ĐỨC GIÊSU HÓA BÁNH RA NHIỀU
(Luca 9,11b-17 – Mình Máu Thánh -
C)
1.- Ngữ cảnh
Truyện
này được đặt vào ngay sau phân đoạn nói về việc Đức Giêsu sai phái Nhóm Mười
Hai đi rao giảng (các ông ra đi: 9,1-6; tiểu vương Hêrôđê thắc mắc về Đức
Giêsu: 9,7-9; các tông đồ đã đi rao giảng về tường thuật của Đức Giêsu những
việc đã làm: 9,10-11) và trước lời tuyên xưng đức tin của Phêrô (9,18-21) cũng
như lời tiên báo Thương Khó lần thứ nhất cùng với các điều kiện của đời môn đệ
(9,22-16).
Riêng
truyện hóa bánh ra nhiều trong TM Lc
(9,12-17) thì tương ứng với Mc
6,30-44 và Mt 14,13-21. Tác phẩm Lc không có bản văn tương ứng với truyện
hóa bánh ra nhiều lần hai ở Mc 8,1-10
và Mt 15,32-39; do đó, bề ngoài bản
văn Lc giống với Ga bởi vì Ga cũng chỉ có
một bài tường thuật về nhân bánh và cá (Ga 6,1-15).
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành bốn phần:
1) Sứ vụ của Đức Giêsu (9,11b);
2) Các môn đệ nhận định về vấn đề (9,12);
3)
Đức Giêsu đáp trả (9,13-16):
a)
lệnh thứ nhất cho Nhóm Mười Hai (c. 13),
b)
lệnh thứ hai cho Nhóm Mười Hai (cc. 14-15),
c)
một hành động của Người (c. 16);
4)
Kết quả (9,17).
3.- Vài điểm chú giải
- nói
với họ về Nước Thiên Chúa (11): hoặc “tiếp tục nói với họ”, vì
động từ ở thì vị-hoàn (imperfect). Tác giả Lc
đã sửa Mc 6,34 (“nhiều điều”) thành
“về Nước Thiên Chúa”. Rõ ràng Lc muốn
nối phép lạ sắp kể với lời rao giảng của
Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa.
-
Nhóm Mười Hai (12): Trong bản văn song song, Mt 14,15 và Mc 6,35 nói
đến “các môn đệ” (hoi mathêtai). Đối với Lc, Nhóm Mười Hai tượng trưng sự nối tiếp với Israel. Trong Cv 1, con số mười hai phải được bổ sung
sau khi Giuđa chết, để Nhóm Mười Hai đã được tái lập như thế, có thể đón nhận
ân huệ đã được Thiên Chúa hứa ban là Thánh Thần và bắt đầu đi làm chứng. Tác
giả Lc là tác giả duy nhất nối kết
Nhóm Mười Hai với danh hiệu “tông đồ” ở 6,13 (x. Mt 10,2). Đọc Cv 1,21-22,
ta thấy Phêrô xác định rằng người thay thế Giuđa phải đã cùng đi với Đức Giêsu
kể từ khi Người được Gioan ban phép rửa đền khi Người lên trời, và như thế, trở
thành chứng nhân về cuộc Phục Sinh của Người. Như vậy, đối với Lc, Nhóm Mười Hai trở thành dây liên kết
nối tiếp lời loan báo của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa với lời Giáo Hội rao
giảng Lời Chúa.
-
Chính anh em hãy cho họ ăn (13): Những lời Đức Giêsu nói có thể gợi
đến 2 V 4,42-44: ở đây, một người từ
Baan Salisa mang đến biếu ngôn sứ Êlisa hai mươi chiếc bánh lúa mạch và cốm. Vị
ngôn sứ bảo tiểu đồng: “Phát cho người ta ăn”. Tiểu đồng phản đối: “Có bằng
này, sao con có thể phát cho cả trăm người ăn được?”; vị ngôn sứ đáp bằng cách
nhắc lại lời của Đức Chúa (Yhwh):
“Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư”. Nếu gợi ý này quả thực có trong các TMNL, thì hẳn là nó có hàm ý là Đức
Giêsu đóng vai trò ngôn sứ khi hóa bánh ra nhiều.
