CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Những cách thức làm chứng cho sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 10:34a, 37-43;  1 Cr 5:6b-8;  Ga 20:1-9)

          Làm chứng Chúa đã sống lại là điều căn bản của đức tin Ki-tô giáo và vô cùng quan trọng.  Thánh Phao-lô khẳng định rằng nếu Chúa Ki-tô không sống lại, thì tất cả việc rao giảng của ngài cũng như đức tin của các tín hữu đều vô ích mà thôi (1 Cr 15:14).  Do đó, việc chúng ta mừng lễ Phục Sinh mang hai chiều kích:  thứ nhất, vì Chúa Ki-tô sống lại là một chân lý ngàn đời không thể thay đổi, và thứ hai, bổn phận của Ki-tô hữu là phải sống thế nào để làm chứng rằng Chúa Ki-tô đã sống lại từ kẻ chết.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày ba khuôn mẫu chứng nhân:  quan trọng nhất là lời chứng của hai tông đồ Phê-rô và Gio-an, những kẻ “đã thấy và đã tin” theo lời Kinh Thánh (bài Tin Mừng), ông Phê-rô làm chứng bằng lời giảng tại Xê-da-rê (bài đọc 1) và tông đồ dân ngoại Phao-lô nhắn nhủ tín hữu Cô-rin-tô (bài đọc 2) rằng đời sống họ phải như men làm dậy bột.

          Đoạn Tin Mừng Gio-an thuật lại việc làm chứng Chúa sống lại với những tình tiết thật sống động.  Chứng nhân không chỉ là hai tông đồ Phê-rô và Gio-an mà thôi.  Nhưng chúng ta thấy xuất hiện người phụ nữ đầu tiên đến mộ Chúa.  Bà là Ma-ri-a Mác-đa-la.  Ngày 3 tháng 6 năm 2016, theo lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô, Bộ Phụng Tự đã nâng lễ nhớ thánh Maria Mađalêna lên bậc lễ kính, tức là ngang hàng lễ kính các thánh Tông Đồ.  Sở dĩ bà được “ngang hàng” với các tông đồ, bởi vì bà cũng là người “đã thấy và đã tin” như các ông.  Chính bà đã mở đầu sứ mệnh làm chứng cho sự Phục Sinh qua hành vi đi đến mộ sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần.  Bà loan “tin buồn” cho các tông đồ rằng “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ”, để rồi tin buồn này sẽ trở thành “tin mừng” Phục Sinh.  Tin buồn khiến cho hai ông Phê-rô và Gio-an không thể dửng dưng, nhưng “cả hai cùng chạy” tới mộ.  Tại đây các ông đã thấy mọi dấu vết Chúa để lại chứng minh cho một chân lý cao cả là Người đã sống lại từ kẻ chết.  Ngôi mộ trống mà bà Ma-ri-a chứng kiến, những băng vải và khăn che đầu mà hai ông thấy lúc bước vào trong mộ, đó là những chứng cớ giúp cho người môn đệ Chúa yêu “đã thấy và đã tin”.  Từ việc thấy bằng mắt tiến đến việc tin hoặc thấy bằng con mắt tâm hồn quả thực là bước nhảy vọt của đức tin.  Từ một quá khứ mà hai ông chưa hiểu lời Kinh Thánh tiến đến hiện tại là hai ông tin lời Kinh Thánh nói về Chúa sống lại quả là một thay đổi vô cùng lớn lao!  Thấy và tin không chỉ dừng lại ở đấy, mà đức tin còn đưa hai ông tới việc biểu lộ đức tin, tức là rao giảng và làm chứng cho Chúa Phục Sinh nữa.

          Sau khi lãnh nhận Thánh Thần, thánh Phê-rô thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.  Được Thánh Thần sai đến với nhóm dân ngoại đầu tiên là gia đình ông Co-nê-li-ô, viên sĩ quan người Rô-ma tại Xê-da-rê, Phê-rô rao giảng về Chúa Giê-su Ki-tô.  Ngài kể lại thân thế và sứ mệnh cứu độ của Chúa, rồi đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện Thiên Chúa đã cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ kẻ chết.  Ngài cũng đề cập đến vai trò quan trọng của ngài và anh em tông đồ, đó là làm chứng cho việc Chúa sống lại, vì các ngài “đã được cùng ăn cùng uống với Người” sau khi Người sống lại và hiện ra với các ngài.  Không phải chỉ là trông thấy Chúa hoặc nghe thấy tiếng Chúa, nhưng là một cuộc gặp gỡ thân mật với Người y như những ngày Người cùng các ngài rảo bước khắp nơi để thi hành sứ vụ.  Cụ thể hơn nữa, thánh Phê-rô còn nhấn mạnh đến sứ mệnh Chúa Phục Sinh trao cho các ngài, là “phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết”.  Hôm nay, trước mặt ông Co-nê-li-ô và đại gia đình của ông, thánh Phê-rô đã thực thi sứ mệnh làm chứng cho sự Phục Sinh của Chúa Giê-su.

          Chúng ta đã thấy các môn đệ Chúa, bà Ma-ri-a Mác-đa-la, ông Phê-rô, ông Gio-an hoặc người môn đệ được Chúa yêu mến, đã làm chứng thế nào cho sự sống lại của Chúa Giê-su qua những điều họ đã mắt thấy tai nghe hoặc những ngày sống với Đấng Phục Sinh.  Tuy nhiên bên cạnh những cách làm chứng cụ thể ấy, chúng ta có một cách thức làm chứng bằng chính cuộc sống chúng ta, cũng là cách thức thánh Phao-lô đã mách bảo cho tín hữu Cô-rin-tô.  Viết cho tín hữu Cô-rin-tô, ngài dùng một hình ảnh cụ thể là men.  Men làm cho cả khối bột dậy lên.  Cũng vậy, sự Phục Sinh của Chúa trước hết là men làm thay đổi đời sống chúng ta.  Con người cũ, tức con người tội lỗi của chúng ta, giống như bánh không men.  Giờ đây sự Phục Sinh của Chúa là men đem lại cho chúng ta sự sống mới và con người mới.  Chúa Giê-su đã biến đổi chúng ta từ một kẻ tội lỗi và thù nghịch với Thiên Chúa thành những người con cái của cùng một Cha trên trời.  Sự sống mới này từ nay sẽ tiếp tục được phát triển nếu chúng ta sống theo Thần Khí của Chúa Ki-tô là tinh thần con cái Thiên Chúa, luôn biết kính mến Chúa, yêu thương nhau và phục vụ lẫn nhau.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Giáo Hội không chỉ mừng lễ Phục Sinh trong một ngày hoặc một tuần lễ, nhưng đã kéo dài tới bảy tuần lễ để chúng ta có thêm thời gian suy niệm ý nghĩa của biến cố Phục Sinh.  Để cầu nguyện về đề tài Phục Sinh và nhất là về cách cá nhân chúng ta làm chứng cho Chúa Ki-tô đã sống lại, mỗi người chúng ta hãy loại bỏ “men cũ” tội lỗi của chúng ta và hãy để men Phục Sinh tiếp tục biến đổi chúng ta.

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C