CHÚA NHẬT 6 THƯỜNG NIÊN
Đặt niềm tin vào Thiên Chúa và Con Một Người
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Gr 17:5-8;
1Cr 15:12, 16-20; Lc 6:17, 20-26)
Sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho nhân loại
được Thiên Chúa trao ban cho Chúa Giê-su và tất cả chúng ta. Tuy nhiên việc đón nhận Tin Mừng lại đòi hỏi
người ta phải có lòng tin, tin vào Thiên Chúa và tin vào sứ điệp của Người, đồng
thời cũng phải tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là sự biểu lộ và thể hiện chính Tin Mừng
ấy. Mỗi bài đọc của Phụng vụ Lời Chúa
hôm nay diễn tả niềm tin dưới một khía cạnh đặc biệt. Bài trích sách Giê-rê-mi-a thì nhấn mạnh đến
những hiệu quả của niềm tin vào Thiên Chúa.
Đoạn thư thánh Phao-lô thì lấy sự phục sinh của Chúa Ki-tô làm nền tảng
cho niềm tin của chúng ta. Riêng bài Tin
Mừng diễn tả những cách biểu lộ niềm tin của những người được gọi là có phúc, mặc
dù hạnh phúc của họ không phải là thứ hạnh phúc theo tiêu chuẩn của trần thế,
mà là theo tiêu chuẩn của những người có đức tin.
Trước hết chúng ta xem Thiên Chúa nói
với dân Người về niềm tin như thế nào.
Ngôn sứ Giê-rê-mi-a thay Chúa để nói với đồng bào của ông về sự khác biệt
giữa “kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa” và “kẻ đặt niềm
tin vào Đức Chúa và có Đức Chúa làm chỗ nương thân”. Ngôn sứ dùng hình ảnh cây để nói lên sự
khác biệt. Cây phải có nước thì mới phát
triển được. Vậy kẻ đặt niềm tin vào người
đời giống như “cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ”. Đúng thế, người đời có cho chúng ta hạnh phúc
thì cũng chỉ là thứ hạnh phúc nhất thời.
Duy có Thiên Chúa mới có thể ban cho chúng ta hạnh phúc muôn đời. Do đó thật thích hợp khi ngôn sứ ví kẻ tin vào
Thiên Chúa giống như “cây trồng bên dòng nước”.
Nước mang các chất bổ dưỡng đưa vào rễ để chuyển lên thân cây và cành lá
giúp cho cây lớn lên và sinh hoa kết quả.
Cũng thế, người đặt niềm tin vào Chúa giống như cây “đâm rễ sâu vào mạch
suối trong”. Vì Chúa là nguồn ân sủng và
hạnh phúc nên họ tha hồ hút lấy nào là sức sống, nào là tiềm năng sinh hoa kết
trái, nói tóm lại là tích trữ dần dần sự sống đời đời. Quả thực, người đặt niềm tin vào Thiên Chúa
chắc chắn sẽ được hạnh phúc muôn đời.
Tuy nhiên ai có thể bảo đảm với chúng
ta rằng hễ tin vào Thiên Chúa thì sẽ được sống muôn đời? Trả lời câu hỏi này, thánh Phao-lô diễn giải
cho tín hữu Cô-rin-tô hiểu rằng nếu chúng ta tin vào Chúa Ki-tô, chúng ta sẽ được
sống đời đời. Tại sao? Vì sự
phục sinh của Chúa Ki-tô là dấu hiệu bảo đảm Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta
hạnh phúc trường sinh: “Đức Ki-tô đã trỗi
dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu”. Vì sự phục sinh của Chúa Ki-tô là nền tảng
cho hạnh phúc muôn đời của chúng ta, nên thánh Phao-lô mới nhấn mạnh đến việc
rao giảng rằng Chúa Ki-tô đã từ cõi chết trỗi dậy. Ngài lý luận rằng nếu Chúa Ki-tô không sống lại
từ kẻ chết, thì việc rao giảng của ngài cũng như của các tông đồ là uổng công
và đức tin (tức là đức tin vào Chúa Ki-tô không sống lại) của những kẻ đón nhận
lời rao giảng chỉ là đức tin hão huyền mà thôi!
Nói khác đi, đức tin của chúng ta vào Chúa Ki-tô không phải là thứ đức
tin “đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này”, nhưng là đức tin đặt hy vọng
vào Chúa Ki-tô Phục Sinh, sự sống đời đời đích thực của chúng ta.
Tất cả chúng ta đều được kêu gọi hãy đặt
niềm tin vào Thiên Chúa để được hạnh phúc đời đời. Chúa Ki-tô cho chúng ta thấy những tình huống
biểu lộ niềm tin của ta vào Thiên Chúa trong bài giảng “Bốn Mối phúc”. Tại sao vậy?
Vì Tin Mừng Mát-thêu thì trình bày Tám Mối phúc, còn Tin Mừng Lu-ca thuật
lại bài giảng của Chúa chỉ gồm bốn mối phúc và thêm vào bốn mối họa. Giống
như ngôn sứ Giê-rê-mi-a, Thánh Lu-ca muốn mô tả sự khác biệt giữa những
mẫu người tin vào Thiên Chúa và mẫu người tin vào người đời. Ngài cho chúng ta thấy hiệu quả của niềm tin
vào Thiên Chúa khác biệt với hiệu quả của niềm tin vào người đời. Tin vào Thiên Chúa sinh những hiệu quả đời
sau và vĩnh cửu; còn tin vào người đời
chỉ đem lại hiệu quả nhất thời và tạm bợ.
Đúng vậy, Lu-ca thường lập lại từ “bây giờ”. Nếu bây
giờ chúng ta là kẻ nghèo khó, đói khát, khóc lóc và bị bách hại vì lẽ công
chính mà vẫn một lòng tin vào Thiên Chúa, thì ngày sau Thiên Chúa sẽ cho ta được giàu có của Nước Thiên Chúa, được
no đầy hạnh phúc, được niềm vui và phần thưởng ở trên trời. Đối với những kẻ đặt niềm tin vào thế gian, vào
sự giàu sang họ đang có bây giờ, vào sự no nê họ đang hưởng thụ bây giờ, vào sự
vui cười họ đang hả hê bây giờ và hư danh họ đang có bây giờ, thì tất cả chỉ là
những gì chóng qua. Nhưng trong tương
lai đời sau, hậu quả muôn đời của niềm tin ấy sẽ là tất cả những gì ngược lại!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Chúng ta đều là những người có đức
tin, hoặc đức tin mạnh hay đức tin yếu.
Có thể chúng ta giống như các môn đệ bị Chúa Giê-su trách là kém lòng
tin. Cũng có thể chúng ta giống như người
cha của đứa bé mắc bệnh động kinh, khẩn khoản xin Chúa: “Tôi tin!
Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!” (Mc 9:24). Nhưng quan trọng hơn cả là vấn đề chúng ta
làm thế nào để sống đức tin vào Thiên Chúa và Chúa Giê-su, Con Một Người. Chúng ta có nhiều phương thức giúp cho lòng
tin của chúng ta phát triển như cầu nguyện, đọc và suy niệm Kinh Thánh, lãnh nhận
các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể.
Trung thành làm những việc đạo đức này sẽ giúp cho mối tương quan với
Chúa được nồng nàn và mật thiết hơn!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi