ĐƯỜNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
CHÚA NHẬT LỄ LÁ, NĂM C
(Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14—23,56)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Hôm nay, phụng vụ Giáo
Hội chính thức bước vào Tuần Thánh với biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem,
khởi đầu hành trình thương khó trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Cuộc thương khó của
Chúa Giêsu là một nghịch lý, ô nhục, điên rồ với người Do thái, là nỗi thất vọng
cho các môn đệ và nhiều người... Tuy nhiên, con đường bất thường này lại làm lộ
hiện dung mạo, khuôn mặt, tâm tư và lòng dạ thương xót phi thường của Thiên
Chúa ngang qua con người, sứ vụ và nhất là cuộc thương khó của Chúa Giêsu.
Muốn hiểu thêm về cuộc
thương khó, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nơi các đối tượng, động lực, hành vi của
những kẻ gây nên cái chết bi thương cho Người Công Chính, để thấy được mục đích
gian ác của con người thời đó và chương trình yêu thương của Thiên Chúa cũng
như sự liên hệ của chúng ta trong mầu nhiệm cứu chuộc hôm nay.
Những kẻ gây nên cái
chết cho Chúa Giêsu chính là những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Họ là những
Luật Sĩ, Thượng Tế và Pharisêu. Những con người này có mối thù sâu sắc với Chúa
Giêsu, nên quyết không đội trời chung với Ngài!
Những mâu thuẫn được khởi
đi từ chuyện Chúa Giêsu vạch trần lối sống giả hình, kiêu ngạo, ích kỷ, dã tâm
nơi giới lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Đây là điều mà họ cảm thấy bất lợi và
có nguy cơ bại lộ lối sống giả nhân giả nghĩa theo kiểu: dùng phương tiện xấu để
biện minh cho mục đích tốt!
Chúa Giêsu đã không chấp
nhận, vì thế, họ đã quyết loại trừ Ngài ra khỏi xã hội của họ bằng cái chết.
Tuy nhiên, điều mà họ
muốn thì chính bản thân họ hay dân tộc họ không thể làm được, bởi lẽ, dân
Dothái đang bị đô hộ bởi Đế quốc Rôma, vì thế, muốn giết Chúa Giêsu, họ phải mượn
tay của Đế quốc, mà người đại diện là Philatô!
Bản án mà họ trình lên
quan Tổng trấn để xin ông xét xử, đó là tội: khi quân, phản loạn, sách động dân
chúng, lật đổ chế độ, rồi tự xưng mình là vua...!!!
Với ngần ấy cái “mũ”
mà họ chụp lên đầu Chúa Giêsu, chắc chắn cuộc thương khó sẽ xảy ra và cái chết
là kết cục cho Ngài!
Để thuận lợi, giới
lãnh đạo tôn giáo đã âm thầm đề nghị Giuđa, một người trong nhóm môn đệ của
Chúa Giêsu là nội gián, tiếp tay từ bên trong. Quả thật, Giuđa đã nhận lời và
chấp nhận trở thành nội thù khi bán Thầy với giá 30 đồng bạc qua dấu chỉ một
cái hôn.
Ôi một sự chua xót và
đau đớn vô cùng, bởi lẽ, nụ hôn là biểu lộ của tình yêu. Yêu ai thì mới trao
cho nhau nụ hôn, ai ngờ nụ hôn của trò với Thầy lại là dấu chỉ đẩy Thầy vào chỗ
chết!!!
Khi đã được Giuđa chỉ
điểm và cho dấu hiệu, họ đã bắt Chúa Giêsu và trao nộp cho Philatô. Từ đây,
Philatô cũng là những người có can hệ đến cuộc thương khó của Chúa Giêsu, bởi
vì ông là người đại diện cho luật pháp, có trách nhiệm cầm cân nảy mực... Thế
nhưng, thay vì làm việc mang tính công minh chính đại, ông lại bị sức ép từ
phía dân chúng, sợ mất chức, mất quyền... nên đã phủi tay, không còn can đảm nghe
theo tiếng Lương Tâm để bênh vực Người Công Chính, bảo vệ lẽ công bằng và đứng
về phía người vô tội.
Thế là bản án tử hình
được trao tặng cho Chúa Giêsu.
Như vậy, nguyên nhân dẫn
đến hành vi phạm tội của những người can dự vào cuộc thương khó Chúa Giêsu
chính là: kiêu ngạo, hèn nhát, gian dối, tham lam và sợ hãi...
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng
lại ở đây, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ rằng: Thiên Chúa đã thất bại trước sự ác của
con người! Công chính, công lý và sự thật đã nhường bước cho sự ác lên ngôi và
lộng hành... Không! Chính lúc Con Thiên Chúa bị treo trên thập giá, ấy là lúc
Thiên Chúa đang biểu lộ quyền năng và lòng thương xót của Người rõ nét hơn bao
giờ hết!
Như đã nói: cuộc
thương khó của Chúa Giêsu là một cuộc thương khó vô cùng nghịch lý, nhưng nó lại
hợp lý đối với lòng dạ Thiên Chúa, bởi vì: “Thiên
Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 16).
Quả thật, vì yêu, Người
đã chấp nhận trao ban Con Một của mình cho nhân loại. Vì yêu, Chúa Giêsu đã xuống
thế làm người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, để cứu chuộc chúng ta. Vì yêu,
Chúa Giêsu đã một đời rao giảng lời Tình Yêu; Lời Hằng Sống; Lời Cứu Chuộc. Vì
yêu, Ngài đã chữa lành và giải thoát con người khỏi bệnh tật phần xác, giải
phóng cảnh nô lệ phần hồn.
Đỉnh cao của con đường thương xót, ấy là: Thiên Chúa muốn Con
của Người đón nhận cái chết đau thương để giải thoát nhân loại cách toàn diện.
Chúa Giêsu đã đón nhận con đường thương xót ấy trong tâm tình vâng phục và yêu
mến, để lòng dạ xót thương của Thiên Chúa được lộ hiện...
Như vậy, qua cái chết của Chúa Giêsu hoàn toàn không phải là sự
thất bại, nhưng là sự chiến thắng. Chiến thắng trong và do lòng thương xót của
Thiên Chúa.
Qua cuộc khổ nạn của
Chúa Giêsu, chúng ta hãy dừng lại để suy tư về hành trình theo Chúa của mỗi người
chúng ta:
Bấy lâu nay, chúng ta
đi theo Chúa trên con đường nào?
Trên con đường thương
xót hay hận thù? Yêu thương hay ích kỷ? Hướng tha hay vụ lợi? Sứ vụ hay danh vọng?
Làm một cuộc cật vấn
Lương Tâm như thế để thấy rõ con người thật của chính mình..., bởi vì có biết
bao nhiêu mục đích, lựa chọn khác nhau như:
Có nhiều người theo
Chúa như những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Họ là những người Công Giáo,
thường xuyên đi lễ, nhà thờ, luôn tỏ vẻ đạo đức, nhưng thực ra những điều đó chỉ
là bình phong cho một ý đồ đen tối, để khi thuận tiện, sẵn sàng làm hại Giáo Hội,
coi rẻ Lương Tâm, bán đứng anh chị em mình... Sẵn sàng trở thành nội gián để tiếp
tay cho những kẻ chống phá Giáo Hội! Những người này theo Chúa không phải vì
yêu mến, kính trọng hay phần rỗi, nhưng theo Chúa để tìm dịp thuận tiện nộp Ngài,
chẳng khác gì Giuđa!
Có những người theo
Chúa, nhưng theo xa xa, theo nửa vời. Họ như dân Dothái xưa: khi hay thì vỗ tay
vào, đến khi hoạn nạn thì rời nhau ra... Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn
còn đó những kẻ theo khi thuận tiện, những lúc khó khăn là rút lui... Không những
thế, việc trối bỏ đức tin ngang qua những lựa chọn bất chính là điều dễ dàng xảy
ra đối với những người này...
Cũng không thiếu những
người theo Chúa như Philatô, họ theo vì nhu cầu lợi lộc, thực dụng. Vì thế, họ
sống theo kiểu: “Sợ tiếng chửi và ăn mày
tiếng khen”. Nếu vì Chúa mà ảnh hưởng đến cuộc sống, sự nghiệp, chức quyền...là
họ “rửa tay” như Philatô.
Mong sao, ngày càng có
nhiều người Kitô hữu theo Chúa như Đức Mẹ, thánh Gioan, bà Verônica, ông Simong,
hay như một số phụ nữ... Các ngài theo vì lòng yêu mến, hiệp thông, để cảm, để
thấu và muốn được cùng Thầy trở thành chứng nhân của lòng thương xót.
Lạy Chúa Giêsu, khi
nghe bài Thương Khó hôn nay, xin cho chúng con không chỉ dừng lại ở sự xót xa nơi
những lời vu khống không thương tiếc, những
lằn roi tê tái, những lời nhục mạ bỉ ổi và những nhát đinh chết người mà
con người dành cho Chúa!
Nhưng điều quan trọng,
xin Chúa ban cho chúng con biết sống sứ điệp của Chúa ngang qua cuộc thương
khó, để ước gì thế giới này được chan chứa tình yêu và hy vọng qua cuộc sống chứng
nhân của chúng con. Amen.