LỄ GIÁNG SINH (Lễ ban ngày)

 Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 52:7-10;  Dt 1:1-6;  Ga 1:1-18)

          Việc cử hành đại lễ Giáng Sinh vào ba thời điểm khác nhau trong ngày (nửa đêm, rạng đông và ban ngày) có thể giúp chúng ta dễ dàng hiểu biết hơn về ơn cứu độ.  Đó chính là ba khía cạnh diễn tả ơn cứu độ Thiên Chúa muốn tỏ ra cho chúng ta.  Chúa Cứu Thế giáng sinh vào nửa đêm đánh dấu ơn cứu độ bắt đầu hiện diện như ánh sáng trên trần gian này, một trần gian đang đắm chìm trong bóng tối tội lỗi.  Ánh sáng cứu độ ấy bừng lên như mặt trời vào lúc rạng đông để toàn thể nhân loại nhận ra được “lòng từ bi và nhân ái” của Thiên Chúa.  Còn Thánh lễ ban ngày chính là lời Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến lãnh nhận ơn cứu độ.  Lời mời gọi ấy là Ngôi Lời Nhập Thể “cư ngụ giữa chúng ta”, để “những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa”.

          Phụng vụ Lời Chúa Thánh lễ ban ngày là một suy niệm rất đẹp và giàu ý nghĩa về ơn cứu độ.  Trước hết bài đọc 1 trích ngôn sứ I-sai-a lấy bối cảnh dân bị lưu đày của Chúa được cứu thoát và trở về cố hương, để ám chỉ công cuộc cứu độ Thiên Chúa thực hiện mà cứu nhân loại khỏi vòng nô lệ tội lỗi.  Quả thực đây là một tin vui:  Đức Chúa là Đấng Cứu Độ đang “vung cánh tay thần thánh của Người” để thực hiện việc cứu thoát nhân loại.  Công cuộc Chúa làm đã bắt đầu và công khai, do đó “người bốn bể sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”.  Ánh sáng ban ngày giúp chúng ta nhìn thấy mọi vật chung quanh thế nào, thì ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa cũng giúp chúng ta nhận ra tình yêu cứu độ của Thiên Chúa rõ ràng như vậy.  Chúa đến cứu độ là một tin mừng phải được công bố rộng rãi hết sức có thể, vì Chúa muốn ai ai cũng có thể nhìn ra và tiếp nhận.  Ở đây ngôn sứ I-sai-a không tiếc lời khen ngợi những kẻ đi loan báo tin mừng cứu độ.  “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo tin mừng, công bố bình an, loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ”.  Toàn là những tin vui tốt đẹp cho loài người, nên ngay cả bước chân của những ai loan tin vui ấy cũng là những bước chân đẹp!  Mỗi bước đi là một bước đem tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đến gần với tâm hồn người ta hơn.

          Những người loan báo tin mừng đem tin vui đến cho người khác, nhưng tin mừng ấy là gì?  Đoạn thư Do-thái giúp chúng ta hiểu tin mừng ấy chính là việc Ngôi Lời nhập thể để dạy dỗ và dẫn đưa chúng ta về với Thiên Chúa.  Chúng ta đều là những con người đã bị tội lỗi dẫn vào con đường lầm lạc, nên luôn cần được Thiên Chúa phán bảo và dạy dỗ.  Trong quá khứ, Thiên Chúa dạy dỗ cha ông chúng ta qua các ngôn sứ.  Nhưng “vào thời sau hết này”, tức là vào thời cứu độ, chúng ta được Thiên Chúa trực tiếp dạy dỗ qua Con Một Yêu Dấu của Người là Chúa Giê-su.  Thiên Chúa đã nhờ Ngôi Lời mà dựng nên vũ trụ và loài người.  Giờ đây Thiên Chúa lại nhờ Ngôi Lời mà thực hiện một cuộc Tạo dựng Mới, tức là công cuộc cứu độ nhân loại.  Qua Thánh Tử Giê-su, Thiên Chúa dạy chúng ta sống một đời sống mới làm con cái Người.  Tất cả cuộc sống của Chúa Giê-su, từ tư tưởng, lời nói đến hành động, đều là những bài học sống động Thiên Chúa muốn dạy chúng ta biết cách sống thế nào như con cái Người.  Không còn là những bài học được ghi chép trên bia đá Mười điều răn hoặc những lời dạy dỗ, răn đe hay khích lệ của các người nói thay Thiên Chúa, tức là các ngôn sứ nữa.  Nhưng thời cứu độ này, chúng ta sẽ được nghe chính miệng Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua Chúa Giê-su.  Như thế, nếu chúng ta đón nhận và thực hành những điều Chúa Giê-su dạy thì chúng ta sẽ được cứu độ.

          Đoạn thư Do-thái cho chúng ta biết Thiên Chúa phán dạy qua Chúa Giê-su là Lời của Người để giúp chúng ta được cứu độ.  Nhưng suy niệm của thánh Gio-an về mầu nhiệm Nhập Thể thì khẳng định rằng không những Chúa Giê-su là lời Thiên Chúa “phán dạy” chúng ta, mà Người còn là Lời “cư ngụ” giữa chúng ta nữa.  Đã cư ngụ giữa chúng ta thì chúng ta không thể không nhận biết và lắng nghe.  Sau khi nói về những phẩm tính và việc làm của Ngôi Lời, thí dụ Người tạo thành vạn vật, Người là sự sống, là ánh sáng cho nhân loại, thánh Gio-an nhấn mạnh đến hành vi quan trọng nhất của Ngôi Lời:  Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”.  Lời Thiên Chúa giờ đây không chỉ là các sứ điệp được các ngôn sứ mang đến cho nhân loại, nhưng là tiếng nói trực tiếp của Thiên Chúa nói với chúng ta.  Ngôn sứ là người nói thay cho Thiên Chúa hoặc là người đem đến sứ điệp của Thiên Chúa, còn Chúa Giê-su là chính Thiên Chúa phán dạy chúng ta.  Chúa “trở nên người phàm” và “cư ngụ giữa chúng ta” là để giúp chúng ta dễ dàng chấp nhận những điều Người muốn “phán dạy” chúng ta.  Như thế, chúng ta không còn cho rằng điều Chúa dạy bảo ta là những điều cao siêu trên trời hoặc xa lạ với ta, nhưng là những điều thực tế, sống động, rõ ràng và giúp chúng ta thực hành “quyền trở nên con Thiên Chúa” của chúng ta.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Điều thánh Gio-an muốn chúng ta phải suy nghĩ, đó là:  “Người đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”.  Chúa đến nhà tâm hồn chúng ta, nhưng ta không đón nhận Người!  Ơn cứu độ rõ như ban ngày!  Chúng ta không thể làm ngơ, vì Chúa đang gõ cửa chờ ta mở cho Người!

     Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C