CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN
Kết thúc sứ mệnh của Chúa là khởi đầu mới của chúng ta
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Cv 1:1-11;
Ep 1:17-23; Lc 24:46-53)
Có bao giờ bạn thắc mắc tại sao bài đọc
1 trích sách Công vụ Tông Đồ luôn được sử dụng cho cả ba năm Phụng vụ A, B và C
không? Chắc chắn có nhiều lý do. Có thể đây là trình thuật đầy đủ biến cố Chúa
Giê-su lên trời theo tính cách lịch sử cho nên không thể bị bỏ qua. Cũng có thể đây là thời điểm đánh dấu khởi đầu
lịch sử Giáo Hội, một khởi đầu không thể tách rời khỏi biến cố Chúa lên trời. Rồi cũng có thể đây là việc long trọng giới
thiệu vai trò của Chúa Thánh Thần tiếp nối công cuộc cứu độ đã được Chúa Giê-su
hoàn tất khi Người sống trên trần gian.
Tuy nhiên điều không kém phần quan trọng là biến cố Chúa lên trời để lại
mệnh lệnh truyền giáo cho mọi Ki-tô hữu cũng như kêu gọi họ tiếp tục đón nhận
ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Trước hết chúng ta trở lại khởi đầu của
lịch sử Giáo Hội với trình thuật Chúa lên trời.
Sau phần mở đầu viết cho ông Thê-ô-phi-lê, thánh sử Lu-ca giới thiệu những
công việc chính của Chúa Giê-su và đi vào lịch sử của Giáo Hội. Ngài dùng ngay ý niệm “vương quốc Ít-ra-en”
do những người chứng kiến Chúa sắp từ biệt họ mà về với Chúa Cha để chuyển sang
một ý nghĩa mới về vương quốc ấy. Đó là
triều đại của ơn cứu độ dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần và nhờ việc các môn
đệ Chúa Giê-su tích cực “là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp
miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất”. Chúa Giê-su nhấn mạnh đến biến cố “Thánh Thần ngự xuống trên anh em”, bởi
vì nếu không có sự dẫn dắt và sức mạnh của Thánh Thần thì chúng ta không thể
làm chứng nhân cho Chúa Giê-su được! Chắc
chắn đây phải là lời căn dặn quan trọng nhất liên hệ đến công cuộc phát triển
Giáo Hội và rao giảng Tin Mừng cứu độ cho toàn thể nhân loại. Tại sao quan trọng? Vì Thánh Thần là “chính nghĩa” và “động lực”
trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta đều dựa trên tình yêu là lý do và động
lực. Mà Thánh Thần chính là tình yêu của
Thiên Chúa. Thánh Thần là tác nhân chính
trong mầu nhiệm Ngôi Hai nhập thể, trong sứ mệnh của Chúa Giê-su trên trần gian
và giờ đây là “sức mạnh” giúp cho Giáo Hội và chúng ta tiếp nối sứ mệnh của
Chúa Giê-su. Nói tóm lại, Thánh Thần là
“tinh thần” trong mọi hành động của Thiên Chúa và cũng phải là tinh thần cho mọi
hành động của chúng ta nữa.
Đúng vậy, Thánh Thần phải là tinh thần
của chúng ta, điều thánh Phao-lô muốn chia sẻ với chúng ta trong bài đọc
2. Ngài đặc biệt đề cập đến vai trò của
Thánh Thần giúp chúng ta “nhận biết” Chúa Giê-su và sứ mệnh của Người. Những ý nghĩa phong phú và sâu xa về việc nhận
biết Chúa Giê-su được thánh Phao-lô kể ra ở đây: thấy rõ niềm hy vọng đích thực của chúng ta,
biết được đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú chúng ta chia sẻ với dân thánh,
và xác tín đâu là quyền lực vô cùng lớn
lao Chúa Giê-su đã thi thố cho chúng ta.
Kết luận về vai trò của Thánh Thần, thánh Phao-lô đã phát biểu một chân
lý sâu xa: “Đó (Chúa Thánh Thần) chính
là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực mà
Người (Thiên Chúa Cha) đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi
dậy từ kẻ chết, và đặt Người ngự bên hữu Người trên trời”. Đối với Thiên Chúa, Thánh Thần là sức mạnh của
Người và sức mạnh ấy được Chúa Ki-tô biểu dương qua sứ mệnh Người thi hành cho
nhân loại. Còn đối với chúng ta, những kẻ
tin vào tình yêu Thiên Chúa, thì sức mạnh của Thánh Thần sẽ được biểu dương như
thế nào? Thánh Phao-lô cho thấy việc biểu
dương sức mạnh Thánh Thần thể hiện trong sự viên mãn của Giáo Hội. Chúa Ki-tô, Đầu của Giáo Hội, là sự viên mãn
thì tất cả chúng ta là chi thể của thân thể ấy cũng sẽ được viên mãn nếu chúng
ta luôn kết hợp với Chúa Ki-tô. Ta được
viên mãn là Thánh Thần được biểu dương.
Bài Tin Mừng tường thuật biến cố Chúa
Giê-su lên trời không nói nhiều đến những gì đã xảy ra, mà lại quan tâm đến mệnh
lệnh của Chúa trước khi Người lên trời.
Người truyền dạy các môn đệ phải rao giảng và làm chứng nhân cho “Đấng
Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”. Mệnh lệnh này quả là một mệnh lệnh “bất thường”! Tại sao lại rao giảng về một người chịu chết
khổ hình và sống lại từ cõi chết? Ai mà tin
được lời rao giảng này? Bản thân thánh
Phao-lô đã nếm thất bại khi ngài rao giảng tại A-thê-na về Chúa Ki-tô phục
sinh, vì đám thính giả vừa nghe ngài nói đến một người chết sống lại thì họ đã
rủ nhau bỏ đi! “Vừa
nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: "Để khi
khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy"
(Cv 17:32). Nhưng Chúa Giê-su bảo: Đừng lo!
Đã có Thánh Thần! Rồi Người vỗ về
họ: “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em
điều Cha Thầy đã hứa”. Quả thực, điều
Chúa Cha hứa ban cho chúng ta chính là Thánh Thần, Đấng sẽ đưa chúng ta tới
chân lý toàn vẹn, tức ý nghĩa của chương trình cứu độ.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cống hiến
chúng ta những tư tưởng tuyệt vời về vai trò của Chúa Thánh Thần trong bối cảnh
biến cố Chúa Giê-su lên trời. Tuy nhiên
cử chỉ cuối cùng của Chúa Giê-su khi Người “giơ
tay chúc lành” phải là điều ta cung kính đón nhận. Chúa về trời, nhưng phúc lành Người để lại
chính là sức mạnh Thánh Thần giúp ta ra đi rao giảng Tin Mừng cho thế giới vậy!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi