MÙNG MỘT TẾT
Mt 6,25-34
NGÀY NÀO CÓ
CÁI KHỔ CỦA NGÀY ẤY
1. LỜI CHÚA:
Chúa phán: “Vậy anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo.
Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).
2. CÂU CHUYỆN:
TÁI ÔNG THẤT MÃ, AN TRI HỌA PHÚC
Sách Hoài Nam Tử có ghi lại một câu chuyện dạy đời như
sau:
Một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc
nước Tàu, gần bên Trường thành có nuôi một con ngựa. Một hôm con của ông lão
dẫn ngựa ra gần biên giới cho ăn cỏ, vì lơ đễnh nên con ngựa vọt chạy qua nước
Hồ mất dạng. Những người trong xóm nghe tin đến chia buồn với ông lão. Ông lão
rất bình tỉnh nói: Biết đâu con ngựa chạy mất ấy sẽ đem lại điều tốt cho
tôi.
Vài tháng sau, con ngựa chạy mất ấy quay trở về, dẫn theo
một con ngựa của nước Hồ, cao lớn và mạnh mẽ. Người trong xóm hay tin liền đến
chúc mừng ông lão và nhắc lại lời ông lão đã nói trước đây. Ông lão không có vẻ
gì vui mừng, nói: Biết đâu việc được ngựa Hồ nầy sẽ dẫn đến tai họa cho
tôi.
Quả nhiên con trai của ông lão rất thích cưỡi ngựa, thấy
con ngựa Hồ cao lớn mạnh mẽ thì thích lắm, liền nhảy lên lưng cỡi nó chạy đi.
Con ngựa Hồ chưa thuần nết, chưa quen người nên nhảy loạn lên, con ông lão
bị ngựa Hồ hất xuống đất, bị té gãy một xương đùi thành ra què chân chịu cảnh tật
nguyền. Người trong xóm vội đến chia buồn với ông lão, thật không ngờ con ngựa
không tốn tiền mua nầy lại gây ra tai họa cho con trai của ông lão như thế. Ông
lão thản nhiên nói: Xin các vị chớ lo lắng cho tôi, con tôi bị ngã gãy
chân, tuy bất hạnh đó, nhưng biết đâu nhờ họa nầy mà lại được phúc đó.
Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung nguyên.
Các trai tráng trong vùng biên giới đều phải sung vào quân ngũ chống ngăn giặc
Hồ. Quân Hồ thiện chiến, đánh tan đạo quân mới gọi nhập ngũ, các trai tráng đều
bị tử trận, riêng con trai ông lão vì bị què chân khỏi phải đi lính, nên còn
sống sót.
3. THẢO LUẬN: 1)
Qua câu chuyện “Tái ông thất mã, an tri họa phúc” nghĩa là: Lão ông mất ngựa,
họa hay là phúc?, bạn suy nghĩ thế nào về các điều phúc họa trong cuộc sống của
bạn? 2) Tin Mừng trong thánh lễ Mùng Một Tết hôm nay dạy thế nào về sự quan
phòng của Thiên Chúa trước những điều may rủi gặp phải giữa đời thường?
4. SUY NIỆM:
1) Nội dung Tin
Mừng ngày đầu Năm Mới:
Tin Mừng thánh lễ ngày đầu Năm Mới hôm nay, Đức Giê-su đã
dạy môn đệ đừng quá lo lắng về đời sống cho bản thân nhưng phải tin cậy vào
tình thương quan phòng của Thiên Chúa qua ba ví dụ cụ thể như sau:
Một là loài chim trời không gieo không gặt nhưng chúng
vẫn được Cha trên trời nuôi sống.
Về việc sống lâu thì dù có lo lắng cũng không thể kéo dài
đời mình thêm một vài gang tấc!
Về cơm ăn áo mặc: Như loài hoa huệ ngoài đồng không kéo
sợi may mặc, thế mà Cha trên trời vẫn cho chúng mặc đẹp hơn vua Sa-lo-mon vinh
hoa tột bậc.
Từ đó Đức Giê-su dạy các môn đệ phải biết phó thác cậy
trông vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa: Nếu loài chim trời chẳng đáng
giá bao nhiêu, và loài hoa đồng nội sớm nở tối tàn mà Cha trên trời còn chăm
sóc như thế, phương chi con cái loài người đáng giá hơn muôn phần lại không
được Thiên Chúa quan phòng gìn giữ hay sao? Và Đức Giê-su kết luận: "Vậy
đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ
của ngày đó".
2) Về sự quan
phòng của Thiên Chúa:
Ngày nay chúng ta cũng có muôn ngàn nỗi lo chính đáng:
Người làm cha mẹ thì lo sao cho gia đình có cái ăn cái mặc hằng ngày, lo căn
nhà đang ở khỏi dột khi mùa mưa đến, lo cho con cái học hành tử tế, lo cho
người nhà mắc bệnh được có tiền để khám bệnh uống thuốc, lo giá cả tiêu dùng
không bị tăng vọt, lo mùa màng ngoài đồng không bị thất bát do nắng hạn, sâu
rầy hay lũ lụt... Những nỗi lo như thế phát xuất từ trách nhiệm của mỗi người
chúng ta và đều chính đáng đúng theo thánh ý của Thiên Chúa.
3) Phải tránh
thói ỷ lại lười biếng và vô trách nhiệm:
Chim trời tuy không phải vất vả gieo gặt như loài người,
nhưng chúng cũng phải bay đi đó đây để tìm mồi. Hoa huệ ngoài đồng tuy không
phải dệt may nhưng cũng phải đâm rễ tìm chất bổ dưỡng. Đàng khác chính Đức
Giê-su đã nói: "Ngày nào có cái khổ của ngày ấy" (Mt 6,34).
Không những Đức Giê-su không muốn chúng ta lười biếng vô
trách nhiệm, mà còn muốn ta phải chịu khó làm việc để góp phần làm cho môi
trường ta đang sống, cho thế giới này ngày một tốt đẹp hoàn thiện hơn. Ngay từ
khi dựng nên loài người, Thiên Chúa đã ra lệnh cho họ phải canh tác trái đất và
làm chủ vạn vật. Trong dụ ngôn về những nén bạc (x. Mt 25,15-25), Đức Giê-su đã
đòi mỗi đầy tớ phải làm lợi cho chủ gấp đôi các nén bạc được trao, chứ không
phải đem đi chôn giấu. Như vậy, chúng ta có bổn phận phải lo lắng, tiên liệu
cho tương lai. Điều Chúa không chấp nhận là quá lo lắng về đời sống vật chất,
coi nó là cùng đích đời mình.
4) Tiên vàn
phải lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa:
Người môn đệ Đức Giê-su phải coi trọng nước Thiên Chúa.
Những điều khác cũng cần phải quan tâm, nhưng không được coi chúng hơn Nước
Thiên Chúa. Thường người ta coi tiền bạc vật chất là ưu tiên số một và có khả
năng giải quyết được mọi vấn đề của con người. Nhưng thực tế chứng minh suy
nghĩ ấy là sai lầm. Thực ra tiền bạc của cải là phương tiện cần giúp con người
có đời sống tốt hơn như người ta thường nói: “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng
sinh đạo tặc”. Nhưng của cải tự nó không mang lại hạnh phúc. Nó chỉ tốt khi
chúng ta biết dùng nó như phương tiện, như đầy tớ của chúng ta. Nhưng tên đầy
tớ tiền bạc này lại rất có uy, rất dễ biến thành ông chủ lúc nào không biết.
Khi nó đã nắm quyền làm chủ, nó sẽ bắt chúng ta phải phụng sự nó với bất cứ giá
nào.
Ưu tiên tìm nước Thiên Chúa là phải chịu khó làm việc với
hết khả năng, tìm kiếm đối sách và nhìn xa trông rộng để giải quyết các vấn đề
mới phát sinh theo khả năng của mình. Cần tránh thái độ ỷ lại vào tình thương
và quyền năng của Thiên Chúa. Khi gặp sự khó chúng ta tránh thái độ thụ động,
nhưng phải biết chủ động xin ơn Thánh thần soi sáng để tìm ra cách giải quyết
theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su trong Tin Mừng. Cần theo lời người xưa
dạy: “Hãy làm hết sức mình, rồi trời sẽ giúp”, hoặc : “Hãy thắp sáng lên ngọn
đèn, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối”.
5. LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay Chúa đã dạy chúng con phải biết
ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính, còn những thứ khác như ăn gì
mặc gì, thì phó thác vào tình thương quan phòng của Cha trên trời. Xin cho
chúng con ý thức rằng: “Đồng tiền chính là đầy tớ tốt nhưng lại là ông chủ
xấu”. Nhờ biết sử dụng đồng tiền phục vụ cho Nước Chúa và phục vụ tha nhân, mà
chúng con sẽ có sự bình an trong tâm hồn và sẽ nên chứng nhân trước mặt người
đời, xây dựng một thế giới mới tốt đẹp là Nước Trời đời sau.- AMEN.
LM ĐAN VINH-
HHTM