CHÚA NHẬT 4 MÙA
CHAY C
Gs 5,9a.10-12 ;
2 Cr 5,17-21 ; Lc 15,1-3.11-32
HỒI TÂM TRỞ VỀ VỚI CHÚA CHA ĐẦY LÒNG TỪ BI THƯƠNG XÓT
I. HỌC LỜI CHÚA
1.
TIN MỪNG: Lc 15,1-3.11-32
(1)
Tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần
Đức Giê-su mà nghe Người. (2) Còn những người thuộc phái Pha-ri-sêu và
các Kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn
uống với chúng. (3) Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này. (11) “Một
người kia có hai con trai. (12) Người con thứ nói với cha rằng: Thưa
cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của
cải cho hai con. (13) Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi
trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của
mình. (14) Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng
ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,
(15) nên phải đi ở cho một người dân trong vùng. Người này sai anh ta ra
đồng chăn heo. (16) Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy
bụng, nhưng chẳng ai cho. (17) Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết
bao nhiêu người làm công cho Cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây
lại chết đói ! (18) Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với
Người: ”Thưa cha, con thật đắc tội với trời và với cha, (19) chẳng
còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha
vậy”. (20) Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đàng
xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ
anh ta và hôn lấy hôn để. (21) Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha,
con thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha
nữa...” (22) Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo
đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân
cậu. (23) Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc
ăn mừng! (24) Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại. Đã mất mà nay
lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng. (25) Lúc ấy người con cả của
ông đang ờ ngoài đồng. Khi anh ta về gần nhà, nghe thấy tiếng đàn ca
nhảy múa, (26) liền gọi một người đầy tớ ra hỏi xem có chuyện gì.
(27) Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê
béo, vì được lại cậu ấy mạnh khỏe”. (28) Người anh cả liền nổi
giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. (29) Cậu trả lời
cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào
trái lệnh. Thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con ăn mừng
với bạn bè. (30) Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của
cải của cha với bọn điếm, nay trở về thì cha lại giết bê béo ăn
mừng !”. (31) Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng
ở với cha. Tất cả những gì của cha đều là của con. (32) Nhưng chúng
ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống,
đã mất mà nay lại tìm thấy”.
2.
Ý CHÍNH: Trong bài Tin mừng hôm nay đoạn mở đầu (c 1-3) cho biết
hòan cảnh của dụ ngôn. Tiếp theo là chính dụ ngôn trình bày về lòng
từ bi nhân hậu của một người cha (c 11-32), gồm hai phần chính như sau:
-
THÁI ĐỘ BAO DUNG CỦA NGƯỜI CHA ĐỐI VỚI ĐỨA CON THỨ: thể hiện qua các
hành động sẵn sàng chia gia tài theo yêu cầu của đứa con ngay khi ông
còn sống, nôn nóng chờ mong đứa con đi hoang trở về, chạnh lòng xót
thương khi vừa thấy con từ xa và sẵn sàng tha thứ trước khi nó kịp
thú tội, lập tức trả lại địa vị làm con, tổ chức bữa tiệc mừng con
hoang trở về.
-
THÁI ĐỘ HẸP HÒI CỦA CON TRƯỞNG: Sau khi biết em đã trở về nhà và
được cha không những không trừng phạt mà còn mở tiệc ăn mừng, thì người
con trưởng đã tỏ thái độ hẹp hòi và ganh tị: Không thèm vào nhà,
trách cha thiên vị đứa em bất hiếu, đã đối xử bất công với anh là đứa con
hiếu thảo. Cuối cùng người cha đã ra gặp và giải tỏa những lời
trách móc của người con cả. Ông khuyên anh hãy noi gương ông để bao dung
với đứa em tội lỗi vì: “Em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất
mà nay lại tìm thấy”.
3.
CHÚ THÍCH:
- C
1-3: + Những người thu thuế:
Chỉ trong Tin mừng Nhất lãm (Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca) mới đề cập đến
hạng người thu thuế này (x. Mt 9,9 ; Mc 2,14 ; Lc 5,27). Họ bị coi là
tay sai của chính quyền Rô-ma và bị tố cáo đã lạm thu thuế để hưởng
lợi bất chính (x. Lc 19,8b). Dân Do thái liệt họ vào hạng người tội
lỗi xấu xa, ngang hàng với bọn trộm cắp đĩ điếm (x. Mt 21,31-32). +
Những người tội lỗi đến nghe Đức Giê-su giảng: Đây là các tội
nhân đã phạm tội công khai như: Gái điếm (x. Lc 7,37), người phụ nữ Sa-ma-ri-a
có cuộc hôn nhân bất chính (x. Ga 4,18), người đàn bà ngoại tình (x. Ga
8,3), kẻ bị quỷ ám (x. Lc 8,2) kẻ chơi bời trác táng (x. Lc 15,13.30),
hay tên gian phi (x. Lc 23,39). + Những người thuộc phái Pha-ri-sêu
và các Kinh sư: Pha-ri-sêu (hay Biệt phái) là những người Do
thái đạo đức, sống tách biệt khỏi quần chúng. Kinh sư (hay Luật sĩ)
là những nhà trí thức, xuất thân từ trường Kinh thánh. Họ thường giải
thích Kinh thánh trong các hội đường Do thái vào các ngày Sa-bát. Họ
được dân chúng kính trọng gọi là “Ráp-bi”, nghĩa là “Thầy” (x. Mt 23,7).
+ Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng:
Người Pha-ri-sêu và Kinh sư trách Đức Giê-su vì đã thu nhận Lê-vi là
người thu thuế làm môn đệ, lại còn đến ngồi đồng bàn ăn uống với
bọn thu thuế bạn bè của anh ta (x. Lc 5,27-32).
- C 11-13: + Một người kia có hai con
trai: Đây là dụ ngôn chỉ có trong Tin mừng Lu-ca, nói lên
lòng bao dung của một người cha ám chỉ Thiên Chúa, đối với đứa con
hoang đàng bất hiếu, ám chỉ các người thu thuế tội lỗi.
- C 14-16: + Đi ở cho một người dân
trong vùng: Đứa con thứ này đã rơi vào hòan cảnh túng
cực: tự bán mình làm nô lệ cho người dân ngoại và bị người này sai
đi chăn heo. Heo là con vật bị Luật Mô-sê coi là nhơ uế, vì được dân
ngọai dùng làm lễ vật cúng tế cho thần minh của họ (x. Đnl 14,8).
+ Ước ao lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai
cho: Thân phận của anh ta giờ đây không bằng loài heo nhơ bẩn!
- C 17-20a: + Bấy giờ anh ta hồi tâm và
tự nhủ...: Hòan cảnh đói khổ làm cho đứa con thứ
phải xét lại hành động sai trái của mình. + Thế rồi anh ta
đứng lên đi về cùng cha: Anh trở về không phải do thương nhớ
cha, mà chỉ là một hành động có tính tóan và đầy vụ lợi! Dụ ngôn
đã không nhấn mạnh đến sự ăn năn sám hối của người con thứ mà chỉ muốn
đề cao tình thương bao dung của người cha.
- C
20b-24: + Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy
hôn để: Động từ “chạnh lòng thương” là lý do giải thích các hành động sau đó.
Động từ nầy tìm thấy trong trình thuật bà góa thành Na-im (7,3) và câu chuyện
người Sa-ma-ri-ta-nô nhân lành (10:33). Trong cả ba trường hợp này, “chạnh lòng
thương” nên đã cứu sống người sắp chết hoặc tái sinh người đã chết. Cái hôn biểu lộ tình thương tha thứ. Tình thương
này được diễn tả qua sự kiện: Ngay khi đứa con còn ở đàng xa, ông đã
trông thấy và chủ động chạy ra ôm hôn con để biểu lộ sự tha thứ vô
điều kiện, tha ngay trước khi nó kịp nói lời thú tội. + Nhưng
người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây...:
Người cha không muốn nghe đứa con nói hết câu xin lỗi, đã sẵn sàng
ban cho nó quá điều nó dám mong ước. Ý nghĩa của việc xỏ “nhẫn”, mặc
“áo”mới (x. St 41:42) cho thấy người cha đã trả lại địa vị làm con, dù anh ta chỉ
dám xin trở thành người làm công cho cha. “Giết bò béo” (St 18,7) cho thấy niềm
vui tột đỉnh của người cha muốn chia sẻ niềm vui với người khác. + Chân đi dép: ám
chỉ một người tự do, khác với nô lệ phải đi chân đất. Vậy, người cha đã đón nhận lại
đứa con tội lỗi trong niềm vui lớn lao; đồng thời phục hồi lại cho nó quyền làm
con, vì có người cha nào lại không xót thương con cái mình (x. Tv 103:13).
