CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN

Chúa Giê-su được sai đến với toàn thể nhân loại

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Gr 1:4-5, 17-18;  1 Cr 12:31 – 13:13;  Lc 4:21-30)

          Những hình ảnh chủ yếu nói lên sứ mệnh của Chúa Giê-su được trình bày qua Phụng vụ Lời Chúa của những Chúa Nhật đầu mùa Thường niên.  Chúa Giê-su là Đấng được Thánh Thần xức dầu tấn phong, là Đấng tuyên đọc Lời Chúa, Đấng làm phép lạ, chữa lành, trừ quỷ…  Đặc biệt hôm nay, bài đọc trích sách Giê-rê-mi-a và bài Tin Mừng nói với chúng ta về Chúa Giê-su là Đấng được Thiên Chúa sai đến trần gian, không phải cho riêng dân Do-thái mà thôi, nhưng cho mọi dân mọi nước.  Sứ mệnh của Chúa Giê-su là sứ mệnh phổ quát, liên hệ đến toàn thể nhân loại và đến ơn cứu độ dành cho mọi người không trừ ai.  Suy nghĩ vể chiều kích phổ quát của sứ mệnh Chúa Giê-su là đề tài của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

          Hoàn cảnh khiến Chúa Giê-su khẳng định sứ mệnh phổ quát của Người chính là từ câu chuyện xảy ra ở hội đường Na-da-rét.  Tại đây, vì ganh ghét với những nơi Chúa Giê-su đã làm nhiều phép lạ, dân thành Na-da-rét đòi hỏi Chúa:  “Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”  Dĩ nhiên, vì thấy họ không có lòng tin, Chúa Giê-su đã không đáp ứng yêu cầu của họ (xem Mác-cô 6:5-6) và Người còn nói lên một sự thật phũ phàng:  “Tôi bảo thật các ông:  không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình”.  Họ muốn độc quyền “hưởng lợi” từ sứ mệnh của Chúa Giê-su, chứ không muốn chia sẻ phúc lành của Thiên Chúa với những người khác.  Họ đã thiển cận muốn Chúa Giê-su phải dành ưu tiên cho họ.  Họ không muốn hiểu chiều kích phổ quát sứ mệnh của Chúa là sứ mệnh đã được sách ngôn sứ I-sai-a nói đến và vừa được Người tuyên đọc trong hội đường của họ.  Vì thế, để minh chứng đặc tính phổ quát của sứ mệnh, Chúa Giê-su đã đan cử hai câu chuyện:  chuyện ngôn sứ I-sai-a cứu giúp bà góa thành Xa-rép-ta khỏi nạn đói và chuyện ngôn sứ Ê-li-sa chữa lành quan Na-a-man người xứ Xy-ri mắc bệnh phong cùi.  Cả hai người này đều thuộc thành phần dân ngoại, chứ không phải dân Ít-ra-en.  Thế là dân chúng Na-da-rét đùng đùng nổi giận và muốn giết quách Chúa Giê-su, người đồng hương của họ!  Tính ích kỷ đã bưng tai bịt mắt họ khiến họ không muốn nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng cứu độ trần gian;  hơn thế nữa, họ còn muốn tiêu diệt luôn một người con thân yêu của Na-da-rét đã nổi tiếng khắp nơi, nên họ đã “kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực”.  Nhưng Chúa Giê-su đã “băng qua giữa họ mà đi” vì giờ của Người chưa đến!

          Để hiểu đặc tính phổ quát của sứ mệnh Chúa Giê-su, chúng ta hãy trở lại với bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.  Chính Giê-rê-mi-a đã tiếp nhận lời Thiên Chúa giải thích sứ mệnh Người trao cho vị ngôn sứ:  “Trước khi ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi;  trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”.  Thiên Chúa đã chủ động tuyển chọn, thánh hóa và đặt Giê-rê-mi-a làm ngôn sứ của Người.  Vậy là ngôn sứ của Thiên Chúa, Giê-rê-mi-a phải làm gì?  Tác vụ của ông là nói thay cho Chúa, nói những điều Người truyền cho ông nói và nói cho mọi người mọi nơi.  Nhưng những điều ông nói lại không phải là các điều người ta muốn lắng nghe, “từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ”.  Do đó họ không nhìn nhận sứ mệnh ngôn sứ của ông, đến nỗi còn tìm cách tiêu diệt ông nữa.  Tuy nhiên ông không hề sợ hãi vì ông tin tưởng vào sự che chở của Thiên Chúa, như Người đã hứa với ông:  “Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”.  Sứ mệnh của Giê-rê-mi-a là hình ảnh tiên báo sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Giống như Giê-rê-mi-a, Chúa Giê-su không được đón nhận tại quê nhà.  Giống như dân vương quốc Giu-đa đã “giao chiến” với Giê-rê-mi-a, các kẻ thù của Chúa Giê-su là nhóm Pha-ri-sêu và các kinh sư, thượng tế và tư tế, tất cả đều tìm đủ cơ hội và đủ cách để bắt bẻ, làm mất uy tín của Chúa trước dân chúng.  Cuối cùng họ đã thành công trong việc bắt Người, làm chứng gian kết tội Người và nộp Người cho Rô-ma để áp lực họ đóng đinh Người vào thập giá.  Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn “ở với” Người, giải thoát Người và cho Người sống lại vinh hiển.  Còn Chúa Giê-su, nhiều lần Người đã xác tín rằng sứ mệnh của Người là cứu độ toàn thể nhân loại.  Người quả quyết Thiên Chúa “đã sai Con Một đến thế gian để “ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).  Những lần khác,  Chúa Giê-su còn nói đến sứ mệnh phổ quát này:  Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi", hoặc: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 12:32;  3:14).

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Với bài đọc 1 và bài tin Mừng, ta hiểu được sứ mệnh cứu độ của Chúa Giê-su là sứ mệnh phổ quát.  Nhưng còn bài đọc 2 trích thư 1 Côrintô thì sao?  Thánh Phao-lô nói đến tầm quan trọng và vai trò của đức mến được biểu lộ qua nhiều hành vi, rồi ngài kết luận:  “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến”.  Phải, chính với đức mến này, vì lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương mọi người, Chúa Giê-su và cả chúng ta nữa sẽ thi hành và chu toàn sứ mệnh!

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C