LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA
Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 40:1-5, 9-11; Tt 2:11-14;
3:4-7; Lc 3:15-16, 21-22)
Khởi đầu một công việc lớn lao đòi hỏi
người ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Thiên
Chúa Cha đã sai Con Một giáng trần qua mầu nhiệm Giáng Sinh. Mầu nhiệm này đã được chuẩn bị khi Thiên Chúa
chọn một người phụ nữ để Chúa Giê-su sinh ra tại Bê-lem. Giờ đây bước sang một giai đoạn mới, Người
sai Chúa Giê-su vào đời để bắt đầu loan báo Tin Mừng cứu độ cho nhân loại. Vậy Chúa Cha đã chuẩn bị thế nào cho giai đoạn
rất quan trọng này? Phụng vụ Lời Chúa
hôm nay đã chọn lựa các bài đọc thật ý nghĩa để nói lên việc chuẩn bị ấy, trước
hết giới thiệu bối cảnh trần gian mà Chúa Giê-su sẽ thi hành sứ vụ, rồi tường
thuật sự kiện cả ba ngôi Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đều
xuất hiện trong biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa. Có thể nói việc Chúa Giê-su chịu phép rửa là
nghi thức “lên đường” của Chúa Giê-su.
Trước hết, ngôn sứ I-sai-a nói gì về bối
cảnh và bản chất của sứ vụ Đấng Cứu Độ sẽ thi hành? Điều thứ nhất ngôn sứ muốn loan báo, đó là thời điểm khởi đầu sứ vụ. Thành Giê-ru-sa-lem biểu tượng cho toàn thể
nhân loại đang chờ đợi Đấng Cứu Độ. Nhân
loại ấy đã sống trong vòng nô lệ tội lỗi từ lâu. Nhưng nay đã đến lúc “thời phục dịch của
Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong”.
Hoặc nói khác đi, đây là lời Thiên Chúa tuyên bố thời giờ cứu độ nhân loại
đã điểm và Đấng Cứu Độ xuất hiện. Điều
thứ hai là nhân loại phải làm gì để chuẩn
bị đón Đấng Cứu Độ đến? Phải mở một
con đường cho Người, một con đường thẳng băng, không lũng sâu, không dốc dác,
không gồ ghề. Con đường ấy là tâm hồn mỗi
người cần phải phá bỏ đi mọi trở ngại thiêng liêng là tội lỗi ngăn cản Chúa đến. Tội lỗi được diễn tả bằng nhiều hình ảnh như
sa mạc, đồng hoang, núi đồi, thung lũng, lồi lõm và gồ ghề. Chúa muốn đến trong tâm hồn mỗi người trên
con đường thẳng và phẳng phiu. Điều thứ
ba ngôn sứ I-sai-a loan báo là bổn phận phải
loan báo Tin Mừng cứu độ cho mọi người biết. Riêng với kẻ loan tin mừng, họ phải cất tiếng
lên cho “thật mạnh” và “đừng sợ”. Họ phải
loan báo rằng khi Đấng Cứu Độ đến, Người sẽ “nắm trọn chủ quyền”, tập trung và
chăm sóc nhân loại như mục tử chăm sóc đoàn chiên.
Những điều ngôn sứ I-sai-a tiên báo giờ
đây đã được ứng nghiệm trong biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa. Bài Tin Mừng giới thiệu Gio-an Tẩy Giả như “kẻ
loan tin mừng”. Ông Gio-an đã làm đúng
theo chỉ thị của Thiên Chúa qua lời ngôn sứ I-sai-a. Nghĩa là ông đã hô lên thật lớn thật mạnh để
mọi người được nghe; ông cũng can đảm
loan báo tin mừng Đấng Mê-si-a đến, cho dù ông phải chấp nhận cái chết khi hô
hào mọi người, kể cả vua Hê-rô-đê, hãy chuẩn bị con đường cho Đấng Mê-si-a đến. Để hỗ trợ cho lời kêu gọi, ông còn làm phép rửa
cho dân chúng để nhắc nhở họ phải canh tân đời sống dọn đường Chúa đến trong
tâm hồn. Tuy nhiên cao điểm sứ mệnh của
ông là lúc ông trân trọng giới thiệu Chúa Giê-su, Đấng “sẽ làm phép rửa cho anh
em bằng Thánh Thần và bằng lửa”. Đúng vậy,
sau khi ông Gio-an làm phép rửa cho Chúa Giê-su, trân trọng giới thiệu Người là
Đấng Cứu Độ sẽ thi hành sứ mệnh xóa bỏ tội trần gian, thì lập tức có sự hiện diện
của Thiên Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Các
Ngài cộng tác mật thiết với Chúa Giê-su.
Chúa Giê-su đã nhận lấy Thánh Thần “ngự xuống trên Người dưới hình dáng
chim bồ câu”. Chúa Giê-su cũng nhận lấy
lửa tình yêu khi Chúa Cha tuyên bố Chúa Giê-su là Con Yêu Dấu của Người. Khi thi hành sứ vụ, Chúa Giê-su sẽ “rửa” nhân
loại bằng Thánh Thần và lửa tình yêu của Chúa Cha, để mọi người được trở nên
con cái Thiên Chúa.
Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa
không chỉ là dịp để ông Gio-an giới thiệu Chúa Giê-su là Đấng sẽ đến “làm phép
rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa”, mà còn là dịp Thiên Chúa Cha tuyên
dương Chúa Giê-su là Con yêu dấu của Người nữa.
Lời tuyên dương của Chúa Cha ám chỉ phong cách Chúa Giê-su sẽ chu toàn sứ
vụ của Người trong tương lai, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ tất cả chúng ta
hãy sống như con yêu dấu của Thiên Chúa.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Vậy chúng ta sống thế nào để làm những
người con yêu dấu của Thiên Chúa? Đoạn
thư Ti-tô của thánh Phao-lô quả thực là câu trả lời hết sức thực tiễn giúp ta sống
đẹp lòng Chúa. Trước hết thánh tông đồ
nói đến ơn cứu độ là một ân sủng Thiên Chúa đã tỏ ra cho chúng ta nơi Chúa
Ki-tô. Quả thực, Chúa Ki-tô biểu lộ ân sủng
ấy bằng cách “đã tự hiến tế để cứu chuộc chúng ta thoát khỏi mọi điều bất
chính”, tức là khỏi mọi tội lỗi. Vì thế,
“ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống
vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế
gian này”. Bởi Thiên Chúa cứu độ chúng
ta “không phải vì chúng ta đã làm những việc công chính, mà là vì Người thương
xót”, nên ta phải xác tín chân lý ấy và luôn dâng lời cảm tạ Chúa đã yêu thương
cứu chuộc ta. Để giúp ta sống như những
người con ngoan, Thiên Chúa đã tuôn đổ Chúa Thánh Thần trên chúng ta để đổi mới
chúng ta. Vậy ta hãy tích cực cộng tác với
hoạt động của Chúa Thánh Thần để trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức
Ki-tô”. Như thế, những lời Chúa Cha nói
với Con Một Người: “Con là Con yêu dấu của Cha” sẽ là những lời Người nói với mỗi
người chúng ta vậy.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi