CHÚA NHẬT 6
THƯỜNG NIÊN C
Gr 17,5-8 ; 1
Cr 15,12.16-20 ; Lc 6,17.20-26
PHÚC CHO ANH
EM LÀ NHỮNG KẺ NGHÈO KHÓ
HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Lc 6,17.20-26
(17)
Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông. Người dừng lại ở một chỗ đất
bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ
khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đon
đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. (20) Đức Giê-su
ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho anh em là những kẻ
nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. (21) Phúc cho anh em là
những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no
lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em
sẽ được vui cười. (22) Phúc cho anh
em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị
xóa tên như đồ xấu xa. (23) Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa. Vì
này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ
các Ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. (24) Nhưng
khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần
an ủi của mình rồi. (25) Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ
đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. Khốn cho các ngươi, hỡi
những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ
khóc than. (26) Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các
ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.
2. Ý CHÍNH: PHÚC CHO KẺ NGHÈO KHÓ
Bài
Tin mừng Lu-ca hôm nay ghi lại bài giảng khai mạc của Đức Giê-su tương
đương với Tám Mối Phúc Thật trong Tin mừng Mát-thêu. Nội dung được
tóm lại như sau:
- BỐN LỜI CHÚC PHÚC (c 20-23) :
Phúc cho những kẻ nghèo hèn, đói khát, ưu sầu và bị bách hại, vì
bây giờ Chúa đến thiết lập Nước Thiên Chúa, họ sẽ được đền bù
những thiệt thòi kia bằng ơn cứu độ và hạnh phúc đời đời
-
BỐN LỜI THỞ THAN (c 24-26) : Đây là những lời cảnh báo và ngăm đe đối
với những kẻ đang sống trong giàu có, được no đầy, vui cười và được
ca tụng, vì những điều ấy sẽ không còn nữa khi Nước Thiên Chúa đến
trong Ngày của Chúa. Bấy giờ kẻ giàu có sẽ hóa nên trắng tay, kẻ no
nê sẽ phải chịu đói khát, kẻ vui cười sẽ phải chịu khổ đau, kẻ
được vinh dự trước mặt người đời sẽ bị tước đọat tất cả.
3. CHÚ THÍCH:
- C 20-21: +Phúc cho anh em là những kẻ nghèo
khó...: Nghèo khó ở đây là sự nghèo
về tiền bạc vật chất, khác với Tin mừng Mát-thêu nói về sự nghèo
khó trong tâm hồn. Nghèo khó còn được hiểu là sự bé mọn (x. Lc
10,21), khiêm nhường tự hạ (x. Lc 14,11), là thái độ không dựa vào thế
lực của tiền bạc, mà chỉ biết tín thác vào tình thương và quyền
năng của Thiên Chúa. +Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang
phải đói...: Sự đói khát và no thỏa ở đây cần hiểu theo
chiều hướng cánh chung hay thế mạt. +đang phải khóc...:
Người ta cần phải biết đón nhận đau khổ gặp phải hằng ngày trong
mầu nhiệm tình thương cứu độ của Thiên
Chúa.
-
C 22-23: +Phúc cho anh em khi
vì Con Người mà bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ
xấu xa: “Bị xóa tên như đồ xấu xa” nghĩa là bị bôi nhọ
thanh danh. +Hãy vui mừng nhảy múa: vì Chúa đến sẽ thiết
lập một Trời Mới Đất Mới (x. Kh 21,1), và sẽ đền bù cho những ai
đang bị thiệt thòi bằng ơn cứu
độ.
-
C 24-26: +Khốn cho các ngươi...: Bốn lời tuyên bố nói đây
song đối với bốn mối phúc ở trên. Đây không phải là những lời nguyền
rủa, nhưng chỉ là sự xác nhận, than thở và ngăm đe, nhằm kêu gọi
người ta ăn năn hối cải để thay đổi đời sống. +Khốn cho các
ngươi là những kẻ giàu có: Lời kêu gọi người giàu có phải
hồi tâm sám hối, vì không thể cùng lúc làm tôi hai chủ là Thiên Chúa
và tiền bạc được (x. Lc 16,13). +Khốn cho các ngươi bây giờ đang
được no nê, đang được vui cười: Đức Giê-su cảnh báo về một sự
đảo ngược tình thế: No nê bây giờ, nếu không chịu chia sẻ cơm bánh cho
người nghèo thì sau này chính mình sẽ bị đói khát! Vui cười hôm nay,
cần phải đề phòng mai ngày sẽ phải khóc than! +Khốn cho các
ngươi khi được mọi người ca tụng: Nếu kẻ nào chỉ lo tìm kiếm
hư danh cho mình ở đời này, nếu không sống theo sự chân thật công
chính, thì số phận sau này của họ sẽ phải chịu đau khổ nhục nhã
mà bọn ngôn sứ đạo đức giả sẽ phải gánh chịu!
4. CÂU HỎI: Tại
sao Đức Giê-su lại chúc phúc cho những kẻ nghèo khó tiền bạc, những
kẻ đang chịu đói khát, khóc lóc sầu khổ và bị người đời thù ghét
bách hại, là những điều không ai mong muốn và thường mang lại sự bất
hạnh ?
II.SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: “Phúc
cho anh em là những kẻ nghèo khó” (Lc 6,20).
2. CÂU CHUYỆN:
1) GIÁ TRỊ TƯƠNG ĐỐI CỦA TIỀN BẠC:
Một
cuộc khảo sát do Đại Học PO-LY-TECH-NIC ở Hong Kong thực hiện phỏng vấn 2,000 người giúp việc Philippines ở Hong Kong
và 300 ông bà chủ của họ. Kết quả là 92%
người giúp việc Phi cảm thấy “hạnh phúc” hơn các ông bà chủ của họ.
-
Tuy nhiên, khi hỏi nếu được hoán đổi vị trí xã hội để trở thành ông bà chủ,
thì 100% các chị em ô-sin đều sẵn sàng hoán đổi, dù họ biết rất rõ là các
người chủ của họ hàng ngày phải lo lắng đối phó với bao điều phức tạp như:
Bị căng thẳng do áp lực của công việc kinh doanh, lúc nào cũng lo xem chỉ
số chứng khoán lên xuống, nên không có giờ vui chơi giải trí hay giao
tiếp với người thân, luôn phải suy nghĩ để cải tiến kỹ thuật giúp công
ty tồn tại và phát triển...
-
Ngược lại, khi hỏi các ông bà chủ có muốn hoán đổi vị trí để trở thành ô-sin
không, thì 100% đều dứt khoát trả lời “không bao giờ”, dù trước đó họ vừa
công nhận là những người giúp việc đang sống “hạnh phúc” hơn họ nhiều.
Như
vậy tiền bạc tuy có giá trị vì là thành quả của tài trí khôn ngoan
và lao động chăm chỉ. Nhưng giá trị của tiền bạc cũng chỉ là tương
đối, dễ bị tiêu tan và không phải lúc nào cũng đem lại hạnh phúc…
như tựa đề một cuốn phim: “Người giàu cũng khóc !”. Chính thái độ
đối với tiền bạc mới là nguyên nhân làm cho người ta được hạnh phúc
hay bị bất hạnh. Người nghèo tiền bạc vẫn có thể hạnh phúc nếu biết
quan tâm chia sẻ cho tha nhân những gì mình đang có. Và người giàu cũng
có thể bị bất hạnh nếu coi đồng tiền là ông chủ và tìm mọi cách
để sở hữu nó càng nhiều càng tốt. Chính khi biết quên mình để lo tìm
hạnh phúc cho tha nhân bằng việc chia cơm xẻ áo cho những người nghèo ở
bên cạnh như lời Chúa dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
2) CHIẾC QUẦN LÓT CỦA GÃ CHĂN CHIÊN HẠNH PHÚC:
Một ông vua kia có đủ mọi thứ của
cải trên đời: Nào là cung điện nguy nga tráng lệ, vàng bạc chất đầy
kho, ăn uống no say với đủ thứ cao lương mỹ vị, lại có cả một đoàn
hầu thiếp mỹ nữ phục vụ ngày đêm... Thế mà nhà vua vẫn không cảm
thấy được hạnh phúc. Vua ngày một bị buồn phiền không thiết đến
việc ăn uống đến bị phát bệnh. Các thày thuốc giỏi trong triều đình
ngày đêm chữa trị cho nhà vua nhưng tất cả đều bó tay. Cuối cùng một
vị thần y đã được phát hiện và được cấp thời triệu vời vào hoàng
cung chũa bệnh cho nhà vua. Sau khi thăm mạch, vị danh y cho biết Đức
vua chỉ bị tâm bệnh, không cần dùng thuốc, mà chỉ cần mặc được
chiếc quần lót của người nào thực sự hạnh phúc là bệnh sẽ lập
tức khỏi ngay. Một đoàn thái y được sai đi khắp nơi để tìm kiếm con
người hạnh phúc để lấy chiếc quần lót mang về trị bệnh cho nhà vua.
Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp nơi nhưng đoàn vẫn không sao tìm ra được người
nào thực sự hạnh phúc, nên viên quan trưởng đoàn đành quyết định quay
về triều chịu tội. Một hôm khi đi ngang qua một cánh đồng cỏ thì đột
nhiên đoàn thái y nghe thấy có tiếng ca hát rất hồn nhiên vui vẻ. Lần
theo tiếng hát thì đoàn thái y gặp một gã chăn chiên nằm dưới gốc
cây đa và đang nghêu ngao ca hát. Khi được hỏi, gã chăn chiên cho biết
dù luôn sống nghèo khó, nhưng lúc nào gã cũng thấy hạnh phúc. Đoàn
người liền vui mừng hè nhau trói gã lại, lột chiếc áo khoác cũ kỹ
gã đang mặc trên người để tìm lấy chiếc quần lót đem về cho nhà vua
chữa bệnh. Thế nhưng thật bất ngờ: Gã chăn chiên này lại nghèo đến
nỗi ngoài chiếc áo khoác sờn rách đang mặc, trên người gã chẳng còn
bất kỳ thứ quần áo nào ngay cả một chiếc quần lót !
Nhiều
người nghĩ rằng, chỉ những người giàu sở hữu nhiều của cải mới được hạnh
phúc. Vì thế, họ không thỏa mãn với số tài sản đang có, và luôn tìm mọi
cách để của cải ngày một gia tăng. Đang khi thực ra hạnh phúc không hệ tại sở
hữu nhiều tiền bạc của cải mà bắt nguồn từ sự bình an nội tâm như
lời Chúa dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời sẽ
là của họ” (Mt 5,3).
3) KHI TIỀN VÀO NHÀ THÌ CHÚA ĐI RA:
Có
một đôi vợ chồng tá điền kia làm công cho một ông lãnh chúa giàu có. Hai vợ chồng
tuy nghèo nhưng rất có lòng đạo đức: Ngày nào cũng vậy, cả hai đều thức giấc
khi gà vừa gáy sáng và dâng giây phút đầu ngày tạ ơn chúc tụng Thiên Chúa.
Trong ngày dù phải chịu vất vả làm việc nắng nôi, họ cũng không quên hát những
bài thánh ca quen thuộc. Trước và sau bữa ăn đạm bạc, cả hai đều có những lời cầu
nguyện sốt sắng. Ngày nào họ cũng đọc kinh tối: ăn năn sám hối tội lỗi và đọc
50 kinh Mân côi dâng kính Đức Mẹ rồi phó thác hồn xác cho Chúa trước khi nghỉ
đêm. Tiếng lành về lòng đạo đức của đôi vợ chồng tá điền đã đến tai ông lãnh
chúa. Ông ta quyết định thử để biết nếu đôi vợ chồng này giàu lên thì họ có còn
giữ được lòng đạo đức như hiện tại hay không ?
Một
hôm chờ lúc đêm khuya ông lãnh chúa sai đầy tớ bí mật mang một hòm tiền đựng
100 đồng vàng đến để trước cửa nhà của đôi vợ chồng tá điền rồi quan sát động
tĩnh. Hôm ấy khi nghe tiếng gà gáy sáng, theo lệ thường hai vợ chồng bác nông
dân liền thức dậy đọc kinh râm ran rồi ăn sáng qua loa trước khi ra đồng làm việc.
Chợt anh chồng phát hiện ra một chiếc hòm rất đẹp nằm ngay trước cửa nhà. Anh
liền gọi vợ ra khiêng vào nhà. Cả hai rất đỗi ngạc nhiên khi mở hòm ra đếm được
tới 100 đồng tiền vàng, một tài sản lớn lao mà không bao giờ hai người dám mơ ước.
Thế là họ không đi làm như mọi khi mà ở nhà bàn nhau cách cất giấu hòm tiền
vàng. Họ hết đào góc nhà lên chôn hòm tiền vàng xuống, rồi lại moi lên mang cất
giấu chỗ khác trong nhà vì không yên tâm. Buổi trưa hôm ấy họ không cảm thấy
đói và bỏ ăn luôn cả bữa chiều. Đến tối họ cũng không còn đọc kinh râm ran như
mọi khi và lúc nào cũng thắc mắc hòm tiền kia của ai và lý do tại sao xuất hiện
trước cửa nhà mình. Ba ngày sau, do ăn uống thất thường và tâm trạng quá lo lắng,
nên sức khỏe suy kiệt và cả hai vợ chồng đều nằm liệt giường với chiếc hòm tiền
được cất giấu ngay dưới gầm giường.
Tất
cả thái độ và cách ứng xử của đôi vợ chồng đều được gia nhân báo cáo cho ông
lãnh chúa nên ba ngày sau, ông liền đến nhà đôi vợ chồng tá điền thăm hỏi và
báo tin nhà ông bị trộm mất một hòm tiền vàng. Lúc đầu cả hai vợ chồng đều chối,
nhưng một phần vì sợ bị đi tù và phần khác biết không thể tiếp tục dấu được
mãi, nên hai vợ chồng đành phải thành thật khai báo đã cất giữ hòm tiền vàng ra
sao và xin được hoàn lại chủ cũ để tránh sự tù tội. Từ ngày đó, do không còn lo
lắng về tiền của bất minh nên hai vợ chồng bác nông dân đã dần dần bình tâm trở
lại và tiếp tục thói quen cầu nguyện chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa như trước.
Từ nay họ bằng lòng với hòan cảnh hiện tại và đã rút ra bài học này: “Khi tiền
vào nhà thì Chúa đi ra!”.
3. THẢO LUẬN: Mỗi
người chúng ta phải làm gì để góp phần xóa đói giảm nghèo, thăng
tiến và phát triển con người ngay từ trong gia đình ra đến môi trường
xã hội ta đang sống ?
4. SUY NIỆM:
1) Con người sinh ra là để được sống hạnh phúc: Cuộc đời mỗi người là một cuộc hành trình đi
tìm hạnh phúc. Người đời thường coi hạnh phúc bắt nguồn từ sự giàu
sang phú quý, có danh thơm tiếng tốt và quyền cao chức trọng... Thế
nhưng Đức Giê-su lại chúc phúc cho những kẻ nghèo khó! Thế nhưng Người
không đề cao sự bần cùng, vì “bần cùng sinh đạo tặc!”.
2) Đức Giê-su đã thực hiện các mối
phúc: Người đã làm nghề thợ mộc vất
vả để kiếm sống; Người đã bị rơi vào vảnh đói khát sau khi ăn chay
40 ngày. Người đã nhỏ lệ khóc thương bạn thân là anh La-da-rô mới chết;
Trong cuộc khổ nạn, Người chấp nhận mọi đau khổ, xỉ nhục, đòn vọt
và chịu đóng đinh chân tay vào thập giá... Nhưng dù trong bất cứ hoàn
cảnh nào, Người vẫn luôn hạnh phúc vì đã bỏ đi ý riêng để vâng theo thánh
ý Chúa Cha...
3) Đức Giê-su đến để xóa bỏ các đau khổ bất công: nhân loại đang giàu có đã trở nên nghèo khó, đang
sung sướng hạnh phúc lại phải chịu đau khổ bệnh tật và còn phải
chết là do tội lỗi đã phạm, bắt đầu từ tội tổ tông truyền và sau
đó là tội của tất cả mọi người. Đức Giê-su đến để chia sẻ thân
phận nghèo khó ấy để mở ra con đường cứu độ giúp loài người chúng
ta lại được ơn nghĩa với Thiên Chúa như thánh Phao-lô đã dạy: “Người
vốn giàu sang phú quý, nhưng đã hóa nên nghèo khó vì anh em, để lấy
sự nghèo khó của mình mà làm cho anh em nên giàu có” (x. 2 Cr 8,9).
Người đến ban ơn cứu độ bằng việc: xua trừ ma quỷ, tha thứ tội nhân,
mở mắt người mù, mở tai kẻ điếc, cho kẻ què được đi, người câm nói
được, phục sinh kẻ chết, mở xiềng xích cho các tù nhân và công bố
Năm Hồng Ân của Thiên Chúa (x Lc 4,18-21).
4) Chúng ta phải làm gì ? Hôm nay Đức Giê-su muốn
các tín hữu chúng ta tiếp tục sứ mệnh cứu độ bằng cách thay
Người thăm viếng chia sẻ tiền bạc cho những bệnh nhân nghèo khó tại các bệnh viện, những trẻ em đường phố ...
Người muốn chúng ta cộng tác với những người thiện chí để xóa đói
giảm nghèo, xóa bỏ các tệ nạn xã hội như: mê tín, mù chữ, sì-ke ma
túy, đĩ điếm..., tạo công ăn việc làm cho những người thất nghiệp,
sản xuất nhiều của cải phục vụ xã hội... Người muốn chúng ta sống có
nhân cách: “Đói cho sạch, rách cho thơm”.
Tóm
lại, Đức Giê-su đã tự nguyện sống khó nghèo, để nêu gương chịu đựng
gian khổ và góp phần biến đổi thế giới đau khổ hiện tại nên Trời
Mới Đất Mới như sách Khải huyền đã tiên báo: “Thiên Chúa sẽ lau sạch
nước mắt của họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc kêu
than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Sao Chúa lại sinh ra trong thân
phận người nghèo? Đói nghèo cực khổ lắm như Chúa đã quá biết : Vừa
bị túng thiếu đói khát lại vừa phải sống vất vả nhọc nhằn, và còn
bị người khác khinh dể. Thật là thiệt thòi đủ thứ! Chúa chọn sống nghèo
như thế làm chi ? Nếu không phải là Chúa, thì thế nào người ta cũng
sẽ chê cười và coi Chúa là kẻ khờ dại dở hơi thôi!
-
LẠY CHÚA. Chúa đã chúc phúc cho người nghèo không phải để họ tiếp
tục sống trong sự bần cùng nghèo khổ. Sứ mệnh của Chúa đến là để
thiết lập Nước Trời, một “Trời Mới Đất Mới” công bình và hạnh phúc.
Trong đó mọi người yêu thương nhau và chia sẻ tình thương cho nhau. Chúa
đến nhằm tái lập “công lý và hòa bình”, để cất đi những sự thiệt
thòi bất công mà người nghèo phải gánh chịu. Xin cho chúng con ý
thức trách nhiệm của mình là phải sống vị tha, quảng đại chia sẻ
cơm bánh vật chất cho người nghèo và làm cho xã hội chúng con đang
sống ngày một ấm no hạnh phúc hơn và công bình nhân ái hơn.
X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG
CON
LM ĐAN VINH - HHTM