CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN

Hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa Cha

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (1 Sm 26:2, 7-9, 13, 22-23;  1 Cr 15:45-49;  Lc 6:27-38)

          Mục đích chính của Phụng vụ Lời Chúa mùa Thường niên là để đào tạo đời sống thiêng liêng của chúng ta theo những tiêu chuẩn của Tin Mừng.  Lời giảng của Chúa Giê-su là những bài học căn bản giúp chúng ta xây dựng một lối sống đặc biệt của những người con cái Thiên Chúa trong mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau.  Lời Chúa trong mấy Chúa Nhật trước đã nói đến mối tương quan giữa Thiên Chúa với chúng ta, nhất là những công việc Người muốn thực hiện để chúng ta thấy được Người yêu thương chúng ta dường nào.  Người sai Con Một đến để trực tiếp dạy dỗ chúng ta nên hoàn thiện.  Người mong chúng ta tin vào tình yêu và lòng thương xót của Người.  Đặc biệt hôm nay, lời Chúa đưa ra một phương thức cụ thể giúp chúng ta nên hoàn hảo:  Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.

          Trước hết bài đọc Cựu Ước kể lại một câu chuyện cảm động về lòng nhân từ.  Như chúng ta đọc trong sách 1 Sa-mu-en, sau khi Đa-vít trở nên nổi tiếng thì vua Sa-un đâm ra ghen tương, muốn loại trừ Đa-vít.  Đa-vít đã phải chạy trốn vào sa mạc Díp, nhưng vua Sa-un vẫn không tha, cố tìm giết Đa-vít.  Ban đêm đang khi vua Sa-un nằm ngủ trong trại binh, Đa-vít và ông A-vi-sai lẻn đến chỗ vua Sa-un ngủ và có cơ hội giết vua.  Nhưng thay vì sát hại vua, Đa-vít đã tha mạng cho vua, chỉ lấy đi cây giáo và bình nước để ở phía đầu vua Sa-un.  Rồi Đa-vít đứng trên đỉnh núi đối diện với sa mạc, cầm trong tay cây giáo của vua Sa-un và nói với vua:  “Hôm nay Đức Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong”.  Cảm động trước lòng nhân từ của Đa-vít, vua Sa-un thề sẽ không giết hại Đa-vít nữa và nói với ông:  "Đa-vít con cha ơi, con được chúc phúc! Chắc chắn con sẽ làm việc lớn, và sẽ thành công."  Sau này, chính vua Đa-vít cũng phạm những lỗi lầm to lớn trước mặt Chúa, nhưng vua đã tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa và hết lòng ăn năn sám hối.  Vua đã trở thành mẫu gương sám hối và tín thác vào lượng từ bi của Thiên Chúa.  Vua Đa-vít cũng để lại cho chúng ta một lời kinh có lẽ được đọc nhiều nhất, đó là Thánh vịnh 51.

          Vua Đa-vít là một gương mẫu sống lòng nhân từ.  Hai mươi tám thế hệ sau vua Đa-vít, hậu duệ của vua là Chúa Giê-su Ki-tô, đã được Chúa Cha sai đến để giảng dạy và biểu lộ lòng nhân từ của Thiên Chúa.  Bài Tin Mừng hôm nay là giáo huấn Người nói về việc tỏ lòng nhân từ đối với kẻ thù của chúng ta.  Như chúng ta biết, trong sách Tin Mừng có hai cách trình bày con đường trở nên hoàn thiện.  Đối với sách Tin Mừng Mát-thêu, con đường ấy là “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện”, còn đối với sách Lu-ca, đó là “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”.  Chúng ta có thể thắc mắc về sự khác biệt ấy.  Thánh Mát-thêu viết sách Tin Mừng cho Ki-tô hữu gốc Do-thái, do đó ngài trình bày giáo lý theo khuôn mẫu Lề Luật mang tính cách lý thuyết.  Với thánh Lu-ca thì khác, độc giả của ngài là Ki-tô hữu gốc dân ngoại, cho nên ngài trình bày giáo lý theo phương thức thực hành, nghĩa là dựa trên hành động cụ thể, đó là “anh em hãy có lòng nhân từ” và hãy biểu lộ lòng nhân từ ấy qua việc yêu thương kẻ thù, như chúng ta đọc thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.  Chúa Giê-su không dài dòng giải thích ý nghĩa của lòng nhân từ, nhưng Người đưa ra những hành vi nói lên cách đối xử của người Ki-tô hữu với kẻ thù.  Đan cử một số những hành vi ấy là chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình, ai vả má bên phải thì mình hãy đưa má bên trái cho họ vả… Tất cả đều là những hành vi mà người đời sẽ không làm cho kẻ thù của mình.  Vậy thì tại sao Ki-tô hữu lại làm khác với người đời?  Câu trả lời giản dị, đó là họ làm theo những gì Thiên Chúa đã làm.  Chúng ta, vì là những kẻ tội lỗi, đều là kẻ thù của Thiên Chúa.  Nhưng Thiên Chúa lại không đối xử với chúng ta như với kẻ thù, mà luôn luôn như với con cái của Người.  Lý do Người đối xử như thế là “vì Cha anh em là Đấng nhân từ”.  Người nhân từ với kẻ tốt cũng như người xấu, với người thánh thiện cũng như kẻ tội lỗi.  Vậy nếu Người yêu thương cả những kẻ tội lỗi là kẻ thù của Người, thì tại sao chúng ta lại không làm giống như thế?

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chúa Giê-su đã nói với chúng ta về lòng nhân từ qua những kinh nghiệm thực tế trong cách đối xử.  Riêng đối với thánh Phao-lô, ngài muốn trình bày lòng nhân từ dựa trên suy tư thần học, để giúp chúng ta trở nên giống Cha trên trời là Đấng nhân từ.  Ngài viết cho tín hữu Cô-rin-tô:  “Cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến”.  Ở đây, thánh Phao-lô muốn trình bày một cuộc biến đổi con người chúng ta, từ “hình ảnh người bởi đất mà ra” sang “hình ảnh Đấng từ trời mà đến”.  Đúng vậy, từ thân phận tội lỗi và kẻ thù của Thiên Chúa, chúng ta đã được Chúa Ki-tô cứu chuộc và phục hồi cho chúng ta thân phận làm con Thiên Chúa.  Người mời gọi chúng ta hãy “trở nên đồng hình đồng dạng” với Người, nghĩa là rập theo lối sống của Người.  Người đã tỏ lòng nhân từ khi tha thứ cho những người tội lỗi, yêu thương những kẻ bị xã hội loại bỏ, thì cũng thế, ta cũng phải tha thứ cho những người làm ta bị tổn thương và phải quan tâm đến những người bị xã hội khinh chê.

            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi  


Suy Niệm Lời Chúa Năm C