GIÁNG SINH THÁNH LỄ RẠNG ĐÔNG
Giáng Sinh biểu lộ Lòng Thương Xót
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 2:15-20)
Rạng đông được Phụng vụ của Giáo Hội sử
dụng trong cả hai biến cố quan trọng của lịch sử cứu độ: lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Điều ấy cũng dễ hiểu, vì hình ảnh rạng đông với
những tia nắng đầu tiên đã phá tan màn đêm
thật là thích hợp để nói lên ánh sáng cứu độ của Chúa Ki-tô đã bừng lên giữa trần
gian. Vậy rạng đông của ngày cứu độ,
ngày Thiên Chúa giáng trần, đã cho chúng ta thấy điều gì nếu không phải là Lòng
Thương Xót của Người? Trong Năm Thánh
ngoại thường này, suy niệm biến cố Giáng Sinh dưới ánh sáng Lòng Thương Xót quả
là điều ý nghĩa.
Trước hết chúng ta không thể bỏ qua khẳng
định của thánh Phao-lô qua bài đọc Tân Ước (Ti-tô 3:4-78): “Thiên Chúa… đã cứu chúng ta, không phải vì
chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương xót”. Lòng Thương Xót cho chúng ta được tái sinh làm con Chúa, để được đầy Thánh
Thần và nhờ ân sủng của Đức Ki-tô được thừa hưởng sự sống đời đời. Còn ngôn sứ I-sai-a, trong bài đọc thứ nhất,
diễn tả lời Thiên Chúa hứa rằng Lòng Thương Xót sẽ đổi mới thân phận dân Chúa thành “dân thánh, những người được Đức
Chúa cứu chuộc, cô gái đắt chồng và Thành không bị bỏ”.
Nhưng đặc biệt nhất là bài Tin Mừng. Các người chăn chiên đã nghe đạo binh thiên
quốc và sứ thần cất tiếng hát: “Vinh
danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lu-ca
2:13-14). Rồi họ đã cùng đi Bê-lem để
chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được biểu lộ sống động qua biến cố
Giáng Sinh. Nơi Hài Nhi đặt nằm trong
máng cỏ, Thiên Chúa đã tỏ ra Lòng Thương Xót đối với nhân loại. Tình Yêu và Lòng Thương Xót không còn là những
mỹ từ trừu tượng nữa, nhưng đã “trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”
(Gio-an 1:14)! Hoặc theo lối nói của
thánh sử Gio-an, chúng ta có thể “sờ” hay chạm tới lòng thương xót của Thiên
Chúa. Các người chăn chiên là những người
cùng khốn thời ấy. Họ là đối tượng của
Lòng Thương Xót và Thiên Chúa đã tỏ ơn cứu độ ra cho họ, giống như một gương mẫu
tỏ ra ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.
Phải, tất cả chúng ta là những kẻ tội lỗi cùng khốn (miser) cần được
trái tim Thiên Chúa xót thương (cor).
Nói khác đi, qua những người chăn chiên, Thiên Chúa đã cho chúng ta thấy
lòng thương xót (misericordia) của Người.
Chiêm ngưỡng Hài Nhi, tức Lòng Thương Xót bằng da bằng thịt, đã gây ấn
tượng thật sâu xa nơi các người chăn chiên, đến nỗi khi họ kể lại cảm nghiệm điều
họ đã được nghe nói về Hài Nhi này thì “tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên”. Lại nữa, việc chiêm ngưỡng ấy đã biến đổi những
người chăn chiên cùng khổ này, vì họ ra về “vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên
Chúa”.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Trong Tông sắc công bố Năm Thánh ngoại
thường về Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng hai từ đầu tiên của
tông sắc là Misericordiae vultus
(Khuôn mặt của lòng Thương Xót) để nói về Chúa Giê-su Ki-tô. Từ một Hài Nhi cho đến bác thợ mộc Na-da-rét,
rồi người thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, sau cùng là tử tội chết trên thập
giá, Chúa Giê-su luôn chiếu tỏa Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua lời nói và
việc làm. Tất cả cuộc đời Chúa Giê-su là
những cuốn sách Tin Mừng ghi lại sinh hoạt Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã giới thiệu với chúng ta một
số đoạn Tin Mừng tiêu biểu giúp chúng ta đào sâu những suy niệm về Đấng “chạnh
lòng thương” và chiêm ngưỡng Khuôn mặt của Lòng Thương Xót. Thí dụ, Chúa làm phép lạ hóa bánh và cá ra
nhiều, cho con trai bà góa thành Na-in được sống lại, chữa người bị quỷ ám tại
Gê-ra-xa…, đặc biệt nhất là những dụ ngôn trong chương 15 Tin Mừng Lu-ca: con chiên lạc, đồng bạc bị mất và người con
hoang đàng. Để nhắc nhở chúng ta phải tập
sống “nhân hậu như Cha trên trời là Đấng nhân hậu”, Đức Thánh Cha đã lấy dụ
ngôn tên đầy tớ không tha thứ như một nhắc nhở thực hành lòng thương xót của
chúng ta đối với anh chị em. Vậy Năm
Thánh này, chúng ta hãy sánh bước với Chúa Giê-su, khởi đi từ Hài Nhi giáng sinh
cho đến Phục Sinh vinh hiển của Lòng Thương Xót! Lm. Đa-minh Trần đình Nhi