XÂY DỰNG TRÊN TÌNH YÊU – GIA ĐÌNH SẼ HẠNH PHÚC
LỄ THÁNH GIA
(Hc 3, 3-7. 14-17a; Cl 3, 12-21; Lc 2, 41 – 52)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Bài
hát: “Ba Ngọn Nến Lung Linh” của tác
giả Ngọc Lễ đã diễn tả hình ảnh gia đình thật sâu đậm và ấm cúng: “Gia đình gia đình, ôm ấp những ngày thơ,
cho ta bao kỷ niệm thương mến. Gia đình gia đình, vương vấn bước chân ta đi, ấm
áp trái tim quay về”.
Với
thi sĩ Tế Hanh, ông coi gia đình là cái nôi phát xuất tình yêu, vì thế, ông
viết: “Con nằm giữa cha, con nằm giữa mẹ.
Cuộc đời nằm giữa yêu thương” (Tế Hanh).
Thật
thế, ai trên đời này cũng đều có một gia đình, khi nhắc đến, lòng mỗi người rộn
lên bao nhiêu nhung nhớ trìu mến, vì: “Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn
để quay về, đó là gia đình”. Ôi hình
ảnh gia đình thật đẹp và cao quý trong tâm tưởng của mỗi người, khiến chúng ta
phải trân trọng!
Cao
đẹp, vì nơi gia đình, mọi mối tương quan được thiết lập. Trân trọng vì gia đình
là nền tảng của xã hội và Giáo Hội.
Tuy
nhiên, muốn cho các mối tương quan được tốt đẹp và nền tảng được vững chắc, ắt
phải dựa trên tình yêu được bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Với người Công Giáo, mỗi khi
nhắc đến vai trò gia đình, Giáo Hội còn nhấn mạnh và đi xa hơn khi khẳng định:
Gia đình là “Giáo Hội thu nhỏ”; hay “Giáo Hội tại gia” (x. SGLC 2205; FC
52). Nơi đó: “Mỗi gia đình thể hiện đúng
bản chất của mình là một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất và thánh thiện để làm dấu chỉ loan báo cho mọi người về Nước
Thiên Chúa” (x. FC 52).
Sứ mạng ấy được nói đến
cách cụ thể và thiết thực qua lời dạy của thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay:“Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong
Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay
nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp
lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên
nhát đảm sợ sệt” (Cl 3, 18-21).
Như
vậy, đời sống vợ chồng được mời gọi diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa với dân
người; giữa Đức Kitô với Giáo Hội.
Nếu
Thiên Chúa luôn trung thành, yêu thương con người, không bao giờ ly dị chúng ta,
dù đã nhiều lần chúng ta bất trung, bội bạc và vô ơn...; thì đời sống vợ chồng cũng
luôn mời gọi chúng ta noi gương Thiên Chúa để sống trung thành với nhau trọn đời.
Nếu
Đức Giêsu đã yêu thương Giáo Hội và hiến thân vì Giáo Hội, thì vợ chồng cũng được
mời gọi sống chết cho nhau như thế. Trong đời sống vợ chồng, chúng ta: “Hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu,
khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người
này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em
cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó
là dây ràng buộc điều toàn thiện” (Cl 3, 12-14).
Khi
dạy tín hữu như thế, thánh Phaolô muốn nhắc đến điều căn bản của gia đình, đó
là: một cộng đoàn đức tin và yêu thương...
Qua
câu chuyện Tin Mừng, chúng ta thấy, Đức Giêsu đã đặt trung tâm đời sống của
Ngài là Thiên Chúa, nên cũng như mọi người, Ngài lên đền thờ Giêrusalem dự lễ để
chu toàn bổn phận trong lòng mến với Thiên Chúa.
Nơi
Đức Maria và thánh Giuse, thì luôn coi Đức Giêsu là trung tâm của gia đình, nên
khi không thấy Đức Giêsu, các ngài đã hối hả lên đường để đi tìm!
Như
vậy, chúng ta có thể hiểu rằng: cuộc sống của gia đình chúng ta sẽ gặp được niềm
vui, bình an và hạnh phúc nếu biết gắn bó với Thiên Chúa trong đời sống cầu
nguyện và luôn đặt Ngài vào trung tâm của gia đình. Nếu đi ngược lại điều đó, mọi
mối tương quan sẽ bị rạn nứt và đổ vỡ vì nó không được bắt nguồn từ tình yêu
Thiên Chúa.
Thật
vậy, đời sống cầu nguyện nơi gia đình là tối quan trọng. Quan trọng đến độ nếu
muốn có một gia đình hạnh phúc thì không thể không cầu nguyện. Tại sao vậy?
Thưa! Vì khi cầu nguyện, mọi mối tương quan được khởi sắc và khăng khít.
Hãy
cầu nguyện với Chúa mọi nơi mọi lúc. Cầu nguyện trong sự cảm nghiệm sâu xa về
tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời. Tạ ơn Chúa vì tất cả những gì Ngài đã
ban cho.
Ngày
nay, người ta coi thường giờ kinh gia đình, thay vào đó là giờ của tivi, truyền
hình, sách báo... và nhiều chuyện khác...
Tuy
nhiên, hệ quả đằng sau nó chính là sự chia rẽ, rạn nứt, vì không được Lời Chúa
hướng dẫn, không nhận ra khuyết điểm để sửa sai, không thấy ân lộc Chúa ban mà
tạ ơn, như vậy, đây là mối nguy của sự chung thủy.
Khi
cầu nguyện chung với nhau, mọi người được Chúa hướng dẫn và mọi thành viên học
được bài học yêu thương.
Nếu
con cái tôn thờ Thiên Chúa thì chúng không thể không yêu thương, kính trọng cha
mẹ là hình ảnh và đại diện Chúa trên trần gian.
Nếu
vợ chồng có những chuyện không thể tha thứ, khi cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy được
Thiên Chúa nhân hậu và quảng đại, Ngài đã tha thứ cho mình, thì mình cũng phải
tha thứ cho nhau... Trong cuộc sống, có biết bao những khó khăn cách này, cách
khác... nhìn lên Thánh Giá Chúa trong tâm tình cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy được
mọi lời giải đáp và tìm lại được ý nghĩa, giá trị của đau khổ trong đời sống đức
tin.
Cuối
cùng, tham dự các buổi cử hành phụng vụ, lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích
Giải tội và Thánh Thể, chúng ta sẽ được chính lòng thương xót của Thiên Chúa dưỡng
nuôi và định hướng.
Mẫu
gương gia đình Thánh Gia mà Giáo Hội mừng kính hôm nay toát lên những đặc tính
đó. Và, khi thiết lập lễ Thánh Gia, Giáo Hội mời gọi mọi thành phần hãy nhìn
ngắm, chiêm ngưỡng đời sống của gia đình Thánh Gia. Những tấm gương ngời sáng
của một người cha, một người mẹ và một người con hết lòng vì gia đình.
Lạy Thiên
Chúa là Cha chúng con, xin cho các bậc làm cha mẹ biết ý thức được vai trò, trách
vụ quan trọng của mình trong gia đình, từ đó biết chu toàn bổn phận, yêu thương
và giáo dục con cái nên người.
Xin cho
các người con biết yêu mến, vâng phục cha mẹ trong tình yêu, để qua đó, được trở
nên con người tốt giúp ích cho Giáo Hội và xã hội.
Xin Chúa
ban cho mọi thành viên trong gia đình biết yêu thương nhau như khuôn mẫu của
Gia đình Thánh Gia khi xưa. Amen.