CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN
Việc đào tạo môn đệ Chúa Ki-tô
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 66:10-14c; Gl 6:14-18;
Lc 10:1-12, 17-20)
Chúng ta đã nghe những câu chuyện sách
Tin Mừng kể lại Chúa Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên. Rồi chúng ta cũng đọc chuyện những người đến
xin theo Chúa làm môn đệ và Chúa xác định những điều kiện họ phải có. Bao nhiêu người đã đi theo Chúa thì chúng ta
không rõ, nhưng bài Tin Mừng hôm nay để lại một chi tiết xác thực: “Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ
khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các
nơi mà chính Người sẽ đến”. Một điều
chúng ta biết rõ là Chúa Giê-su chú trọng đến phẩm hơn là lượng. Do đó, việc đào tạo môn đệ trước khi Người
sai họ đi là công việc không thể thiếu và công cuộc rao giảng Tin Mừng đòi phải
có những người đã được huấn luyện đầy đủ ít nhất là căn bản.
Bất cứ việc đào tạo nào cũng nhắm một
mục đích đặc biệt. Vậy Chúa Giê-su đào tạo
và huấn luyện môn đệ nhắm mục đích nào?
Qua đoạn sách ngôn sứ I-sai-a, ta hãy nghe Thiên Chúa nói về mục đích
khi Người sai Con Một đến trần gian và theo bước chân Con Một Người là tất cả
các môn đệ được Chúa Giê-su kêu gọi và đào tạo.
Thành Đô Giê-ru-sa-lem là hình ảnh trung tâm ơn cứu độ của Thiên
Chúa. Người muốn biến Thành Đô này thành
vườn địa đàng mới và là nguồn an ủi cho mọi người. Mọi ân sủng và tình yêu cứu độ được Thiên
Chúa ban xuống cho chúng ta ngay trong Thành Đô này. Ân sủng và tình yêu ấy được so sánh với bầu sữa
mẹ hiền, để chúng ta là những con thơ lúc nào cũng được nuôi dưỡng và no
nê. Thêm một hình ảnh nữa để diễn tả
tình yêu Thiên Chúa, đó là người mẹ “bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối” đứa
con bà yêu dấu. Giấc mơ cứu độ nhân loại
của Thiên Chúa là vậy. Giấc mơ ấy bắt đầu
được thể hiện nơi Chúa Giê-su và sẽ được tiếp tục qua các môn đệ của Người. Vì thế đào tạo môn đệ cho mục đích nói trên
quả là khẩn thiết. Mọi người môn đệ Chúa
Giê-su vừa là người lãnh nhận ơn cứu độ vừa là người giúp cho người khác lãnh
nhận. Để đi loan báo Tin Mừng cứu độ, đó
là mục đích các môn đệ đã được đào tạo trong trường truyền giáo Giê-su.
Vậy giờ đây chúng ta hãy xem Thầy
Giê-su dạy các môn đệ Người như thế nào trước khi sai họ đi. Bài Tin Mừng Lu-ca ghi lại một số lời khuyên
thực tiễn của Chúa. Các học trò của Chúa
thời ấy làm gì có sách vở hay máy điện toán, cũng chẳng có cơ sở trường lớp và
bằng tốt nghiệp khi ra trường. Nhưng trường
học của họ là trường đời, là những cảnh sống thường ngày. Người nông phu đi gieo hạt giống. Hoa cỏ, chim trời sống giữa thiên nhiên. Người đánh cá vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được
con cá nào. Là tiệc cưới đang vui vẻ bỗng
thiếu rượu. Là bà góa khóc vật vã đi
theo quan tài đứa con trai duy nhất. Là
những buổi trưa nắng gắt thầy trò đi bên cạnh đồng lúa chín vàng. Là đám đông dân chúng hằng ngàn người lẽo đẽo
theo Chúa để được nghe Người giảng về Thiên Chúa là Cha, về tinh thần tuân thủ
Lề Luật, về yêu thương nhau và yêu cả kẻ thù nữa, hoặc để được ăn bánh no nê! Là những ông quan thuế chễm chệ trong văn
phòng của họ. Là những người lãnh đạo chẳng
mấy thiện cảm đối với “ông Giê-su thành Na-da-rét”… Chúa Giê-su đã dạy các môn
đệ Người ngay trong những tình huống ấy.
Rồi Người bảo các môn đệ: cứ thoải
mái đón nhận lòng tốt của người khác khi họ cho mình ăn uống, hễ thấy ai khốn
khổ vì bệnh tật đau yếu thì chữa lành cho họ.
Môn đệ phải là những sứ giả đem bình an đến cho mọi người. Khi họ không được tiếp đón thì đừng chúc dữ,
nhưng cứ tiếp tục loan báo sứ điệp: “Triều
Đại Thiên Chúa đã đến gần”. Tất cả những
hướng dẫn này nhắm mục đích giúp người môn đệ làm cho giấc mơ của Thiên Chúa được
thể hiện!
Đã học rồi thì phải hành. Thế là các môn đệ được Chúa sai đi cứ từng
hai người một, để họ giúp đỡ nhau và cùng nhau học hỏi kinh nghiệm. Thánh sử Lu-ca không quên ghi lại tâm tình của
họ sau một chuyến thực tập truyền giáo trở về.
Họ “hớn hở” khoe với Chúa rằng cả ma quỷ cũng phải khuất phục họ! Đến lúc này Chúa vẫn tiếp tục dạy: “Anh em chớ
mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được
ghi trên trời”. Chúa cho họ biết lý do chính đáng để mừng, không phải để thấy
mình là quan trọng, mà để biết mình chỉ là đầy tớ của Chúa làm theo bổn phận của
mình mà thôi!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Những hướng dẫn đào tạo môn đệ của
Chúa Giê-su quả là cần thiết. Thêm vào
việc đào tạo ấy, chúng ta lại được thánh Phao-lô chia sẻ kinh nghiệm bản thân
ngài. Tuy được gọi làm môn đệ Chúa muộn
màng tựa như “đứa trẻ sinh non”, nhưng Phao-lô lại là một môn đệ hăng say với
công cuộc truyền giáo. Ngài hãnh diện khoe
với các tín hữu Ga-lát rằng ngài “mang trên mình những dấu tích của Đức
Giê-su”. Ngài muốn nói rằng vì mang trên
mình những “dấu tích” của Chúa Giê-su, nên ngài không thể bị người khác lầm tưởng
ngài là môn đệ của bất cứ người nào khác ngoài Chúa Giê-su. Chúng ta cứ nhìn vào đời sống của ngài là biết
ngay. Ngài khiêm tốn chia sẻ: Với tôi, sống là Đức Ki-tô, hoặc tôi sống,
nhưng không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Ta thấy quả thực “môn đệ” Phao-lô đã học và
trở nên giống Thầy mình như thế nào! Ước
gì bạn và tôi, chúng ta đều trở thành môn đệ chân truyền của Thầy Giê-su vậy!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi