CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN

 Đức Ki-tô là tột đỉnh và sự kiện toàn Lề Luật

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Đnl 30:10-14;  Cl 1:15-20;  Lc 10:25-37)

          Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện qua việc Người muốn luôn luôn cải thiện mối tương quan giao ước với nhân loại.  Ôn lại lịch sử cứu độ, chúng ta biết sự cải thiện ấy đã xảy ra nhiều lần:  nào là biểu tượng cầu vồng sau cơn lụt đại hồng thủy, nào là phép cắt bì khi Thiên Chúa kêu gọi Áp-ra-ham, rồi tới Mười Điều răn Người ban cho dân Ít-ra-en qua ông Mô-sê.  Sau đó là các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến để nhắc nhở dân Người hãy trung thành với Người.  Bước cuối cùng để cải thiện mối tương quan với nhân loại là sự kiện Thiên Chúa sai Con Một đến làm dấu hiệu sống động bày tỏ tình yêu Người yêu thương chúng ta.  Lề Luật là những lời trên bia đá hoặc sách vở.  Còn Chúa Ki-tô là bộ luật bằng xương bằng thịt sống giữa nhân loại như người con đích thực của Thiên Chúa.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói với chúng ta về người con ấy.

          Trước hết chúng ta hãy nghe chính miệng ông Mô-sê giải thích về Lề Luật Chúa như thế nào.  Ở đây khi nói với dân Ít-ra-en, ông Mô-sê nhấn mạnh đến tính cách thực dụng của Lề Luật.  Thứ nhất, ông Mô-sê minh định:  “Mệnh lệnh (Luật Thiên Chúa) tôi truyền cho anh em hôm nay đây không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em”.  Lề Luật là mệnh lệnh và thánh chỉ của Thiên Chúa giúp chúng ta thể hiện tốt đẹp mối tương quan với Người.  Nhưng nếu đó là những “gánh nặng” đặt trên vai chúng ta (Mt 23:4), hoặc là những điều không thích hợp với khả năng của ta, thì Lề Luật ấy chẳng ích lợi gì cả và cũng chẳng làm cho mối tương quan của ta với Chúa được phát triển chút nào. Thứ hai, ông Mô-sê giải thích rằng Lề Luật ấy là do Thiên Chúa ban và Người đặt Lề Luật ấy “ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành”.  Quả là thực tiễn.  Luật Chúa không chỉ là lời nói ngoài miệng, mà phải là những gì chúng ta tâm niệm trong lòng, để thúc đẩy và hướng dẫn ta hành động theo ý Chúa.  Đây cũng chính là điều Chúa Giê-su đã từng lập đi lập lại để giúp các môn đệ Người không những đón nghe lời Chúa, mà còn đem ra thực hành nữa.

          Thiên Chúa đã ban cho dân Người các Điều răn được khắc trên bia đá và đặt chúng ngay trong lòng họ, cốt để giúp họ sống xứng đáng là dân được Người tuyển chọn.  Tuy nhiên Thiên Chúa còn muốn ban cho toàn thể nhân loại một bộ luật sống bằng xương bằng thịt, đó là Chúa Ki-tô được chiêm ngưỡng trong đoạn thư Cô-lô-xê chúng ta nghe hôm nay.  Thánh Phao-lô giới thiệu Chúa Ki-tô như “trưởng tử” của nhân loại, hoặc nói theo ý nghĩa thần học, Chúa Ki-tô là khuôn mẫu tạo dựng mà Thiên Chúa muốn tất cả chúng ta phải theo.  Chúa dựng nên chúng ta, nhưng chúng ta đừng hiểu việc tạo dựng ấy chỉ đơn thuần là việc chúng ta được thụ thai trong lòng mẹ, rồi lớn lên và cuối cùng là chết.  Chúng ta được dựng nên, đó phải là một tiến trình phát triển theo khuôn mẫu Chúa Giê-su, Đấng “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2:40, 52).  Chúng ta được dựng nên có nghĩa là chúng ta không những lớn lên về thể xác, mà tinh thần và đạo đức cũng phải đạt tới “tầm vóc viên mãn” của Chúa Ki-tô nữa (Ep 4:13).

          Chúng ta đã nghe ông Mô-sê nói về tính thực tiễn của Lề Luật.  Rồi thánh Phao-lô cống hiến chúng ta hình ảnh Chúa Giê-su là Lề Luật giúp ta sống đời sống mới trong sự thánh hóa của Chúa Thánh Thần và trở nên giống Chúa Ki-tô.  Nhưng đặc biệt nhất là bài Tin Mừng Lu-ca đã diễn tả Chúa Giê-su vừa là Đấng ban Lề Luật vừa là mẫu gương thực hành Lề Luật.  Khi trả lời câu hỏi của Chúa “Trong Luật đã viết gì?  Ông đọc thế nào?”, người thông luật đã liên kết chặt chẽ hai điều răn mến Chúa cùng yêu tha nhân và được Chúa tán dương.  Nhưng đó mới chỉ là nói về Lề Luật trên lý thuyết thôi!  Ông là nhà thông luật thì Luật “viết” gì mà ông chẳng đọc chẳng biết!  Nhưng từ cái biết đến thực hành là con đường dài, nên Chúa Giê-su đã bổ túc câu trả lời của ông ta bằng cách đưa ra phương pháp sống những điều mình biết.  Chúa kể dụ ngôn người Sa-ma-ri nhân hậu cho ông nghe, rồi Người kết luận:  “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.  Đây cũng là lời nhắn nhủ dành cho nhóm Pha-ri-sêu nói riêng và cho tất cả chúng ta nói chung.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Lời Chúa hôm nay trình bày vấn đề thật sâu sắc.  Cũng như người thông luật trong bài Tin Mừng, chúng ta đều hỏi Chúa:  Thưa Thầy, con phải làm gì để được sống đời đời?  Có lẽ Chúa không cần khảo bài giáo lý chúng ta, nhưng Người sẽ tùy theo cá tính hoặc tình trạng đời sống thiêng liêng của ta để kể cho ta nghe một câu chuyện đã xảy ra trong đời sống của ta.  Chúa sẽ nói cho ta biết cách hành xử của ta nên có trong câu chuyện ấy, giống như Người đã chỉ cho nhà thông luật cách tỏ lòng thương xót đối với anh chị em như thế nào.  Đợi cho chúng ta thấm bài học, Chúa sẽ dịu dàng bảo chúng ta:  Con hãy đi và cũng hãy làm như vậy.  Chúa Giê-su là Mô-sê Mới, nên các Điều răn Người ban cho chúng ta cũng là những Điều răn mới.  Mới không có nghĩa là khác với cũ, nhưng là mới trong cách sống và thực hành các những điều răn ấy.  Tột đỉnh và sự kiện toàn của Lề Luật chính là Chúa Giê-su và cách Người thực hành Lề Luật.  Người dạy ta yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, rồi Người chết trên thập giá để kiện toàn Lề Luật!

        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C