CHÚA NHẬT 9
THƯỜNG NIÊN C
LỄ MÌNH MÁU CHÚA
St 14,18-20; 1 Cr 11,23-26; Lc
9,11b-17
BỮA TIỆC
THÁNH YÊU THƯƠNG
I. HỌC LỜI CHÚA
1.TIN MỪNG: Lc
9,11b-17
(11b) Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng về Nước
Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được chữa. (12) Ngày đã bắt
đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giêsu thưa Người rằng: “Xin Thầy
cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây tìm chỗ
trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng”.
(13) Đức Giêsu bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Các ông đáp: “Chúng
con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá. Trừ phi chính chúng
con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này”. (14) Quả thật có tới
chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em hãy bảo
họ ngả mình thành từng nhóm khỏang năm mươi người một”. (15) Các môn
đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngả mình xuống. (16) Bấy giờ
Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời,
dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, để các ông dọn ra
cho đám đông. (17) Mọi người đều ăn và ai nấy được no nê. Những miếng
vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.
2.
Ý CHÍNH:
Thánh Luca thuật lại phép lạ Đức Giêsu nhân bánh
ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Trước nhu cầu của đám đông, thay
vì giải tán đám đông để mỗi người tự lo liệu việc ăn nghỉ cho mình
như đề nghị của các môn đệ, Đức Giêsu lại truyền cho các ông: “Anh em hãy
liệu cho họ ăn đi”. Sau đó, dù các ông chỉ có năm cái bánh và hai con
cá, nhưng Đức Giêsu đã sử dụng số lượng ít oi này để nhân ra nhiều
gấp bội mà cho đám đông dân chúng được ăn no. Số bánh dư thu lại được
mười hai thúng. Số người ăn hôm ấy khoảng chừng 5000 đàn ông.
3. CHÚ THÍCH:
- C 11b-12: + Đức Giêsu nói với dân chúng về
Nước Thiên Chúa: Nước Thiên Chúa hay Nước Trời là trọng tâm các
bài giảng của Đức Giêsu. Luca cho thấy Đức Giêsu đã giảng trước khi
làm phép lạ nhân bánh. Đây cũng là khuôn mẫu của thánh lễ sẽ được
Hội thánh cử hành sau này. Thánh lễ cũng gồm hai phần chính là
Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. + Chữa lành những
kẻ cần được chữa: Lời giảng luôn được kèm theo
phép lạ chữa bệnh. Đó là đặc điểm về cách thức truyền giảng Tin
mừng của Đức Giêsu và là khuôn mẫu cho việc truyền giáo sau này. +
Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh
đây tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn: Câu nói của các
môn đệ cho thấy: Tuy có quan tâm đến nhu cầu ăn uống ngủ nghỉ của dân
chúng, nhưng các ông lại không ý thức mình phải phục vụ để đáp ứng
các nhu cầu này của họ.
- C 13-14: + “Chính anh em hãy cho họ ăn”: Đức
Giêsu trao trách nhiệm cho các môn đệ phải lo phục vụ dân chúng không
những về tinh thần mà cả về thể xác nữa. Trong kinh “Thương người có
mười bốn mối” của Hội Thánh cũng đề cập đến các việc bác ái cụ thể
mà người tín hữu có bổn phận phải chu tòan như: cho kẻ đói ăn, cho kẻ
khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc,
cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. + “Chúng
con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá”: Bánh và cá
là thức ăn thường ngày của dân chúng miền biển Galilê. Năm chiếc bánh
và hai con cá ở đây là của một bé trai (x. Ga 6,9). Tuy nhiên số thức
ăn này chẳng thấm vào đâu so với đám đông dân chúng. Điều này nói lên
khả năng hữu hạn của các môn đệ. Nhưng Đức Giêsu lại muốn các ông
cộng tác bằng việc góp phần nhỏ bé ấy vào phép lạ lớn lao mà
Người sắp thực hiện. + Anh em hãy bảo họ ngả mình: Thời
xưa người miền Cận Đông thường ăn tiệc trong tư thế nằm nghiêng trên giường.
