CHÚA NHẬT 13 THƯỜNG NIÊN

Làm môn đệ Chúa là lời kêu gọi phổ quát cho mọi người

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (1 V 19:16b, 19-21;  Gl 5:1, 13-18;  Lc 9:51-62)

          Hãy theo Thầy.  Lời kêu gọi làm môn đệ Chúa đã đặt nền móng cho việc nên thánh của Ki-tô hữu.  Đây không hẳn chỉ là lời kêu gọi bước theo Chúa để đi loan báo Tin Mừng giống như các môn đệ đầu tiên được Chúa Giê-su kêu gọi, nhưng trước hết là lời mời chúng ta hãy có mối tương quan mật thiết với Chúa, để trở nên giống như Chúa.  Đề tài làm môn đệ Chúa đã được Phụng vụ Lời Chúa trình bày thường xuyên, nhưng vì là đề tài quá phong phú, nên dù chúng ta có suy niệm và cầu nguyện nhiều lần cũng vẫn tìm được những ý tưởng và tâm tình mới.  Với ba bài đọc hôm nay, chúng ta có những “mẫu” người môn đệ rất thực tiễn trong Cựu Ước cũng như Tân Ước.  Thêm vào đó là một suy tư về điều kiện cốt yếu để theo Chúa là sự tự do, điều được thánh Phao-lô chia sẻ do chính kinh nghiệm bản thân của ngài.

          Đầu tiên lời Chúa hôm nay muốn chúng ta đón nhận kinh nghiệm của ông Ê-li-sa được ngôn sứ Ê-li-a kêu gọi làm môn đệ ngài.  Câu chuyện bắt đầu từ Thiên Chúa, để chúng ta hiểu rằng mọi lời kêu gọi làm môn đệ đều phát xuất từ nơi Chúa.  Việc gọi ông Ê-li-sa làm ngôn sứ thay cho ngôn sứ Ê-li-a là ý muốn của Thiên Chúa khi Người truyền cho Ê-li-a đi xức dầu tấn phong cho Ê-li-sa.  Lúc ông Ê-li-a đi ngang qua thì Ê-li-sa đang cày ruộng.  Chi tiết này không kém phần quan trọng, vì nó cho thấy Chúa kêu gọi chúng ta ở ngay trong hoàn cảnh chúng ta sống.  Người không chờ đợi cho đến khi chúng ta xứng đáng.  Những người được Chúa gọi hầu như đều ở trong tình trạng bất xứng cả.  Một I-sai-a nhìn nhận môi miệng mình ô uế không đáng làm ngôn sứ của Chúa thì liền được thanh tẩy khi thần sứ Xêraphim đặt cục than hồng trên môi miệng ông (Is 5:6-7).  Một Phê-rô xin Chúa Giê-su tránh xa ông vì ông là kẻ tội lỗi thì được Người đặt đứng đầu Nhóm Mười Hai (Lc 5:8).  Trở lại câu chuyện ông Ê-li-sa, có lẽ chúng ta thắc mắc việc ngôn sứ Ê-li-a chỉ “ném tấm áo choàng của mình lên người ông Ê-li-a” là ông này bỏ mọi sự mà đi theo ngài.  Chẳng lẽ cái áo choàng có phép mầu như vậy sao?  Không đâu, nhưng đó là một cử chỉ tượng trưng thật ý nghĩa.  Cái áo choàng là vật bất ly thân của người Do-thái.  Ở đây nó nói lên tất cả những gì thuộc con người và sứ mệnh của đại ngôn sứ Ê-li-a.  Nếu hôm nay nó được Ê-li-a trao lại cho một người khác thì người này có bổn phận phải tiếp nối sứ mệnh của ngài.  Điều quan trọng là ông Ê-li-sa đã nhận ra được ý nghĩa của việc Chúa gọi ông và ông mau mắn đáp lại.

          Nếu trong Cựu Ước có rất nhiều câu chuyện Thiên Chúa kêu gọi người ta lãnh nhận sứ mệnh thì cũng có nhiều câu chuyện Chúa Giê-su kêu gọi môn đệ trong Tân Ước.  Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại ba câu chuyện của ba người muốn theo làm môn đệ Chúa Giê-su.  Những câu chuyện này được đặt trong bối cảnh Chúa Giê-su “nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem”, nghĩa là Người chấp nhận cuộc Thương Khó sắp xảy ra.  Thêm vào đó là sự kiện dân một làng Sa-ma-ri đã không tiếp đón Chúa Giê-su, khiến cho các tông đồ tức giận và xin Chúa lấy quyền năng của Người trừng phạt đám dân ấy.  Như vậy rõ ràng mục đích Chúa kêu gọi chúng ta không phải để ăn trên ngồi trốc hoặc thi thố quyền hành, nhưng là để cùng lên Giê-ru-sa-lem với Người.  Có ba người đến xin đi theo Chúa.  Họ trình bày với Chúa ý định, hoàn cảnh của họ, thậm chí cả điều kiện họ đặt ra cho Người nữa.  Nhưng quan trọng hơn, đó là những lời giải thích ngắn gọn và dứt khoát của Chúa Giê-su.  Ba người là ba lời giải thích khác nhau.  Nếu chúng ta đến xin theo Chúa, chắc chắn chúng ta cũng sẽ nhận được một lời giải thích dành riêng cho mình!  Để trả lời người thứ nhất muốn sẵn sàng theo Chúa tới bất cứ nơi nào Chúa đi, Chúa bảo rằng Người “không có chỗ tựa đầu”.  Như vậy theo Chúa là chấp nhận sự liều lĩnh.  Chỗ “tựa đầu” duy nhất của chúng ta khi theo Chúa là chính Chúa, vì chọn Chúa là chọn tất cả.  Người thứ hai đề nghị với Chúa một sự trì hoãn chính đáng:  anh xin Chúa cho phép anh về nhà chôn cất cha anh trước đã.  Câu trả lời của Chúa là:  “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.  Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa”.  Ở đây chắc chắn Chúa không có ý dạy anh bất hiếu, nhưng Người chỉ nêu lên tính cách ưu tiên của việc làm môn đệ, như Người đã từng nhấn mạnh trong bài giảng của Người:  “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33).  Người thứ ba cũng đưa ra một lý do chính đáng khác, là xin phép về từ biệt gia đình trước đã.  Chúa bảo:  “Ai tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa”.  Dĩ nhiên dứt tình với gia đình và người thân không phải là điều Chúa có ý nói ở đây.  Người chỉ muốn nói rằng chúng ta đừng để cho tình cảm trở thành chướng ngại vật khiến chúng ta không bước theo đường lối của Chúa mà lại theo đường lối của những người khác!

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Để rút bài học sống Lời Chúa trong việc làm môn đệ Chúa, thật khôn ngoan và thực tế khi thánh Phao-lô tóm tắt lại mọi điều kiện để theo Chúa trong một khẳng định sau:  “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta”.  Đúng vậy, Chúa Ki-tô đã lấy mạng sống mà đem lại tự do cho ta, để ta làm con cái Thiên Chúa và môn đệ Người.  Vậy ta hãy duy trì tự do ấy để mà theo Chúa!

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi          


Suy Niệm Lời Chúa Năm C