CN VIII TN C
Hc 27,4-7; 1 Cr 15,54-58; Lc 6,39-45
ĐỪNG XÉT ĐOÁN ĐỂ KHỎI BỊ THIÊN
CHÚA ĐOÁN XÉT
I.
HỌC LỜI CHÚA
1.
TIN MỪNG: Lc 6,39-45
39 Đức Giê-su
còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai
lại không sa xuống hố? 40 Học
trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt
của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý
tới?42 Sao anh lại có thể nói
với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh
ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình?
Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để
lấy cái rác trong con mắt người anh em! 43 "Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào
sâu mà lại sinh quả tốt.44 Thật
vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì
hái được nho!45 Người tốt thì
lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho
tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.
2.
Ý CHÍNH:
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy môn đệ 3
điều :
- Phải biết tự sửa lỗi của mình trước khi sửa lỗi
cho tha nhân.
- Xem quả biết cây: hành động của một người sẽ
chứng tỏ họ là người tốt hay kẻ xấu.
- Lòng người giống như một cái kho. Các môn đệ Đức
Giê-su cần đón nhận Lời Chúa trong lòng để từ đó phát sinh những lời
nói và việc làm tốt.
3.
CHÚ THÍCH:
- C
39-40: + Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ
nào cả hai lại không sa xuống hố ? : Trong Tin Mừng Mát-thêu (Mt 15,14), câu
“Mù sắt mù: này nhắm đến các đầu mục dân Do thái là các Kinh sư và
người Pha-ri-sêu, là những người lãnh đạo tinh thần của dân nhưng đã bị thói
kiêu căng, tự mãn làm cho ra mù lòa, không còn phân biệt được trong Luật
Mô-sê điều nào là chính yếu điều nào là tùy phụ khi dạy dỗ dân
chúng. Còn trong Tin Mừng Lu-ca, câu này nhằm dạy các môn đệ Đức Giê-su phải biết phân
biệt trong tư tưởng lời nói và việc làm, đâu là điều chính yếu đâu chỉ
là tùy phụ để khỏi bị lầm lạc khi dẫn dắt tha nhân. Những kẻ ăn nói
khoác lác, giả đạo đức chỉ nhất thời lừa được một số người nhẹ dạ dễ tin,
nhưng sớm muộn rồi sẽ phải chuốc lấy hậu quả tai hại khôn lường khi con
người thật của họ bị lộ ra.
- C
41-42: + Sao anh thấy cái rác trong con mắt của
người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ? : Người ta thường keo kiệt trong lời khen, nhưng lại rộng
rãi trong lời chê. Một trong những tội con người thường vấp phạm là thích xét
đoán ý trái và kết án tha nhân. Môn đệ cần tránh "bới lông tìm
vết" để phê phán các khuyết điểm nhỏ bé như cái rác nơi mắt anh
em. Nhưng cần ý thức về "cái đà" kiêu căng tự mãn, thói đạo
đức giả nơi bản thân để tu sửa, hầu mắt mình nên trong sáng trước khi
sửa lỗi anh em.
- C
43-45: + "Không có cây nào tốt
mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt: Các môn đệ chỉ sinh ra hoa trái tốt đẹp, nếu năng suy
niệm và thực hành Lời Chúa. Những ai có tính ích kỷ kiêu ngạo thường hay
xét đoán ý trái, kết án tha nhân. Sớm muộn họ cũng sẽ bị chết trong
bóng tối gian ác của lòng mình. + Thật vậy, xem quả thì biết cây: Người
tốt sẽ chứng tỏ sự tốt lành của mình qua hành động bên ngoài. + Người
tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu
từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra: Tư tưởng chứa đầy trong lòng sẽ phát lộ ra qua lời nói và hành động, nên người ta chỉ
cần dựa vào lời nói việc làm của một người mà nhận biết họ có
phải là môn đệ đích thực của Đức Giê-su hay không.
4.
CÂU HỎI: 1) Hai câu “Mù dắt mù” của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu
và Lu-ca nhắm tới những đối tượng nào ? 2) Khi nói “Cái rác trong
mắt anh em” và “Cái xà trong mắt của mình”, Đức Giê-su muốn dạy môn
đệ điều gì trong giao tiếp xã hội ? 3) Để lời nói việc làm có thể
phát sinh hoa trái tốt đẹp thì người ta cần phải làm gì ?
II.
SỐNG LỜI CHÚA
1.
LỜI CHÚA: Chúa phán: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em,
mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ? Sao anh
lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong
con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt
của mình ? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ
thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em !” (Lc 6,41-42).
2.
CÂU CHUYỆN:
1) HẬU QUẢ TAI
HẠI CỦA KẺ NÓI HAY NHƯNG LÀM
KHÔNG HAY:
Triệu Quát là con trai của Triệu Xa - một danh tướng
thời Chiến Quốc. Thời trai trẻ anh để tâm nghiên cứu học hỏi rất nhiều binh
thư. Là một người thông minh, lại có năng khiếu về các đề tài quân sự,
nên Quát thường chiến thắng trong các cuộc tranh luận, kể cả với cha
anh là Triệu Xa. Từ đó Triệu Quát sinh ra kiêu ngạo, cho mình là người
giỏi nhất thiên hạ. Tuy nhiên ông bố Triệu Xa của anh lại rất lo cho tương
lai của con trai mình. Ông đánh giá Triệu Quát chỉ là hạng người ăn nói
giảo hoạt thích nói thánh nói tướng, Ông còn nói: "Sau này nước
Triệu không nên cho nó cầm quân, kẻo nó sẽ làm cho quân đội bị đại
bại".
Quả thật, về sau khi quân Tần kéo sang xâm lược nước
Triệu, vua nước Triệu cử Triệu Quát thay Liêm Pha làm đại tướng chỉ huy
chống lại quân địch. Lạn Tương Như dù đang ốm cũng lên tiếng phản đối như
sau : "Triệu Quát chẳng qua chỉ là thứ mọt sách và không có
kinh nghiệm vận dụng binh pháp vào thực tế, nên không thể chỉ huy ngoài
mặt trận được". Mẹ của Triệu Quát cũng đến xin vua Triệu đừng cho
Quát làm đại tướng. Nhưng vua Triệu không nghe, vẫn cử Triệu Quát ra tiền
tuyến nghênh địch. Hậu quả là 40 vạn quân Triệu chỉ trong thời gian ngắn đã
bị quân Tần đánh bại và bị tiêu diệt hoàn toàn, bản thân Triệu Quát cũng
bị chết thảm.
Cha mẹ của Triệu Quát đã hiểu rõ con trai mình không
thể đảm nhận được việc lớn điều binh khiển tướng. Nhưng vua Triệu lại cố
chấp khi chỉ dựa vào lời nói của Triệu Quát để đánh giá anh là bậc
kỳ tài trong thiên hạ và trao cho anh trách nhiệm lớn thống lĩnh quân đội.
Kết quả không chỉ Triệu Quát bị hại mà còn liên quan đến tính mạng của 40 vạn
quân. “Mù dắt mù” thì việc bị “lăn cù xuống hố” chỉ là chuyện sớm hay muộn
mà thôi.
2)
HÃY SỬA LỖI MÌNH TRƯỚC KHI SỬA LỖI ANH EM:
Trong một tu viện kia có một tu sĩ trẻ đã phạm một
tội nặng, lập tức các tu sĩ trong cộng đoàn liền họp nhau lại để kết
tội anh ta. Họ cử người đi trình báo sự việc với Bề Trên và mời ngài
đứng ra làm quan tòa xét xử. Bề Trên liền đeo một túi cát sau lưng,
trên túi có nhiều lỗ thủng đi đến nhà hội. Trên đường đi đến đâu đều
có nhiều cát từ túi cát đeo sau lưng bị rơi vãi. Khi có người thắc
mắc tại sao lại để cát rơi như vậy thì được bề trên trả lời :
"Tôi cũng là người có nhiều tội lỗi mà không tự nhận biết, đang
khi mọi người chung quanh đều thấy. Thế mà anh em lại bảo tôi làm quan tòa
kết tội một người anh em sao !" Nghe vậy, các tu sĩ trong cộng
đoàn đều thấy xấu hổ và bỏ ý định muốn kết án anh tu sĩ trẻ mà chỉ
yêu cầu anh ta sửa lỗi.
