CHÚA NHẬT LỄ THIÊN CHÚA BA NGÔI

Thiên Chúa Ba Ngôi và Tôi

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cn 8:22-31;  Rm 5:1-5;  Ga 16:12-15)

          Tôi có một anh bạn ký giả được nhiều người biết đến.  Mỗi lần có một nhân vật danh tiếng qua đời, anh thường được mời để chia sẻ với khán thính giả về nhân vật ấy.  Đề tài của anh luôn luôn là “Ông/Bà/Anh/Chị (tức người quá cố)… tôi”.  Anh nói hoặc viết với tính cách là một nhân chứng sống động, dĩ nhiên hoàn toàn không phải để khán thính giả nhận ra tầm quan trọng của anh, mà chỉ để chứng tỏ cho mọi người biết những ký ức của anh là thật và nhân vật ấy quả thực là đáng kính và vĩ đại.  Hôm nay ngày lễ kính Thiên Chúa Ba Ngôi, các bài đọc Phụng vụ Lời Chúa cũng nói cho tôi biết mối tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa Ba Ngôi và tôi, không những để tôi nhận biết những gì Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đã và đang làm cho tôi, mà còn giúp tôi nhận ra giá trị đích thực của mình trước mặt Ba Ngôi Thiên Chúa nữa.

          Vậy trước hết bài trích sách Châm Ngôn nói gì về tương quan giữa Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa và tôi?  Rõ ràng là đoạn sách Châm Ngôn tôn vinh Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa.  Đức Khôn Ngoan ấy hiện hữu tự đời đời và là nguyên lý của mọi công trình tạo dựng của Thiên Chúa.  Có lẽ để dễ hiểu hơn, chúng ta cứ theo ý kiến của các nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng Đức Khôn Ngoan mà sách Châm Ngôn nói ở đây ám chỉ chính Ngôi Lời, tức Chúa Con.  Thiên Chúa thực hiện công cuộc tạo dựng qua Lời của Người.  Kể lại việc tạo dựng, sách Sáng Thế luôn sử dụng cụm từ “Thiên Chúa phán”.  Thí dụ:  “Thiên Chúa phán:  ‘Phải có ánh sáng’.  Liền có ánh sáng” (St 1:3).  Lời của Thiên Chúa làm nên mọi sự, nói khác đi, theo sách Châm Ngôn diễn tả thì Đức Khôn Ngoan hiện diện bên Thiên Chúa “như tay thợ cả”, là “niềm vui của Người”, đồng thời còn “đùa vui với con cái loài người” nữa.  Tôi là một tác phẩm của Thiên Chúa.  Chúa Gê-su là “tay thợ cả” của Thiên Chúa đã nắn đúc nên tôi, đã viết tên tôi trong lòng bàn tay của Người, đã không quản xuống thế làm người phàm giống như tôi, để đùa vui với tôi khi tôi vui và khóc với tôi khi tôi buồn.  Đó là Ngôi Hai Thiên Chúa và tôi!

          Bài đọc 2 trích thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma đề cập đến tương quan giữa Chúa Thánh Thần và tôi.  Suy nghĩ của thánh tông đồ quả là sâu xa.  Trước hết ngài cho chúng ta thấy một ơn trọng đại của Chúa Thánh Thần là ơn bình an.  Khi đã được làm con Chúa nhờ tin vào Chúa Giê-su thì chúng ta lãnh nhận được hồng ân Chúa ban là Thần Khí hòa giải chúng ta với Thiên Chúa.  Được làm con Chúa tức là hết thù nghịch với Người và Thánh Thần ban cho chúng ta khả năng được gọi Thiên Chúa là “Áp-ba, Cha ơi!”  Một hồng ân khác nữa của Chúa Thánh Thần, đó là “niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa”.  Còn gì cao quý hơn hồng ân này?  Được thừa hưởng mọi sự của Thiên Chúa, hoặc nói như tác giả Thánh Vịnh, “Chúa là gia nghiệp của tôi”, thế là đủ cho chúng ta và là cùng đích của ta rồi.  Thánh Phao-lô còn đi xa hơn nữa:  nếu đã có niềm hy vọng chắc chắn như thế, thì ta sẽ “tự hào” khi gặp gian truân, tha hồ khoe khoang sức mạnh của Thánh Thần!

          Sách Châm Ngôn nói với chúng ta về công việc của Ngôi Hai Thiên Chúa.  Thánh Phao-lô thì suy tư về hồng ân của Ngôi Ba Thánh Thần.  Bây giờ thì chính Chúa Giê-su “bật mí” cho chúng ta biết về cả Chúa Cha lẫn Chúa Thánh Thần.  Nói về Chúa Thánh Thần, Chúa Giê-su dạy:  “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn”.  Vậy sự thật toàn vẹn là gì mà sao chúng ta chưa hề nghe?  Sự thật đó là “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một cho thế gian, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).  Đơn giản vậy thôi sao?  Đúng thế, nhưng thật là khó tin đối với chúng ta.  Cho nên chỉ Thánh Thần mới có thể giúp chúng ta đón nhận chân lý toàn vẹn ấy, hoặc nói cách khác, là đón nhận chính Chúa Giê-su cùng với Tin Mừng cứu độ và bước theo lối sống của Người.  Còn nói về Chúa Cha thì Chúa Giê-su rất tự hào:  “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy.  Vì thế, Thầy đã nói:  Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em”.  Lời này soi sáng cho chúng ta hiểu sự thật toàn vẹn là gì.  Sự thật ấy nằm trong Chúa Giê-su, tình yêu Thiên Chúa nhập thể do quyền năng Thánh Thần.  Tình Yêu ấy là “mọi sự Chúa Cha có” được thể hiện trong Mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa vậy.  Tình Yêu cứu độ là “của” Chúa Giê-su, rồi Chúa Cha lấy mọi sự Người có tức là tình yêu ấy để loan báo cho chúng ta.  Đúng thế,      Chúa Giê-su đã lấy cả cuộc đời, thậm chí cả cái chết để “loan báo” cho chúng ta biết mọi sự Chúa Cha có.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Suy nghĩ về Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là chuyện dành riêng cho trí não, mà phải là câu chuyện của trái tim.  Nhờ Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, tôi tạm quên đi Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm không thể hiểu, nhưng tôi xác tín được Thiên Chúa Ba Ngôi sống động trong mối tương quan chung với nhân loại, nhưng rất riêng tư đối với cá nhân tôi.  Vì thế, tôi sẽ hãnh diện khoe với mọi người mối tương quan ấy.  Với tất cả tin tưởng, bình an và hy vọng, tôi sẽ hăng say cho mọi người biết tương quan giữa “Thiên Chúa Ba Ngôi VÀ tôi”!  Tôi sẽ cố gắng sống mối tương quan ấy khi làm dấu Thánh giá, khi đọc kinh Sáng danh và nhất là biểu lộ mối tương quan ấy qua phong cách của người con Chúa.

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C