KHÔNG CÓ HIẾU LÀ VẤT
ĐI!
MỒNG HAI TẾT NGUYÊN ĐÁN 2016
(Hc 44,1.10-15; Ep 6, 1-4.18.23; Mt 15, 1-6)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Tôn kính tổ tiên và hiếu nghĩa với ông bà cha mẹ là truyền thống
và gia sản tốt đẹp của cha ông ta từ bao đời nay.
Đây là nghĩa cử cao quý mà bất cứ ai, đã sinh ra làm người thì
khi đến tuổi khôn đều phải được dạy cho biết gia sản quý báu của dân tộc, đồng
thời mỗi người phải coi đây là bổn phận, nghĩa vụ trong lòng mến chứ không chỉ
đơn thuần là tình cảm tự nhiên.
Ngược lại, nếu ai sống một cuộc đời bất hiếu, thì có thể kể hạng
người đó vào số những người vô giáo dục, hay không phải là con người đúng
nghĩa!
Hôm nay, Giáo Hội dành riêng ngày mồng hai tết cổ truyền của dân
tộc để mời gọi con cái mình hướng về cội nguồn để cầu nguyện cho các bậc sinh
thành, và noi gương sáng của các ngài để lại, hầu có thể làm sáng danh Thiên
Chúa, rạng rỡ gia phong và vẻ vang dân tộc... đây chính là: “Của lễ làm đẹp
lòng Thiên Chúa” (Cl 3,20).
1.
Đạo hiếu ngày xưa
Ngày xưa, cha ông ta rất coi trọng chữ hiếu. Chữ
hiếu được đưa lên hàng đầu vì: ”Chữ hiếu niệm cho tròn một tiết, thời suy ra
trăm nết đều nên”.
Vì thế, khi đánh giá một người nào, các cụ ta
thường hay xem họ có hiếu nghĩa với ông bà, cha mẹ, sống có tình nghĩa với anh
chị em trong gia đình và làng xóm không?
Còn khi chọn ai đó
làm quan, nhà vua thường dựa trên quy luật: “Tướng – Hàm –Hiếu”. Tức là phải có
tướng mạo, học hành giỏi giang và có hiếu với bậc sinh thành. Tuy nhiên, hiếu
nghĩa quyết định người đó đậu hay không.
Khi người xưa coi trọng chữ hiếu như
vậy, các bậc tiền bối của chúng ta coi chữ hiếu là căn cốt, là bản lề, là cột trụ
trong việc hình thành nhân cách cũng như nền tảng xây dựng xã hội và nghề
nghiệp.
Theo truyền thống Nho
giáo, trong các tội người ta phạm thì tội bất hiếu là tội nặng nhất, bởi lẽ: “Người ta có cha có mẹ, không ai ở chỗ
nẻ chui lên”, nên: “Người
ta có cố có ông, như cây có cội như sông có nguồn”.
Vì thế, người thời xưa, sáng ngày mồng
một, con cháu quy tụ về nhà tổ để làm lễ gia tiên với người đã khuất, sau đó
đến phần bày tỏ hiếu nghĩa với người còn sống.
Trên đây là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta khi nói và sống
chữ hiếu. Còn ngày nay thì sao?
Nếu ngày xưa, nhà nhà, người người coi lễ giáo gia phong, tôn ty
trật tự, hiếu nghĩa thảo hiền là điều quan trọng không thể thiếu trong các mối
tương quan, thì ngày nay, có khi: “Mò kim
đáy biển”.
Vì thế, trong những ngày giáp tết vừa qua, trên các trang mạng xã
hội có đăng tải những tấm hình gây nhiều chú ý, bức xúc kèm theo những lời kết
án gắt gao, đó là: hình ảnh một bà cụ già trạc 90 tuổi, bị nhốt dưới bếp và
khóa trái cửa, cụ đẩy cửa và nhìn hé ra ngoài, bên dưới là lời nói: “Con ơi, mở cửa cho mẹ, mẹ không lên phòng
khách đâu!!!”. Rồi hình ảnh khác, một bà cụ ngồi vệ đường với bát cơm trộn.
Cụ vừa ăn vừa khóc! Bên dưới có lời bình: “Cuộc
đời vất vả nuôi con, cầu mong con lớn, nhờ con về già! Vậy mà khi tuổi xế tà,
sức lực cạn kiệt thân già ốm đau. Con cái thì lại ganh nhau, chăm được ba bữa
càu nhàu rên la. Mẹ già cay đắng lệ xa, bát cơm chan lệ như là chan canh”.
Ôi đọc mà đau nhói con tim, tê tái tâm hồn!
Rồi nhìn chung quanh, có khi không chừng, ngay cả trong nhà thờ
này, vẫn còn đó những đứa con bất hiếu, vô giáo dục khi đối xử với thậm tệ với
cha mẹ!
Vì thế, vẫn thấy đây đó nhiều bậc cha mẹ phải bỏ nhà ra đi hay
bị đuổi ra khỏi nhà vì cảnh con dâu quá láo, con trai phụ bạc, các cháu hỗn
hào... Ôi thật đau xót biết chừng nào!!!
Những hạng người bất hiếu trên, có lẽ họ quên mất một quy luật
tất yếu, đó là: “Sóng trước vỗ đâu, sóng
sau vỗ đó”.
Có một câu chuyện kể rằng: một hôm, anh con trai mua một cái
sọt, rồi nhốt cha già trong đó và mang vào rừng bỏ đói cho chết. Thấy vậy, con
trai anh tuy còn nhỏ, nhưng đã ý thức và đau xót nên nói với cha mình rằng: “Ba đem ông vào rừng rồi sau đó mang sọt về
cho con nhé”. Người cha liền hỏi: “Mang
về làm gì?” Người con đáp: “Để sau
này có cái mà nhốt cha!”. Đây quả là quy luật tất yếu dành cho kẻ bất hiếu.
Đối với người Công Giáo, đạo hiếu không chỉ là một bổn phận phải
có đối với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, mà còn là đòi hỏi, là lệnh truyền,
là giới răn của chính Thiên Chúa.
Trong thập giới, Thiên Chúa dành ra giới răn thứ tư để truyền
phải giữ, đó là: “Thảo kính cha mẹ”. Giới
răn này chỉ đứng sau những giới răn tôn thờ Thiên Chúa. Như vậy, ngoài bổn phận
với Thiên Chúa, người Công Giáo phải trung thành tuân giữ lòng hiếu nghĩa với
tổ tiên.
Khi hiếu kính với tổ tiên, chúng ta sẽ được Thiên Chúa chúc phúc
và tha thứ lỗi lầm, vì: “Ai tôn thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì
tích trữ kho báu” (Hc 3,3-4). Thánh
Phaolô thêm: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó
là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo
lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3); vì: “Ai vâng lời cha
mẹ trong mọi sự sẽ đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20) và sẽ được
Thiên Chúa sẽ nhận lời người hiếu nghĩa cầu xin (x. Hc 3,8).
Còn với Đức Giêsu, ngài nhắc lại và
kèm theo cảnh báo: “Ngươi hãy thờ kính cha
mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).
Như những gì đã chia sẻ ở trên, chúng ta thấy chữ hiếu đối với
người Công Giáo thật là quan trọng, nó kéo theo việc được chúc lành hay chúc dữ
tùy vào thái độ của chúng ta.
Thiết nghĩ, ngay trong giây phút này, mỗi người hãy làm mới lại
tinh thần hiếu nghĩa đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ.
Trước tiên, chúng ta hãy cầu nguyện, kết hợp với những hy sinh
để cầu cho linh hồn các bậc tổ tiên đã ra đi, đồng thời cầu nguyện cho những
bậc còn sống được bình an. Hãy nhớ nằm lòng câu ca dao sau: “Cây có gốc mới
nở ngành sinh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu. Người ta có gốc từ
đâu! Có cha có mẹ rồi sau có mình”.
Thứ đến, hãy vui vẻ lễ phép, chăm lo cơm cháo, đồng quà tấm
bánh, nhất là lo thuốc thang khi các ngài ốm đau bênh tật. Sống yêu thương,
kính trọng như lời Kinh Thánh dạy: “Con ơi, hãy săn sóc cha con khi người
đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn,
con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người. Vì
lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi con” (Hc 3,12-14).
Cuối cùng, nếu ai đã hỗn sược, lếu
láo với bậc sinh thành, ngay lập tức, sau thánh lễ này, hãy xin lỗi các ngài và
quyết tâm sửa sai. Nên nhớ rằng, đây là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ tội
lỗi cho mình hay không.
Ước gì, trong dịp tết năm nay, nhất là trong ngày cầu cho tổ tiên, cũng
như hằng ngày trong đời sống, mỗi người chúng ta phải thực sự là tấm gương cho
con cháu về lòng hiếu nghĩa với các bậc tổ tiên, để như một quy luật tất yếu,
con cái sẽ noi gương và báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của chúng ta hôm
nay và ngày mai. Amen.