+ thành từng nhóm khoảng 50 người một: Họp thành từng
nhóm gợi lại việc ông Môsê tổ chức dân Do-thái thành từng nhóm trong sa
mạc thời Xuất hành, là cách tổ chức lý tưởng của dân Chúa (x, Xh
18,21.25). Đức Giêsu muốn các môn đệ tổ chức đám đông ô hợp thành
từng cộng đoàn. Các ông trở nên những “Thừa tác viên” phục vụ cho
cộng đoàn ấy.
- C 15-17: + Các môn đệ làm y như vậy: Các
môn đệ mau mắn làm theo Lời Đức Giêsu dạy, dù lúc ấy các ông chưa
biết Người sắp làm gì. + Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai
con cá...: theo phong tục của người Do thái thì trước bữa ăn,
gia trưởng thường đọc một kinh cảm tạ Thiên Chúa. Ở đây Đức Giêsu
cũng cầu nguyện bằng một nghi thức có tính phung vụ như Luca viết: “cầm
lấy bánh, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho
môn đệ”. Những cử chỉ này giống như khi người lập bí tích Thánh Thể ngày thứ Năm tuần thánh tại
nhà Tiệc ly (x. Lc 22,19), và trong bữa ăn tối với hai môn đệ tại làng
Emmau (x.Lc 24,30). + Trao cho các môn đệ, để các ông dọn ra cho
đám đông: Đức Giêsu không trực tiếp trao bánh, nhưng Người trao
qua trung gian là các môn đệ. Ngày nay vai trò của các linh mục và
phó tế cũng giống như vậy trong các cộng đoàn và các xứ đạo.
+ Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê... Những miếng vụn còn
thừa, người ta thu lại được mười hai thúng: no nê và dư thừa
nói lên đồ ăn dồi dào. Điều này đã ứng nghiệm về bữa tiệc Thiên Sai
mà Isai-a đã báo trước: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo
binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon” (Is
25,6), 12 thúng đầy tương ứng với 12 môn đệ phục vụ dân chúng hôm ấy.
Việc các môn đệ thu nhặt lại số bánh và cá dư cho thấy bữa ăn này
sẽ còn tiếp tục kéo dài để đón thêm những thực khách đông đảo trong
thánh lễ sau này.
4. CÂU HỎI:
1) Thánh lễ gồm có hai phần chính là những phần
nào ? 2) Câu nào cho thấy Đức Giêsu muốn các môn đệ của Người phải
góp phần phục vụ dân chúng cả về phương diện thể xác nữa ? 3) Tại
sao Đức Giêsu lại bảo môn đệ cho dân chúng ngả mình nằm thành từng
nhóm 50 người ? 4) Tại sao Đức Giêsu lại sử dụng 5 chiếc bánh và hai
con cá do môn đệ góp để nhân ra nhiều ? 5) Ngày nay những cử chỉ của
Đức Giêsu làm trong phép lạ nhân bánh ra nhiều được Hội thánh lặp
lại trong lễ nghi nào ? 6) Trong Thánh lễ khi nào bánh rượu trở thành
Mình Máu Thánh Chúa ? 7) Trường hợp bánh rượu đã được truyền phép
bị hư hỏng không ăn uống được, thì bấy giờ có còn là Mình Máu
Thánh Chúa Giêsu nữa không ? 8) Ta phải có thái độ nào đối với những
mụn Bánh Thánh đã được truyền phép rơi xuống đất ? 9) Mỗi ngày các
tín hữu được rước lễ mấy lần? 10-Tại sao các tín hữu nên năng rước
lễ mỗi ngày ?
II. SỐNG LỜI CHÚA:
1. LỜI CHÚA: “Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái
bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và
trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông” (Lc 9,16).
2. CÂU CHUYỆN:
1) LỊCH SỬ LỄ KÍNH MÌNH MÁU THÁNH CHÚA:
Vào năm 1263, có một linh mục người Đức đang cử hành
thánh lễ tại nhà thờ thánh Christiana, tới lúc
bẻ bánh trước khi rước lễ, vị linh mục này đã trông thấy tấm bánh mới truyền phép đã biến thành Thân mình Chúa
Giêsu đang chịu tử nạn. Trên thân xác Chúa, máu đang rịn ra qua các vết thương bị đóng đinh ở hai bàn tay bàn chân và vết lưỡi đòng đâm thâu ở cạnh sườn Người. Máu chảy ra làm ướt tấm khăn thánh và mấy
lớp khăn phủ trên bàn thờ. Vị linh mục vội gấp các tấm khăn kia lại. Nhưng
gấp tới đâu thì máu lại thấm ra tới đó. Cuối cùng máu thấm qua 25 lần vải khăn.
Vừa cảm động lại vừa sợ hãi, vị linh mục không thể tiếp tục
dâng hết Thánh lễ được. Sau đó, vị linh mục này đã đến xin vào chầu Đức Giáo hoàng Urbanô và tường trình
sự kiện lạ lùng ấy. Đức Giáo hoàng liền sai một phái đoàn, đứng đầu là một vị
Giám mục đến điều tra thực hư. Sau khi xác định sự việc đó thực là phép lạ, vị Giám mục đã cho rước Mình Thánh Chúa về
Rôma và đặt tại một nhà thờ dâng kính phép Thánh Thể, và mời giáo dân đến chầu
Mình Thánh Chúa liên tục. Sau đó, vào ngày
mồng 8 tháng 9 năm 1264, Đức Giáo hoàng Urbanô đã ra sắc dụ truyền thiết lập lễ
kính Mình Máu thánh Chúa Giêsu và truyền mừng lễ trong toàn thể Hội thánh.
2) “MÌNH THÁNH Ở TRONG LÒNG TÔI”:
Thời kỳ cách mạng Pháp, có một cha xứ miền Bờtanhờ
(Bretagne) đưa Mình Thánh Chúa đến cho một gia đình. Theo giúp Cha là
một cậu bé tên là Bengiamanh (Benjamin). Bấy giờ cha xứ bị bọn lính
phát hiện và đuổi theo gấp. Ngài vội dúi vào tay cậu bé chiếc hộp
nhỏ có đựng Mình Thánh Chúa trước khi chạy trốn. Ssau đó cha đã bị
bắt và bị giết chết. Bấy giờ cậu bé Bengiamanh vừa chạy vừa mở
hộp lấy Mình Thánh Chúa bỏ vào miệng mà nuốt đi. Sau đó cậu bé
cũng bị bắt và bị tra hỏi về nơi đã cất giấu Mình Thánh Chúa. Cậu
hiên ngang chỉ tay vào người mình và nói rằng: “Mình Thánh Chúa đang
ở trong người tôi đây này! Các ông hãy mổ ra mà lấy”. Bọn lính điên
tiết đã đâm chết cậu bé rồi chôn vùi xác chết của hai cha con dưới
một gốc cây sồi ở đầu làng. Một thời gian sau thì cuộc cách mạng
đã dần dần lụi tàn và cuối cùng bị thất bại. Một hôm một cơn bão
lốc xóay rất mạnh đã đốn ngã cây sồi cổ thụ kia, để lộ ra hai xác
chết của cha xứ và cậu bé giúp lễ. Người ta đã phát hiện ra Mình Thánh
Chúa vẫn đang còn ngự trong người cậu khi thấy thân xác cậu vẫn ngời
sáng ánh hào quang.
3) PHÉP LẠ MÌNH
THÁNH CHÚA DO THÁNH ANTÔN THỰC HIỆN:
Một phép lạ khác xảy ra với thánh Antôn Pađua. Có một người
Do thái, tên là Bônvilô, không tin và thường nhạo báng Phép Thánh Thể. Thánh
Antôn nói thế nào ông ta vẫn cứ thế. Một hôm, ngài nói với ông ta như là một cuộc
thách thức: “Nếu con lừa ông cưỡi mà quì xuống và thờ lạy Chúa ẩn mình trong
hình bánh thì ông có tin không?”Ông ta cho là một câu nói chơi và nhận lời
thách thức. Hai ngày liền, ông ta không cho lừa ăn, rồi dẫn tới chợ để có đông
người chứng kiến. Giữa một bên là lúa mạch và bên kia thánh Antôn kiệu Mình
Thánh Chúa đi qua. Con lừa quên đói, không ngó ngàng gì đến lúa mạch, quay sang
thánh Antôn quì xuống gật gật đầu thờ lạy Chúa cho đến khi thánh Antôn kiệu
Mình Thánh đi. Mọi người quì xuống thờ lạy Chúa và hoan hô thánh Antôn.
