CHÚA NHẬT 3 THƯỜNG NIÊN
Tầm quan trọng của Lời Chúa
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Nk 8:2-4a, 5-6,8-10; 1 Cr 12:12-30; Lc 1:1-4;
4:14-21)
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay giới thiệu với
chúng ta hình ảnh hai người tuyên đọc Lời Chúa:
ông Ét-ra đọc sách Luật trước toàn dân Ít-ra-en và Chúa Giê-su đọc sách
ngôn sứ I-sai-a tại hội đường Na-da-rét.
Cả hai khung cảnh đều rất trang nghiêm và cảm động, cho thấy Lời Chúa
đóng một vai trò quan trọng nơi cả người đọc lẫn người nghe. Tư tế Ét-ra “đọc và giải thích sách Luật” và
nhờ thế mà toàn dân hiểu được những điều đã nghe. Còn Chúa Giê-su thì đọc đoạn sách ngôn sứ
I-sai-a, rồi Người nói với dân chúng:
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Tuy nhiên sứ điệp Lời Chúa mà người nghe lãnh
nhận lại đưa họ tới những kết quả khác biệt và đây cũng là điểm cốt lõi Phụng vụ
Lời Chúa muốn trình bày.
Trước hết chúng ta hãy hiện diện trong
khung cảnh Cựu Ước khi tư tế Ét-ra đọc sách Luật. Phải nói rằng sự kiện tư tế Ét-ra đọc Sách Luật trước mặt cộng đồng là lần đầu
tiên trong lịch sử dân Chúa. Trước đó Sách Thánh được giữ trong Đền Thờ hoặc
cung điện nhà vua, còn dân Ít-ra-en thì sống đức tin bằng cách cầu nguyện và
tham dự các nghi lễ của Đền Thờ , do đó họ
không cảm thấy nhu cầu đọc Kinh Thánh.
Giờ đây, ông Ét-ra ý thức được rằng cộng đồng Do-thái sẽ phát triển là nhờ
đọc, suy niệm và giải thích Kinh Thánh.
Vì tầm quan trọng của Kinh Thánh, buổi tuyên đọc Sách Thánh được tổ chức
hết sức trang trọng. Dân chúng tụ tập ở
quảng trường, ông Ét-ra đứng trên bục gỗ cao.
Mọi người đứng dậy khi sách được mở ra.
Sau phần chúc tụng Đức Chúa, ông Ét-ra và các thầy Lê-vi “đọc rõ ràng và
giải thích sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các
ông đọc”. Lời Chúa đã đánh động tâm hồn
dân chúng khiến họ khóc lóc. Nhưng ông
Ét-ra bảo họ: “Anh em đừng buồn bã, vì
niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em”.
So sánh với buổi tuyên đọc Sách Thánh
thời tổng đốc Nơ-khe-mi-a và tư tế Ét-ra, thì buổi tuyên đọc Sách Thánh của
Chúa Giê-su tại hội đường Na-da-rét mang một sắc thái khác. Sự kiện xảy ra trong phạm vi hội đường nhỏ bé
của dân thành Na-da-rét. Tuy nhiên bầu
không khí vẫn đầy trang nghiêm. Chúa
Giê-su đứng lên đọc Sách Thánh. Đứng là
tư thế tỏ lòng kính trọng. Rồi người ta
trao sách ngôn sứ I-sai-a cho Chúa.
Chúng ta có thể tưởng tượng cảnh Chúa Giê-su kính cẩn nhận Sách Thánh từ
tay ông trưởng hội đường. Chúng ta cũng
nghĩ đến những tâm tình của Chúa Giê-su khi Người đọc đoạn sách I-sai-a 61:1-2
nói về sứ mệnh của vị ngôn sứ. Nhưng đây
cũng chính là sứ mệnh của Chúa Giê-su.
Người hiểu sứ mệnh cao cả mà Người sẽ phải chu toàn bao gồm những công
việc gì. Rồi Người “ngồi xuống” để suy
niệm. Thái độ của Người lúc này hẳn phải
vô cùng sốt sắng đến nỗi “ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người”. Tiếp theo là phần giải thích và chia sẻ. Chúa nói:
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh
Thánh quý vị vừa nghe”. Chưa bao giờ
có một buổi suy niệm và chia sẻ vắn tắt như vậy! Lời ngôn sứ I-sai-a không còn là lời viết
trên giấy da và cuộn lại thành cuốn nữa, nhưng là lời bằng xương bằng thịt đang
hiện diện trước mặt mọi người trong hội đường Na-da-rét. Vậy dân chúng đã phản ứng thế nào trước sứ điệp
Lời Chúa là chính con người Chúa Giê-su?
Thật đáng buồn! Đối với Lời Chúa
được Ét-ra tuyên đọc, thì dân chúng động lòng, khóc lóc. Còn đối với Chúa Giê-su là Đấng “ứng nghiệm lời
Kinh Thánh”, thì dân thành Na-da-rét lại chối bỏ, vì họ kiêu ngạo chỉ coi Chúa
là “con ông Giu-se” và họ kích kỷ không chấp nhận thấy những người ngoài
Na-da-rét được hưởng ơn lộc của Thiên Chúa.
Trở lại với cách sắp đặt của Phụng vụ
Lời Chúa mùa Thường niên, chúng ta thấy chủ đề của Lời Chúa hôm nay thật là
quan trọng. Chúa Giê-su đã kêu gọi các
môn đệ, đã làm phép lạ đầu tiên tại Ca-na, rao giảng Tin Mừng và ơn sám hối để
khởi đầu sứ vụ. Giờ đây với nội dung sứ
mệnh được phác họa qua lời ngôn sứ I-sai-a, Chúa Giê-su sẽ cùng với các môn đệ
ra đi và thực hiện những lời ngôn sứ tiên báo.
Tuy nhiên Chúa Giê-su không tự ý làm theo ý riêng mình, mà Người sẽ chu
toàn sứ mệnh ấy do “quyền năng Thần Khí thúc đẩy”. Đó cũng chính là Thần Khí làm cho tất cả chúng ta trở nên một thân thể, như thánh
Phao-lô diễn tả: “Anh em là thân thể Đức
Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận”.
Chúa Giê-su là Đầu và chúng ta là chi thể.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Chúng ta đã chiêm ngưỡng Chúa Giê-su với
tính cách là người tuyên đọc Lời Chúa.
Chúa đã khẳng định những lời ngôn sứ I-sai-a cũng là những lời nói về
chính Chúa và sứ mệnh của Người. Chúng ta biết tại sao dân thành Na-da-rét đã
không tiếp nhận Chúa Giê-su và sứ mệnh của Người. Những gì đã xảy ra tại hội đường Na-da-rét
ngày xưa vẫn có thể xảy ra ngay trong ngôi thánh đường của giáo xứ hoặc cộng
đoàn chúng ta ngày nay. Thái độ của
chúng ta khi lắng nghe Lời Chúa trong Thánh lễ và thực hành lời Chúa trong cuộc
sống hằng ngày cho chúng ta thấy rõ mình thực sự tiếp nhận Chúa Giê-su hay chối
bỏ Người. Khi Chúa nói: “Hôm
nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”, thời điểm hôm nay chính
là hiện tại, là bây giờ và ở đây của chúng ta.
Lời Chúa và Chúa Giê-su hiện diện với chúng ta mọi lúc, để trở nên “ngọn
đèn soi cho con bước, là
ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119:105).
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi