CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN

Được sai đi rao giảng Tin Mừng

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 6:1-2a, 3-8;  1 Cr 15:1-11;  Lc 5:1-11)

          Được sai đi là một đặc nét của công cuộc rao giảng Tin Mừng.  Chúa Giê-su thi hành sứ mệnh, nhưng không phải Người tự mình làm công việc ấy, mà là do Chúa Cha sai Người đi.  Trước khi sai các môn đệ ra đi để tiếp tục sứ mệnh rao giảng, Chúa Giê-su đã nói rõ ràng rằng như Chúa Cha sai Người đi thế nào, Người cũng sai họ đi như vậy.  Trong lịch sử Ít-ra-en, biết bao người đã được Thiên Chúa sai đi để thực hiện một tác vụ đặc biệt, thí dụ các vị ngôn sứ được sai đến với một cộng đồng hoặc cá nhân để mang thông điệp của Chúa đến cho họ.  Các ngài đã tuân thủ mệnh lệnh, dù phải chấp nhận hy sinh hoặc ngay cả nguy hiểm tính mạng.  Trong đại cuộc rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su đã được Chúa Cha sai đến với nhân loại để loan báo tình yêu cứu độ và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại.  Sau khi đã chu toàn sứ mệnh ở trần gian, Chúa Giê-su sai các môn đệ và cả chúng ta hãy ra đi tiếp nối những gì Người đã khởi đầu, làm những kẻ “thu phục người ta”.

          Trong Cựu Ước, các vị ngôn sứ đều là những người được sai đi thi hành sứ mệnh.  I-sai-a là một trong số bốn vị đại ngôn sứ.  Bài đọc 1 hôm nay thuật lại việc ngài được Thiên Chúa kêu gọi và sai đi như thế nào.  Trước hết ngài kể lại khung cảnh sự hiện diện của Thiên Chúa trên ngai tòa cao cả, có các thần thánh đứng chầu và tung hô vinh quang Người.  Trước khung cảnh uy nghi ấy, I-sai-a nhận biết thân phận mình quá bất xứng liền kêu lên:  “Khốn thân tôi, tôi chết mất!  Vì tôi là một người môi miệng ô uế!”  Tuy nhiên đối với Thiên Chúa, những gì là ô uế đều có thể được Người thanh tẩy.  Lập tức Thiên Chúa sai một thần Xê-ra-phim cầm hòn than hồng chạm vào môi I-sai-a để thanh tẩy môi miệng ô uế của ông và biến ông trở thành một vị ngôn sứ, tức là người nói thay cho Thiên Chúa.  Sau khi “tha lỗi và xá tội” cho I-sai-a, Thiên Chúa không độc đoán ép buộc ông phải lãnh nhận sứ mệnh, nhưng Người chỉ gợi ý cho ông khi Người “bâng quơ” phán rằng:  “Ta sẽ sai ai đây?  Ai sẽ đi cho chúng ta?”  Lạ đời chưa!  Lúc ấy chỉ có Chúa với ông I-sai-a, thế mà Người lại bảo “Ta sẽ sai ai đây”, thì đúng là Người không muốn áp đặt, mà chỉ mong ông sẽ tự nguyện đáp lại ước ao của Người.  Quả thực I-sai-a đã hiểu được ý Chúa và ông đủ quảng đại để thưa với Chúa:  “Dạ, con đây, xin sai con đi”.  Chúng ta có thể tưởng tượng Chúa mỉm cười mãn nguyện khi thấy I-sai-a đáp lại lời Người kêu gọi.  Thế là I-sai-a có đủ tư cách để được Thiên Chúa sai đi thi hành sứ mệnh Người trao.

          Nếu biến cố Thiên Chúa kêu gọi I-sai-a làm ngôn sứ và sai ông đi được diễn ra trong khung cảnh uy nghi của triều thần thiên quốc, thì việc Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ và sai họ đi lại diễn ra trong khung cảnh đời sống thường ngày, đôi khi còn gắn bó với nghề nghiệp sinh sống nữa.  Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Lu-ca đưa chúng ta trở lại khung cảnh bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, nơi một nhóm người đánh cá hành nghề.  Họ đang giặt lưới để chuẩn bị cho chuyến đánh cá tới, vì hôm qua họ “đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả”.  Chúng ta thử tưởng tượng Chúa nghĩ gì về mẻ lưới hoàn toàn thất bại của họ.  Có lẽ Chúa nói thầm trong bụng:  Tốt lắm, các anh vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả, thì tôi sẽ giúp các anh tha hồ bắt những thứ cá khác, đó là bắt các tâm hồn, thu phục người ta để đem về cho Thiên Chúa!”  Bằng một phép lạ, Chúa muốn chứng minh rằng Người có khả năng biến họ thành những kẻ đánh bắt các tâm hồn như lưới cá.  Nếu Chúa chỉ cần “chỉ điểm” giúp họ có một mẻ lưới bắt được thật nhiều cá đến nỗi hầu như rách cả lưới, thì chắc chắn Người cũng thừa sức đào tạo họ trở nên những kẻ lưới các tâm hồn!  Ở đây, chúng ta thấy có điểm tương đồng giữa ngôn sứ I-sai-a và ông Phê-rô.  I-sai-a nhận biết mình là người miệng lưỡi ô uế.  Còn ông Phê-rô thấy phép lạ Chúa làm liền “sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói:  ‘Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi’”.  Nhưng Chúa trấn an:  “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”.  Như chúng ta biết, sau ba năm trong trường huấn luyện tông đồ của Chúa và trải qua nhiều thực tập cùng quan sát, Phê-rô đã được Chúa sai đi trong lời hứa của Chúa:  “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Sau khi sống lại, Chúa Giê-su còn kêu gọi một người rất đặc biệt là Phao-lô và sai ông đi.  Phao-lô từng là một kẻ hung hăng bách hại Ki-tô hữu, vậy mà ông cũng được Chúa gọi và sai đi rao giảng Tin Mừng.  Đặc biệt hơn nữa, sứ mệnh rao giảng của Phao-lô còn được thi hành ở một môi trường xa lạ:  rao giảng Chúa Ki-tô và Tin Mừng cho anh chị em dân ngoại tại nhiều nơi bên ngoài Ít-ra-en.

          Tuy nhiên cả ba vị đều để lại cho chúng ta cùng một bài học:  hãy quảng đại đáp lại lời kêu gọi của Chúa và tin tưởng vào sự nâng đỡ của Người khi chúng ta thi hành sứ mệnh Người trao.  Dù chúng ta có là “người môi miệng ô uế” giống như I-sai-a, hoặc là “người tội lỗi” như ông Phê-rô, hoặc là kẻ bách hại đạo Chúa như ông Phao-lô, thì Chúa vẫn kêu gọi chúng ta, huấn luyện chúng ta thành những kẻ giúp anh chị em đón nhận Tin Mừng và trở về với Chúa.  Chúa không ép buộc chúng ta khi sai chúng ta đi, nhưng Người luôn hy vọng chúng ta sẽ quảng đại và tự nguyện thưa với Người:  “Dạ, con đây, xin sai con đi”.

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi        


Suy Niệm Lời Chúa Năm C