LỄ ĐỨC MẸ LÀ MẸ THIÊN CHÚA

Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Ds 6:22-27;  Gl 4:4-7;  Lc 2:16-21)

          Ngày đầu năm dương lịch là một ngày có nhiều ý nghĩa.  Trước hết đó là ngày kết thúc Tuần Bát Nhật lễ Giáng Sinh, tiếp đến là ngày lễ trọng kính Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa và sau hết là ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới.  Quả thực khó mà liên kết ý nghĩa các bài đọc của Phụng vụ Lời Chúa để làm thành một chủ đề duy nhất.  Tuy nhiên nếu hiểu rằng bình an hoặc hòa bình là hoa trái đầu tiên của mầu nhiệm Giáng Sinh, thì chúng ta có thể nhận ra được sự liên hệ mật thiết giữa lời chúc lành của ông A-ha-ron cho dân Ít-ra-en với vai trò của Đức Mẹ Ma-ri-a là Mẹ Đấng Cứu Thế, và với sự bình an Thiên Chúa ban cho nhân loại.

          Ngay sau khi Ngôi Hai giáng trần, triều thần thiên quốc cùng sứ thần đã cất tiếng ca tụng Thiên Chúa:  “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.  Lời ca cho chúng ta thấy sự bình an là điều         Thiên Chúa muốn đem lại cho tâm hồn con người ngay từ buổi đầu tạo dựng.  A-đam và E-và đánh mất sự bình an ấy khi họ phạm tội bất tuân lệnh Chúa.  Tội nguyên tổ là đầu mối sinh ra mọi thứ tội lỗi khác và tạo nên mối thù nghịch giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Để phục hồi sự bình an cho nhân loại và sự hòa giải giữa họ với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại Đấng Cứu Độ.  Khi Đấng Cứu Độ đến, Người sẽ tái lập hòa bình giữa trời với đất. 

          Mặc dù Đấng Cứu Độ chưa xuất hiện, nhưng Thiên Chúa cũng đã cho dân riêng của Người được hưởng phần nào sự bình an qua việc chúc lành.  Sách Dân số thuật lại việc chúc lành, cùng với công thức chúc lành đã được Thiên Chúa truyền cho ông A-ha-ron và các con ông phải theo khi chúc phúc cho dân chúng:  “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em!”  Làm sao để dân Chúa nhận biết được sự bình an Thiên Chúa muốn ban cho họ?  Đó là khi họ thấy “Đức Chúa tươi nét mặt” nhìn đến họ và dủ lòng thương họ.  Rồi khi họ thấy “Đức Chúa ghé mắt nhìn” và ban bình an cho họ.  Những động tác tươi nét mặt và ghé mắt nhìn diễn tả Thiên Chúa như một người Cha nhân từ luôn để ý chăm sóc cho con cái mình.  Tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa đã được biểu lộ trên khuôn mặt người cha hiền hậu, chứ không phải là nét mặt nghiêm nghị đáng sợ của một ông thần.  Người Cha hiền hậu ấy muốn con cái mình được bình an và yên vui trong tình yêu của Người.

          Để thiết lập sự bình an vĩnh cửu, Thiên Chúa thực hiện một kế hoạch táo bạo là đích thân đến làm hòa với nhân loại.  Thánh Phao-lô viết:  “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”.  Sống trong tình phụ tử ấy, loài người được an tâm gọi Thiên Chúa là “Áp-ba, Cha ơi!”. Thử hỏi còn cảnh nào an bình bằng cảnh con cái nhìn lên nét mặt dịu hiền của Thiên Chúa và kêu lên “Ba ơi”?  Sở dĩ họ kêu lên được như vậy là nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa “ngự trong lòng họ” ban cho họ một tư cách mới, tư cách làm nghĩa tử chứ không phải làm nô lệ, để họ vừa can đảm vừa hãnh diện tuyên xưng tình cha của Thiên Chúa.  Ơn làm nghĩa tử của chúng ta đặt căn bản trên mối quan hệ phụ tử của Chúa Giê-su với Thiên Chúa Cha.  Là anh em của Chúa Giê-su, nên cũng như Người, chúng ta được đặc ân gọi Thiên Chúa là Cha.  Một khi đã giúp chúng ta làm con cái Thiên Chúa và gọi Thiên Chúa là Cha, Chúa Giê-su cũng giúp chúng ta duy trì sự bình an vĩnh cửu Người đã mang lại cho chúng ta nhờ công cuộc cứu độ của Người.  Tuy nhiên, chúng ta không thể coi nhẹ vai trò của Mẹ Ma-ri-a, người phụ nữ đã cưu mang Bình An trong lòng và tặng cho nhân loại chúng ta Đấng được mệnh danh là Thái Tử Bình An.

          Sau hết, chúng ta được mời gọi hãy chiêm ngưỡng lại khung cảnh Giáng Sinh, nơi Bình An của Thiên Chúa sinh ra và ở lại giữa nhân loại.  Thánh Lu-ca kể lại rằng các người chăn chiên vội vã đến Bê-lem, nơi bà Ma-ri-a và ông Giu-se đặt Hài Nhi nằm trong máng cỏ.  Hình ảnh máng cỏ chứa lương thực là nguồn bình an cho súc vật là chiên bò nói cho chúng ta biết rằng Chúa Hài Nhi được đặt trong máng cỏ cũng là nguồn bình an cho toàn thể nhân loại vậy!  Đứng trước khung cảnh Giáng Sinh an bình, các người chăn chiên “kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi”.  Ở đây chúng ta tự hỏi:  điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi là điều gì?  Phải chăng đó chính là điệp khúc bình an các thiên thần đã hát mừng và bảo họ tới xem?  Phải, họ đã tới, đã cảm nghiệm được bình an dưới thế cho loài người Chúa thương, vì họ chính là những người đầu tiên biết mình được Chúa thương.  Rồi sau khi biết được hồng ân ấy, họ đã “ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Bất cứ ai trong chúng ta đều có những lúc không được bình an, với Chúa, với nhau và với chính mình.  Chúng ta phải làm gì đây?  Bạn cứ lắng nghe bài ca “Vinh danh” của các thiên thần để mau mắn chiêm ngưỡng Hài Nhi Giê-su, là Thái Tử Bình An và là con của Trinh Nữ Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, để hiểu và xác tín lời khẳng định của Người đã nói với các môn đệ:  Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Gio-an 14:27).  Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con!

               Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C