CHÚA NHẬT I
MÙA CHAY C
Đnl 26,4-10 ;
Rm 10,8-13 ; Lc 4,1-13
ĂN CHAY CẦU
NGUYỆN ĐỂ CHIẾN THẮNG
MA QUỶ CÁM DỖ
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 4,1-13
(1) Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan
trở về, và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa (2) bốn mươi ngày,
chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi
hết thời gian đó, thì Người thấy đói. (3) Bấy giờ, quỷ nói với
Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh
đi!”. (4) Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta
sống không chỉ nhờ cơm bánh”. (5) Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao,
và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. (6)
Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với
vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao
cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. (7) Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì
tất cả sẽ thuộc về ông. (8) Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép
rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải
thờ phượng một mình Người mà thôi”. (9) Quỷ đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem
và đặt Người trên nóc Đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con
Thiên Chúa, thì đứng dậy mà gieo mình xuống đi! (10) Vì đã có lời
chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn”. (11) Lại
còn chép rằng: “Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân
vào đá”. (12) Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: “Ngươi
chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. (13) Sau khi đã xoay
hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi chờ đợi thời cơ.
2. Ý CHÍNH:
ĐỨC GIÊ-SU CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ
Tin
mừng thuật lại việc Thánh Thần hướng dẫn Đức Giê-su vào sa mạc ăn
chay cầu nguyện bốn mươi ngày và bị ma quỷ cám dỗ. Người đã dùng Lời
Thánh Kinh để chiến thắng ba lần cám dỗ của ma quỷ về thú vui nhục
dục, về quyền lợi vật chất và về lòng ham danh vọng chức quyền.
3. CHÚ THÍCH:
-
C 1-2: + Được Thánh Thần dẫn đi vào hoang địa: Thánh
Lu-ca hay nói tới tác động của Thánh Thần trong cuộc đời Đức Giê-su
(x. Lc 1,35 ; 3,16.22). Hoang địa là vùng sa mạc Giu-đa, một giải đất
rộng nằm giữa vùng núi gần thành Giê-ri-cô. + Bốn mươi ngày:
Con số bốn mươi này gợi lại bốn mươi năm dân Ít-ra-en đi trong sa
mạc. + Chịu quỷ cám dỗ: Trong tiếng Do thái, cám dỗ
nghĩa là thử thách, giống như một cuộc thi cử. Đứng trước cơn cám
dỗ, ta phải lựa chọn giữa sự thiện và sự ác, ánh sáng và bóng
tối, sự sống và sự chết. + Người không ăn gì cả, và khi hết thời
gian đó thì Người thấy đói: Nhịn ăn là một trong những
hình thức chay tịnh của dân Do thái.
-
C 3-4: + “Nếu ông là Con Thiên Chúa”: Quỷ đã nhắc lại lời
Chúa Cha phán sau khi Đức Giê-su chịu phép Rửa: “Này là Con Ta yêu
dấu” (x Lc 3,22). + Truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!:
Đây là cơn cám dỗ về của ăn. Quỷ đã nhận ra điểm yếu của Đức Giê-su
là bị đói sau thời gian dài ăn chay, nên nó xúi Người làm phép lạ
biến đá thành bánh để thỏa mãn nhu cầu của bản thân! Đây là sự cám dỗ
chiều theo các đam mê lạc thú xác thịt. + “Người ta sống không
chỉ nhờ cơm bánh”: Đức Giê-su dùng câu nói của Mô-sê dạy dỗ
dân Ít-ra-en ngày xưa để chống trả cơn cám dỗ này của ma quỷ (x. Đnl
8,3).
-
C 5-8: + Quỷ đem Đức Giê-su lên cao: Có lẽ đây là một vị
trí cao hơn mặt đất, như thường ghi trong các Khải huyền Do thái. + Trong
giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ: Câu
này cho thấy cơn cám dỗ chỉ xảy ra trong tâm trí của Đức Giê-su. + Nó
nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh
hoa lợi lộc của các nước này.”..: Ma quỷ đề nghị chia sẻ
quyền cai trị để biến Đức Giê-su thành vị Mê-si-a trần thế theo kiểu
vua Đa-vít ngày xưa. Người sẽ liên kết với nhóm Do thái cực đoan để
chiếm lại quyền hành và vinh quang, đánh đuổi quân Rô-ma đang cai trị
ra khỏi đất nước (x. Ga 6,15). Điều mong ước này không nằm trong chương
trình cứu độ và không phải là sứ vụ của Đức Giê-su (x. Lc 10,22). +
Đã có lời chép: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của
ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”: Bái lạy
là thái độ của loài thụ tạo phục tùng Đấng Tạo Hóa (x. Mt 2,5 ;
8,2). Dân Do thái khi xưa đã sa ngã phạm tội khi tôn thờ bò vàng, nên
đã bị phạt (x. Xh 32,1.31-35). Còn nay Đức Giê-su nhắc lại điều luật Mô-sê
truyền cho dân Do thái chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi (x.
Đnl 6,13).
-
C 9-13: + Quỷ đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem: Lu-ca kết thúc
bản tường thuật các cơn cám dỗ tại thủ đô Giê-ru-sa-lem. + Nếu ông
là Con Thiên Chúa, thì đứng dậy mà gieo mình xuống đi”: Sau
này trong cuộc khổ nạn tại Giê-ru-sa-lem, các đầu mục Do thái, bọn
lính canh và tên gian phi cũng lặp lại cơn cám dỗ này: “Hãy bước
xuống khỏi thập giá để chúng ta thấy mà tin” (x. Mt 27,42b-44). + “Ngươi
chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”: Thử thách
Thiên Chúa có hai nghĩa: một là như xưa ma quỷ đã cám dỗ dân Do thái
lẩm bẩm kêu trách và phản đối Đức Chúa, Đấng đã giải phóng họ
thoát khỏi ách nô lệ cho dân Ai cập, đang khi lẽ ra họ phải tạ ơn và
phó thác cậy trông nơi Người. Hai là quỷ cám dỗ Đức Giê-su lợi dụng
lòng tốt của Thiên Chúa để tìm kiếm lợi lộc cho bản thân. Tội này
cũng giống tội “trông cậy quá lẽ”, nghĩa là đòi Chúa phải làm phép
lạ để thỏa mãn đòi hỏi theo ý riêng mình. + Sau khi đã xoay hết
cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi chờ đợi thời cơ: Thời cơ là
cuộc thương khó của Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem (x. Lc 22,3). Trong vườn
cây Dầu, Người đã bị ma quỷ cám dỗ từ chối uống chén đắng đau khổ,
nhưng Người đã chiến thắng cơn cám dỗ đó bằng lời cầu xin với Chúa
Cha: “Tuy vậy, xin đừng làm theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22,42).
Trên cây thập giá, Người bị ma quỷ cám dỗ nghĩ mình đã bị Chúa Cha
bỏ rơi! (x. Mt 27,46), nhưng Người đã chiến thắng nó qua lời cầu
nguyện phó thác hòan tòan vào sự quan phòng của Chúa Cha: “Lạy Cha,
con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
4. CÂU HỎI:
1) Cám dỗ là gì? Khi chỉ bị ma quỷ cám dỗ làm
điều xấu trong tâm trí thì đã có tội chưa? 2) Đức Giê-su đã dùng
phương thế nào để chống lại ma quỷ khi bị chúng cám dỗ? 3) Tội “thử
thách Thiên Chúa” có đồng nghĩa với tội “trông cậy quá lẽ” không?
Hãy nêu một vài ví dụ cụ thể để minh họa về tội “trông cậy quá
lẽ” hay tội “thử thách Thiên Chúa”.
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Đức Giê-su được Thánh Thần dẫn đi
trong hoang địa bốn mươi ngày và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1b).
