CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN
Nhân chứng đức tin
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Gr 38:4-6,
8-10; Dt 12:1-4; Lc 12:49-53)
Khi nói tới ý nghĩa cuộc đời, chúng ta
có rất nhiều suy nghĩ khác nhau tùy hoàn cảnh sống và tùy mức độ hiểu biết của
ta. Tuy nhiên đối với Ki-tô hữu, mẫu số
chung của mọi ý nghĩa cuộc đời đều nằm trong ý tưởng cốt lõi là làm nhân chứng
đức tin. Qua lối sống, chúng ta nói lên
những giá trị Tin Mừng mà Chúa Giê-su dạy chúng ta bằng lời giảng và đời sống của
Người. Để làm chứng nhân cho sứ mệnh,
ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã phải chịu muôn vàn chống đối và nguy hiểm cho cả mạng sống. Trong đoạn thư gửi tín hữu Do-thái, tác giả
cũng nhắc đến các “nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh” chúng ta, để nhắc
nhở ta rằng khi làm chứng nhân cho Chúa, ta không cô đơn lẻ loi. Đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa
Giê-su chia sẻ với chúng ta rằng sứ mệnh của Người là đến “ném lửa vào mặt đất”
(tức làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa) và Người “khắc khoải” mong đợi sứ mệnh ấy
được hoàn tất.
Trong lịch sử Cựu Ước, có nhiều câu
chuyện làm chứng cho đức tin vào Thiên Chúa, nhất là cuộc đời của các vị ngôn sứ. Trong số các chứng nhân ấy, chúng ta phải nói
tới ngôn sứ Giê-rê-mi-a, một con người đã chịu bao cay đắng tủi nhục vì muốn
trung thành với sứ mệnh Thiên Chúa đã trao phó.
Bài đọc 1 hôm nay kể lại câu chuyện ngôn sứ đã bị các thủ lãnh của nước
Giu-đa (vương quốc miền Nam của Ít-ra-en) “điệu đi và thả xuống một cái hầm nước”. Hầm đã hết nước, chỉ còn bùn, nên Giê-rê-mi-a
bị lún sâu xuống bùn. Ngôn sứ bị họ đối
xử tàn ác chỉ vì ngài “đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành cũng như
toàn dân” khi ngài truyền đạt lại sứ điệp của Thiên Chúa rằng: “Ai ở lại trong thành này (Giê-ru-sa-lem) sẽ phải chết vì gươm
đao, đói kém và ôn dịch; ai chạy ra ngoài đầu hàng quân Can-đê, thì ít ra cũng
sống và bảo toàn được tính mạng… Chắc chắn thành này sẽ bị nộp vào tay đạo quân
của vua Ba-by-lon; chúng sẽ chiếm được thành." Các thủ lãnh
coi Giê-rê-mi-a là một mối họa cho toàn dân.
Ở đây, rõ ràng ngôn sứ có thể chọn con đường dễ đi, là nói ngược lại điều
Chúa truyền để cho các thủ lãnh tin tưởng và tôn vinh ngài. Nhưng ngài không muốn làm trái ý Thiên Chúa,
bất chấp sẽ bị bách hại và nguy hiểm tính mạng.
Cuối cùng Chúa đã cứu mạng vị ngôn sứ của Người.
Phụng vụ Lời Chúa lấy câu chuyện ngôn
sứ Giê-rê-mi-a làm hình bóng ám chỉ Chúa Giê-su, Đấng được Thiên Chúa Cha sai đến
để “ném lửa vào mặt đất” và phải chịu một “phép rửa”. Ném lửa vào mặt đất là sứ mệnh Chúa Giê-su phải
thi hành. Lửa là tình yêu của Thiên Chúa,
Đấng “yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con
của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16).
Tuy nhiên Chúa Giê-su không chỉ “nói” cho nhân loại biết sứ điệp tình
yêu của Thiên Chúa, mà Người còn “hành động” để chứng tỏ chân lý này. Người đã “chứng minh” tình yêu vô điều kiện
này của Thiên Chúa bằng cách vui lòng chịu chết khổ giá. Lúc sinh thời thi hành sứ mệnh rao giảng, tâm
hồn Chúa Giê-su đã bừng lên ngọn lửa nhiệt thành. Lúc nào Chúa Giê-su cũng canh cánh bên lòng nỗi
lo lắng sao cho sứ mệnh được hoàn tất và sinh hoa kết quả. Người rất thực tế nhận ra những chống đối và
khó khăn trước mặt. Người biết con đường
lên Giê-ru-sa-lem mỗi ngày một ngắn dần và sẽ dẫn Người tới đỉnh đồi
Canvariô. Không những Người biết số phận
tương lai của bản thân mình, mà cả tương lai của những ai sẽ theo bước chân chứng
nhân của Người nữa. Các môn đệ Người rồi
đây cũng phải chịu chống đối bắt bớ, chịu thiệt thòi vì làm chứng cho giáo lý của
Người. Như thế, việc làm môn đệ Chúa chẳng
những không đem lại “hòa bình” trần thế cho các môn đệ, mà còn gây cho họ những
mâu thuẫn với những kẻ không theo Chúa, thậm chí cả những người trong chính gia
đình họ. Chúa Giê-su luôn mong rằng các
môn đệ sẽ trung thành theo Người và vững lòng tin vào Người. Người bảo:
"Trò không hơn thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ
được như chủ, đã là khá lắm rồi. Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun,
huống chi là người nhà” (Mt 10:24-25). Lời Chúa nhắn
nhủ đã làm nức lòng biết bao người. Lịch
sử Giáo Hội để bao nhiêui là tấm gương chứng nhân của các Ki-tô hữu đã theo bước
chân Thầy mình để làm chứng rằng Thiên Chúa yêu thương nhân loại chúng ta.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Hôm nay tác giả thư Do-thái gửi đến
chúng ta lời khích lệ tuyệt vời về việc làm chứng nhân đức tin. Trước hết tác giả đề cao tấm gương của Chúa
Giê-su, “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”.
Đúng vậy, Chúa Giê-su đã khai mở cho chúng ta biết chân lý tình yêu
Thiên Chúa để chúng ta tin. Rồi Chúa
Giê-su đã kiện toàn lòng tin ấy bằng cái chết minh chứng của Người. Nhất là tác giả nêu lên tấm gương của Chúa
Giê-su, “Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế”, tức
là chống đối đến độ đóng đinh Người vào thập giá. Cuối cùng, đoạn thư khích lệ chúng ta rằng: Chúng ta tưởng nhớ đến gương mẫu Chúa Giê-su
cốt là để khỏi sờn lòng nản chí, khi chúng ta phải chiến đấu với tội lỗi hầu giữ
vững đức tin và làm chứng nhân cho Chúa trong gia đình, học đường, xã hội và thế
giới chúng ta. Hơn khi nào hết, Giáo Hội
hôm nay càng cần đến chứng từ của các Ki-tô hữu trước một thế giới xuống dốc về
đức tin và luân lý.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi