CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Qua cuộc Thương Khó, Chúa Giê-su biểu lộ lòng Thương Xót

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 50:4-7;  Pl 2:6-11;  Lc 22:14 – 23:56)

          Sách Tin Mừng Lu-ca là Tin Mừng của lòng Chúa Thương Xót.  Kết luận về con đường nên thánh, sách Tin Mừng Lu-ca khẳng định:  “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36).  Trên đường thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đã giảng dạy về lòng Chúa Thương Xót, rồi qua lối sống Người đã biểu lộ lòng nhân từ khi đối xử với những kẻ ốm đau bệnh tật, những người tội lỗi và những kẻ bị loại ra khỏi đời sống cộng đồng.  Tuy nhiên, tuyệt đỉnh của lòng Chúa thương xót đã được giương cao khi Chúa Giê-su chịu treo cao trên thập giá.  Chúng ta được mời gọi bước theo sau Chúa từ bữa tiệc Vượt Qua đi tới núi Ô-liu, hiện diện với Chúa khi Người bị bắt, bị điệu đi hết nơi này đến nơi kia, bị xỉ nhục, bị đánh đòn, phải tự mình vác thập giá tới nơi chịu đóng đinh và cuối cùng tắt thở trên thập giá như tên tử tội.  Có một điều chúng ta đừng quên là hãy chiêm ngưỡng lòng nhân từ của Chúa Giê-su trên mỗi chặng đường Thương Khó ấy.

          Trước hết chúng ta biết rằng các bài đọc trích sách I-sai-a và thư Phi-líp-phê trình bày thái độ của Chúa Giê-su khi Người chịu cuộc Thương Khó.  “Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ, tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng”.  Và:  “Người lại còn hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.  Những điều diễn tả tư cách của Chúa Giê-su nói trên chắc chắn sẽ giúp chúng ta dễ cảm nghiệm hơn cuộc Thương Khó của Người.  Bây giờ chúng ta bước vào cuộc Thương Khó để nhận biết Lòng Thương Xót.

          - Trong Bữa Tiệc Ly.  “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình”.  Làm sao ta hiểu được “nỗi khát khao mong mỏi” của Chúa Giê-su?  Cả một đời, Người chờ đợi giờ phút này, giờ phút dốc hết tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại.  Người đã cho đi tất cả:  vinh quang Thiên Chúa và thân xác con người, rồi Bí Tích Thánh Thể nữa, để cứu chuộc và ở lại với ta cho đến tận thế, để cầu nguyện cho ta khỏi mất lòng tin.

          - Cầu nguyện tại Vườn Dầu.  Với tính cách là con người, Chúa Giê-su cầu nguyện với Chúa Cha là chính lòng thương xót.  Thay mặt cho nhân loại, Chúa Giê-su hoàn toàn tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa.  Rồi đứng trước các môn đệ vô cảm, Chúa Giê-su không nặng lời mà chỉ nhẹ nhàng nhắn nhủ họ năng cầu nguyện.

          - Bị bắt.  Lòng thương xót được tỏ ra đặc biệt với Giu-đa, người môn đệ phản phúc.  Lời nhắc nhở của Lòng Thương Xót vẫn dịu dàng, nhưng thấm thía:  “Giu-đa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?”  Với tên đầy tớ của thượng tế bị chém đứt tai, Chúa vẫn nhân từ “sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành”.

          - Ông Phê-rô chối Chúa.  Còn đau xót nào hơn là bị người thân chối bỏ ba lần!  Thánh sử mô tả phản ứng của Lòng Thương Xót:  “Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy.  Chúa quay lại nhìn ông… Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết”.  Ôi, cái nhìn của Chúa lợi hại thật!

          - Trước mặt giáo quyền và chính quyền.  Chúa Giê-su, Lòng Thương Xót, không chút nhượng bộ hay hèn nhát, vì Người cương quyết muốn làm chứng cho Tình Yêu trung thành của Thiên Chúa, dù bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư vu cáo, bị Hê-rô-đê chế giễu và bị Phi-la-tô cho đánh đòn oan uổng.

          - Trên đường thập giá.  Chúa Giê-su là Lòng Thương Xót mà lại chẳng được ai xót thương!  Ông Simon người Ky-rê-nê bị lính cưỡng ép phải vác thập giá thay cho Chúa.  Một số phụ nữ chỉ biết “vừa đấm ngực vừa than khóc Người”.  Nhưng ngược lại, Lòng Thương Xót đáp lại các bà bằng những lời an ủi thâm tình.

          Bị đóng đinh vào thập giá.  “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy…” Đúng thế, Lòng Thương Xót đã được giương cao, để “ai tin vào Người, thì được sống muôn đời” (x. Gio-an 3:13-15).  Một thí dụ cụ thể:  kẻ được sống muôn đời hôm nay là người gian phi đã thưa với Chúa:  “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Anh đã được toại nguyện.

          Táng xác Chúa.  Lòng Thương Xót được khâm liệm và đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn.  Nhưng đó không phải là kết thúc, vì ngày thứ ba, Lòng Thương Xót sẽ sống lại để trở thành niềm hy vọng cứu độ cho tất cả nhân loại cho tới ngày Người trở lại trong vinh quang để đón những ai tin vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su tuy đau thương, nhưng lại đem đến cho chúng ta thật nhiều an ủi, hy vọng và tin tưởng.  Nó cho chúng ta thật nhiều cơ hội để chiêm ngưỡng tình yêu đầy thương xót của Cha trên trời.  Trong tuần lễ thánh thiện này, chúng ta cố gắng ít là dừng lại ở một cơ hội nào trên đường Thương Khó để chiêm ngưỡng lòng Chúa thương xót mà Tin Mừng Lu-ca đã cố gắng trình bày với chúng ta.  Tuy nhiên, chiêm ngưỡng thôi thì chưa đủ, mà chúng ta còn trở nên giống Chúa Ki-tô, để cũng như Người, ta biểu lộ tình yêu thương xót của Chúa khi ta nhìn nhận thân phận tội lỗi đáng thương của mình, và tỏ lòng thương xót đối với anh chị em đang chờ đợi bàn tay nhân hậu của Chúa qua chúng ta.

              Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C