2. CÂU CHUYỆN:
1) CHƯỚC CÁM DỖ HIỂM ĐỘC CỦA MA QUỶ:
Ngày
xưa có một thanh niên tính tình hiền lành, luôn cư xử hiếu thảo với
cha mẹ, và rất yêu thương vợ mình. Một hôm, một con quỷ đã hiện ra
và cám dỗ anh ta phạm tội. Quỷ cho anh được quyền chọn làm một trong
ba điều xấu: Một là chửi mắng cha mẹ. Hai là giết chết cô vợ thân
yêu. Ba là uống rượu. Bấy giờ chàng thanh niên liền suy nghĩ: Chửi
mắng cha mẹ là bất hiếu, nên ta quyết không làm. Giết chết người vợ
thân ỵêu là bất nghĩa, ta cũng không thể làm được. Chỉ có uống rượu
là ta có thể làm được thôi, vì uống rượu đâu phải quá xấu! Thế là
anh ta chọn uống rượu. Quỷ liền sai người cung cấp cho anh ta đủ các
thứ rượu ngon trên đời. Lúc đầu chàng thanh niên còn uống hạn chế
mỗi bữa một ly nhỏ, nên không có điều gì xảy ra. Nhưng dần dần việc
uống rượu trở thành thói quen, mỗi bữa anh ta phải tăng “đô” lên và
uống gấp nhiều lần mới thấy “phê”. Cuối cùng, anh đã trở thành một
tên bợm nhậu: lúc nào cũng say xỉn! Một hôm, anh ta say đến nỗi không
biết trời trăng gì nữa. Trong cơn say, anh ta đập bể tất cả chén bát
và vất đồ đạc trong nhà ra đường. Bị cha mẹ ngăn cản rầy la, anh ta
liền to tiếng cãi lại và buông ra những lời thô tục xúc phạm đến cha
mẹ. Cô vợ thấy chồng vô lễ và bất hiếu như vậy liền chạy tới khuyên
can liền bị anh đâm một nhát dao khiến cô ngã lăn ra chết.
Thế
là từ việc uống rượu tưởng chừng vô hại lúc đầu, về sau đã thành
nguyên nhân dẫn đến hai tội ác lớn lao là tội bất
hiếu khi con nói lời xúc phạm nặng nề đến cha mẹ, và tội bất nghĩa khi ra tay giết
chết chính người vợ thân yêu của mình.
2) TỘI NHÂN BỊ KẾT ÁN TỬ HÌNH CHỈ BẮT
ĐẦU TỪ TỘI ĂN CĂP VẶT:
Một
tên cướp nhà băng và giết một cảnh sát viên cuối cùng đã phải trả giá bằng
chính mạng sống của mình. Sáng sớm hôm ấy tại nhà tù Sing Sing nổi tiếng, tên tử
tội đã bị cột trong tư thế ngồi trên chiếc ghế điện. Người ta mang những miếng
kim khí cột chặt vào cái vòng trên đầu hắn ta và vào hai bắp chân của hắn. Chỉ
một lát nữa thôi, khi công tắc được bật lên là một dòng điện cực mạnh sẽ làm hắn
mất ý thức và bị chết ngay. Viên chức phụ trách thi hành án đã cho tử tội được gặp
linh mục trước khi bị hành hình và hắn đã nói lời tâm sự như sau:
”Hôm
nay tôi sắp bị tử hình. Đây là hậu quả của các tội lớn lao của tôi mà bắt đầu
chỉ là tội ăn cắp vặt một đồng năm xu của mẹ tôi. Sau đó do lớn lên không được
dạy dỗ nên tôi đã liên tiếp phạm thêm nhiều tội khác: Từ ăn cắp các thứ đồ vặt vãnh
đến tội ăn cướp tiệm vàng. Số tiền bất chính cướp được cũng tan biến nhanh chỉ sau
một thời gian ngụp lặn trong các thói hư như bài bạc, rượu chè, trai gái, hút
chích ma túy… nên khi hết tiền tôi lại phải tiếp tục đi ăn cướp. Nhất là sau làm
quen biết hai thằng bạn mới ở tù ra và kết hợp với nhau thành một băng cướp. Lần
kia chúng tôi đã lên một kế hoạch lớn là đột nhập vào ngân hàng. Hôm đó khi bị
bảo vệ phát hiện truy bắt, tôi đã bắn chết một nhân viên bảo vệ rồi tôi cũng đã
bị bắt ra tòa lãnh án tử hình. Như vậy tội cướp của giết người và bị tử hình hôm
nay ban đầu chỉ là tội ăn cắp vặt đồng năm xu của bà mẹ. Sau đó đã tăng lên
thành ăn cướp nhà băng và chống lại giết người thi hành công vụ và cuối cùng là
bị xử tử hôm nay”.
3) SỨC CUỐN HÚT MẠNH MẼ CỦA VÀNG BẠC:
Ngày
xưa, có người ở nước Tề rất ham thích vàng bạc đến độ biến thành đam mê vàng. Một
hôm anh đi ngang qua tiệm cầm đồ, anh thấy có người mang thỏi vàng đến bán liền
động lòng tham, anh chạy lại cướp một thỏi vàng bỏ chạy. Người ta hè nhau đuổi theo
bắt lại. Sau khi bắt được họ đã tra hỏi:
-
Tại sao ngay giữa ban ngày ban mặt chỗ đông người mà mi dám ra tay cướp giật như
thế?
Anh
ta trả lời:
-
Lúc trông thấy vàng, thì tôi không còn tự chủ và không nhìn thấy sự vật chung
quanh nữa. Trước mặt tôi, chỉ thấy có thỏi vàng mà tôi quyết chiếm đoạt cho bằng
được.
Câu
chuyện trên cho thấy sức hút mạnh mẽ của vàng bạc. Chính lòng tham của cải bất
chính khiến nhiều người sẵn sàng bất chấp nguy hiểm, tìm cách chiếm đoạt bằng
được, dù phải dùng các thủ đoạn xấu xa gian ác, ngay cả phải đâm chém giết người
cũng không chùn tay.
4) LÀM GÌ ĐỂ CHIẾN THẮNG MA QUỈ ?
Một
buổi chiều nọ cha bề trên đi bách bộ trong khuôn viên tu viện, thì thấy một thày
đang chăm chỉ tưới nước bón phân cho vườn rau của tu viện rất vất vả, liền lên
tiếng hỏi:
-
Hôm nay từ sáng đến giờ thầy đã làm được những việc gì rồi ?
-
Thưa cha, cũng như mọi khi, con luôn chăm chỉ làm việc bổn phận mà nếu không có
ơn Chúa giúp, chắc con không sao làm được:
Bổn phận hằng ngày của con là: phải canh chừng hai con chim ưng, chăn giữ hai
con dê, quan sát hai con chim diều hâu, chiến thắng một con cá sấu, trị được một
con gấu và phục vụ chăm sóc một bệnh nhân.
-
Con nói gì lạ thế? Cha bề trên cười hỏi lại, trong tu viện tìm đâu ra những con
vật đó ?
-
Thưa cha bề trên, đúng thật như thế đấy ạ. Này nhá:
Hai
con chim ưng là đôi mắt con, con phải giữ chúng luôn trong sáng, không để nó xem
những hình ảnh xấu xa.
Hai
con nai là đôi chân mà con phải cho chúng luôn bước đi trên nẻo chính đường
ngay.
Hai
chim diều hâu là đôi bàn tay mà con bắt chúng chu toàn các công việc lao động hằng
ngày.
Con
cá sấu là cái lưỡi của con, con phải tránh thốt ra những lời kết án chỉ trích
anh em.
Con
gấu chính là trái tim mà con phải yêu thương mọi người, không ích kỷ hoăc sĩ diện
hão.
Còn
bệnh nhân là chính con đây, con phải chăm sóc bằng cách xa lánh dịp tội, và năng
cầu nguyện để được kết hiệp mật thiết với Chúa và phục vụ anh em.
3. THẢO LUẬN:
1) Ma quỷ đã tấn công vào chỗ yếu của Đức Giê-su
là bị đói sau khi nhịn ăn bốn mươi ngày. Còn chỗ yếu của bạn hiện nay
là gì?
2) Để chống lại cơn cám dỗ của ma quỷ cách hữu
hiệu, bạn cần sử dụng các phương thế nào noi gương Đức Giê-su như trong
Tin Mừng hôm nay?
4. SUY NIỆM:
1. MỖI NGƯỜI ĐỀU BỊ CÁM DỖ:
Dân
Do thái ngày xưa đã nhiều lần bị cám dỗ trong thời gian lưu lạc 40 năm trong
hoang địa muốn được “ngồi bên nồi thịt và được ăn bánh thỏa thuê” (x. Xh
16,2tt). Các môn đệ Chúa Giêsu ngày xưa cũng bị cám dỗ muốn được làm lớn hơn
anh em (Mc 9,34), được ngồi bên tả bên hữu Thầy Giêsu (Mc 10,37). Ngay chính Đức
Giê-su cũng không thoát khỏi những cơn cám dỗ. Dù là Thiên Chúa nhưng Người cũng
là con người giống như chúng ta, nên "Người cũng phải chịu trăm chiều thử
thách như chúng ta" (Dt 4,15).
2. ĐỨC GIÊU BỊ MA QUỈ THỬ THÁCH CÁM
DỖ.
Tin
Mừng Lu-ca thuật lại câu chuyện trước khi ra giảng đạo Đức Giêsu đã ăn chay cầu
nguyện 40 ngày trong sa mạc. Sau thời gian đó Người cảm thấy đói và ma quỉ đã đến
cám dỗ Người về ba phương diện như sau:
a)
VỀ THÚ VUI : Ma quỉ xúi giục Đức Giêsu thỏa mãn sự đói khát cơm bánh vật
chất và các đam mê lạc thú. Nhưng Người đã chiến thắng cơn cám dỗ này bằng lời khẳng
định:”Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn sống bằng những lời do miệng
Thiên Chúa phán ra”.
b)
VỀ LỢI LỘC : Ma quỉ hứa ban lợi lộc và quyền lực vinh quang cho
Đức Giêsu nếu Người chịu tôn thờ nó. Nhưng Người chỉ nhận quyền lực từ Thiên
Chúa (x. Lc 1,32b), chỉ công nhận một mình Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất phải
tôn thờ (x. Lc 4,8).
c)
VỀ DANH VỌNG : Ma quỉ cám dỗ Đức Giêsu tìm hư danh bằng cách xúi giục Ngài
nhảy từ nóc Đền thờ để được ca tụng, vì sẽ được sự can thiệp kịp thời của Thiên
Chúa (x. Lc 4,10-11). Đức Giêsu đã không chấp nhận thái độ thử thách quyền năng
của Thiên Chúa bằng lời Kinh thánh:”Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa
của ngươi” (Đnl 6,16).
Dù
bị cám dỗ về mọi mặt, nhưng Đức Giê-su đã chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỉ.
Vũ khí Người sử dụng để chống lại các chước cám dỗ là lòng yêu mến Chúa Cha,
luôn vâng phục thánh ý Cha và quyết tâm làm vui lòng Cha.
3. KẾ HOẠCH CÁM DỖ CỦA MA QUỈ:
Ma
quỉ rất khôn ngoan, chúng có những cách lừa đảo rất tinh vi khi gây ra ảo tưởng
để đánh lừa nhằm đưa người ta vào bẫy không thể thối lui được.
Cám
dỗ gồm ba thành phần : người bị cám dỗ là mỗi người chúng ta, kẻ chủ động cám dỗ
là ma quỉ, trung gian cám dỗ là người hay hoàn cảnh chung quanh. Như vậy chúng
ta có ba kẻ thù là ma quỷ, thế gian và xác thịt,
Phương
cách cám dỗ của ma quỉ rất xảo quyệt. Nó không bao giờ dụ dỗ người ta phạm ngay
tội nặng, mà bắt đầu bằng phạm các tôi nhẹ. Chúng không bao giờ cám dỗ một lần
rồi thôi, mà luôn làm đi làm lại nhiều lần, cho đến khi ta chiều theo. Chúng không
cám dỗ trực tiếp mà thường qua các trung gian như dùng bà E-và để cám dỗ ông
A-đam, dùng phim ảnh sách báo xấu để cám dỗ loài người chúng ta hôm nay…
4. PHƯƠNG THẾ CHIẾN THẮNG MA QUỈ
CÁM DỖ:
Muốn
chiến thắng ma quỉ cám dỗ chúng ta cần dùng các phương thế như sau:
-
Kết hiệp với Đức Giê-su: Đức
Giêsu đã nói với ông Phê-rô : ”Si-mon, Si-mon ơi. Kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em
như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng
tin» (Lc 22,31). Loài người yếu
đuối dễ sa ngã phạm tội nếu không được Chúa ban ơn trợ giúp như lời Đức Giê-su:
“Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).
-
Tỉnh thức cầu nguyên: Đức
Giê-su dạy các môn đệ: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn
cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26,41). Trong
kinh Lạy Cha của Đức Giê-su có câu: ”Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” (Mt
6,13). Người dạy môn đệ phải trừ quỉ băng sự cầu nguyện và ăn chay: "Loại
quỉ đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay" (Mc 9,29).
-
Quyết tâm chiến đấu: Chiến
đấu bằng sự khiêm hạ bỏ đi ý riêng mình để vâng theo thánh ý Thiên Chúa; Bằng
cách sống siêu thoát, coi thường của cải vật chất và không ham danh vọng chức
quyền trần gian; Năng hãm mình ăn chay để làm chủ bản thân và có lối sống tiết
độ.
Trong
Mùa Chay này, noi gương Đức Giê-su, chúng ta hãy vâng theo ơn Thánh Thần
hướng dẫn đi vào sa mạc tâm hồn, tham dự các buổi tĩnh tâm mùa chay. Hãy
cùng với Đức Giê-su giữ sự thinh lặng, siêng năng cầu nguyện và hãm
mình, để gia tăng nội lực thiêng liêng. Bớt ăn tiêu để quảng đại chia sẻ bác
ái và tích cực góp phần xây dựng các công trình của Hội Thánh. Nhờ việc chuyên cần học sống lời Chúa
và đón nhận được ơn Thánh Thần, chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng các cơn
cám dỗ của ma quỷ và ngày một nên tốt lành hơn.
5. NGUYỆN CẦU:
LẠY
CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con chiến thắng được các cơn cám dỗ của ma
quỷ nhờ ơn Thánh Thần, nhờ biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn, nhờ
sự chay tịnh và luôn làm chủ bản thân. Xin cho chúng con dám lội
ngược dòng để đi con đường hẹp và leo dốc của Chúa: Con đường
nghèo khó khiêm nhu và hy sinh phục vu tha nhân như Chúa. Ước gì sau
những lần chiến đấu vất vả cam go, chúng con sẽ được lớn lên trong
tình yêu mến Chúa. Và ngay cả khi chúng con lỡ sa ngã phạm tội, xin
cho chúng con biết lập tức trỗi dậy với lòng cậy trông vào lòng thương xót
bao dung của Chúa và quay về làm hòa với Chúa nhờ bí tích hòa giải.
X)
HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬN LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM