XIN CHÚA TƯƠI NÉT MẶT NHÌN ĐẾN CHÚNG TA
LỄ GIAO THỪA – TẾT NGUYÊN ĐÁN 2016
(Ds 6, 22-27; 1 Tx 5,
16-26. 28; Mt 5, 1-10)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Trong một năm, giờ
phút này có lẽ là giờ phút thiêng liêng nhất! Bởi vì đây là thời khắc chuyển
giao giữa năm cũ và năm mới, thời mà cha ông ta vẫn gọi với cụm từ rất thân
thương: “Tống cựu - nghinh tân”.
Trong giờ phút này, nhiều
nơi có những phong tục, truyền thống, lễ hội diễn ra nhằm tạm biệt năm cũ và
chào đón năm mới.
Họ cũng thường cầu
chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong khoẳng khắc này. Nào là: cầu chúc cho
ông bà khỏe mạnh; cho anh chị hạnh phúc; cho con cháu ngoan hiền, cho công việc
thuận lợi, cho hoa màu tốt tươi...
Sự mong ước đó được
nhiều người thể hiện qua mâm ngũ quả như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung hay
qua những cành lộc tươi tốt, xum xuê hái được trong giờ khắc linh thiêng của
đêm giao thừa.
Tuy nhiên, với người
Công Giáo, niềm tin dạy cho chúng ta rằng: trong khi vui mừng đón mùa xuân đát
trời, xuân tự nhiên, thì chúng ta còn có một niềm vui khác, đó là niềm vui tinh
thần, niềm vui Tin Mừng, bởi vì qua mùa xuân hữu hạn, chúng ta được mời gọi hướng
về Chúa là Mùa Xuân Vĩnh Cửu.
Vì thế, trong giờ phút
này, cộng đoàn chúng ta quy tụ quây quần bên nhau trong Thánh Đường, để nguyện
xin Chúa chúc phúc, đồng thời cũng để bày tỏ niềm tin yêu và phó thác nơi Thiên
Chúa Ba Ngôi, vì chính người là Niềm Vui và là Mùa Xuân Vĩnh Cửu.
Tác giả Thánh Vịnh đã
diễn tả sự chúc phúc và niềm phó thác ấy qua lời cầu nguyện: “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất xuống cho bạn
muôn vàn phúc cả từ Núi Thánh Sion” (Tv 134, 3). Trong sách Dân Số,
tác giả cũng dẫn đưa con người về lời cầu nguyện hướng Thiên như vậy: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh
em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng
thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình
an cho anh em!” (Ds 6, 24-26).
Khi cất lên lời cầu
nguyện với Thiên Chúa như thế, tác giả muốn đặt Thiên Chúa vào trọng tâm của đời
sống con người, bởi vì chính Người cũng đã coi con người là trọng tâm của công
trình tạo dựng. Điều này đã được sách Dân Số chứng minh: “Chúc như thế là đặt con cái Itraen dưới quyền bảo trợ của
danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6, 24-27).
Còn niềm vui, hạnh phúc nào
hơn cho bằng khi con người được Thiên Chúa rủ thương chúc phúc. Người chăm sóc
chúng ta như gà mẹ ấp ủ đàn con, như người cha yêu thương con cái, như người
bạn đỡ nâng đồng hành, như người chồng ấp ủ thương yêu! (x. TSNTLTX, số 6 ).
Đứng trước hồng ân lớn
lao đó, tác giả Thánh Vịnh một lần nữa không khỏi ngỡ ngàng thốt lên: “Tôi
ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?” (Tv 121, 1),
Nhưng ngay lập tức, tác giả đã xác định không chút do dự: “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là Đấng dựng
nên cả đất trời” (Tv 121, 2).
Gợi lại một vài điểm
như thế để thấy được rằng: Thiên Chúa là Đấng một dạ xót thương, Ngài luôn nhẫn
nại và tha thứ tội lỗi, chữa lành bệnh tật, bao bọc chúng ta bằng ân sủng và tình
thương (x. Tv 103, 3-4; 146, 7-9 ); Vì
thế, thánh Phaolô mời gọi: “Anh em
hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ
ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn
trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5, 16-18). Và rồi thánh nhân cũng nhắc nhở: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí [...] Hãy cân
nhắc mọi sự: điều gìtốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào
thì lánh cho xa” (1 Tx 5, 19-22).
Năm cũ đã qua, năm mới
đang đến, có lẽ mọi người trong nhà thờ này đều mong muốn năm mới được mọi sự tốt
đẹp...! Tuy nhiên, với những người có niềm tin nơi Chúa, chúng ta phải hướng lời
cầu nguyện nơi mình vào trọng tâm ơn cứu chuộc, đó là: mong sao cho mình được
đi trong đường lối của Thiên Chúa, được lòng thương xót của Người ấp ủ, bảo vệ,
xin Người thương cứu giúp ta khỏi lỡ chân trật bước, giữ gìn ta khỏi mọi điều bất
hạnh, ban cho sinh mệnh được an toàn (x. Tv 121, 3-8). Xin cho mình luôn được sự
bình an của Chúa.
Như thế, hạnh phúc là
điều con người luôn mong mỏi đợi trông. Nhưng như những gì đã chia sẻ, thì niềm
vui, bình an và hạnh phúc đích thực của chúng ta khác hẳn với những người không
có niềm tin. Vì thế, thật ý nghĩa khi trong đêm giao thừa này, chúng ta được
nghe bài Tin Mừng nói về Tám Mối Phúc Thật. Tuy nhiên, Tám Mối Phúc này chỉ có
những ai tin tưởng và khao khát đi tìm Mùa Xuân Vĩnh Cửu thì mới cảm thấy thuận
tai và vui mừng, còn những ai không có niềm tin thì đây chính là tám mối họa,
vì nó ngược đời, nghịch nhĩ!
Thật vậy, muốn được hạnh
phúc đích thực, chúng ta phải sống khó nghèo theo tinh thần Tin Mừng, hiền lành,
nhân hậu như Thiên Chúa, sầu khổ vì những tội lỗi đã phạm, khát khao những điều
công chính, thương xót mọi người, sống trong sạch, xây dựng hòa bình và sẵn
sàng làm chứng cho Chúa dù có phải đầu rơi máu đổ.
Tất cả những mối phúc
đó, chúng ta cần phải có đức tin để không thấy cái ngược đời mà là thuận đời,
không nghịch nhĩ mà thuận tai...
Mong sao, tết đến,
xuân về, mỗi người chúng ta hãy đổi mới tinh thần và thể xác, hãy mặc lấy Mùa Xuân
Vĩnh Cửu là chính Đức Kitô, để Ngài là niềm vui đích thực của chúng ta.
“Nguyện Đức Chúa ban phúc lành và gìn giữ
anh chị em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh chị em và dủ lòng thương
anh chị em! Và Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng
trong suốt Năm Mới này”.
Lạy Thiên Chúa là Cha
chúng con, chúng con xin cảm tạ Chúa đã yêu thương gìn giữ chúng con trong suốt
năm qua, giờ đây. Chúng con xin dâng năm mới này lên cho Chúa, để xin Người ban
bình an, niềm vui và hạnh phúc cho chúng con.
Xin cho mỗi người chúng
con dù ăn, dù nói, làm việc hay nghỉ ngơi, luôn hướng về Mùa Xuân Vĩnh Cửu trên
Thiên Quốc. Amen.