CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA
Hiểu nhau, đức tính cần thiết trong gia đình
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Lu-ca 2:41-52)
Trước đây, đọc và suy niệm đoạn Tin Mừng
quen thuộc này, chúng ta thường nghĩ cách đối xử của cậu bé Giê-su chắc phải
làm cho cha me bực bội lắm. Chúng ta tưởng
tượng ra nét mặt không vui của bà mẹ hoặc cử chỉ hơi ngang ngược của cậu con đến
tuổi được quyền quyết định theo truyền thống Do-thái. Nhưng nhiều điều thánh Lu-ca đã ghi lại trong
câu chuyện Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng mặc dù có những khó khăn
trong gia đình, nhưng cuối cùng thì thái độ hiểu nhau đã đem lại bình an và yêu
thương cho những người trong Thánh Gia.
Phải chăng lấy thái độ hiểu nhau để giải quyết khó khăn gia đình hôm nay
cũng là điều các gia đình Công giáo nói riêng và mọi gia đình nói chung cần học
hỏi và thực hành để tránh được những đáng tiếc có thể xảy tới.
Chuyện lộn xộn của Thánh Gia xảy ra
không phải tình cờ, nhưng là do việc cậu Giê-su quyết định ở lại Giê-ru-sa-lem,
mặc cho cha mẹ cậu đang cùng đoàn lữ hành trở về Na-da-rét. Khi cha mẹ cậu không thấy cậu đi chung với
thân nhân nào, các ngài quay lại Giê-ru-sa-lem để tìm cậu. Thánh đô thực ra không rộng lớn, giống như một
thành phố nhỏ ngày nay thôi, vậy mà các ngài phải mất ba ngày mới tìm thấy Chúa
Giê-su trong Đền Thờ. Người đang ở trong
một bối cảnh bất ngờ: ngồi giữa các bậc
thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Mặc
dù sửng sốt, nhưng mẹ Người không thể dằn lòng, lên tiếng trách: Sao con lại làm cho cha mẹ phải cực lòng tìm
con? Mẹ hỏi không phải để trút giận,
nhưng chỉ muốn con trả lời cho hành vi kỳ lạ này. Chúa Giê-su đã giải thích bằng một lý do khó
hiểu, là Người có bổn phận ở nhà của Cha Người.
Để kết thúc câu chuyện này, thánh sử Lu-ca ghi lại những điều nói lên một
đức tính nổi bật của Thánh Gia: mọi người
đều cố gắng hiểu nhau.
Trước hết thái độ “hiểu nhau” ấy được
biểu lộ qua cái “không hiểu” của Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se. Các ngài tuy không hiểu “bổn phận” của Chúa
Giê-su ở nhà của Cha Người là gì, nhưng tin và tôn trọng con nên không lấy quyền
cha mẹ để hỏi cho ra lẽ! Ít ra Mẹ
Ma-ri-a qua biến cố Truyền tin đã nhận thức được phần nào sứ mệnh cao cả của
Chúa Giê-su. Cho nên không hiểu ở đây có
nghĩa là chấp nhận giới hạn hiểu biết của mình đối với kế hoạch của Thiên Chúa. Thứ hai, đáp lại thái độ am hiểu của cha mẹ,
Chúa Giê-su “trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài”. Cách hiểu nhau tốt nhất của người con đối với
cha mẹ là nhìn nhận địa vị của các ngài và sống vâng phục. Còn gì hiểu nhau hơn là khi con người nhìn nhận
sự siêu việt của Thiên Chúa và Thiên Chúa làm người tùng phục sự thấp hèn của
con người? Hiểu nhau là biết ở lại trong
vị trí đúng của mình. Thứ ba, khi Mẹ
Ma-ri-a “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” là Mẹ sống thái độ hiểu
nhau. Mẹ “ghi nhớ” bằng cách dần dần
khám phá thêm kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện qua Chúa Giê-su. Mẹ ghi nhớ bằng cách khích lệ và nâng đỡ con
của Mẹ thi hành sứ mệnh. Đối với Mẹ
Ma-ri-a, ghi nhớ không phải là chôn sâu một kỷ niệm trong lòng, nhưng là mở lòng
đón nhận những điều mới mẻ để hiểu ý nghĩa của biến cố quá khứ. Cuối cùng, thái độ hiểu nhau giúp con người
thăng tiến. Về phần Mẹ Ma-ri-a và thánh
Giu-se, sự kiện các ngài hiểu con mình là một nhân tố giúp cho “Đức Giê-su ngày
càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người
ta”. Con cái bị gò bó áp đặt trong sự độc
tài khe khắt của cha mẹ thường sẽ khó phát triển được trên nhiều phương diện!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Khó khăn, trục trặc là điều không thể
tránh trong đời sống gia đình. Nhưng qua
bài Tin mừng hôm nay, Thánh Gia đã để lại cho chúng ta một phương thức để biến
khó khăn thành cơ hội cho sự thăng tiến gia đình, đó là mọi người hiểu nhau và
tôn trọng nhau. Trong Tông sắc “Khuôn mặt
của Lòng Thương Xót”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến ý tưởng “Thiên Chúa là Tình
Yêu”. Một trong những cách biểu lộ tình
yêu chính là tỏ lòng thương xót. Trong đối
thoại của Mẹ Ma-ri-a và Chúa Giê-su, cũng như trong thái độ tôn trọng và vâng
phục của các ngài, lòng thương xót của Thiên Chúa quả thực đã trở nên sống động! Lm. Đa-minh Trần đình Nhi