- Đức
Giêsu cầm lấy (16): Năm hành động của Đức Giêsu được diễn tả bằng những động
từ lấy nguyên văn từ Mc 6,41 (x. Mt 14,18): cầm lấy (labôn),
ngước mắt lên trời (anablepsas eis ton ouranon), dâng lời chúc
tụng chúng (eulogêsen autous), bẻ ra (kateklasen),
trao cho (edidou).
Mt 14,18 cũng nói đến năm hành
động ấy nhưng ở những dạng khác. Trong Bữa tối cuối cùng theo Mc 14,22 (x. Mt 26,26), có bốn hành động được nhắc lại: cầm lấy, chúc tụng, bẻ
ra, trao cho. Ở Lc 22,19, cũng xuất
hiện bốn động từ, nhưng eulogêsas (chúc tụng) được thay thế bằng eucharistêsas
(tạ ơn). Ở Lc 24,30, có ba động từ,
nhưng edidou được thay thế bằng epedidou (= ban tự ý; ban làm của
hồi môn). Trong bài tường thuật cuộc nhân bánh lần hai (Mc 8,6; Mt 15,36; x. 1 Cr 11,24) cũng có những động từ tương
tự. Những bản văn dùng eucharistêsas (tạ ơn) phải được coi như là phản
ánh một đợt muộn hơn trong truyền thống về Bí tích Thánh Thể (eucharistia).
So với Mc 6,41, động từ này đứng một mình, nên rất có thể có nghĩa
là “chúc tụng Thiên Chúa”. Khi gắn đại từ “chúng” (= bánh và cá) vào lời chúc
tụng và việc bẻ bánh, tác giả cho hiểu rằng hai hành vi này chính là nguyên
nhân đưa tới việc hóa bánh ra nhiều.
-
ngước mắt lên trời (16): Đây là một thuật ngữ của Cựu Ước, thường có ở trong Bản
LXX (St 15,5; Đnl 4,19; G 22,26; 2 Mcb 7,28).
-
bẻ ra (16): Các TMNL không bao
giờ nói rằng Đức Giêsu đã “nhân” bánh ra nhiều. Ta suy ra phương diện phép lạ
từ con số những người ăn và những gì còn sót lại, từ khối lượng nhỏ bé lúc khởi
đầu.
- ai
nấy được no nê (17): Lc dùng echortasthêsan
là động từ của Mc 6,42. Ngài cũng
dùng động từ này trong Mối phúc 6,21 (x. 15,16; 16,21). Trong Bản LXX, động từ này thường được dùng để
diễn tả lòng nhân lành Thiên Chúa đã hứa để làm no thỏa dân Ngài (x. Tv 37,19; 81,17; 132,15).
- mười
hai thúng (17): Con số “mười hai” rõ ràng có một quy chiếu tượng
trưng đến “Nhóm Mười Hai” ở c. 12: mỗi ông mang về một thúng đầy và bây
giờ có đủ lương thực để nuôi cả những người khác nữa.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Sứ vụ của Đức Giêsu (11)
Sau
khi mười hai tông đồ đi giảng về và sau khi các ông đã tường thuật cho Người
các công việc đã làm (Lc 9,10), Đức
Giêsu lại chìm vào trong công việc phục vụ đám đông (9,11): Giảng về Nước Thiên
Chúa và chữa lành những ai cần được chữa. Từ đầu Tin Mừng đến đây, tác giả đã
liên tục giới thiệu hai khía cạnh này trong hoạt động của Đức Giêsu: 4,31-44;
6,18; 8,1-2.
