CHÚA NHẬT LỄ CHÚA CHỊU PHÉP RỬA

Người Con Yêu Dấu

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 3:15-16, 21-22)

          Phụng vụ mùa Thường niên đặt trọng tâm vào việc khai triển sứ mệnh và sứ điệp Tin Mừng của Chúa Giê-su.  Do đó, không gì thích hợp hơn là mở đầu mùa Thường niên bằng cách giới thiệu về Chúa Giê-su.  Ở đây chúng ta có hai lời giới thiệu, một là của ông Gio-an Tẩy Giả, đại diện cho hết mọi người nói lên sự cao trọng của người con của nhân loại, và một là của Cha Toàn Năng ở trên trời giới thiệu chính Con của Người như Con Yêu Dấu.  Những lời giới thiệu này rất quan trọng đối với chúng ta, bởi vì nếu có thực sự xác tín vào uy quyền và chức phận đích thực của Chúa Giê-su, chúng ta mới dễ dàng đón nhận và sống những điều Người giảng dạy cũng như noi theo gương mẫu của Người.

          Chúa Giê-su là con yêu dấu của nhân loại.  Chúa Giê-su được sai đến trần gian để thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Phác họa kế hoạch này, Thiên Chúa muốn ban cho nhân loại hình ảnh nguyên thủy của con người mà Chúa đã dựng nên từ đầu, đó là nguyên tổ A-đam trước khi phạm tội.  Khi ấy, A-đam sống trong ân nghĩa với Chúa, được giáp mặt với Người khi Người đi dạo trong vườn (Sáng Thế 3:8).  Sau khi A-đam thứ nhất bị đuổi ra khỏi vườn (3:23), nhân loại phải chờ đợi Chúa Giê-su đến để Người khôi phục lại hình ảnh nguyên thủy của con người đã mất đi vì tội lỗi.  Do đó, vai trò của Chúa Giê-su là làm A-đam Mới, được đặt làm hình ảnh gương mẫu cho mọi người cố gắng trở nên “đồng hình đồng dạng” với Người.  Thánh Phao-lô đã diễn tả chân lý này như sau:  “Vì những ai Thiên Chúa đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rô-ma 8:29).  Vì Chúa Giê-su chu toàn vai trò trưởng tử của nhân loại, nên trước mặt Thiên Chúa, Người chính là người con yêu dấu của nhân loại.  Ông Gio-an Tẩy Giả tuy không nói nhiều đến sứ mệnh của Chúa Giê-su, nhưng ông đề cao phẩm giá tuyệt đối của Người, bằng cách nói “tôi không đáng cởi quai dép cho Người”!

          Chúa Giê-su là Con Yêu Dấu của Chúa Cha.  Tình yêu luôn tin tưởng.  Vì yêu mến Chúa Cha, Chúa Giê-su đã “trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Phi-líp-phê 2:7).  Ngay bước đầu tiên của sứ mệnh cứu độ, Chúa Giê-su đã làm cho Chúa Cha hài lòng (Lu-ca 3:22) và được Chúa Cha “siêu tôn và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” rồi!  (Phi-líp-phê 2:9).  Mang danh là Con Yêu Dấu, Chúa Giê-su luôn sống trong tình yêu của Thiên Chúa.  Mà đã yêu mến Chúa Cha thì Người sẽ không bao giờ làm trái thánh ý Chúa Cha, “đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (2:8).  Qua những trang sách Tin Mừng, chúng ta rất thường thấy người Con Yêu Dấu này biểu lộ tình yêu đối với Cha Người trong cầu nguyện, giảng dạy và sự vâng phục.  Lời Chúa Cha phán “Con là Con yêu dấu của Cha” không chỉ là lời giới thiệu, mà còn là khẩu hiệu để Chúa Giê-su sống theo khẩu hiệu ấy trong mọi sự.  Thiết nghĩ từ giáo hoàng cho đến các giám mục và linh mục, có lẽ cả từng người giáo dân chúng ta nữa, đều cần có một “khẩu hiệu” (logo) để mà sống cuộc đời mình theo ý nghĩa của khẩu hiệu đó.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Hơn bao giờ hết, ngày nay chúng ta thấy tràn lan những danh hiệu.  Có biết bao nhiêu là danh hiệu “nhất thế giới”!  Nhưng làm sao có thể so sánh với danh hiệu của chúng ta: “Ki-tô hữu”?  Ki-tô hữu là có Chúa Ki-tô.  Có để mà bắt chước theo khuôn mẫu, chứ không phải để khoe mẽ.  Có để mà trở nên “đồng hình đồng dạng” với Chúa Ki-tô.  Muốn trở nên giống Chúa Ki-tô thì chúng ta phải để cho giáo lý Tin Mừng của Người uốn nắn và cắt tỉa chúng ta, nhờ đó chúng ta mới sinh hoa trái.  Cứu độ không phải là công việc đơn phương của Thiên Chúa hay của Chúa Giê-su, nhưng đòi hỏi sự cộng tác tích cực của mỗi người chúng ta.  Cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá không phải là giấy thông hành để chúng ta được về trời, nhưng là để biến đổi chúng ta từ thân phận kẻ thù của Thiên Chúa thành con cái Thiên Chúa, để từ đó chúng ta dần dần lấy lại hình ảnh người con yêu dấu của Thiên Chúa vậy!

              Lm. Đa-minh Trần đình Nhi 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C