KHAI MẠC SỨ VỤ

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, năm C

Lc 13, 15-16.21-22

Phụng vụ của lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa đã kết thúc việc cử hành và mừng lễ Giáng Sinh của Giáo Hội. Thánh lễ này dẫn chúng ta đến ngưỡng cửa của cuộc đời hoạt động công khai của Chúa Giêsu. Ngài khai mạc sứ vụ của Ngài bằng việc lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả trong dòng sông Giođăng. Việc đó nhắc nhở chúng ta rằng Chúa đến cứu độ nhân loại, cứu rỗi con người và giải thoát chúng ta.

Nhìn Chúa Giêsu, Đấng thánh thiện tuyệt đối, Đấng hoàn hảo mọi đàng, lại đứng xếp hàng với đoàn người tội lỗi để xin Gioan làm phép rửa sám hối cho mình. Đấng sẽ làm phép rửa cho mọi người bằng Thánh Thần và lửa, lại xin Gioan dìm mình xuống nước.Thật lạ kỳ, thật kỳ lạ ! Có lẽ chúng ta không khỏi suy nghĩ và đặt nhiều vấn nạn. Tuy nhiên, Đấng thánh, ba lần thánh lại khiêm nhượng xin được chịu phép rửa sám hối lại làm cho chúng ta càng ngưỡng mộ, khâm phục Ngài! Chúa Giêsu mở đầu sứ vụ bằng việc xin được dìm mình, mất hút, tự hủy và hoàn toàn khiêm hạ. Ngài hoàn toàn mất hút trước một Gioan đang tăm tiếng, được biết bao nhiêu người biết tới. Chúa khiêm hạ để liên đới với loài người. Ngài khiêm nhượng để đồng hành với lớp người đói nghèo, tội lỗi đang chờ đón nhận ơn cứu độ.Mầu nhiệm nhập thể cho hay Thiên Chúa tự hủy để nâng con người lên. Chúa làm người để hiểu con người.Lãnh nhận phép rửa cùng với nhiều tội nhân trong dòng sông Giođăng, Chúa Giêsu đã công bố sứ điệp :” Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng “. Chúa Giêsu đánh dấu bước khởi đầu cuộc đời dấn thân của Ngài và sứ vụ của Ngài sẽ viên mãn trong Hy tế Vượt qua và Phục sinh của Ngài. Thực sự, Chúa Giêsu đã sinh ra để chết.Nơi Hang đá Máng cỏ đã thấp thoáng bóng Thập giá. Chúa đến trần gian để vâng phục Chúa Cha và làm theo ý Chúa Cha. Chúa Giêsu đã hiếu thảo hoàn toàn với Thiên Chúa Cha. Ngài đã tự hiến chính mình trên Thập giá như của lễ hy sinh hoàn hảo nhất dâng lên Chúa Cha để cứu độ nhân loại và toàn thể thế giới.

Tin Mừng của thánh Luca giới thiệu Chúa Giêsu như đang trên một cuộc hành trình xuyên suốt tiến về Giêrusalem, thành phố thánh. Biến cố Chúa Giêsu được dâng mình trong đền thờ Giêrusalem, và Ông già Simêon nói tiên tri về trẻ nhỏ Giêsu vv…Biến cố Chúa Giêsu lên Giêrusalem lúc 12 tuổi.

Tất cả đều làm nổi bật ý nghĩa lễ Vượt Qua mà Chúa Giêsu sẽ cùng các môn đệ ăn lần cuối cùng ở nhà Tiệc Ly trước khi Ngài đi chịu nạn chịu chết để cứu độ con người, cứu rỗi loài người.

Tin Mừng cho hay, sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Ngài cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Ngài đi vào thâm sâu, thân mật với Chúa Cha  với tư cách Ngài là Con của Cha và rồi trời mở ra…Ngài được Thánh Thần tràn ngập, Ngài nghe tiếng Chúa Cha phán :” Đây là Con Ta yêu dấu, Con làm đẹp lòng Cha “ “ Con là Con của Cha. Hôm nay, Cha đã sinh ra Con “ ( Lc 13, 22 ). Thời gian ẩn dật ở Nadarét 30 năm đã chấm dứt. Ngài phải lên đường. Cuộc hành trình của Ngài rao giảng Tin Mừng và kết nạp các môn đệ đã bắt đầu. Biến cố, Chúa Giêsu chịu phép rửa để Ngài cảm thông với tội nhân, gắn bó với quê hương, dân tộc. Biến cố này được gắn liền với sứ vụ rao giảng của Ngài để với ơn Chúa Thánh Thần, Ngài luôn hiệp nhất với Chúa Cha, và yêu thương, giới thiệu Nước Thiên Chúa cho muôn người. Ngài đã rong ruổi khắp nơi, đã đến với mọi lớp người để băng bó, đem bình an cho họ.

Chúa Giêsu đã cho chúng ta tái sinh làm con Chúa và con của Giáo Hội qua bí tích rửa tội. Chúng ta có mau mắn lên đường loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa không ? Nhà thờ là Giêrusalem, nơi chúng ta hiệp dâng thánh lễ và lãnh nhận các phép Bí tích, chúng ta có làm tròn sứ mạng Thiên Chúa và Giáo Hội trao phó cho chúng ta không ?

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mở đầu sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng bằng việc kêu mời con người sám hối và tin vào chính Ngài. Xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con mạnh mẽ, can đảm loan báo Tin Mừng và dạy con người biết tin vào Chúa, lãnh nhận phép rửa và trở nên con cái Thiên Chúa, con cái của Giáo Hội. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao Chúa Giêsu lại xin Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho mình ?

2.Phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa của Gioan Tẩy Giả khác nhau thế nào ?

3.Chúa Giêsu đã kêu gọi gì khi khai mạc sứ vụ công khai của Ngài ?

4.chúa Giêsu khai mạc sứ vụ đầu tiên vào lúc bao nhiêu tuổi ?


Suy Niệm Lời Chúa Năm C