* Các môn đệ nhận định về vấn
đề (12)
Lần
đầu tiên trong Tin Mừng Lc, Nhóm Mười
Hai lấy sáng kiến và quan tâm đến tương quan của Đức Giêsu với đám đông. Vì
trời đã xế chiều, các ông đã nêu những nhận định và đề ra phương án giải quyết
rất thực tế: đây là nơi hoang vắng, mà người ta thì đông; do đó, tốt nhất nên
giải tán đám đông để họ tự giải quyết vấn đề nơi ăn chốn ở. Tác giả Lc nói ở 9,12 về “Nhóm Mười Hai”, trong
khi ở 9,14.16, ngài thay đổi từ vựng: Đức Giêsu ngỏ lời với các “môn đệ”. Từ
ngữ “môn đệ” này rất có thể cả ở đây cũng chỉ một nhóm đông hơn trong đó
chắc chắn có Nhóm Mười Hai. Dù sao, sáng kiến phát xuất từ Nhóm Mười Hai khi họ
vừa đi giảng về và lại tháp tùng Đức Giêsu. Qua sáng kiến này, rất có thể tác
giả muốn cho thấy là, do chuyến đi truyền giáo vừa qua, các tông đồ đã nhạy cảm
hơn với các nhu cầu của dân chúng.
Ở
đây, chúng ta sắp gặp lại đề tài quen thuộc trong TM III, đó là “các bữa ăn Đức Giêsu chia sẻ với người khác” (x. 4,16–9,6).
Nay chúng ta sắp sửa chứng kiến một phương diện mới: qua sứ mạng của Đức
Giêsu là rao giảng về Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa đang thực hiện các lời Ngài
hứa, là nuôi dưỡng tạo thành đói khát (x. Is
25,5-6).
Cụm
từ “nơi hoang vắng” (c. 12) khiến chúng ta nhớ đến đoàn dân Israel đang sống
kiếp nô lệ, nay băng qua sa mạc để tiến dần về tự do, về với một cuộc sống mới.
* Đức
Giêsu đáp trả (13-16)
Đức Giêsu trả lời bằng hai lệnh truyền
(Lc 9,13.14) và một hành động
(9,16).
Do Nhóm
Mười Hai đã tỏ ra có ý thức trách nhiệm đối với dân chúng, Người trao cho một
trách nhiệm quan trọng hơn và xác nhận nhiệm vụ: “Chính anh em hãy cho họ
ăn” (9,13); chính anh em hãy nuôi dưỡng đoàn dân Israel vừa mới được tái lập.
Với cái nhìn thực tế và với trái tim sẵn sàng, các ông nhận thấy tài nguyên của
các ông quá nghèo nàn, các ông tình nguyện đi mua thức ăn cho dân chúng. Nhưng
Đức Giêsu phản ứng với một lệnh thứ hai: “Bảo họ ngả mình thành từng
nhóm năm mươi” (9,14). Các ông đã thi hành chính xác lệnh truyền (9,15). Đức
Giêsu không lập một cơ quan phân phối bánh, để mỗi người có thể đến lấy phần
của mình. Các môn đệ phải bố trí họ thành những nhóm trật tự (9,14).
Bây
giờ đến hành động quyết liệt của Đức Giêsu. Sau khi đã đọc lời chúc tụng và bẻ
bánh và cá ra, Người trao cho các môn đệ để các ông phân phát cho đám đông. Các
môn đệ đã vâng theo lệnh thứ hai của Người, nên giờ đây Đức Giêsu làm cho họ
cũng có khả năng thực hiện lệnh thứ nhất: cho đám đông ăn (so sánh 9,13 //
9,16). Các từ ngữ được Lc dùng để mô
tả hành động Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều (cầm lấy, dâng lời chúc tụng, bẻ ra,
trao cho) thuộc về bài tường thuật việc thiết lập Bí tích Thánh Thể (22,19) và
truyện hai môn đệ Emmau (24,30, cũng liên hệ với Bí tích Thánh Thể). Các môn đệ
của Đức Giêsu sẽ phải tiếp tục nuôi dưỡng đám đông bằng Bí tích Thánh Thể.
* Kết
quả (17)
Đám
đông đã được no nê mà các mảnh vụn còn thừa đã được người ta thu lại được mười
hai thúng (Lc 9,17). Trong biến cố
này, Nhóm Mười Hai, là những bạn đồng hành của Đức Giêsu, không chỉ chứng kiến
việc Người làm, mà còn được đưa vào cộng tác trực tiếp. Các ông đã nhận lệnh
cho đám đông ăn (9,13) và các ông đã được Đức Giêsu làm cho có khả năng thực
hiện điều đó (9,16). Điều đánh động chúng ta khi đến cuối truyện này là Lc không ghi lại một phản ứng nào
của đám đông trước phép lạ (ngược với Ga
6,14-15). Chính Phêrô sẽ làm phát ngôn nhân cho họ khi tuyên xưng Đức Giêsu là
“Đấng Kitô của Thiên Chúa” (9,20).
Ta có thể so sánh với 22,19, trong đó
cũng Nhóm Mười Hai nhận bánh do Đức Giêsu trao ban, bây giờ với lời giải thích
và lệnh truyền: “Đây là Mình Thầy, hiến trao vì anh em; anh em hãy làm việc
này, mà tưởng nhớ đến Thầy”. Các ông lại nhận và phải cho đi. Về đời sống của
cộng đoàn tiên khởi, sách Cv viết:
“Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với
nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Như Simôn và các môn đệ đầu
tiên vào dịp mẻ cá lạ lùng (5,4-11), Nhóm Mười Hai cũng trải nghiệm trực tiếp
về quyền lực của Đức Giêsu.
+ Kết
luận
Khi tỏ mình ra như là chúa tể ban cơm
bánh, Đức Giêsu cũng tỏ mình ra như là chúa tể ban sự sống và khuyến khích Nhóm
Mười Hai tin tưởng bẻ ra và phân phát bánh đã nhận trong Bữa Tối cuối cùng.
Nhóm Mười Hai đã đề nghị giải tán đám đông và như thế là chấm dứt sự hiện diện
và kết hợp của họ với Đức Giêsu. Nhưng dân chúng không bị buộc phải rời bỏ Đức
Giêsu mới tìm được các kế sinh nhai. Đức Giêsu có quyền năng duy trì sự hiệp
nhất trong tư cách là chúa tể ban cơm bánh và sự sống. Người có thể quy tụ lại
và bảo toàn cộng đoàn vĩ đại quanh Người. Cả điều này cũng thuộc về kinh nghiệm
mà Nhóm Mười Hai vừa trải nghiệm.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Bữa tiệc Đức Giêsu vừa chiêu đãi thật vĩ đại. Tuy nhiên, nếu đã có kết quả ấy
là bởi vì các môn đệ đã góp phần của mình vào (lương thực: năm chiếc bánh và
hai con cá; phục vụ: phân phối đám đông thành nhóm trật tự và phát bánh với
cá). Bữa tiệc này gợi đến Thánh Lễ chúng ta dâng. Khi đó, chúng ta cũng phải
góp phần nhỏ bé của mình vào để cho tất cả được no nê. Bữa tiệc Thánh Thể lại
tiên báo Bữa tiệc vĩnh cửu trên thiên quốc, mà mỗi người chúng ta hiện đang góp
phần để thực hiện, dù là phần khiêm tốn bé nhỏ.
2.
Quả thật, một Thánh Lễ mà không đưa tới hành vi cụ thể giúp đỡ những người túng
cực, để ai nấy được no đủ, thì chỉ là một hành vi dối trá. “Những miếng vụn còn
thừa thu lại được mười hai thúng” (c. 17): Bánh Thánh Thể không phải là thứ
dành riêng cho những người đạo đức; đây là một quà tặng Đức Kitô ban không bao
giờ cạn kiệt. Quà tặng này sẽ tiếp tục được phân phát cho tới ngày bắt đầu bữa
tiệc vĩnh cửu, và khi đó lễ mừng sẽ không bao giờ chấm dứt.
3.
Mối bận tâm đến lương thực hằng ngày là nguyên do khiến con người phân tán, bởi
vì mỗi người sẽ phải lo làm công việc của mình, và đôi khi cũng là nguyên nhân
đưa đến những mâu thuẫn do đấu tranh để bảo toàn sự sống và cạnh tranh về nghề
nghiệp. Đức Giêsu cung cấp một bữa tiệc: Người muốn kiến tạo đời sống cộng đoàn
hợp nhất. Các môn đệ hôm nay phải hướng về Đức Giêsu: Người đã chứng tỏ là Người
có ý muốn và Người có khả năng làm mục tử chăn dắt đoàn chiên này, quy tụ họ
lại trong sự duy nhất và sự hiệp thông, dọn cho họ một bàn tiệc và quy
tụ họ lại quanh mình để sống tình hiệp nhất cộng đoàn trong sự bình an và thân
tình.
4.
Khi đi tham dự Lễ Tế Tạ ơn, chúng ta tham dự vào một cộng đoàn huynh đệ
được Đức Giêsu nuôi dưỡng. Khi đó, chúng ta hưởng sự tự do được ở với nhau
trong tình thương, trong sự an bình và trong niềm vui. Như ngày xưa với đám
đông, hôm nay với các tín hữu đến tham dự thánh lễ, không có việc làm nào cả,
không có sự mệt nhọc nào cả, không có sự bân tâm nào cả, không có sự phân biệt
nào cả: mọi chuyện ấy không còn nữa, khi Đức Giêsu có mặt.
5.
Hôm nay khi đứng trước những vấn đề nan giải, các tín hữu nhớ rằng Đức Giêsu sẽ
giúp họ giải quyết, nhưng họ cũng phải góp phần nhỏ bé vào. Khi đã đạt được kết
quả, thì đừng quên rằng họ chỉ là tôi tớ, đã biết vâng theo những lệnh truyền
của Đức Giêsu và cộng tác với Người. Nhưng con số mười hai thúng đầy gợi ý là,
sau khi đã chia sẻ tiệc Thánh Thể với những anh chị em hiện diện, bây giờ chính
chúng ta cũng có thể và phải chia sẻ lương thực cho những anh chị em không có
mặt, để họ cũng được liên kết với đoàn dân Chúa.
Việc thờ phượng của chúng ta hôm
nay nhắm đến Mình và Máu Chúa Kitô và những hàm ý về những ai được gọi là “môn
đệ”. Bánh được bẻ ra; Chúa Kitô chia sẻ cuộc sống của Người với chúng ta hầu
chúng ta được bẻ ra cho tha nhân nhân danh Người. Chén được đổ ra cho chúng ta,
đến lượt mình, chúng ta sẽ đổ chính mình ra khi tha thứ cho những ai xúc phạm
đến mình; cho kẻ đói ăn và trở nên sự hướng dẫn cho những ai đang ở “những nơi
bị bỏ rơi” (Siciliano).
6.
Cũng ghi nhận là tác giả Lc nối
truyện này trực tiếp vào lời Đức Giêsu tiên báo Thương Khó và với những giáo
huấn của Người về việc vác thập giá hằng ngày (9,18-27). Cử hành Bí tích Thánh
Thể để tưởng nhớ Đức Giêsu (22,19) là chia sẻ không những sứ mạng của Người
(9,1-6), mà cũng còn là chia sẻ định mệnh của Người, được tượng trưng bằng thập
giá (9,18-27).
Lm FX Vũ Phan Long, ofm