CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN
Thiên Chúa đến và ở lại với chúng ta
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (St 18:1-10a; Cl 1:24-28;
Lc 10:38-42)
Phụng vụ Lời Chúa tuần trước đã trình
bày Chúa Giê-su, Lề Luật được kiện toàn của Thiên Chúa, đã đến ở giữa chúng ta
để làm mẫu gương về sự hoàn thiện. Đón
nhận Chúa Giê-su là đón nhận Lề Luật Thiên Chúa và sống theo gương Người là
cách chúng ta trở nên hoàn thiện. Lời
Chúa hôm nay tiếp tục khai triển đề tài này, đặc biệt qua câu chuyện Chúa đến
thăm chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a tại nhà các cô. Để giúp chúng ta biết quý trọng sự viếng thăm
của Chúa, Phụng vụ Lời Chúa lấy lại câu chuyện Đức Chúa ghé thăm ông Áp-ra-ham
đang ngồi ở cửa lều tại cụm sồi Mam-rê.
Tiếp đến là suy niệm của thánh Phao-lô về mầu nhiệm Chúa Ki-tô: “Chính Đức Ki-tô đang ở giữa anh em, Đấng ban
cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang”.
Trước hết là sự kiện Thiên Chúa ghé
thăm ông Áp-ra-ham. Từ sau khi được
Thiên Chúa kêu gọi đi tới nơi Người chỉ định, ông Áp-ra-ham mỗi ngày một phát
huy đức tin của ông vào Người. Mối tương
quan giữa ông với Thiên Chúa đã thêm thắm thiết. Một ngày kia, Thiên Chúa đã giả dạng ba người
khách lạ đến gặp ông. Chính vì sự gần
gũi với Thiên Chúa nên ông đã không ngần ngại thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, thì
xin Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài”. Chúa không từ chối lời mời, vào trong lều của
ông và để cho ông phục vụ Người. Ông đã
tiếp đón Người với tất cả lòng hiếu khách:
ông bảo Xa-ra vợ ông lấy tinh bột mà làm bánh, chính tay ông bắt một con
bê béo giao cho đầy tớ làm thịt, ông mời Người dùng thịt bê, sữa chua và sữa
tươi, còn ông thì đứng hầu dưới gốc cây.
Cách tiếp đón của ông đủ cho ta thấy ông trân trọng việc Đức Chúa viếng
thăm là dường nào. Đổi lại, Thiên Chúa
đã trọng thưởng ông vì việc tiếp đãi nồng hậu ấy, đó là lời Người hứa: “Sang năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó
bà Xa-ra vợ ông sẽ có một con trai”.
Chúa đến với chúng ta qua lời của Người.
Vậy chúng ta đã đón nhận thế nào?
Nhiều câu chuyện Cựu Ước đã kể lại
Thiên Chúa đến thăm cá nhân hoặc cộng đồng.
Tuy nhiên tột đỉnh của việc Thiên Chúa viếng thăm nhân loại vẫn là thực
tại Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi, hay “Đức Ki-tô đang ở giữa anh em”, như thánh
Phao-lô khẳng định. Đối với ngài, sự kiện
Thiên Chúa đến ở với chúng ta qua Đức Ki-tô là một “mầu nhiệm đã được giữ kín từ
bao thời đại”. Mầu nhiệm ấy được tỏ ra
cho dân thánh khi Ngôi Hai xuống thế làm người phàm. Sau đó, trước khi về trời, Chúa Giê-su đã sai
các môn đệ Người đi rao giảng mầu nhiệm ấy cho muôn dân, “để giúp mỗi người nên
hoàn thiện trong Đức Ki-tô”. Mục đích cuối
cùng của việc Chúa Ki-tô đến sống giữa nhân loại là để “ban cho chúng ta niềm
hy vọng đạt tới vinh quang”. Đúng vậy, tội
nguyên tổ và tội riêng chúng ta đã làm ta xa dần Thiên Chúa và trở thành kẻ thù
của Người. Giờ đây chính Chúa Ki-tô đến dẫn
chúng ta trở về nhà Cha để chung hưởng vinh quang Thiên Chúa. Riêng với thánh Phao-lô, ngài ý thức sứ mệnh
của ngài là rao giảng cho dân ngoại mầu nhiệm “phong phú và hiển hách” này. Nhìn vào những nỗ lực của Phao-lô rao giảng
Tin Mừng cho dân ngoại, chúng ta phải khâm phục lòng nhiệt thành vì Đức Ki-tô
đã thúc bách ngài, bởi ngài xác tín vào kế hoạch Thiên Chúa đã ủy thác cho ngài.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay mô tả cuộc
tiếp đón Thiên Chúa của hai chị em cô Mác-ta.
Ngày xưa ông Áp-ra-ham tiếp đón Đức Chúa như một vị khách ghé thăm ông tại
lều ở cụm sồi Mam-rê. Hôm nay chị em
Mác-ta và Ma-ri-a tiếp đón Con Thiên Chúa đến nhà các cô. Chúa Giê-su được tiếp đãi nồng hậu qua thức
ăn ngon do cô Mác-ta nấu nướng. Dĩ nhiên
thái độ tất bật lo thức ăn thức uống của cô Mác-ta cũng làm cho Chúa cảm động
chứ, nhưng qua lời Chúa nhắc nhở về “một chuyện cần thiết” khi tiếp đón Chúa,
thì “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” vẫn là “phần tốt nhất”! Lời nhắc nhở này chắc chắn làm chúng ta suy
nghĩ nhiều về cách sống đức tin của mình.
Thứ nhất là thái độ của chúng ta khi lắng nghe Lời Chúa. Cách Chúa đến với ta rõ ràng nhất, đó là qua
Lời Người. Chúng ta không được diễm phúc
như ông Áp-ra-ham hoặc chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a, nhưng chúng ta lại có lợi
thế là lúc nào cũng có thể đón nhận Lời Chúa:
trong Thánh lễ, khi đọc và suy niệm Kinh Thánh lúc cầu nguyện riêng, khi
nghe giảng dạy và chia sẻ Lời Chúa, tham dự những buổi cầu nguyện nhóm… Thứ
hai, hình ảnh cô Mác-ta và Ma-ri-a cũng làm chúng ta nghĩ đến việc đi dự Thánh
lễ Chúa Nhật. Nhiều người đi lễ chỉ để
“giữ ngày Chúa Nhật”, chứ không phải đi tiếp đón Chúa. Rất nhiều người chỉ lo mặc áo này áo nọ, đeo
bông tai nào, xách cái ví nào…, nghĩa là “tất bật” đủ thứ, còn chuyện cần thiết
hoặc chọn phần tốt nhất là chuẩn bị tâm hồn thì lại không mấy quan tâm. Dù có phải để ý chuẩn bị bề ngoài thì ít ra
chúng ta cũng phải có chút lòng yêu mến của cô Mác-ta đối với Chúa chứ! Nhưng lòng yêu mến ấy chúng ta chẳng có hoặc
quá yếu ớt. Chẳng lẽ chúng ta lạnh lùng,
không một chút tình cảm dành cho Chúa hay sao?
Mục đích cuộc sống chúng ta là phụng sự
Thiên Chúa và phục vụ anh chị em. Để đạt
mục đích này, ta cần giữ quân bình giữa hoạt động và cầu nguyện. Quan trọng hơn nữa, đó là duy trì được tính
cách hỗ tương: cầu nguyện là động lực để
hoạt động và hoạt động để biểu lộ cầu nguyện.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi