CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG
Chúa Thánh Thần Là Nguyên Lý Hợp Nhất
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cv 2:1-11;
1 Cr 12:3b-7, 12-13; Ga 20:19-23)
Theo dõi các bài đọc trong Thánh lễ
ngày trong tuần từ sau lễ Chúa Giê-su Lên Trời đến lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống,
chúng ta thấy Giáo Hội cố gắng trình bày những điểm giáo lý về Chúa Thánh Thần,
Đấng mà Chúa Giê-su đã xin Chúa Cha sai đến làm Đấng Bảo Trợ cho các môn đệ Người. Đặc biệt với những bài đọc hôm nay, chúng ta
được diễm phúc hiện diện tại nơi các môn đệ Chúa tụ họp để lãnh nhận Thánh Thần
theo như thánh sử Lu-ca tường thuật.
Chúng ta cũng được thần học gia Phao-lô giúp suy niệm về vai trò của
Chúa Thánh Thần trong việc xây dựng Giáo Hội và trong tinh thần hiệp nhất của mọi
chi thể thuộc Nhiệm Thể Chúa Ki-tô.
Ngoài ra, một điều hết sức quan trọng là giống như các môn đệ Chúa ngày
xưa đã được nhận lãnh Thánh Thần, chúng ta cũng được Chúa Giê-su “thổi hơi” vào
và Người phán: “Anh em hãy nhận lấy
Thánh Thần”.
Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là một biến
cố hết sức quan trọng, do đó thánh sử Lu-ca đã ghi lại những chi tiết ý nghĩa
nhất trong bốn câu đầu của chương 2 sách Công vụ Tông Đồ. Có lẽ cách tốt nhất để chúng ta “có mặt”
trong biến cố này là hãy đọc từng chữ từng câu, đồng thời hình dung ra cảnh tượng
Chúa Thánh Thần hiện xuống như thế nào.
Thời gian là lễ Ngũ Tuần, tức ngày dân Do-thái kỷ niệm việc Chúa ban Lề
Luật cho ông Mô-sê. Lề Luật Mô-sê giúp dân Do-thái sống như dân riêng của Thiên
Chúa thế nào thì Luật Mới, luật yêu thương của Chúa Ki-tô, cũng được ban cho
chúng ta để sống xứng đáng làm môn đệ của Người như vậy. Ngày xưa Thiên Chúa đã
hiện ra trên núi với mây khói và sấm sét khiến dân chúng run sợ, còn hôm nay
Thánh Thần đến trong chỉ một tiếng động và như tiếng gió mạnh, rồi Người xuất
hiện như “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu trên từng người một”. Lửa làm cho dân Ít-ra-en kinh hãi không dám đến
gần ngọn núi, còn lửa Thánh Thần thì dịu dàng đậu xuống trên từng người, không
làm họ sợ hãi, trái lại còn ban cho họ khả năng “nói các thứ tiếng khác” nữa. Tuy nhiên các môn đệ Chúa Giê-su được Thánh
Thần ban cho khả năng nói các thứ tiếng khác không phải để mạnh ai nấy nói và
gây ra chia rẽ, mà là để họ nói cùng một ngôn ngữ, ngôn ngữ của tình yêu Thiên
Chúa, ngôn ngữ của Tin Mừng Đức Ki-tô và ngôn ngữ hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Thánh Lu-ca không quên ghi lại cảm nghiệm ngạc
nhiên của dân chúng tứ xứ tại Giê-ru-sa-lem khi họ hiểu được thứ ngôn ngữ mới của
các môn đệ Đức Ki-tô. Ngôn ngữ tình yêu
và bác ái Ki-tô quả thực đã vượt qua mọi ranh giới ngôn ngữ loài người để hiệp
nhất chúng ta trong cùng một tinh thần của Thiên Chúa!
Tiếp đến, bài đọc trích thư 1
Cô-rin-tô là một suy niệm về nguyên lý hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần được ban cho chúng ta trên hai chiều
kích: cá nhân và cộng đồng. Là mỗi cá nhân Ki-tô hữu, chúng ta lãnh nhận
Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, là để Người giúp mỗi người chúng ta sống theo tinh thần
của Chúa Ki-tô, hoặc nói theo thánh Phao-lô là để chúng ta trở nên đồng hình đồng
dạng với Chúa Ki-tô. Thánh Thần giúp ta
“nhớ lại” mọi điều Chúa Giê-su đã dạy, nhớ lại nghĩa là chúng ta sống lời Chúa,
không chỉ nhớ lại như học thuộc lòng, mà là đem thể hiện trong cuộc sống hằng ngày
của chúng ta. Trên bình diện cộng đồng
như gia đình, cộng đoàn, giáo xứ và Giáo Hội, Thánh Thần hiện diện nơi chúng ta
dưới hình thức các hoạt động và các việc phục vụ. Nhờ sự hướng dẫn của Thánh Thần, tất cả các
hình thức này đều nhắm đến cùng một mục đích là xây dựng Nhiệm Thể Chúa Ki-tô
là Giáo Hội. Tuy mỗi người chúng ta làm
những công việc khác nhau với những khả năng khác nhau, nhưng mục đích cuối
cùng là cùng nhau làm cho danh Chúa được rạng sáng hơn. Vì thế, thánh tông đồ dám khẳng định rằng: “Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần
Khí duy nhất”. Đúng vậy, vì lợi ích của
cá nhân chúng ta và cộng đồng, ai ai cũng đều được đầy tràn Thánh Thần cả!
Sau hết, bài Tin Mừng kể lại một cử chỉ
ý nghĩa của Chúa Giê-su Phục Sinh khi Người hiện ra với các môn đệ. Sau khi chúc bình an cho các môn đệ và sai họ
đi, Chúa Giê-su “thổi hơi vào các ông và bảo:
“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.
Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Thiên Chúa đã thổi hơi vào lỗ mũi A-đam để
ông có sự sống. Chúa Ki-tô thổi hơi vào
các môn đệ Người để họ có Thánh Thần. Thần
Khí Thiên Chúa đã đem sự sống đến cho nhân loại và muôn vật trong cuộc tạo dựng
vũ trụ ban đầu, còn Thánh Thần, Đấng hiện xuống hôm nay, sẽ ở lại với các môn đệ
Chúa Ki-tô để giúp họ cộng tác vào một cuộc tạo dựng mới. Họ sẽ là những người đóng góp vào đại cuộc
đưa mọi người hòa giải với Chúa và với nhau.
Thánh Thần là nguyên lý hợp nhất sẽ cùng với chúng ta được sai đi để thực
hiện một nhân loại mới: “Ngọt
ngào tốt đẹp lắm thay, anh
em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133:1).
Sống sứ điệp Lời Chúa
Thánh Thần không phải là điều gì hiện
diện một cách mông lung, nhưng là sức sống, tình yêu và tinh thần của Chúa
Ki-tô đầy tràn trong chúng ta. Vậy ý thức
sự đầy tràn này rất quan trọng, vì chúng ta sẽ làm mọi sự dưới sức thúc đẩy của
Chúa Thánh Thần, để mỗi lời nói cũng như hành động của ta đều là kết quả của những
gì đầy tràn trong lòng được phát ra bên ngoài và xây dựng sự hợp nhất.
Linh
mục Đa-minh Trần đình Nhi