được
Chúa Thánh Thần “loan báo” cho chúng
ta. Tuy nhiên loan báo không chỉ được hiểu đơn giản như là thông tin, là cho biết,
mà là giúp chúng ta hiểu động lực và ý nghĩa của những kế hoạch của Chúa Cha,
hiểu mục đích sứ mệnh của Chúa Con. Tới
đây, chúng ta mới rõ tại sao Chúa Giê-su nói:
“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”.
Đúng thế, nếu Thánh Thần là động lực
Tình Yêu chưa đến, chúng ta sẽ không hiểu được “sự thật toàn vẹn” kia. Thánh Thần dạy chúng ta rằng vì yêu thương,
Chúa Cha mới tạo dựng và tái tạo dựng.
Vì yêu thương, Chúa Con mới giáng trần và thi hành sứ mệnh cứu độ. Nhờ Tình Yêu là Thánh Thần, chúng ta mới hiểu
được ý nghĩa của tất cả những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta, ý nghĩa của lời
tóm tắt sự thật toàn vẹn được nói đến trong Tin Mừng Gio-an: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”
(Gio-an 3:16).
Sống sứ điệp Tin Mừng
Sự thật toàn vẹn không chỉ là những điều
thuộc về phẩm tính siêu việt của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng sự thật ấy còn liên hệ đến chính chúng
ta, qua những gì Ba Ngôi làm cho chúng ta mà chúng ta không hiểu hoặc chưa xác
tín. Để hiểu ý nghĩa những gì Chúa làm
cho chúng ta, có khi nào chúng ta hỏi tại sao không? Câu trả lời duy nhất: Vì Chúa yêu thương chúng ta. Có lẽ hơn ai hết, tác giả Thánh Vịnh đã hiểu
được sự thật toàn vẹn này, nên bao lời ca tiếng hát vang lên qua hầu hết 150
thánh vịnh đều xoay quanh việc ca tụng và tạ ơn Thiên Chúa, “vì tình Chúa
thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm” (Tv
117:2), và “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 135). Vậy chúng ta sẽ làm gì khi được Thánh Thần
“loan báo” và dẫn tới sự thật toàn vẹn của Tình Yêu Thiên Chúa?
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi