CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN
Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào Nước Trời
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 66:18-21; Dt 12:5-7, 11-13; Lc 13:22-30)
Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được
khai mở dần dần, bắt đầu từ lời hứa trong vườn địa đàng tới việc kêu gọi
Áp-ra-ham và thiết lập một dân tộc đặc biệt để Người thực hiện lời hứa. Đó là dân tộc Ít-ra-en. Rồi “khi thời gian tới hồi viên mãn”, Thiên
Chúa đã sai Con Một đến cư ngụ giữa nhân loại để dạy dỗ họ và dẫn họ về với Người. Chúa Giê-su đã khởi sự một triều đại mới, Triều
Đại Thiên Chúa, để mọi người bước vào và cùng với Người cũng như nhờ Chúa Thánh
Thần mà hành trình về quê hương trên trời.
Tất cả những điều này đã xảy ra đều là do lòng thương xót và tình yêu
bao la của Thiên Chúa. Phụng vụ Lời Chúa
hôm nay nói với chúng ta về lòng quảng đại ấy, để chúng ta ý thức đáp lại lời
kêu gọi cứu độ của Thiên Chúa.
Trước hết chúng ta xem Thiên Chúa đã
quảng đại đối với dân Ít-ra-en của Người như thế nào. Sau khi vương quốc Ít-ra-en phía bắc bị tiêu
diệt, đến lượt vương quốc Giu-đa miền Nam bị chiếm đóng và dân chúng bị lưu đày
tại Ba-by-lon. Qua ngôn sứ I-sai-a,
Thiên Chúa hứa không những khôi phục Ít-ra-en, mà Người còn “đưa tất cả những
anh em các ngươi thuộc mọi dân tộc về làm lễ phẩm tiến dâng Đức Chúa, về trên
núi thánh của Ta là Giê-ru-sa-lem”. Ở
đây, lời hứa của Thiên Chúa không chỉ dành cho dân riêng Người mà thôi, nhưng
cho toàn thể nhân loại nữa. Đó chính là
lời hứa áp dụng cho việc thiết lập Nước Trời mà Chúa Giê-su sẽ khởi sự khi Người
được sai đến thi hành sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Tại sao Thiên Chúa thiết lập Nước Trời? Bởi vì Người “biết rõ việc làm và ý định” của
con người, những việc làm và ý định xấu xa khiến cho họ phải xa cách Chúa và mất
đi tương lai là được cứu độ. Trước tình
trạng tội lỗi với những việc làm và ý định ấy của nhân loại, Chúa không quay mặt
đi, để mặc họ chết trong tội lỗi, nhưng Người có sẵn kế hoạch để chiến thắng tội
lỗi và đưa họ về lại trong mối tương quan với Người. Nói khác đi, Thiên Chúa đã thiết lập “Nước Trời”
đặt nền móng trên lời giảng dạy và lối sống của Chúa Giê-su, để giúp mọi người
thay đổi và sống đúng chức phận làm con cái Thiên Chúa. Chính vì lòng quảng đại đầy thương xót và yêu
thương, Thiên Chúa đã dang rộng cánh tay đón nhận chúng ta trở về từ đàng tội lỗi,
như Người đã cứu Ít-ra-en trở về từ chốn lưu đày.
Khi giảng dạy về Nước Trời hoặc Triều
Đại Thiên Chúa, Chúa Giê-su sử dụng nhiều câu chuyện dụ ngôn, nhất là tiệc cưới. Nhưng hôm nay, nhân dịp có người hỏi Chúa rằng
có phải chỉ một ít người được cứu thoát hay không, Chúa đã khẳng định về việc
vào Nước Trời như sau: “Hãy chiến đấu để
qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể
được”. Liệu những lời này của Chúa có
làm chúng ta nản lòng hay không? Mặc dù
Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót đã mở rộng cửa Nước Trời đón nhận mọi người,
nhưng với điều kiện là họ phải tin vào Con Một Người, nghĩa là tin vào tình yêu
cứu độ của Thiên Chúa. Chính điều kiện
này trở thành “cửa hẹp” khiến cho nhiều người tìm cách vào mà không vào được. Để qua cửa hẹp, người ta phải có một thân
hình gọn ghẽ chứ không phì nộn, hoặc người ta phải bỏ lại bên ngoài những hành
trang cồng kềnh. Quả thực Chúa Giê-su đã
dùng một hình ảnh thật giản dị là cửa hẹp để mô tả lối sống của một Ki-tô hữu
chân chính. Ai đã có dịp đến thánh đường
Bê-lem sẽ hiểu được tại sao cửa nhà thờ lại quá thấp như vậy. Lý do là người ta cố tình xây thật thấp để
ngăn lính Hồi giáo ngày xưa cưỡi ngựa nghênh ngang tiến vào. Cũng vậy, nếu người ta không biến đổi đời sống
thiêng liêng của mình theo kích thước cuộc đời Đức Ki-tô, thì họ không thể tìm
cách nào khác để qua cửa hẹp được. Danh
nghĩa Ki-tô hữu không phải là giấy thông hành để qua được cửa hẹp, nhưng lối sống
của Ki-tô hữu rập theo khuôn mẫu Đức Ki-tô mới là chìa khóa để ta có thể qua được
cửa hẹp mà vào. Do đó, những ai vỗ ngực
xưng mình là Ki-tô hữu mà không sống như một Ki-tô hữu chân chính, thì họ cũng
giống như những kẻ đứng trước cửa đã đóng lại mà kêu gào: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt
ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi”. Chúng ta không thể vào Nước Trời chỉ vì đã từng
được dự bàn tiệc Thánh Thể (nhiều khi dự cho có lệ hoặc để giữ luật ngày Chúa
Nhật!), hoặc được nghe giảng dạy trong Thánh lễ hoặc lớp giáo lý (nhiều khi
nghe tai này qua tai kia hoặc nghe mà chẳng thực hành!). Nhưng hơn tất cả những việc bề ngoài ấy,
chúng ta còn phải sống mối tương quan sống động với Chúa qua việc cầu nguyện và
thực hành đức bác ái yêu thương.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Qua cửa hẹp mà vào không hẳn là một
hành động, mà là một lối sống. Đoạn thư
Do-thái hôm nay đã cho chúng ta một phương thức tốt nhất để giúp ta được thon gọn
mà vào cửa hẹp, đó là hãy để cho tình thương của Chúa “sửa dạy” chúng ta. a) Được Chúa sửa dạy, đó là một hồng phúc, một
ân huệ của tình yêu Thiên Chúa. Chúa có
thương ta thì Người mới “cho roi cho vọt”.
Khuôn vàng thước ngọc là: Chúa sửa
dạy vì yêu thương, chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác. b) Hãy kiên trì để cho Chúa sửa dạy. Chúa còn kiên trì hơn cả chúng ta khi chờ đợi
ta thay đổi. c) Dó đó, được Chúa sửa dạy,
ta phải vui cho mình và giúp người khác vui khi Chúa sửa dạy họ. Qua cửa hẹp là Chúa Giê-su, ta sẽ đến với Cha
trên trời!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi