CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN

Cầu xin ơn tha thứ tội lỗi

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (St 18:20-32;  Cl 2:12-14;  Lc 11:1-13)

          Nếu chỉ đọc nguyên một bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta sẽ nghĩ rằng đề tài Phụng vụ Lời Chúa nói về việc Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện hoặc về ý nghĩa kinh Lạy Cha.  Nhưng nếu kết hợp cả ba bài đọc lại, chúng ta nhận thấy có lẽ lời Chúa hôm nay nhấn mạnh nhiều hơn đến việc cầu xin ơn tha thứ.  Như thế cũng phải.  Vì chúng ta được kêu gọi trở nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng hoàn thiện;  nhưng trên đường trở nên hoàn thiện, chúng ta lại phạm lỗi lầm quá nhiều đối với Chúa và với anh chị em.  Cho nên xin ơn tha thứ là điều cần thiết.  Bài trích sách Sáng thế kể lại việc ông Áp-ra-ham xin Thiên Chúa đừng tiêu diệt dân thành Xơ-đôm;  thánh Phao-lô thì quả quyết rằng nếu chúng ta cùng sống chết với Chúa Ki-tô, Thiên Chúa sẽ tha thứ cho ta mọi lỗi phạm;  còn chính Chúa Giê-su khi dạy ta cầu nguyện lại muốn nhấn mạnh đến việc cầu xin Thiên Chúa tha tội cho chúng ta.

          Trước hết sách Sáng thế kể lại việc ông Áp-ra-ham “mặc cả” với Thiên Chúa khi ông cầu xin Người đừng hủy diệt thành Xơ-đôm vì tội lỗi của dân chúng.  Chúng ta cảm phục ông Áp-ra-ham vì ông to gan, dám mặc cả với Thiên Chúa về việc tha thứ!  Sở dĩ ông to gan là vì ông rất thân mật với Thiên Chúa như đứa con vòi vĩnh cha mẹ.  Mặc cả mà không có tình yêu đích thực thì khác nào buôn bán.  Nhưng rõ ràng ông Áp-ra-ham đã dựa vào lòng yêu mến Chúa của ông và vào lòng yêu thương nhân từ của Chúa mà cò kè bớt một thêm hai với Chúa.  Có lẽ chúng ta phải bật cười, không ngờ Cha chúng ta lại dễ thương như vậy.  Nếu muốn diễn tả sự dễ thương này của Chúa, chúng ta cứ tưởng tượng ra hình ảnh một người cha âu yếm nhìn đứa con với ánh mắt hiền từ và mỉm cười vì nó ngây ngô đưa ra con số những người lành trong thành Xơ-đôm làm điều kiện cho sự tha thứ của Chúa!  Đầu tiên ông đưa ra con số năm mươi người lành, để nhân danh họ ông xin Chúa tha cho thành Xơ-đôm.  Ông tin chắc một thành đông dân như vậy, thế nào cũng kiếm đủ năm mươi người lành.  Vậy mà kiếm mãi chẳng đủ, ông rút con số xuống 45, rồi 40…, sau hết là 10 người lành.  Cuối cùng chỉ còn một mình ông Lót, cháu của ông Áp-ra-ham.  Ông Lót đem vợ và hai con gái trốn khỏi Xơ-đôm.  Nhưng bà vợ vì không nghe lời thiên sứ, ngoái nhìn lại đằng sau trong khi thành bị đốt cháy, nên bà biến thành cột muối mà chết.  Câu chuyện nói lên lòng nhân từ của Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ.

          Vậy mà bao nhiêu thế hệ sau đó, người ta vẫn không muốn nhận ra Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và luôn tha thứ lỗi lầm của họ.  Có thể đó chính là lý do Chúa Giê-su nhấn mạnh đến việc xin Thiên Chúa là Cha tha tội cho chúng ta khi chúng ta cầu nguyện.  Xét về cấu trúc của kinh Lạy Cha, chúng ta thấy một nửa kinh đã đề cập tới việc xin ơn tha thứ rồi!  Thêm vào đó, trong sách Tin Mừng Mát-thêu (6:14-15), ngay sau kinh Lạy Cha, Chúa Giê-su còn giải thích thêm việc chúng ta phải tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta.  Điều này chứng tỏ Người muốn ta lưu ý nhiều hơn đến việc xin Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta và hệ quả chúng ta phải tha thứ cho anh chị em.  Câu chuyện Chúa kể về một người đã bị người bạn quấy rầy, nửa đêm đến xin ông ta giúp đỡ và đã được ông ta nhận lời, không vì tình bạn thì cũng vì muốn tránh khỏi bị phiền hà.  Chúng ta không khác nào “kẻ quấy rầy”, phạm tội làm phiền lòng Chúa.  Nhưng Chúa sẵn sàng tha thứ cho chúng ta vì Người là Cha nhân từ.  Ở đây, dường như Chúa Giê-su muốn dạy rằng:  anh em cứ xin “sự tha thứ” thì sẽ được tha thứ, cứ tìm “sự tha thứ” thì sẽ thấy được tha thứ, cứ gõ cửa lòng Chúa thương xót thì sẽ được Chúa xót thương tha thứ tội lỗi cho anh em.

          Với câu chuyện Áp-ra-ham và lời Chúa Giê-su dạy chúng ta kinh Lạy Cha, chúng ta đã hiểu được sự cần thiết xin ơn tha thứ khi chúng ta cầu nguyện.  Tuy nhiên thánh Phao-lô giới thiệu cho chúng ta một cách xin ơn tha thứ rất hữu hiệu, đó là hãy kết hợp với Chúa Giê-su Ki-tô.  Ngài dạy rằng Ki-tô hữu chúng ta dù là gốc Do-thái, dù là gốc dân ngoại, thì Thiên Chúa vẫn ban cho hết thảy chúng ta “được cùng sống với Đức Ki-tô”.  Tại sao phải được cùng sống với Đức Ki-tô?  Bởi vì nhờ Đức Ki-tô chịu chết trên thập giá, “Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ mọi sa ngã lỗi lầm của chúng ta”.  Thánh tông đồ muốn nhắc nhở chúng ta về một chân lý căn bản trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, đó là vai trò trung gian của Chúa Ki-tô để Thiên Chúa tha tội cho chúng ta.  Chúa Ki-tô là sự tha thứ của Thiên Chúa biến thành người phàm ở giữa chúng ta.  Cho nên “được cùng sống với Đức Ki-tô” có nghĩa là được tiếp xúc và lãnh nhận sự tha thứ của Thiên Chúa.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chúng ta thắc mắc mình sẽ học được điều gì từ câu chuyện ông Áp-ra-ham cầu xin Chúa tha thứ cho thành Xơ-đôm và kinh Lạy Cha nhấn mạnh việc xin ơn tha thứ tội lỗi.  Chắc chắn câu chuyện Áp-ra-ham giúp ta nhận biết hình ảnh Thiên Chúa là Cha nhân từ và lời dạy của Chúa Giê-su cũng khẳng định lòng nhân từ của Cha trên trời.  Biết rõ như thế mà chúng ta không xin ơn tha thứ tội lỗi, thì quả thực chúng ta kiêu căng không nhận mình tội lỗi hoặc phụ lòng Chúa thương xót chúng ta vậy!

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C