- C
25-28: + Người con cả: Tượng trưng cho các đầu mục dân Do
thái. + nổi giận và không chịu vào nhà: Anh nổi giận vì
nghĩ rằng cha đã cư xử bất công với anh. Anh từ chối vào nhà để tỏ
thái độ phản đối cách cư xử bao dung của cha, khi ông không những đón
nhận thằng con bất hiếu mà còn mở tiệc để ăn mừng nó trở về.
- C
29-30: + Còn thằng con của cha đó: Người con cả không coi người
kia là em mình nên dùng cách nói khinh dể, giống như người Pha-ri-sêu
đã khinh dể người thu thuế trong dụ ngôn “hai người lên Đền thờ cầu
nguyện” (x. Lc 18,11).
- C 31-32: + Con à, lúc nào con cũng ở
với cha. Tất cả những gì của cha đều là của con: Người
cha nhắc cho anh con cả ý thức về tình yêu bao la của ông mà anh ta
vẫn luôn được hưởng. + Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ:
Người cha mời gọi anh con cả hãy bước vào ngôi nhà tình thương của
cha, cùng chia sẻ niềm vui với cha khi đứa em tội lỗi của anh ta hồi
tâm trở về. + “Em con đây”: Ong chỉnh lại lối xưng hô
khinh miệt của người anh: “Thằng con của cha đó” bằng từ yêu thương “Em
con đây”. + “Đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm
thấy”: Qua câu này Đức Giê-su gián tiếp trả lời cho những tiếng
xầm xì của người Pha-ri-sêu và mời họ chia sẻ tâm tình của Thiên
Chúa đối với những kẻ tội lỗi.
4.
CÂU HỎI:
HỎI 1) ƯU VÀ KHUYẾT ĐIỂM CỦA CÁC NGƯỜI PHA-RI-SÊU VÀ
KINH SƯ LÀ GÌ?
ĐÁP:
* VỀ
ƯU ĐIỂM: Các người Pha-ri-sêu và Kinh sư được đánh giá là những
người có lòng đạo đức, thể hiện qua việc siêng năng ăn chay cầu
nguyện và làm phúc bố thí (x. Mt 6,2.5.16). Họ am tường và tuân giữ
Luật Mô-sê trong từng chi tiết, nhất là luật về ngày Hưu lễ (nghỉ
việc ngày Sabát), luật Thanh tẩy (rửa tay, rửa bình, rửa các đồ
đồng, tắm rửa...). Về giáo lý họ cũng tin như Đức Giê-su đã giảng: tin
có thiên thần (x. Cv 23,6-8), tin linh hồn bất tử và thân xác lòai
người sau này sẽ sống lại…
* VỀ
KHUYẾT ĐIỂM: Đức Giê-su đã nhiều lần lên tiếng sửa dạy và thậm
chí còn nặng lời quở trách họ về thói đạo đức giả. Chẳng hạn: Họ
chỉ giữ Luật theo hình thức bề ngoài; Tranh nhau ngồi chỗ nhất trong
các đám tiệc và ghế đầu trong hội đường; Ăn mặc lụng thụng để được
người ta kính trọng (x. Mt 23,5-6); Tự hào vì đã tuân giữ Lề luật; Tự
mãn về sự hiểu biết Luật và khinh thường dân chúng dốt nát; Dẫn
đường mù quáng và có thái độ cố chấp khi đề cao truyền thống và
luật truyền khẩu, mà quên đi các điều chính yếu của Luật (x. Mt 23,23);
Bắt dân chúng tuân giữ các điều khỏan Lề Luật trong từng chi tiết đang
khi chính họ lại không hề tuân giữ (x. Mc 12,38-40).
HỎI 2) THÁI ĐỘ
CỦA CÁC PHA-RI-SÊU VÀ KINH SƯ ĐỐI VỚI ĐỨC GIÊ-SU THẾ NÀO?
ĐÁP: Vì không nhận Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai (x. Mc
11,27-33), nên họ thường dò xét, gài bẫy để thử thách và tìm bắt
lỗi Người. Họ đòi Người phải làm phép lạ để chứng minh sứ vụ Thiên
Sai (x. Mc 8,11). Họ xuyên tạc các phép lạ Người làm để dân chúng đừng
tin theo Người và không gia nhập vào Nước Trời do Người thiết lập (x. Mc
3,23-30). Cuối cùng họ liên kết với đảng Hê-rô-đê, và Thượng Hội Đồng Do
thái ở Giê-ru-sa-lem để bắt Đức Giê-su và kết án tử hình cho Người cách
bất công (x. Lc 22,47-53; 23,1-7.18-25). Họ tiếp tục chế giễu Người khi
treo Người trên cây thập giá (x. Lc 23,35). Tuy nhiên, trong số các Pha-ri-sêu
cũng có một số người tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai và sau này đã trở
thành môn đệ của Người như: Ông Ni-cô-đê-mô (x. Ga 3,1), Ga-ma-li-en (x. Cv
5,34-39) và nhất là tông đồ Phao-lô (x. Cv 22,3).
II. SỐNG
LỜI CHÚA
1.
LỜI CHÚA: “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông
chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20b).
2.
CÂU CHUYỆN:
1) LÒNG
CHA BAO DUNG:
RI-SỚT
PIN-ĐEO (Richard Pindell) có viết một câu chuyện ngắn về một cậu bé
tên là ĐE-VÍT (David). Cậu ta đã nghe theo chúng bạn lén về nhà ăn
cắp một số tiền lớn rồi bỏ đi bụi đời. Mấy tháng sau, vì không
chịu nổi hoàn cảnh đói khát khổ cực, cậu đã viết một lá thư gửi
về cho mẹ. Trong thư, cậu tỏ ra hối lỗi và nhờ mẹ thuyết phục ông
bố vốn rất khiêm khắc, để xin ông tha tội và cho cậu được về nhà sum
họp với cha mẹ như trước. Nội dung lá thư ấy như sau: “Mẹ kính yêu,
trong một vài ngày nữa con sẽ đáp chuyến xe lửa ngang qua nhà mình.
Vậy nhờ mẹ xin lỗi bố cho con. Nếu bố bằng lòng tha thứ và chấp nhận
cho con về nhà, thì xin mẹ yêu cầu bố hãy cột một miếng vải trắng
trên cây táo hồng ở cạnh nhà mình mẹ nhé !”.
Vài
ngày sau, Đe-vít lên xe lửa để trở về nhà. Khi xe lửa đang di chuyển đến
gần nhà thì hai hình ảnh cứ liên tục hiện ra trong tâm trí cậu bé Đe-vít:
Lúc thì trên cây táo có cột một miếng vải trắng, lúc lại chẳng
thấy có miếng vải nào cả. Khi sắp đi ngang qua nhà, trái tim Đe-vít
đập nhanh hơn. Cậu quay sang người ngồi cạnh và ấp úng nói: “Thưa ông,
ông có thể giúp cháu việc này không ạ?” Được ông ta đồng ý, cậu
nói: “Vào khúc quẹo bên tay mặt, ông sẽ thấy một cây táo. Vậy phiền
ông nhìn vào cây táo ấy và cho cháu biết trên cành cây ấy có cột một
miếng vải trắng nào không nhé ?”. Khi xe lửa ầm ầm lướt nhanh qua
nhà, Đe-vít nhắm mắt lại rồi run giọng hỏi: “Thưa ông, có miếng vải
trắng nào treo trên cành cây táo cạnh nhà cháu không ạ?” Ông ta sửng sốt
trả lời rằng: “Ô, này cậu bé, không phải chỉ một mà cành cây nào ta
cũng thấy có cột vải trắng cả !”
Thì
ra sợ con trai không nhìn thấy giải vải trắng, ông bố của cậu bé đã
treo thật nhiều vải trắng để chắc chắn cậu sẽ nhìn thấy dấu hiệu
tình thương tha thứ để cậu yên tâm trở về.
2) LÒNG MẸ THƯƠNG CON THỂ HIỆN RA
SAO ?
