Ngày Tết chúng ta sắm mặc, sửa ăn, ngày
đầu năm chúng ta đi chúc tết nhau, con cháu tết ông bà cha mẹ, người dưới chúc
tết người trên, với biết bao nhiêu lời chúc tốt đẹp, kèm theo những món quà
thơm thảo bày tỏ lòng biết ơn, kính quí, thảo hiếu với người trên, anh em nâng
chén chúc tụng nhau.
Ngày Mồng Hai Tết, Giáo hội dạy chúng ta
dâng tấm lòng thành, kính nhớ tổ tiên: “Ca tụng các bậc cha ông của chúng ta
đã sống qua các thời đại” (Hc 44, 1, 10-15). Quả thật, có được ngày đầu năm
hoan hỷ vui xuân, làm sao chúng ta lại quên công, bỏ nghĩa các bậc tiền nhân được,
chúng ta là phận cháu con đã và đang thừa hưởng gia tài ân đức các ngài để lại,
nên phải “kể lại sự khôn ngoan của các ngài” để noi theo, các ngài đã giữ
các Điều Răn của Chúa, cháu con cũng phải một mực trung thành. Như thế, dòng
dõi các ngài mới trường tồn vạn đại. (x. Hc 44, 1, 10-15)
Chúa truyền phải thảo kính mẹ cha
Thụ ơn ắt phải báo đền, mẹ cha là hình ảnh
của Thiên Chúa: ngoài việc sinh thành, dưỡng dục, các ngài còn là người đại diện
Chúa, là hình ảnh của Thiên Chúa tình thương hằng bao bọc, che chở và nuôi dưỡng
chúng ta nên người. Chính trong bậc sống gia đình, cha mẹ được Thiên Chúa mời gọi
để cộng tác vào chương trình tạo dựng của Ngài, để cho ra đời những người con,
mang hình ảnh Chúa, và tô điểm thêm cho trái đất nhiều người ca ngợi và kính sợ
Chúa.Vì thế, trong bổn phận thảo hiếu, ngoài việc con cái phải phụng dưỡng,
giúp đỡ cha mẹ khi già yếu, còn phải hằng ngày cầu nguyện cho cha mẹ: luôn sống
xứng bậc mình, sẵn sàng hy sinh để nuôi dưỡng và giáo dục cho tròn bổn phận
mình. Thiên Chúa dạy chúng ta: “Hãy thảo kính cha mẹ” (Mc.7, 8-13). Phụng
dưỡng mẹ cha theo đúng lời Chúa truyền dạy, chớ dựa vào: “truyền thống của
cha ông mà hủy bỏ lời Thiên Chúa”. (Mt 13, 6) Nhớ đến công ơn sinh thành,
dưỡng dục, tất cả chúng ta đều phải biết sống hiếu thảo, vâng lời, giúp đỡ
cha mẹ lúc sinh thời cũng như khi đã khuất bóng.
Việc “đền ơn đáp nghĩa” là một nghĩa vụ
thiêng liêng để được phần phúc và sống lâu dài trên địa cầu này, đó là những ước
mơ và lời cầu chúc trên cửa miệng của chúng ta trong ngày đầu năm mới như hạnh
phúc, khang an và trường thọ. Vậy đâu là bí quyết để những lời chúc đó
trở thành hiện thực? Thưa là áp dụng lời Chúa dạy: “Hãy thảo kính mẹ cha”;
“Ai thảo kính cha sẽ được sống lâu dài” (Hc 3, 6). Thánh Phaolô Tông đồ
khuyên chúng ta “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì
đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời
hứa: Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1).
Thực hành chữ hiếu là thể hiện đạo lý
dân tộc
Thật phù hợp với đạo lý dân tộc Việt
Nam, chiếc bánh chưng, một sản phẩm cổ truyền, một chứng tích của đạo lý, chúng
ta làm để ăn ngày Tết nhắc nhớ chúng ta mang nặng nghĩa mẹ tình cha. Bởi Lang
Liêu, vị hoàng tử thứ mười tám, con người hiền lành, hiếu thảo đã dâng lên vua
cha thứ bánh chưng tượng trưng cho đất, bánh dầy tượng trưng cho trời; với ý
nghĩa xem công cha nghĩa mẹ to lớn như trời cao đất rộng, che chở cho con cái sống
an vui giữa đời.
Vì cha nên mới có mình,
Mẹ cha đối đáp công trình biết bao
Ơn này sánh với trời cao
Trong lòng con dám lúc nào lãng quên
Ngày Tết, cầm bánh chưng lên ăn, làm
chúng ta nhớ đến tổ tiên để tỏ lòng hiếu thảo như: thăm viếng, chúc tết, giúp đỡ
là một lẽ, chúng ta còn phải xin lễ cầu nguyện cho những người đã khuất. Tất cả
đều là những nghĩa cử cần thiết, không thể thiếu được.
“Cây có cội, nước có nguồn, con người
có tổ có tông: có cha có mẹ, có ông có bà”. Ai trong chúng ta cũng đều thuộc
nằm lòng những câu ca dao tục ngữ của người xưa răn dạy về đạo hiếu đối với mẹ
cha.
Tôn kính
Công cha nghĩa mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết kính thờ song
thân.”
Phụng dưỡng
Còn nữa, phận làm con đối với cha mẹ:
“Khi ấm lạnh ta hầu săn sóc
Xem cháo cơm thay thế mọi bề
Ra vào thăm hỏi từng khi
Người đà vô sự ta thì an tâm.”
(Nguyễn
Trãi, Gia Huấn Ca)
Vâng lời
Dạy sao cho được con hiền
Để cho cha mẹ khỏi phiền về con
Một niềm phép tắc nết na
Biết sống biết kính mới là khôn ngoan
Có một số người, không biết sống đạo gì
mà lại đối xử nhất trọng nhất khinh. Bởi vì đối với người Việt Nam, tương quan
với họ hàng gia tộc là điều quan trọng. Lấy vợ, lấy chồng không chỉ là lấy một
người mà “lấy” cả họ hàng nhà chồng, nhà vợ. Cách cư xử với họ hàng bên chồng
hay bên vợ không chỉ liên quan đến bản thân mà còn liên quan đến cả họ hàng bên
mình.
Trong tác phẩm “Gia Huấn Ca” Nguyễn Trãi
đã đề cao đạo đức, và chữ hiếu được nhấn mạnh rất rõ:
“Dù nội ngoại bên nào cũng vậy,
Đừng tranh dành bên ấy, bên này,
Cù lao đội đức cao dày,
Phải lo hiếu kính đêm ngày khăng khăng.”
(Nguyễn Trãi, Gia Huấn Ca)
Khi cha mẹ qua đời
Con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo
an táng chu đáo, cầu nguyện và xin lễ cho cha mẹ. Không những cầu nguyện cho
cha mẹ, con cái còn xin cha mẹ cầu nguyện cho mình trước mặt Chúa, như khi còn
sống, các ngài vẫn cầu nguyện cho mình.
Hội Thánh Công giáo nhìn nhận đó là một
hình thức tốt đẹp để bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân. Hội Thánh khuyến
khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong văn hoá dân tộc.
Thực hành chữ hiếu
Trong ngày Mồng Hai Tết năm nay chúng ta
hãy nhìn qua lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ để
mà yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ các ngài khi còn sống và đã qua đời. Đồng
thời Lời Chúa nhắc cho chúng ta phải thi hành bổn phận thảo hiếu của chúng ta.
Ai mà phụ nghĩa quên công
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng
thơm. (Ca dao)
Xin Chúa trả công bội hậu đời này và đời
sau cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con, và giúp chúng con luôn sống
cho phải đạo đối với các Ngài. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