4) ĐỨC GIÊSU HIỆN THÂN NƠI NGƯỜI NGHÈO ĐANG CHỜ ĐƯỢC PHỤC VỤ:
Đức Hồng Y Hellder Camara khi về ban phép Thêm sức cho trẻ em trong một xứ đạo. Khi đến
nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối đấm ngực than khóc như vừa gặp đại hoạ. Thì ra đêm trước, trong khi mọi người mê mải chuẩn bị đón Đức Hồng
Y, thì kẻ trộm đã lẻn vào nhà thờ ăn trộm các bình đựng Mình Thánh. Chúng đổ
Mình Thánh ra ngoài vườn, lấy đi những bình mạ vàng mà chúng tưởng bằng vàng thật.
Đây thật là tội phạm thánh nặng nề.
Thế nhưng trong bài giảng lễ hôm ấy, Đức Hồng Y Camara đã
làm cho mọi người kinh ngạc khi Ngài nói: Tại sao hôm nay anh chị em mới than
khóc. Hằng ngày biết bao lần Chúa Giêsu vẫn bị
nhục mạ, hành hạ, chà đạp, bị giết chết nơi những
người nghèo khổ, vô gia cư, trẻ mồ côi … Sao chẳng thấy ai than khóc? Anh chị em không biết sao, những người nghèo ấy chính là hiện thân của Chúa Giêsu, là Thân Mình Chúa giữa đời thường đang cần được chúng ta
chăm sóc.
Nói như thế, Đức Hồng Y không có ý coi thường phép Mình
Thánh Chúa. Nhưng Ngài có ý nhắc cho ta về một
khía cạnh hay bị quên lãng khi cử hành bí tích Thánh Thể.
Đó chúng ta cần
cử hành bí tích Thánh Thể không những trong nhà thờ mà còn cả ngoài xã hội nữa.
3. THẢO LUẬN:
1) Khi tham dự thánh lễ Chúa Nhật, chúng ta cần ăn mặc
thế nào? Có nên đi trễ về sớm không? Cần vào bên trong ghế hay đứng ngoài nhà
thờ hút thuốc nói chuyện? 2) Chúng ta có cần dọn mình trước khi lên rước lễ và
cám ơn sau đó không?
4. SUY NIỆM:
1) Phép lạ nhân bánh hôm nay là hình ảnh của bí tích Thánh Thể sau này:
Bài Tin mừng đã thuật lại phép lạ Đức Giêsu làm trong sa mạc là nhân 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá
ra nhiều, để nuôi đám đông dân chúng gồm năm ngàn người đàn ông không kể đàn bà
con trẻ, mà sau đó còn thu lại được 12 thúng đầy bánh vụn.
Phép lạ này nhắc lại việc Đức Chúa đã làm trong thời kỳ Xuất Hành của dân Ítraen do Môsê lãnh
đạo: Khi ấy Đức Chúa đã ban cho con cháu Giacóp bánh “manna” trong suốt thời gian 40 năm lưu lạc trong sa mạc. Con số 12 thúng bánh vụn tượng trưng cho 12 chi tộc dân Ítraen.
Phép lạ nhân bánh ra nhiều còn
tiên báo về bí tích Thánh Thể Đức Giêsu
sẽ thực hiện
trong bữa Tiệc Ly Vượt Qua sau này:
Khi ấy Người cũng làm những
cử chỉ giống như đã làm khi nhân bánh ra nhiều hôm nay: “Người cầm lấy bánh,
dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: Đây là Mình Thầy, hiến tế vì
anh em” (Lc 22,19).
2) Bí Tích Thánh Thể: bữa tiệc huynh đệ hiệp thông của cộng đoàn tín hữu:
Thời Hội Thánh sơ khai,
các tín hữu có thói quen cử hành "bữa tiệc Thánh Thể" trong khung cảnh một "bữa ăn huynh đệ" (Agape). Mỗi khi họp nhau để cử hành Thánh Thể,
các tín hữu đem theo đồ ăn thức uống góp chung lại, rồi để ra một phần chia sẻ cho những anh em
nghèo túng, phần còn lại sẽ chia nhau ăn chung để thể hiện sự hiệp thông huynh đệ.
Nhưng ở cộng đoàn Côrintô đã không làm như thế: những người giàu mang theo nhiều đồ ăn ngon hẹn nhau đến sớm để ngồi
chung bàn ăn uống trước, mà không chờ đợi những
người nghèo đến cùng ăn
chung. Như vậy bữa tiệc huynh đệ bị phân hóa
thành hai lớp người giàu nghèo: Kẻ nghèo bị đói bụng đang khi nhiều người giàu
khác lại no say! Để sửa tệ nạn ấy, Thánh Phaolô nhắc
lại truyền thống bữa Tiệc ly của Chúa. Ngài
trích dẫn một bản văn phụng vụ về việc Chúa Giêsu đã lập
bí tích Thánh Thể (cc 23-27). Sau đó (cc 28-34) ngài khuyến khích giáo đoàn Corinthô cử hành Thánh Thể sao cho xứng
đáng và đúng với mục đích
bữa ăn chia sẻ huynh đệ yêu thương.
Người ta sẽ
tham dự bữa tiệc Thánh Thể cách bất xứng khi họ không quan tâm chia sẻ cơm bánh cho
người nghèo, không ý thức Hội Thánh chính là Thân Mình mầu nhiệm của Đức Kitô cần phải được hiệp thông chia sẻ và phục vụ lẫn cho nhau.
3) Bí Tích
Thánh Thể tái diễn lễ hy sinh thánh giá của Đức Giêsu:
Khi thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, Đức
Giêsu đã nói với các môn đệ rằng: “Đây là Mình Thầy hiến tế vì anh
em... Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc
22,19.20). Do đó khi lên rước lễ là chúng ta đón nhận chính Thân Mình
Máu Huyết của Đức Giêsu và nhờ đó chúng ta sẽ được hiệp thông với Đấng
đã chịu chết để đền tội thay cho chúng ta và đã sống lại để phục hồi
sự sống siêu nhiên cho chúng ta.
Khi tham dự thánh lễ, các tín hữu chúng ta cần hiệp dâng
các vất vả lao công và những đau khổ gặp phải trong cuộc sống hằng ngày làm lễ
vật khiêm hạ, kết hiệp với lễ vật cao quý vô cùng là bánh rượu đã được biến hóa
nên Thân Mình và Máu Huyết Chúa Giêsu sau khi truyền phép, dâng lên Chúa Cha để
đền tội thay và giao hòa nhân loại với Chúa Cha.
4) Tầm quan trọng của giờ chầu Chúa
trong Bí Tích Thánh Thể:
Thánh Têrêsa Calcutta đã xác tín thâm
sâu về tầm quan trọng của việc Chầu Thánh Thể trong cuộc sống Kitô hữu
như sau:
-Tôi biết, tôi sẽ không thể làm việc một tuần, nếu tôi không
được liên tục tăng sức từ Chúa
Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, qua việc làm Giờ Thánh hàng ngày.
-Chầu Giờ Thánh là thời gian tốt nhất mà bạn sử
dụng trên trái đất.
-Giờ Thánh sẽ làm cho linh hồn bạn mãi mãi vinh
quang và đẹp đẽ trên thiên đàng.
-Chúng ta không được để đời mình xa lìa Thánh Thể. Làm như
thế ta sẽ suy nhược, không còn tìm đâu ra sức mạnh và niềm vui để phục vụ.
-Trên thập giá, Chúa Giêsu nói: “Tôi khát”. Từ Bí
Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục nói với ta: “Cha khát”. Ngài
khát tình yêu cá nhân của mỗi người, sự thân mật của mỗi người, cộng
đoàn của chúng ta với Ngài trong Bí Tích Thánh Thể.
-Mỗi Giờ Thánh chúng ta chầu đều làm vui
lòng Trái Tim Chúa Giêsu. Điều đó sẽ được ghi lại trên thiên đàng và kể lại trong cõi
đời đời.
-Để cho một mình ở với Chúa Giêsu, thờ phượng
và thân mật với Ngài là quà tặng vĩ đại nhất của tình yêu, là tình yêu dịu
dàng của Chúa Cha chúng ta trên
Trời.
-Hãy dành thời giờ có thể, càng nhiều
càng tốt, ở trước Bí Tích Cực Thánh. Ngài sẽ
đổ đầy cho bạn sức mạnh và quyền năng của Ngài.
5) Cuộc đời chúng
ta phải là thánh lễ nối dài sự hiệp thông và chia sẻ:
Mỗi phút giây qua đi, có biết bao tấm bánh vật
chất được bẻ ra để nuôi sống thân xác con người. Trong mỗi tấm bánh
ấy cũng có bóng dáng của bánh Thánh Thể của Chúa Giêsu. Nếu ta
siêng năng đến nhà thờ lãnh nhận Mình Thánh Chúa, thì chúng ta cũng
sẽ dễ dàng chia sẻ tấm bánh vật chất cho tha nhân giữa đời thường.
Mỗi lần tham dự thánh lễ, chúng ta cần nhớ lời thánh Phaolô:
“Mỗi lần ăn bánh và uống chén nầy, là anh
em loan truyền Chúa
đã chịu chết. Vì thế bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng,
thì cũng phạm đến Mình và Máu Thánh Chúa” (1 Cr 11,26-27). Ngoài ra, trong
Thánh lễ, Hội thánh luôn cầu nguyện cho sự hiệp thông như sau: ”Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần
liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô” (Kinh Tạ ơn II).
Trong bí tích
Thánh Thể, ta không chỉ nên một với Chúa Giêsu mà
thôi, nhưng còn liên kết với anh chị em của mình nữa. Vì khi cùng chia sẻ một
tấm bánh là Thân Mình Chúa Giêsu, tất cả mọi người sẽ nên chi thể của Người như thánh Phaolô đã viết: ”Tất cả chúng ta tuy nhiều nhưng cùng chia sẻ một tấm
bánh, vì thế chúng ta làm nên một thân mình. Thân mình mầu nhiệm này sẽ được sống nhờ
sức sống của Chúa Kitô là chính Thánh Thần của Chúa Kitô mà Người ban cho ta”.
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ. Chúa đã tự hiến để
trở thành của ăn của uống thiêng liêng nuôi dưỡng đức tin của chúng
con. Mỗi lần lên rước Chúa trong phần hiệp lễ, có những lúc chúng
con cảm nhận Chúa thật ngọt ngào và êm ái biết bao! Thế nhưng cũng
có những lúc tâm hồn chúng con lại bị khô khan nguội lạnh. Xin giúp
chúng con siêng năng rước lễ cách sốt sắng, nhờ đó chúng con sẽ được
Chúa bổ sức và sẽ tìm được sự bình an trong tâm hồn.
- LẠY CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ. Chúa muốn chúng con
kết hiệp mật thiết để được nên một với Chúa. Đòi hỏi đó làm cho
chúng con cảm thấy lúng túng, vì cho tới nay chúng con vẫn chưa dứt
bỏ được những thói hư tật xấu cùng những đam mê tội lỗi. Xin cho
chúng con sẵn sàng nói không với những gì gian ác xấu xa thuộc về ma
quỷ và năng đón rước Chúa mỗi ngày, để chúng con được sống và sống
dồi dào trong ơn nghĩa Chúa, và sau này cùng được sống hạnh phúc
mãi mãi với Chúa trên quê trời.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG
CON
LM ĐAN VINH - HHTM