CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

Mùa Chay Là Thời Gian Của Sự Biến Đổi

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (St 15:5-12, 17-18;  Pl 3:17 – 4:1;  Lc 9:28b-36)

          Phải làm gì trong mùa Chay?  Sống và phát huy đức tin là câu trả lời mà Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật trước đã trình bày cho ta.  Làm như thế, đời sống thiêng liêng của chúng ta sẽ thay đổi.  Việc thay đổi nội tâm đã được Lời Chúa hôm nay mô tả qua biến cố đổi đời của tổ phụ Áp-ra-ham và nhất là qua cuộc Hiển Dung của Chúa Giê-su trên núi.  Khi nói về cuộc biến đổi nội tâm, thánh Phao-lô cũng không ngại chia sẻ với tín hữu cộng đoàn Phi-líp-phê kinh nghiệm bản thân ngài và ngài còn kêu gọi họ hãy bắt chước ngài như ngài đã noi gương Chúa Giê-su nữa.

          Trước hết chúng ta hãy xem cuộc đổi đời của tổ phụ Áp-ra-ham đã xảy ra như thế nào.  Bắt đầu chương 12, sách Sáng Thế thuật lại sự tích tổ phụ Áp-ra-ham.  Sau cơn hồng thủy, con cháu ông Nô-ê đã trở nên đông đúc.  Một hậu duệ của ông là Tê-ra đã đem con trai là Áp-ram, con dâu là Xa-rai và cháu nội là Lót, con của Ha-ran, rời khỏi thành Ua của người Can-đê để đi tới đất Ca-na-an.  Nhưng họ đến Kha-ran thì ở lại đó.  Tại đây, Thiên Chúa đã kêu gọi Áp-ram rời Kha-ran để đến miền đất Người hứa ban cho ông.  Hành trình của Áp-ram tới đất hứa đầy nguy hiểm và hầu như tuyệt vọng.  Tới Si-khem là nơi Thiên Chúa hứa, ông ở lại.  Nhưng một nạn đói khiến gia đình ông phải xuống trú ngụ tại Ai-cập một thời gian.  Trở lại đất hứa và tại Khép-ron, Thiên Chúa hứa ban cho ông có con cháu đông đúc như sao trời cát biển, mặc dù bà Xa-rai vợ ông đã lớn tuổi mà không có con.  Từ khi rời quê cha đất tổ cho đến lúc ấy, cuộc đời của ông Áp-ram khác nào một “mùa Chay” vì không có con cháu nối dòng và nơi chốn cố định.  Vậy thì điều gì đã giúp thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông?  Đó là đức tin vào Thiên Chúa.  Nhờ đức tin, ông đã vượt qua được mọi khó khăn trên hành trình đến đất hứa.  Con người cũ Áp-ram biến thành con người mới là Áp-ra-ham, cha của đức tin.  Bà Xa-rai vợ ông cũng mang một tên mới là Xa-ra và từ một phụ nữ son sẻ bà trở thành mẹ của dân tộc lớn.  Tuy nhiên, hiệu quả lớn nhất của đức tin nơi Áp-ra-ham là:  “Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính”. Sau này, đoạn thư Do-thái 11:8-19 đã không tiếc lời ca ngợi đức tin của ông Áp-ra-ham vậy!

          Trong khi bài đọc 1 nhấn mạnh đến vai trò của đức tin đã biến đổi thân phận ông Áp-ra-ham, thì bài Tin Mừng lại cho chúng ta thấy đang lúc Chúa Giê-su cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác.  Rõ ràng là cầu nguyện đã ảnh hưởng thật nhiều trên đời sống Chúa Giê-su.  Người cầu nguyện luôn luôn, nhất là trong những biến cố trọng đại của Người.  Cuộc Hiển Dung của Người xảy ra sau khi Người báo trước cho các môn đệ biết về cuộc Thương Khó Người sắp phải chịu tại Giê-ru-sa-lem.  Để được vững chí và giúp củng cố đức tin của các môn đệ, Chúa Giê-su đã cùng lên núi với ba môn đệ Người tuyển chọn và trong lúc cầu nguyện Người đã biến đổi hình dạng nên sáng láng, lại thêm có ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a hiện đến đàm đạo với Người.  Ai cũng nghĩ là các vị đàm đạo với nhau về sứ mệnh của Chúa Giê-su, nhất là về cuộc Thương Khó sắp tới, bởi vì sứ mệnh ấy đã được nhắc đến nhiều lần trong sách Luật (đại diện là ông Mô-sê) và trong sách các Ngôn sứ (đại diện là ngôn sứ Ê-li-a).  Nếu chúng ta định nghĩa cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, thì đây quả thực là một buổi cầu nguyện vô cùng sốt sắng giữa Chúa Giê-su với hai ông Mô-sê và Ê-li-a.  Chính trong bối cảnh “đang lúc Người cầu nguyện”, Chúa Giê-su đã biến đổi hình dạng và được vững tâm can đảm để tiếp tục sứ mệnh.

          Riêng đối với thánh Phao-lô, ngài lại có một suy tư thần học sâu sắc.  Ngài coi cuộc sống trần gian chẳng khác gì một “mùa Chay” để trong khoảng thời gian này chúng ta biến đổi trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô” và đạt tới “tầm vóc” của Chúa.  Cuộc sống hiện tại là một hành trình tiến về “quê hương chúng ta ở trên trời”.  Không những thánh Tông đồ đề cập đến cuộc biến đổi nội tâm, mà ngài còn tin rằng quyền năng Chúa Ki-tô sẽ “biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển cùa Người” nữa!  Với xác tín ấy, thánh Phao-lô khích lệ tín hữu Phi-líp-phê:  Anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi, nếu anh em kết hợp với Chúa Ki-tô mà sống vững vàng trong niềm tin vào Người!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy tận dụng mùa Chay để thay đổi đời sống.  Giống như Áp-ra-ham đã rũ bỏ quá khứ để mỗi ngày một tin vào Thiên Chúa hơn, chúng ta cũng hãy quay lưng lại với đời sống tội lỗi và đầy khuyết điểm, để hướng mặt về Chúa Ki-tô, lắng nghe và sống những giá trị Tin Mừng của Người.  Rồi theo lời thánh Phao-lô, chúng ta kết hợp với Chúa để nhờ sự kết hợp này ta sẽ mỗi ngày một trở nên giống Chúa Ki-tô hơn.  Nên giống Chúa Ki-tô (Christlike) không phải là một động tác xảy ra trong khoảnh khắc, nhưng là kết quả của cả một đời lắng nghe, suy niệm và sống Lời Chúa, thực hành những nhân đức Phúc âm (Tám mối phúc), sống đời yêu thương và bác ái, yêu thương anh chị em như Chúa yêu thương chúng ta.  Ông Áp-ra-ham đã trở thành “cha của đức tin”;  Chúa Giê-su thì hiển dung đang khi Người cầu nguyện;  còn chúng ta, chúng ta sẽ trở nên thế nào mai sau, cụ thể là trong mùa Chay 2019 này?

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

 

                      


Suy Niệm Lời Chúa Năm C