Ai trong chúng ta cũng có thói hay xét đoán và kết
án tha nhân. Nhưng Đức Giêsu lại dạy chúng ta “đừng xét đoán để khỏi
bị Thiên Chúa đoán xét. Đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa kết án”.
Để có thể sửa lỗi anh em thì trước hết phải khiêm tốn nhận biết
tình trạng tội lỗi của mình để tu sửa, giống như lấy đi cái xà ra
khỏi mắt mình, rồi mới thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh
em.
3)
CẦN NĂNG XÉT MÌNH VÀ QUYẾT TÂM SÁM HỐI ĐỂ NGÀY MỘT HOÀN THIỆN HƠN:
Một người kia có thói quen hút thuốc và trong nhà có
nuôi một con vẹt làm thú cưng. Một ngày kia anh thấy con vẹt của anh cứ ho
khù khụ. Anh liền mang con vẹt đến bác sĩ thú y xin chữa bệnh ho cho con
vẹt. Sau khi khám kỹ, bác sĩ tuyên bố con vẹt không bị bệnh gì cả. Sở dĩ nó
ho khù khụ là do bắt chước những cơn ho khù khụ của ông chủ. Bấy giờ
người ấy mới biết mình đang bị bệnh ho chứ không phải con vẹt. Từ khi anh
quyết tâm cai thuốc và uống thuốc chữa trị hết bệnh ho, thì con vẹt
của anh cũng không còn ho khù khụ như trước nữa !
Những kẻ đạo đức giả thường hay lên mặt phê bình
sửa lỗi người khác, còn người đạo đức thực sự sẽ khiêm tốn tự kiểm để tìm
ra các thói hư của mình mà tu sửa nên hoàn thiện hơn.
4)
NGUYÊN NHÂN ĐỔI ĐỜI CỦA CON TÊ GIÁC:
Ngày xưa có một chú tê giác luôn nghĩ mình có khuôn
mặt đẹp nên thường chê khuyết điểm của các con vật khác, nhất là các con
có sừng trên đầu. Thế nhưng tê giác lại không biết rằng chính nó cũng
đang có một cái sừng mọc trên mũi khiến mặt nó trông thật xấu xí. Các con
vật khác tuy biết điều này, nhưng không con nào dám nói sự thật cho tê
giác biết.
Một hôm, tê giác đang uống nước ở một dòng suối thì
nghe thấy lũ chim chích choè đang thi nhau hót líu lo trên cành cây gần
đó. Tê giác rất bực bội nên ra oai thét to : "Lũ chim xấu xa kia
có câm miệng đi không ? Chúng bay không thấy ông đang uống nước đây sao ?".
Lũ chim chích choè không chịu thua, con chim đầu đàn liền cãi lại :
"Bộ ông nghĩ ông đẹp lắm sao ? Ông thử soi mặt mình trên mặt nước
thì sẽ biết". Tê giác nghĩ bụng : "Soi thì soi. Ai mà không
biết ta có khuôn mặt đẹp nhất". Nhưng khi nhìn xuống mặt nước, tê giác
nhà ta giật mình khi thấy một chiếc sừng quái dị đang nằm chình ình ngay
trên mũi mình. Khi biết mình còn xấu hơn nhiều con vật có sừng khác, tê giác
mang mặc cảm xấu hổ. Từ đó, mỗi khi di chuyển, nó luôn cúi gằm mặt xuống
đất và ẩn nấp trong các lùm cây, không muốn chường mặt ra cho các con
vật khác xem thấy. Nhưng do không thể trốn mãi được vì ngày nào cũng
phải ra dòng suối uống nước và phải đi kiếm thức ăn. Cuối cùng nó
đành chấp nhận sự thật về khuôn mặt xấu xí có sừng của mình để
sẵn sàng đối diện với các con vật khác. Cũng từ ngày đó, tê giác kiêu
hãnh ưa chỉ trích trước đây đã biến thành anh tê giác rất hiền hòa dễ
thương.
Tê giác trong câu chuyện trên đã thay đổi nên tốt nhờ
biết chấp nhận sự thật của mình để không lên mặt phê phán các loài
vật khác theo suy nghĩ chủ quan của mình. Nhờ đó nó cũng bỏ đi mặc
cảm tự ti, để sẵn sàng gặp gỡ tiếp xũc với các loài vật khác.
3. SUY
NIỆM:
1)
PHẢI TRÁNH BỆNH MÙ TÂM LINH:
“Mù dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố” là một thực tế thường
xảy ra trong cuộc sông. Vì thế người mù luôn cần được người sáng mắt trợ
giúp để đi đúng hướng và không bị vấp ngã hay đi lạc. Về mặt tâm
linh người mù tâm hồn sẽ dễ quyết định sai lạc không những gây hại cho
bản thân mà còn tác hại khôn lường cho xã hội. Tuy nhiên, thực tế vẫn
có nhiều người mù tâm linh lại không nhận ra mình đang bị mù. Chính do
thói xấu tự mãn kiêu ngạo khiến người ta luôn coi mình là trung tâm, suy nghĩ
của mình là chân lý, và đánh giá người khác theo tầm nhìn hạn hẹp của
mình. Đây chính là nguyên nhân gây ra bao nỗi đau khổ cho nhân loại. Về
mặt xã hội, những kẻ mù tâm linh “hữu tài vô hạnh” thường trở thành
những quan tham, những kẻ độc tài gây bao đau thương cho tha nhân.
2)
PHẢI TRÁNH XÉT ĐOÁN Ý TRÁI CHO NGƯỜI KHÁC:
"Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái xà
trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới" (Lc 6,41). Người
ta thường hà tiện trong lời khen, nhưng lại quảng đại trong lời chê. Có thể
nói một trong những tội con người thường sai phạm là thói hay xét đoán, nghĩ
xấu, nghĩ quấy cho người khác, nhất là cho những kẻ mình không ưa.
Người xưa có câu : "Việc người thì sáng,
việc mình thì quáng", nên việc nhìn lại bản thân để tự kiểm cần
phải làm hằng ngày đối với các người tín hữu, nhất là những ai đang
giữ vị trí lãnh đạo, có sứ mệnh hướng dẫn các tâm hồn. Chúng ta hãy bắt
chước thánh Au-gút-ti-nô dâng lời cầu nguyện như sau:
"Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa, xin cho con
biết con".
Xin Chúa cho con:
Biết mình cũng yếu hèn và hay sai lỗi, để con không lên
mặt xét đoán và kết án anh em.
Biết mình hay che đậy và giả hình, để sẵn sàng cảm
thông và bỏ qua lỗi lầm của kẻ khác.
Biết mình thích được khen khi làm được việc tốt, để
con năng khen ngợi động viên người khác.
3)
HÃY TỰ SỬA LỖI MÌNH TRƯỚC KHI SỬA LỖI ANH EM:
Người ta thường dễ phát hiện các khuyết điểm lỗi lầm dù
nhỏ bé của người khác mà khó nhận ra sai lỗi lớn lao của mình. Nguyên
nhân là do chúng ta có thói ích kỷ tự mãn nên bị mù quáng và hay xét
đoán kết án anh em.
Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta: Đừng vội kết án tha
nhân vì chính mình cũng có đầy khuyết điểm, như người xưa dạy: “Chân
mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Tuy nhiên
nếu là người giữ địa vị lãnh đạo trong gia đình, học đường hoặc xã
hội, có trách nhiệm giữ gìn kỷ cương, thì chúng ta cũng cần sửa
dạy những người sai lỗi. Khi đó để lời sửa dạy có sức thuyết phục và
đạt kết quả, đòi chúng ta phải sửa mình trước khi răn dạy kẻ khác.
Một nhà thần bí Ấn độ đã phát biểu kinh nghiệm của
mình như sau: "Tôi là một nhà cách mạng khi còn trẻ, và tất cả những gì
tôi cầu với Chúa là : "Lạy Chúa, xin cho con quyền lực để con cải tạo
thế giới ngày một nên tốt hơn". Rôì khi tới tuổi trung niên, tôi nhận
ra rằng nửa cuộc đời đã qua đi rồi mà tôi vẫn chưa cải tạo được thế
giới, nên tôi đã đổi lại lời cầu : "Lạy Chúa, xin cho con hoán
cải những người con có dịp tiếp xúc”. Bây giờ tôi đã về già và sắp kết thúc
cuộc đời, tôi thấy mình cũng vẫn chưa biến đổi được một ai, nên cảm
thấy mình thật khờ dại. Vì thế tôi lại thay đổi lời cầu như sau:
"Lạy Chúa, xin cho con được ơn hoán cải chính mình con". Giả như
ngay từ khi còn trẻ tôi đã ý thức về sự bất lực của mình như thế,
thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời cách vô ích mà sẽ tập trung để
cải tạo bắt đầu từ chính bản thân trước".
4)
CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ?:
Trong cuộc sống, chúng ta thường hay phán xét người khác
bằng lời nói, cử chỉ thái độ và luôn đánh giá không tốt về họ. Nhất là
những khi chuyện trò với bè bạn, chúng ta thường khoe thành tích của bản
thân hay người thân để tự đề cao mình hay đề cao gia đình mình và
thường chê trách những người tự nhiên ta có ác cảm. Về vấn đề này,
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã dạy: “Những ai phán xét anh chị em mình, nói xấu
anh chị em mình thì họ chính là kẻ giả hình. Vì họ không đủ can đảm nhìn lại
những thiếu sót, lỗi lầm của bản thân mình”. Đức Giê-su trong cũng dạy các
tín hữu: “Sao ngươi nhìn thấy cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong
chính mắt ngươi thì lại không thấy?… Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã,
rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”.
Khi phê phán chỉ trích, kết án một người nào đó
là chúng ta đã biểu lộ sự ác cảm thù ghét họ. Những người có
tình yêu thương sẽ không xét đoán ý trái hoặc kết tội người mình yêu
thương, nhưng sẽ biểu lộ sự khoan dung tha thứ, sẽ luôn xét đoán ý
tốt, trở thành luật sư bào chữa lỗi lầm thay vì làm công tố viên
buộc tội cho họ, Để luôn xét đoán ý tốt cho tha nhân, chúng ta hãy
xin Chúa gia tăng tình thương trong lòng chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ
đối xử khoan dung nhân hậu với những kẻ thù ghét mình để xóa bỏ
thù hận, biến thù thành bạn của mình.
4.
THẢO LUẬN:
Để chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng, Đức Phao-lô
Đệ Lục đã nói: “Con người ngày nay thích nghe nhân chứng hơn thầy
dạy. Nếu họ có nghe thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân”. Trong
những ngày này chúng ta sẽ làm gì để đem Chúa đến với anh em lương
dân ?
5.
LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp con thực hành Lời Chúa trong
thư thánh Phao-lô: “Lời có ích lợi cho việc dạy dỗ, biện bác, sửa trị và rèn
luyện trong công chính: để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng
thực hiện mọi việc lành.” (2 Tm 1,16–17); Xin cho con có đôi mắt của
Chúa, để con nhìn anh em như là hồng ân và là quà tặng Chúa ban; Xin cho
con có trái tim của Chúa, để sống yêu thương với lòng bao dung tha thứ
và biết xót thương tha nhân. Và cuối cùng xin cho con học nơi Chúa sự
hiền lành và khiêm nhường trong lòng để con nên chứng nhân cho tình
thương của Chúa trước mặt người đời. Amen.
LM
ĐAN VINH – HHTM