Một
cô bé 5 tuổi đang ngồi trong lòng mẹ,
chợt lên tiếng hỏi: “Mẹ ơi, con có thể nhìn thấy được lòng mẹ không ?”. Bà
mẹ đáp : “Mẹ không biết, nhưng con có thể nhìn vào mắt mẹ xem con thấy gì trong đó ?” Cô
bé nhướng mắt chăm chú nhìn vào đôi mắt của mẹ,
rồi em sung sướng kêu lên : “Mẹ
ơi ! Con đã nhìn thấy lòng mẹ thương con rồi. Trong mắt mẹ, con chỉ nhìn
thấy duy một cô bé tí xíu là chính con đó mẹ ạ !”.
Đối
với bà mẹ thì đứa con là tất cả. Mỗi người chúng ta
cũng là con do Chúa sinh thành và rất mực yêu thương chúng ta.
3) CẢM NGHIỆM TÌNH THƯƠNG CỦA CHA
GIÚP CON DỄ HOÁN CẢI:
GAN-DHI
kể rằng khi ông được 15 tuổi, ông đã phạm tội ăn cắp của anh mình một đồng tiền
vàng. Tuy nhiên sau đó ông cảm thấy áy náy nên quyết định đến thú tội với cha
mình. Ông lấy ra một tờ giấy, viết lên đó tội ăn cắp mình đã làm và xin cha tha
thứ. Cuối thư ông cũng hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Khi ấy cha ông đang bị
bệnh phải nằm trên giường. Gan-dhi tiến lại đưa tờ giấy thứ tội cho cha và hồi
hộp chờ cha xét xử. Người cha đã ngồi dậy, cầm tờ giấy đọc, trong lúc ông đang đọc thì Gan-dhi thấy hai
dòng lệ từ đôi mắt cha chảy xuống. Gan-dhi cũng không cầm được nước mắt. Cuối
cùng khi đọc xong, người cha đã không hề nổi giận và cũng chẳng nói lời trách
móc. Ông ôm chầm lấy con và cảm thấy sung sướng vì con mình đã biết hối hận về
hành động xấu đã làm.
Cảm
nghiệm được tình yêu thương tha tội của cha là một cảm nghiệm rất sâu sắc. Sau
này Gan-dhi viết : "Chỉ có người nào đã trải qua cảm nghiệm về một tình
yêu như thế mới có thể hiểu được nó mà thôi".
4) THA THỨ LÀ QUÊN MỌI TỘI KẺ KHÁC
ĐÃ XÚC PHẠM ĐẾN MÌNH:
Một
bà già nọ không mấy ngày là không đến gõ cửa gặp cha xứ, kể cho ngài nghe những
giấc mơ của bà. Một hôm bà cho biết đêm qua Chúa lại hiện ra với bà. Để làm bà
nản lòng đừng tiếp tục đến quấy rầy nữa, cha xứ bảo: ”Lần sau nếu Chúa có hiện
ra, thì bà hãy hỏi Chúa: “Cha xứ con có tội gì nặng nhất ? Sau đó bà mới được tới
đây kể lại cho tôi nghe nhé”. Rồi mấy ngày sau đó không thấy bà già ấy đến
nữa. Cha xứ mừng thầm vì kế hay của mình. Nhưng một tuần sau thì thấy bà quay
trở lại.
-
Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.
-
Thế bà có nhớ hỏi Chúa điều tôi đã dặn bà không ?
-
Thưa cha có chứ.
Cha
xứ bắt đầu hồi hộp :
-
Thế bà đã hỏi Chúa thế nào ?
-
Thì con hỏi y như Cha đã bảo :”Cha xứ con có tội gì nặng nhất” ?
Cha
xứ càng hồi hộp thêm :
-
Vậy Chúa có trả lời không ?
- Có
chứ .
Bây
giờ thì cha xứ bắt đầu lo lắng thật sự. Cha gặng hỏi:
-
Chúa nói sao ?
-
Chúa nói: ”Ta đã quên hết rồi”.
Cha
xứ thở phào nhẹ nhõm.
(Kể
theo ĐHY Phanxicô X. Nguyễn văn Thuận)
3. THẢO LUẬN: 1) Trong bốn việc phải làm khi đi xưng
tội như: xét mình, ăn năn dốc lòng chừa, xưng tội và đền tội, thì
điều nào là quan trọng nhất để được giao hòa với Chúa ? Tại sao ? 2)
Trong Mùa Chay này, mỗi người chúng ta sẽ ăn năn sám hối tội nào cụ thể nhất và
sám hối bằng cách nào ?
4. SUY NIỆM:
Tin mừng CN 4 Mùa Chay hôm nay cho thấy tình thương bao
dung của Thiên Chúa đối với các tội nhân (15,1-32): Thiên Chúa như một người
Cha từ bi nhân hậu luôn “chạnh lòng thương” và sẵn sàng tha thứ tội lỗi cho con
cái lòai người như Thánh vịnh 135 đã ca tụng tình thương của Chúa như sau:
“Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương“. Dụ ngôn hôm nay cho thấy thái độ của
ba nhân vật chính trong dụ ngôn để từ đó chúng ta biết mình phải làm gì :
1) Thái độ sám hối quyết tâm trở về của đứa con thứ tội
lỗi (15,12-19) : Tội của đứa con thứ là tội bất hiếu khi đòi cha chia gia tài cho mình ngay
khi cha còn sống. Sau đó anh ta đã bỏ nhà đi hoang và ăn chơi phóng đãng tiêu
tán hết số tiền của cha. Đến khi anh lâm cảnh đói rách thì anh phải đi làm thuê
làm mướn và bị người chủ dân ngoại khinh dể và đối xử tệ hơn một con heo. Chính
sự cùng khổ đã khiến anh hồi tâm suy nghĩ và giúp anh quyết tâm đứng dậy quay
về xin lỗi cha, với ước mong được cha đối xử như một người làm công thôi. Câu“Đứng
lên, đi về cùng cha” cho thấy thái độ dứt khoát với quá khứ tội lỗi để về
với người cha thân yêu.
2) Thái độ bao dung của người cha nhân hậu (15,20-24): Về phần người cha, sau khi đứa con
thứ ra đi, ông buồn sầu nhớ thương, ngày ngày ngóng nhìn ra cổng chờ mong nó
mau quay về nhà. Khi thấy bóng con từ xa, ông đã nhận ra nó và “chạnh lòng
thương”: Ông không trách mắng hay trừng phạt con, mà chạy tới ôm chầm lấy cổ nó
hôn lấy hôn để, rồi mau mắn trả lại địa vị làm con cho nó khi truyền gia nhân thay
áo mới cho nó, đeo nhẫn vào ngón tay, xỏ giầy vào chân và mở tiệc mời bạn bè
hàng xóm đến ăn mừng đứa con, với lý do: “Tưởng nó đã chết mà nay sống lại,
tưởng đã mất mà nay lại tìm thấy”. Đây là sự đón tiếp nồng hậu ngoài sự tưởng
tượng của đứa con hoang đàng, nói lên tình thương bao dung của cha.
3) Thái độ hẹp hòi của người con trưởng (15,25-32): Người anh trưởng từ ngoài đồng trở
về gần đến nhà, nghe tiếng đàn ca, hỏi ra mới biết thằng em đi hoang mới trở về
và đã được cha không những tha tội mà còn mở tiệc ăn mừng. Anh ta tỏ thái độ
giận cha bằng cách không thèm đi vào nhà. Khi gặp được cha, anh đã chỉ trích
lối hành xử của cha mà anh cho là bất công không thể chấp nhận được (15,29). Thái độ giận dỗi của anh
khiến người cha phải xuống nước năn nỉ và cố gắng giải thích cho anh hiểu và
cảm thông với mình: ”Tất cả những gì của cha đều là của con “ (Lc 13,31). Dụ
ngôn kết thúc bằng lời của người cha khuyên con hãy có lòng bao dung với đứa em
lầm lỗi: “Vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại
tìm thấy”.
Chính
lòng nhân hậu, yêu thương và không chấp nhất tội lỗi của đứa con đi hoang đã khiến
người cha quên đi mọi lỗi lầm của đứa con hoang đàng đã gây ra, mà chỉ còn thấy
trước mặt là đứa con yêu mà ông hằng mong nó mau trở về, đứa con ông tưởng đã mất
mà nay lại tìm thấy. Ông vui sướng mở tiệc liên hoan, cho đàn ca múa hát, để ăn
mừng nó trở về.
Còn
thái độ của người anh cả khi đi làm về, nghe tiếng đàn hát ăn mừng đứa em mới
trở về được cha mừng rỡ hân hoan, nên chẳng những anh không vui mà còn tỏ thái
độ hờn trách khiến cha phải ra phân trần, năn nỉ và mời anh ta vào trong nhà với
ông để gặp lại đứa em "đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy". Ông
khẳng định với anh con cả rằng: "Tất cả những gì của cha đều là của
con" (Lc 13,31).
Qua
câu chuyện về tình thương tha thứ của người cha, ta thấy tình thương của Thiên
Chúa Cha thật quảng đại, “chậm bất bình và hết sức khoan dung”, một Thiên Chúa
không thích dùng hình phạt nhưng luôn sẵn sàng tha thứ. Tình thương bao la của
Thiên Chúa đã được bài Thánh thi diễn tả như sau: "Muôn ngàn đời Chúa vẫn
trọn tình thương" (Tv 135).
4) Làm gì để đáp lại Lòng Chúa Thương Xót ? :
+ Dụ ngôn người cha bao dung và đứa con hoang đàng
nói lên lòng nhân từ hay thương xót của Thiên Chúa đối với các tội nhân.
Chúa đã yêu thương chúng ta với tình yêu bao la như một người cha nhân hậu,
sẵn sàng tha thứ tội lỗi chúng ta là con cái của Ngài : Ngài tha thứ không
mệt mỏi, tha vô điều kiện và tha luôn mãi !
+ Chúa phán: “Tội các ngươi dầu có đỏ như son, cũng hóa
nên trắng như tuyết. có thắm tựa vải điều, cũng nên trắng như bông” (Is 1,18):
Dù tội của chúng ta có nặng tới đâu, thì tình thương của Chúa còn sâu nặng
hơn gấp bội. Dù tội lỗi chúng ta có nhiều tới mức nào, thì Chúa
cũng vẫn hằng chờ đợi để tha thứ, miễn là chúng ta thực lòng sám
hối và quyết tâm trở về.
+ Thiên Chúa tôn trọng sự tự do ra đi và chờ đợi
sự tự do trở về của chúng ta: Trong những ngày Mùa Chay này mỗi người chúng
ta sẽ làm gì cụ thể để đáp lại tình thương bao dung của Thiên Chúa ? Cần cấp
thời sám hối ăn năn quay về làm hòa với Chúa và lãnh ơn giao hòa trong phép
Giải tội; Hãy đáp lại lòng thương xót của Thiên Chúa bằng việc thương xót những
người đau khổ và quảng đại tha thứ lỗi lầm cho tha nhân; Hãy quan tâm giúp
người thân trong gia đình và bạn bè đang lạc xa Chúa để họ mau hồi tâm trở về để
nhận được ơn tha thứ của Chúa.
5. LỜI
CẦU:
- LẠY THIÊN CHÚA LÀ CHA CỦA CON. Con xin cảm tạ Cha
đầy lòng từ bi nhân ái. Con cảm tạ Cha vì Cha đã sai Con Một Cha là
Chúa Giê-su đến thế gian để dạy loài người chúng con nhận biết Cha
là Thiên Chúa giàu lòng từ bi nhân hậu. Qua bài Tin mừng hôm nay, chúng
con hiểu được Cha đang mời gọi các tội nhân trong đó có chúng con mau
quay về làm hòa với Cha.
- LẠY CHA, thật đáng tiếc khi có những người cha
trong gia đình và trong cộng đoàn... chưa thể hiện được tình thương bao
dung của Cha, nên đã trình bày về Cha như một “ông chủ” chỉ muốn trừng
phạt để làm cho họ khiếp sợ phải hồi tâm sám hối. Có những người cha
trong gia đình, hay trong cộng đoàn đã dùng bạo lực đe nẹt con cái khi
chúng phạm tội... Xin Cha cho các người cha biết yêu thương con cái giống
như Cha. Nhờ đó các tội nhân sẽ cảm nghiệm được tình thương bao dung của
cha và sớm quay về giao hòa với Cha trong Mùa Chay này.
X)
HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM