TRỞ NÊN GIỐNG CHÚA ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG
CỨU ĐỘ
LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
(Is 42, 1-4. 6-7; Cv 10, 34-38; Lc
3, 15-16. 21-22)
Jos.
Vinc. Ngọc Biển
Người ta có kể một câu chuyện đầy cảm động
rằng: có một linh mục nọ, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục của một Giáo
phận truyền giáo với số giáo dân vỏn vẹn có vài ngàn người. Toàn Giáo phận duy
chỉ còn một linh mục già trên dưới 100 tuổi và một nữ tu cũng gần đất xa trời. Giáo
lý viên thì không có; các hội đoàn đã tan rã; nhà thờ không còn đáng là bao,
hoặc có còn thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng có lẽ giống như nhà hoang
thì đúng hơn, vì không có người chăm nom! Giáo dân gần như không được tham dự
thánh lễ vì lý do không có linh mục. Cuộc sống cứ thế trôi đi, khiến số tín hữu
thưa thớt này cũng không còn tha thiết với việc đi lễ, nhà thờ hay kinh hạt nữa...!
Đón nhận Giáo phận trong tình trạng xuống cấp
trầm trọng như thế, vị Giám mục này đã bắt tay vào việc:
Ưu tiên của ngài trước tiên là đào tạo nhân
sự, thiết lập các hội đoàn, khơi gợi lại tinh thần sống đạo. Tuy nhiên, điều mà
ngài phải làm ngay, đó là: chính ngài phải kinh qua tất cả những những vai trò
như: làm ca trưởng, giáo lý viên, ông từ kéo chuông, mở cửa nhà thờ và cất kinh,
làm các chú lễ sinh dọn lễ, người phu quét dọn nhà thờ...
Khi nghe thấy tin mong manh ở đâu có người Công
giáo, dù xa xôi hàng trăm kilômét, ngài cũng lặn lội tới thăm cho bằng được, để
an ủi, động viên, khích lệ và khơi gợi lên trong họ ngọn lửa của niềm tin...
Chính vì lối sống của ngài như vậy, mà chẳng
mấy chốc, giáo dân đến nhà thờ đông lên, đời sống đạo có phần khởi sắc, chương
trình giáo lý được gây dựng lại, các hội đoàn được tái lập, nhiều nhà thờ mới
mọc lên, có các bạn trẻ xin đi tu... tại vì họ thấy: “Ông này chơi được, vì ông ý giống Đức Giêsu”. Đây là lối nói thể
hiện lòng kính trọng, quý mến của người dân địa phương nơi đây.
Nhiều người đặt vấn đề: liệu có cần phải làm
như thế trong tư cách là một giám mục không? Câu trả lời là không! Nhưng vì
lòng mến Chúa, yêu quý các linh hồn và tha thiết với sứ vụ, nhất là ngài đã lựa
chọn con đường tự hủy, khiêm hạ, liên đới và cảm thông với con chiên của mình,
nên vì họ, mà ngài đành mất tất cả, chỉ cần được mối lợi tuyệt vời là Đức
Kitô và miễn sao Ngài được rao giảng (x. Pl 1,18)
Đời sống
của vị giám mục trong câu chuyện trên đã phản ánh phần nào đời sống của Đức
Giêsu, nhất là làm sống lại tinh thần của biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại
sông Giorđan khi xưa.
Thánh sử Luca trình thuật: để đánh dấu đời
sống công khai thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ, Đức Giêsu đã đến xin
ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa tại sông Giorđan.
Trước tiên, Ngài xin Gioan làm phép rửa cho
mình không phải là Ngài có tội như mọi phàm nhân, nhưng Ngài đến xin Gioan làm
phép rửa là nhằm thánh hóa dòng nước để thanh tẩy trong Bí tích Rửa Tội mà Ngài
sẽ thiết lập sau này.
Thứ đến, sự kiện này cho thấy: Đức Giêsu tiếp
nối giữa Giao ước cũ và Giao ước mới; tiếp nối giữa lời rao giảng của vị tiên
tri cuối cùng với lời loan báo của chính Ngài để thiết lập một triều đại mới,
triều đại của những người được cứu chuộc bằng chính giá máu của Đấng thiết lập
nên mình.
Mặt khác, Đức Giêsu hòa mình trong đoàn người
đó để nêu gương khiêm hạ cho mọi người. Vì thế, việc Ngài chịu phép rửa, không
phải cho Ngài, mà là cho chúng ta, vì chúng ta. Hình ảnh Ngài sáp nhập cùng
dòng người đến xin Gioan ban phép rửa cho thấy: từ nay, Đức Giêsu đứng về phía
người tội lỗi không phải để cổ võ họ phạm tội, mà là tìm cách đưa họ ra khỏi
con đường tội lỗi, tiến đi trên con đường thánh thiện, công chính để được cứu
chuộc.
Hơn nữa, hành vi của việc lãnh nhận phép rửa
nơi Đức Giêsu loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Ngài: dìm mình xuống
nước là biểu hiệu cái chết, trồi lên khỏi nước là loan báo sự sống lại.
Cuối cùng, Thiên Chúa mặc khải cho ta biết một
cuộc phong vương của Thiên Chúa Cha cho con Chí Ái của mình, để Ngài ra đi
thiết lập một vương quốc mới với thần dân là những người thuộc về Vị Vua hiền
lành, khiêm nhường, yêu thương và tha thứ...
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý
thức hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta cách nhưng không,
đó là hồng ân của Bí tích Rửa Tội.
Qua Bí tích này, chúng ta được trở nên con
Thiên Chúa, được thanh tẩy mọi tội lỗi, từ tội nguyên tổ cho đến những tội
riêng của chính mình. Do đó, chúng ta được dìm mình vào trong một khuôn đúc
mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh của Đức Kitô phục sinh. Kể từ đó,
chúng ta được gọi là Kitô hữu, trở nên “một
tạo vật mới” (2Cr 5,17), nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7), được thông
phần vào sự sống thần linh (x. 2Pr 1,4), trở nên người thừa kế của Đức Kitô (x.
Rm 8,17) và được gọi là đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 6,19).
Qua đó, chúng ta được mời gọi trở nên đồng
hình đồng dạng với Đức Kitô cách sống động khi sẵn sàng khước từ những điều
không phù hợp với giá trị Tin Mừng như thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em hãy
mặc lấy Đức Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa
mãn các dục vọng”(Rm 13,14).
Mặc lấy Đức Kitô là từ bỏ ý riêng, sống tinh thần tự hủy, chết đi cho tội lỗi,
để trở nên chính Ngài: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Vì thế: “Những người tin theo Đức Kitô được mệnh
danh là Kitô hữu, nghĩa là thuộc về Đức Kitô, nên họ đã và phải có một tâm tình
như Đức Kitô. Họ không sợ chết. Họ không sợ hình khổ. Họ không sợ bách hại. Bởi
vì họ đã đi cùng một đường với Chúa” (Tertullianô).
Như vậy, mỗi người Kitô hữu chúng ta khi đã
được gia nhập Giáo Hội, trở thành đoàn dân của những người tin Chúa, chúng ta có
trách nhiệm phản ánh chân thực bản chất của người Công Giáo là yêu thương, không
lấy oán báo ơn; không thù hằn ghen ghét, không phân biệt giai cấp, không coi rẻ
người nghèo, không khinh khi người có tội... sống công bằng không tham lam, bóc
lột, hối lộ, nêu cao gương bác ái, liên đới, sẻ chia, và nhất là sống và làm
chứng cho sự thật, bởi vì chúng ta thuộc về nước của Sự Thật.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con
biết mặc lấy sự khiêm nhường, liên đới của Chúa, để chúng con sống xứng đáng là
con của Cha trên trời, và là anh chị em với nhau nhờ được liên kết với Chúa là
đầu của Giáo Hội. Amen.