LỄ THÁNH GIA THẤT
Những bà mẹ quảng đại của gia đình thánh thiện
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (1 Sm 1:20-22, 24-28; 1 Ga 3:1-2, 21-24; Lc 2:41-52)
Con Thiên Chúa xuống thế làm người và
cư ngụ giữa chúng ta. Người không sống
trong lâu đài hoặc trong một gia đình vương giả, nhưng hòa mình với cuộc sống
bình thường giống như mọi người. Tuy
nhiên sự hiện diện của Chúa Giê-su trong một gia đình đã đem lại một đời sống mới
gương mẫu cho mọi gia đình: gia đình
thánh thiện. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay
cho chúng ta hai mẫu gương gia đình thánh thiện, một trong thời Cựu Ước và một
trong thời Tân Ước, sự thánh thiện được biểu lộ nơi hai bà mẹ quảng đại. Ngoài ra, bài trích thư 1 Gio-an đã đề cao yếu
tố giúp cho gia đình nên thánh thiện, đó là lòng yêu mến Chúa.
Một gia đình thánh thiện được nói đến
trong Cựu Ước là gia đình của ông En-ca-na với bà An-na và người con trai duy
nhất là Sa-mu-en. Ông En-ca-na có hai bà
vợ, bà Pơ-nin-na và bà An-na. Bà
Pơ-nin-na sinh cho ông nhiều con, còn bà An-na thì son sẻ mặc dù ông En-ca-na rất
mực thương yêu bà. Trước sự thiệt thòi của
bà vì không có con, ông cảm thông với nỗi đau của bà và tìm đủ cách để đền bù lại
cho bà. Ông bày tỏ tình yêu đối với
bà: “An-na,… đối với em, anh lại không
hơn mười đứa con trai sao?” Phải chịu sỉ
nhục vì không có con nên bà An-na đã cầu xin Chúa thương cất đi nỗi khổ cực của
bà. Chúa đã nhậm lời cầu xin, bà sinh được
cậu con trai và đặt tên là Sa-mu-en. Tuy
nhiên điều đặc biệt nhất trong câu chuyện, đó là việc bà đã quảng đại dâng hiến
đứa con trai độc nhất của bà cho Chúa. Sự
hiện diện của cậu Sa-mu-en là niềm vui và hy vọng duy nhất của bà. Vậy mà sau khi cai sữa cho con, “bà đưa con
vào Nhà Đức Chúa tại Si-lô” và bà đã dâng con cho Chúa, để Chúa hoàn toàn sử dụng
theo ý Người. Chính lòng quảng đại của
bà đối với Thiên Chúa đã để lại cho dân Ít-ra-en một vị ngôn sứ nổi tiếng. Bà An-na có quyền giữ lại đứa con duy nhất
cho tương lai của bà chứ! Nhưng bà lại sẵn
lòng “nhượng nó lại cho Đức Chúa”, để nó ở lại Nhà Thiên Chúa, làm công việc
trong Nhà Thiên Chúa và sẽ đảm nhận tác vụ ngôn sứ Chúa sẽ trao sau này.
Chúng ta cũng có một câu chuyện tương
tự trong Tân Ước: Giê-su, một cậu bé mười
hai tuổi, đã ở lại trong Đền Thờ để ý thức và suy nghĩ về “bổn phận ở nhà Cha”
của cậu. Câu chuyện Tin Mừng hôm nay rất quen thuộc với chúng ta. Chúa Giê-su cùng với cha mẹ lên đền
Giê-ru-sa-lem để mừng lễ Vượt Qua. Cậu
Sa-mu-en trong Cựu Ước sau khi cai sữa thì được bà mẹ “nhượng cho Đức Chúa”
trong Đền Thờ; còn cậu Giê-su thì chủ
tâm ở lại Đền Thờ để “ngồi giữa các bậc thầy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi”. Nhưng quan trọng hơn đối với cậu Giê-su, đó
là cậu ý thức “bổn phận ở nhà của Cha”, nghĩa là ý thức sứ mệnh Chúa Cha trao
ban khi sai Người đến trần gian. Phản ứng
trước hành động của Chúa Giê-su chủ ý ở lại trong Đền Thờ, Đức Ma-ri-a Mẹ Người
đã nhẹ nhàng trách: “Con ơi, sao con lại
làm cho cha mẹ như thế? Con thấy không,
cha con và Mẹ đây đang phải cực lòng tìm con!”
Nhưng Chúa trả lời: “Cha mẹ không
biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”
Thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a không hiểu Người nói gì, nhưng điều kỳ lạ là các
ngài không hề la mắng hoặc căn vặn, mà chỉ thinh lặng. Bởi đâu các ngài có được sự bình tĩnh như vậy? Vì các ngài đều là những người thánh thiện: thánh Giu-se là “người công chính” (Mát-thêu
1:19), Mẹ Ma-ri-a thì “đầy ân sủng” (Lu-ca 1:28) và Chúa Giê-su là “Đấng Thánh”
và “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi” (Lu-ca 1:35;
Mát-thêu 1:23). Tuy chưa hiểu “bổn
phận ở nhà Cha” của Chúa Giê-su là gì, nhưng Mẹ đã hằng “suy đi nghĩ lại trong
lòng” và ôn đi ôn lại bài học quảng đại.
Nhờ bài học quảng đại, Mẹ Ma-ri-a đã dâng Chúa vào Đền Thờ, đã chứng kiến
Người ở lại trong Đền Thờ vì “bổn phận ở nhà Cha” và cuối cùng đã dâng lên
Thiên Chúa người con chịu chết trên thập giá.
Như thế, trong Tân Ước chúng ta cũng có một bà mẹ quảng đại không ai
sánh bằng!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Điều gì đã giúp cho những bà mẹ tuyệt
vời này quảng đại như vậy? Bà An-na mẹ
ông Sa-mu-en và Mẹ Ma-ri-a đã quảng đại với Chúa vì các bà hết lòng yêu mến
Thiên Chúa. Đây cũng là điều thánh
Gio-an tông đồ từng nhắn nhủ các tín hữu về lòng yêu mến Chúa. Trước hết ngài xin chúng ta hãy thực sự ý thức
mình là “con Thiên Chúa”. Chức phận làm
con Thiên Chúa của chúng ta được đặt trên căn bản những chân lý về Thiên Chúa
Ba Ngôi. Đúng vậy, theo lời thánh
Gio-an, chúng ta biết được những chân lý này. Chân lý thứ nhất là chúng ta có Chúa Cha là Đấng
“yêu chúng ta đến nỗi cho chúng ta được gọi
là con Thiên Chúa”. Chân lý thứ hai
là chúng ta có Chúa Giê-su để “khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người”.
Thiên Chúa không chỉ dạy bằng lời nói, nhưng bằng một mẫu người sống động
là Chúa Giê-su, để chúng ta trở nên thánh thiện mỗi ngày một hơn. Chân lý thứ ba là “Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã
ban cho chúng ta”. Những chân lý này
đã tạo điều kiện giúp ta trở nên những con người thánh thiện trong đại gia đình
của Thiên Chúa, đồng thời cũng nên những phần tử thánh thiện của gia đình nhỏ
bé chúng ta. Sống những chân lý về Thiên
Chúa Ba Ngôi sẽ biến đổi ta nên giống Chúa Giê-su, nghĩa là sẽ “ngày càng thêm
khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta”.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi