„Này là Mình Ta. Này là Máu Ta“
Suy niệm Lễ Mình Máu
Thánh Chúa
( Lc 9, 11b-17)
Thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ
Phục sinh, Giáo hội cử hành lễ của Chúa, kính Mình Máu Thánh Chúa. Liền sau lễ
là kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên đường trải thảm,
có các em rắc hoa, vừa đi vừa hát : « Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo,
mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê » (Ca nhập lễ - lời của thánh
Tôma Aquinô). Để loan truyền cho
mọi người biết rằng : Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể
và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới.
Khởi đi từ một thị kiến, nữ tu Juliena de
Mont-Cornillon được Chúa cho biết, hàng năm phải cử hành lễ Mình Máu Thánh Chúa
và tôn sùng Mình Máu Thánh Chúa trên bàn thờ. Vì thế, lễ này được cử hành lần đầu
tiên tại Liège vào năm 1247. Đến ngày 11 tháng 8 năm năm 1264, Đức Giáo hoàng Urbainô IV thiết lập và truyền phải cử hành
trọng thể việc tôn sùng Bí tích Mình Thánh, nhằm nhắc lại việc cử hành đầy ý nghĩa trong Bữa Tiệc Ly của Chúa, giúp các tín hữu sống
lại bầu khí trang nghiêm ấy với lòng biết ơn Thiên Chúa Cha cách sâu xa, có lúc
dừng lại trong thinh lặng trước mầu nhiệm Ðức Tin để chiêm ngắm sự cao cả của
Bí Tích vô cùng cao quí với trọn con người và tình thương của Chúa Giêsu.
Cử hành Thánh Thể
Giáo hội công khai cách long trọng
Bí tích Mình và Máu Thánh Chúa, mầu nhiệm được thiết lập trong bữa Tiệc Ly và hằng
năm được tưởng nhớ vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, nay được biểu lộ cho hết mọi
người, bởi đức tin sốt mến và lòng sùng kính của cộng đoàn.
Trên Bàn thờ
Chúa, chúng ta đã thấy tận mắt Bánh và Rượu được truyền phép. Nhưng cần phải
được soi sáng, chúng ta mới nhận biết và tin rằng Bánh chính là Mình Chúa Kitô
và Rượu là Máu Chúa Kitô. Thật không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết niềm
tin của chúng ta : Làm sao Bánh và Rượu lại có thể là Mình Máu Chúa Kitô
được ?
Chúng ta tin Chúa Giêsu hiện diện thực
sự trong Bí Tích Mình Thánh. Bánh thánh trở thành Bí tích cần thiết để nuôi dưỡng
linh hồn chúng ta, dẫn chúng ta trên đường về về với Chúa!
Giáo hội quả quyết rằng : Chúa
Giêsu hiện diện thật sự giữa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải
tôn thờ. Tấm Bánh truyền phép được đặt trước mặt chúng ta nói về quyền năng vô
cùng của tình yêu được bộc lộ trên Thánh Giá vinh hiển. Bánh Thánh nói cho
chúng ta về sự hạ mình khó tin của Đấng đã biến mình, hiện diện khiêm tốn dưới
hình bánh và hình rượu.
Theo thánh Tôma Aquinô : Con độc
nhất của Thiên Chúa muốn cho chúng ta thông phần vào thiên tính của Chúa, đã
làm người. Để cứu chuộc chúng ta, Người đã đổ máu mình ra rửa chúng ta sạch
muôn vàn tội lỗi, giao hòa chúng ta với Chúa Cha trên bàn thờ Thập Giá.
Đây không phải là máu chiên, bò,
nhưng là Máu Châu Báu của Chúa Kitô, Thiên Chúa thật. Bánh và Rượu trở nên Chúa
Kitô, Con Thiên Chúa làm người. Bí tích Thánh Thể là Tình Yêu tột đỉnh của Người
đối với chúng ta : « Đang khi họ
ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà
phán: « Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta » Rồi Người cầm lấy chén,
tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: "Này
là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người » (Mc 14, 22-24).
Thánh Gioan Kim Khẩu nói : « Anh
em hãy để tâm suy nghĩ về vinh dự khi anh em được cất nhắc lên đồng bàn tham dự
tiệc thánh. Điều mà các thiên thần run sợ khi chiêm ngắm Ánh Huy Hoàng chói lọi,
Đức Kitô lại ban cho chúng ta làm của ăn, bằng mọi cách, Người lấy chính máu
mình nuôi dưỡng chúng ta, Người kết hợp chúng ta với Người, để chúng ta được hợp
cùng Đức Kitô và hiệp nhất cùng nhau như một thân mình và một xác vậy ».
(Thánh Gioan Kim Khẩu)
Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh về lòng nhân ái
của Thiên Chúa đối với chúng ta : « Chúa Kitô tháp nhập vào mỗi
tín hữu nhờ Bí tích này. Những kẻ Người đã sinh ra thì Người nuôi dưỡng bằng
chính bản thân Ngài, qua Bí tích Thánh Thể, Người làm cho ta vững tin rằng Người
đã mang lấy chính xác thân của ta ». Người tan biến trong chúng ta,
« làm một với chúng ta, làm cho chúng ta trở nên thân mình của Ngài »
(Thánh Gioan Kim Khẩu).
Việc biến đổi Bánh và Rượu thành Mình và Máu
Chúa Kitô, là nguyên tắc cho việc thần thiêng hoá tạo vật. Vì thế, lễ kính Mình
và Máu Thánh Chúa Kitô có đặc điểm hết sức riêng biệt là rước kiệu Mình Thánh
Chúa.
Rước kiệu
Mình Thánh Chúa
Sau lễ này, Giáo hội kiệu Mình Thánh Chúa và đưa Chúa ra khỏi
nhà thờ, tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào
trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà của Chúa, đường đời ta là đường của
Chúa, xin Chúa hiện diện hằng ngày trong đời sống chúng ta! Có Chúa Giêsu là Bánh
ban sự sống, Bánh của các thiên thần, Bánh của của kẻ hành hương cùng đi, chúng
ta sẽ không cô đơn.
Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, ngụ ý rằng
Chúa Giêsu là « Mặt Trời » :
Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ « mặt nhật »)
Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho
lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.
Các em bé rắc hoa trên đường nhắc lại cuộc rước Chúa Giêsu vào
Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.
Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất
cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người già và trẻ;
những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc rước kiệu
này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.
Lạy Chúa Giêsu đang ngự trong phép Mình Thánh, là Bánh đích thực
nuôi dưỡng chúng con trên mặt đất này, xin hướng dẫn chúng con đến bàn tiệc
trên Trời, trong vinh quang các thánh của Chúa, có Mẹ Maria là Mẹ chúng con.
Amen.
Lm.
Antôn Nguyễn Văn Độ