CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

CHÚA NHẬT LỄ LÁ, năm C

Lc 22,14 – 23,56

 

Chúa nhật Lễ lá đưa chúng ta đi vào chặng đường thương khó của Chúa Giêsu. Cuộc thống khổ của Đức Giêsu được gọi là cuộc đau khổ hồng phúc. Gọi là hồng phúc bởi vì không có sự đau khổ, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu :” Nhân loại không nhận được ơn cứu độ”.Hôm nay ý nghĩa thập giá được biểu lộ rõ nét.Cây thánh giá trở nên nguồn cứu rỗi cho nhân loại, cho con người. Chính nơi thập giá của Chúa ơn cứu chuộc chứa chan nơi Người.

Suy gẫm về thập giá, thánh Gioan Kim Khẩu đã viết :” Cây Thánh Giá là hy vọng của các Kitô hữu, là sự sống lại của kẻ chết,là sự hướng dẫn cho kẻ mù,là sự an ủi vcho kẻ nghèo khó,là sự kiềm hãm của kẻ giầu sang,là sự hành hạ đối với kẻ xấu xa.là sự chiến thắng trước ma quỷ,là thành lũy cho những kẻ bị vây hãm “.Vâng, trong sự vinh quang khải hoàn của Chúa Giêsu khi được dân tung hô và các trẻ Do Thái hát mừng. Sự chiến thắng khải hoàn của Chúa tiến vào thành thánh Giêrusalem tiên báo sự vinh thắng của Người trên thập giá. Khi Chúa Giêsu tiến vào thành thánh Giêrusalem, chúng ta như thấy thánh giá hiển hiện. Thánh Giá vút cao bởi vì Đức Giêsu đã tiên báo khi nào Ta được kéo lên khỏi đất Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta. Trong Phụng vụ Tuần thánh, Giáo Hội đưa chúng ta đi từ biến cố này đến biến cố kia, sự kiện này đến sự kiện khác. Chúng ta thấy Chúa Giêsu chịu đau khổ tột cùng. Ba  môn đệ thân tín được chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa trên núi Taborê : Phêrô, Giacôbê và Gioan. Chính ba môn đệ này trong núi Cây Dầu đã bỏ rơi Chúa trong khi Ngài đau khổ, mồ hôi và máu chảy ra thì ba ông vẫn ngủ vùi, ngủ say không hay không biết gì ! Giuđa Iscariốt phản bội, đang tâm bán Chúa cho các Thượng tế, Ký lục với giá rẻ mạt 30 đồng, và chỉ điểm cho quân lính bắt Chúa bằng một nụ hôn giả dối…Phêrô, Vị tông đồ trưởng hèn nhát, chối Chúa. Các môn đệ khác sợ hãi chạy trốn tán loạn. Chúa Giêsu bị bắt, bị kết án bất công.Người bị sỉ nhục, bị đánh đập và sau cùng bị quân dữ đóng đinh Người trên Thập giá…Cái chết của Chúa Giêsu thể hiện sự vâng phục của Người đối với Thiên Chúa Cha.Chính tình yêu cao vời của Chúa mới có giá trị cứu độ.

Đứng trước sự đau khổ tột độ và kinh khủng của con người, Chúa Giêsu vẫn thái độ hiền hòa và luôn phó thác vào Cha. Người luôn tuân phục ý Chúa Cha và nhẫn nại với những kẻ phản bội Người, đặc đối với Giuđa, kẻ phản bội, bán Chúa. Người vẫn hiền lành và tử tế đối với Giuđa, Người vẫn giữ tình Thầy trò đối với Giuđa. Người muốn Giuđa quay trở về với Người, nhưng Giuđa quyết tâm ngoảng mặt làm ngơ và ra đi trong đêm tối, có nghĩa là đồng lõa với ma quỷ, với sự dữ, với satan…Người sống hết tình với các môn đệ và nêu gương sự trung thành, tuân phục của Người đối với Thiên Chúa Cha…

Suy gẫm về cuộc thương khó hồng phúc của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra tình yêu cao vời tuyệt diệu của Chúa Giêsu.Chính tình yêu này mới có giá trị cứu độ. Cuộc thống khổ, tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cảm thông, chia sẻ với nỗi đau khổ của Chúa để cùng được sống lại với Người bởi vì “ Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết vác Thập giá mà theo chân Chúa Giêsu.Amen.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Trong núi Cây Dầu, Ba môn đệ thân tín của Chúa Giêsu đã làm gì ?

2.Giuđa đã có thái độ nào đối với Chúa Giêsu  ?

 

3.Chúa Giêsu đã có thái độ nào đối với Chúa Cha ?

4.Cuộc thương khó của Chúa Giêsu nói gì đối với mỗi người chúng ta ?


Suy Niệm Lời Chúa Năm C