CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN

Để tập nhân đức, hãy xét mình trước khi xét người

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Hc 27:4-7;  1 Cr 15:54-58;  Lc 6:39-45)

          Tuần trước chúng ta đã nghe thánh sử Lu-ca nói về một trong những cách trở nên trọn lành là hãy có lòng nhân từ như Cha trên trời.  Nhưng con đường trọn lành đòi phải tiếp tục tiến tới, nhờ thường xuyên xét lại lối sống của ta có phù hợp với lối sống của Chúa Giê-su hay không.  Để giúp ta thực hiện việc xét lại này, linh đạo Ki-tô khuyên chúng ta làm một công việc cần thiết và đều đặn, đó là việc xét mình vào cuối ngày sống của chúng ta, hoặc nói theo linh đạo của thánh Inhaxiô Loyola là làm Phút Hồi Tâm.  Khi hướng dẫn đường trọn lành cho chúng ta bước theo, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh đến việc tự xét để nhận biết con người thực của mình mà sửa đổi sao cho mỗi ngày một trở nên hoàn hảo hơn.  Việc tự xét này cũng đã được trình bày trong các sách khôn ngoan của Cựu Ước, đặc biệt qua bài đọc trích sách Huấn ca của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

          Trước hết chúng ta hãy xem đoạn sách Huấn ca diễn tả thế nào về việc xét mình.  Hình ảnh đầu tiên sách Huấn ca dùng để so sánh với việc xét mình là hành vi sàng gạo.  Chúng ta biết sau khi xay thóc, người ta đổ cả gạo có lẫn trấu vào một cái sàng và sàng cho gạo rơi xuống thúng đựng, còn trấu thì ở lại trên sàng.  Đời sống thiêng liêng của chúng ta có những cái xấu lẫn những cái tốt.  Do đó, khi chúng ta “sàng” những việc tốt lẫn việc xấu lúc xét mình vào buổi tối, thì việc đầu tiên giống như sàng gạo, là chúng ta sẽ thấy ngay những thứ “trấu” nằm trên mặt sàng.  Trấu ấy là những khuyết điểm, tật xấu và tội lỗi cần loại bỏ.  Ngược lại, những hạt gạo là các việc lành và các nhân đức làm cho lối sống chúng ta trở nên mỗi ngày một giống với Chúa Ki-tô hơn.  Hình ảnh thứ hai là lấy lửa để thử bình gốm xem nó có tốt hay không.  Chúng ta cố gắng tập nhân đức.  Nhưng muốn biết nhân đức ấy có vững vàng không, chúng ta phải nhìn vào thử thách đã gặp để xem mình đã lấy nhân đức để đối phó với thử thách như thế nào.  Hình ảnh thứ ba sách Huấn ca áp dụng vào việc xét mình là xem quả biết cây.  Đúng thế, nhìn vào lối sống của một người biểu lộ các nhân đức qua hành động, ta thấy ngay được mức độ người ấy đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô.  Rồi hình ảnh cuối cùng là “muốn biết người, phải nghe miệng nói năng”.  Lời nói thường phản ánh con người, vì “lòng có đầy, miệng mới nói ra”.  Nói khác đi, lời nói cũng là cách thức biểu lộ rõ ràng nhân đức hay nết xấu của chúng ta.

          Giờ đây chúng ta hãy nghe Chúa Giê-su nói về việc xét mình.  Trước tiên Chúa đặt một câu hỏi đầy ý nghĩa:  “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?”  Quả thực, việc xét lại lối sống của mình giúp chúng ta nhận ra được những cái xà và những cái rác trong mắt.  Mặc dù Chúa sử dụng lối nói phóng đại về lỗi lầm giống như cái rác cái xà, nhưng Người đã nói lên đúng tâm trạng của tất cả chúng ta.  Vì kiêu căng, ích kỷ hay lý do nào đó, chúng ta thường có khuynh hướng thích vạch ra lầm lỗi của người khác hơn nhận ra lầm lỗi của chính mình.  Chúng ta cũng thích làm kẻ “hướng dẫn” người khác bằng cách cho họ thấy lầm lỗi của họ.  Cho nên Chúa Giê-su không ngại thách thức:  “Mù mà lại dắt mù được sao?  Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?”  Cái xà đang che mắt chúng ta thì làm sao chúng ta có khả năng hướng dẫn một người chỉ có cái rác trong mắt họ!  Cho nên chúng ta khác nào “kẻ đạo đức giả” khi cố lấy cái rác khỏi mắt anh chị em trong khi cứ khư khư giữ cái xà trong mắt mình.  Xét mình đàng hoàng sẽ giúp chúng ta thành thực nhận ra được mức độ nặng nề lầm lỗi của chính mình hơn là lầm lỗi của người khác.  Xét mình với lòng khiêm nhường sẽ cho chúng ta thấy mình là người tội lỗi hơn người khác và cần đến lòng thương xót tha thứ của Chúa hơn người khác.  Cuối cùng, nếu chúng ta có muốn làm người “hướng dẫn” người khác bằng cách giúp họ sửa lỗi, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thực hiện việc sửa lỗi trong tinh thần xây dựng, bác ái, khiêm tốn và không làm tổn thương anh chị em.  Điều cuối cùng Chúa Giê-su nói về việc xét mình, đó là kết quả hiển nhiên nó đem lại:  xem quả thì biết cây.  Xét mình là việc giúp chúng ta thẩm định được mình tiến hay lùi trên đường thiêng liêng.  Hoa quả là những nhân đức được thể hiện trong hành động và lối sống của chúng ta.  Như vậy, khi xét lương tâm vào cuối ngày, nhìn lại những hành động, suy nghĩ và lời nói của chúng ta trong ngày, chúng ta có thể thẩm định được ảnh hưởng của nhân đức trên hành động, suy nghĩ và lời nói.  Chúng ta có thể thấy mình đã trở nên “giống như Chúa Ki-tô” như thế nào.  Việc xét mình cuối ngày là để giúp chúng ta nhìn lại đoạn đường thiêng liêng mình đã đi qua và mối tương quan với Chúa.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Trong đoạn thư 1 Cô-rin-tô hôm nay, thánh Phao-lô chia sẻ với chúng ta một cảm nghiệm quý giá về chiến thắng của Chúa Ki-tô trên tội lỗi và sự chết.  Chiến thắng của Chúa Ki-tô là bảo đảm và hỗ trợ cho chúng ta khi chúng ta chiến đấu với tội lỗi và cám dỗ.  Nhiều khi chúng ta cảm thấy bất lực, nhưng đừng nản lòng, vì như thánh Phao-lô dạy:  “Tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”.  Vì thế, mỗi khi xét mình, chúng ta cứ can đảm và khiêm nhường lấy “cái xà” khỏi mắt ta, rồi sẽ lấy “cái rác” khỏi mắt anh chị em, để mọi người đều trở nên giống như Chúa Ki-tô!

 

 Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C