LÒNG THƯƠNG
XÓT NHẬP THỂ
Suy Niệm Lễ
Ban Ngày
(Ga 1, 1-18)
“Lòng Thương Xót
nhập thể”. Câu chủ đề trên lên cho chúng ta những câu hỏi: Con người là gì? Tại
sao Thiên Chúa làm người? Tại sao Thiên Chúa làm điều đó?
Con người là gì?
Có ý kiến cho
rằng: Con người là con vật thượng đẳng đã đạt tới chặng cuối cùng trong quá trình
tiến hóa ( Đác- Uyn). Ý kiến khác: Con người là cây sậy biết suy tư. Trước sự
bao la của vụ trụ, sức mạnh của thiên nhiên, thân phận con người chỉ như một
cây sậy, nhưng là một cây sậy có lý trí. Thiên nhiên có thể đè bẹp con người,
nhưng không biết mình thắng, ngược lại con người bị thiên nhiên quật ngã, nhưng
con người ý thức được mình thua. Những ý kiến đó không nói lên đầy đủ về phẩm
giá và định mệnh con người theo kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng sáng tạo con
người giống hình ảnh Chúa (x. St 1, 26).
Vì không biết
đầy đủ về giá trị con người nên nhiều kẻ sống không xứng đáng với phẩm giá của
mình, xúc phạm đến phẩm giá người khác một cách bất công và tàn bạo, quyền con
người bị tước đoạt, kể cả quyền sống, người nô lệ trở thành con vật trong tay
chủ nhân ông. Ngày nay chế độ nô lệ được bãi bỏ, nhưng cảnh người bóc lột người
vẫn tiếp diễn dưới nhiều hình thức khác nhau, mà nạn nhân luôn là kẻ yếu người
thua. Mãi đến năm 1948, Liên Hiệp Quốc mới công bố bản tuyên ngôn quốc tế nhân
quyền, trong đó nói : “Mọi người sinh ra
đều bình đẳng có quyền bất khả xâm phạm: như quyền sống, quyền cư trú, quyền
làm việc, quyền đi lại, quyền tự do tôn giáo…” Tuyên ngôn thì như thế,
nhưng trong thực tế thì nhân phẩm và nhân quyền luôn bị chà đạp ở nhiều nơi và
dưới nhiều hình thức.
Con người cần được Chúa xót
thương và giải cứu
Để cứu con người
ra khỏi tình trạng đó, Thiên Chúa đã thân hành xuống thế làm người nơi Đức
Giêsu mà hôm nay cả thế giới kỷ niệm ngày sinh nhật của Người. Trẻ Giêsu nằm
trong máng cỏ chưa biết đi biết nói, nhưng đã cho loài người một bài học nhân
sinh quan đầy đủ và sâu sắc nhất đúng theo kế hoạch của Thiên Chúa Tạo Hóa, kế
hoạch mà tội lỗi con người đã làm sai lệch đi.
Noel, Thiên Chúa làm người, đã đảm nhận lấy nơi mình thân phận con người với
mọi chi tiết đặc thù của nó, nghĩa là ở ngay từ một Hài Nhi bé bỏng đã mang đến cho chúng ta một lòng
thương xót không bao giờ vơi cạn, lòng thương xót đó chấp nhận bước vào cuộc
đời này trong một thân phận không thể thấp hèn hơn được nữa, để những ai trong
Đêm Giáng Sinh dù không có một mái nhà, dù đang đau khổ vì tình yêu bị phản
bội, bị con cái hắt hủi, thì nhìn vào mái ấm gia đình ở nơi hang đá vẫn cảm thấy trong cuộc đời này
có ai đó đồng cảm và thông cảm được với mình.
Chúa đã giáng
sinh làm con trẻ và sống đời thơ ấu để dạy cho ta biết trẻ em dù còn là thai
nhi trong dạ mẹ, cũng có một nhân phẩm như người lớn cần được tôn trọng, và kẻ
nào làm hư hỏng một trẻ em đó thì đáng chúc dữ và buộc cối đá vào cổ mà quăng
xuống biển còn hơn.
Noel, Thiên Chúa
làm người, đồng hóa mình với mọi người, để cứu độ con người. Nhưng con người
chỉ được cứu độ với điều kiện là có thiện tâm, như lời Thiên Thần hát mừng đêm
Giáng Sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên
trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2, 14). Thiện tâm là tin
nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ và hăng say thực hiện những điều Chúa truyền
dạy: Kính mến Thiên Chúa như Cha, yêu thương nhau như là anh em. Ngày nào con
người thực hiện được hai điểm đó, tình thương Chúa sẽ tràn ngập địa cầu, cảnh
thái bình sẽ xuất hiện trên mặt đất như lời các thiên thần cầu chúc đêm Chúa
Giáng Sinh.
Thiên Chúa đã làm người vì yêu và thương xót
Để trả lời cho câu hỏi tiếp theo được
đặt ra xuyên suốt hai ngàn năm lịch sử Kitô Giáo : Tại sao Thiên Chúa đã làm
người? Tại sao Thiên Chúa đã làm như vậy?
Thưa vì yêu
thương con người, tất cả vì yêu, tình yêu là lý do cuối cùng Thiên Chúa Nhập
Thể. Thánh sử Gioan đã xác nhận “Thiên
Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8.16). Tình Yêu này rõ ràng và trở nên cụ thể
trong toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu. Trong Mầu nhiệm Giáng Sinh, khi chiêm ngắm liên lỉ dung mạo
của Chúa Giêsu, chúng ta khám phá được rằng, lòng thương xót của Thiên Chúa là
chung kết và tối thượng “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta”;
“Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người
đã cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14) ban
cho những ai tiếp nhận Người “quyền trở
nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1,12).
Như thế, nơi Chúa Giêsu thành Nagiarét, Lòng
Thương Xót của Thiên Chúa Cha “Đấng đầy Lòng Nhân Hậu” (Eph 2,
4) trở nên sống động và rõ ràng (x.
Misericodiae Vultus số 1). Các cử chỉ của Chúa Giêsu đối với các tội nhân, người
nghèo, người bị đẩy ra bên lề, các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả
trong Người đều nói về lòng thương xót. Điều đã thúc đẩy Chúa Giêsu trong tất
cả những tình huống đó, không phải gì khác ngoài Lòng Thương Xót (x.
Misericodiae Vultus số11).
Trong Thông điệp
“Dives in misericordia” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết :“Tâm lý của
con người thời nay có vẻ như đang muốn chống lại một Thiên Chúa Giầu Lòng
Thương Xót hơn là trong quá khứ, và có khuynh hướng muốn gạt bỏ ý tưởng về Lòng
Thương Xót ra khỏi cuộc sống và ra khỏi con tim... Sự làm chủ trên trái đất…xem ra
có vẻ như không còn để không gian cho Lòng Thương Xót nữa”. Ngài tuyên bố: “Cần thiết phải công bố về Lòng Thương
Xót cho thế giới hôm nay”.
Năm Thánh, Đức Thánh
Cha Phanxicô mời gọi : “Giáo hội có sứ
mạng công bố về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa … muốn sống Năm Toàn
Xá này trong ánh sáng của Lời Chúa: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em
là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Đồng thời chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên
Chúa, thủ đắc Lòng Thương Xót ấy cho mình, và làm cho Lòng Thương Xót trở thành
lối sống riêng, sẽ trở nên có thể” (x. Misericodiae Vultus 12-13).
Lạy Chúa Giêsu,
Lòng Thương Xót của Chúa Cha, Hoàng tử của Hòa Bình, Ðấng Cứu Chuộc, đã giáng
sinh vì chúng con, xin hãy đồng hành với Giáo hội Chúa trên con đường đang mở
ra dẫn đưa Giáo hội bước đi trong Năm Thánh. Xin ban cho chúng con tình yêu, bình an và hạnh phúc,
nhất là lòng thương xót của Chúa Cha trên trời gửi tặng nhân loại nhân ngày
mừng Sinh nhật Chúa.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ
của Lòng Thương Xót, xin mở rộng lòng chúng con ra để Con Mẹ ngự vào, ngõ hầu tình
yêu, an bình và lòng thương của Người ngự trị trên toàn thế giới.
Lm.
Antôn Nguyễn Văn Độ