CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN
Ki-tô hữu suy nghĩ về nhân đức nhiêm nhường
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Hc 3:17-18, 20, 28-29; Dt 12:18-19, 22-24a; Lc 14:1, 7-14)
Lời Chúa hôm nay không nói với chúng
ta về những mầu nhiệm hoặc những điều cao cả, mà trình bày cho chúng ta hiểu về
một nhân đức làm nền tảng cho việc tập luyện các nhân đức khác, đó là đức khiêm
nhường. Sách Huấn ca trong loạt sách
khôn ngoan nhắn nhủ ta xác tín sự cần thiết của đức khiêm nhường, nhất là khiêm
nhường để làm đẹp lòng Chúa. Còn tác giả
thư gửi tín hữu Do-thái thì mong mỏi chúng ta hãy xác tín thân phận nhỏ mọn của
mình khi “tới cùng Thiên Chúa” và “tới cùng vị Trung Gian giao ước mới là Đức
Giê-su”. Sau cùng, nhân dịp đến dự tiệc
tại nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu và quan sát thấy khách dự tiệc tranh
dành nhau chỗ ngồi cao, Chúa Giê-su dùng một dụ ngôn để dạy họ một chân
lý: Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.
Đầu tiên là lời tác giả sách Huấn ca
nhắn nhủ chúng ta tại sao phải sống đức
khiêm nhường. Mọi việc chúng ta làm
đều nhắm mục đích tôn vinh Thiên Chúa và làm đẹp lòng Người. Nếu thực sự nhắm mục đích này, thì ta phải
“hoàn thành việc của ta một cách nhũn nhặn”.
Ta càng nhũn nhặn, tức là càng khiêm nhường, thì mục đích mọi việc làm của
ta càng rõ ràng hơn, tức là càng biểu lộ được tâm ý duy nhất của chúng ta là phụng
sự Chúa thay vì tìm vinh dự cho bản thân mình.
Sách Huấn ca còn giải thích rõ ràng đức khiêm nhường giúp ta tôn vinh
Chúa như thế nào. Như chúng ta biết, quyền
năng Thiên Chúa bao giờ cũng lớn lao và cách thức Thiên Chúa biểu lộ quyền năng
ấy thì muôn hình vạn trạng, thí dụ qua công cuộc tạo dựng. Mỗi loài thụ tạo là một cách biểu lộ quyền
năng của Người. Thụ tạo và Thiên Chúa là
hai thái cực: thụ tạo càng tỏ ra nhỏ mọn
yếu kém thì quyền năng Thiên Chúa càng cao cả.
Chính vì thế, thánh Phao-lô đã học được chân lý này khi ngài quả quyết rằng
chính lúc ngài nhận mình yếu đuối là lúc sức mạnh Thiên Chúa được tỏ hiện (2 Cr
12:10).
Nếu sách Huấn ca nói đến đức khiêm nhường
như một đạo lý, thì giờ đây chính Chúa Giê-su là Đấng đã hạ mình xuống làm người
phàm sẽ dạy chúng ta biết thế nào là khiêm nhường đích thực. Cơ hội để Chúa giảng dạy về đức khiêm nhường
là khung cảnh một bữa tiệc. Chúa Giê-su
cũng là một trong số khách mời của chủ nhà là một thủ lãnh nhóm
Pha-ri-sêu. Trước cảnh “khách dự tiệc cứ
chọn cỗ nhất mà ngồi” tạo ra sự ồn ào hỗn độn, Chúa Giê-su không ngại dùng một
câu chuyện để dạy họ bài học về đức khiêm nhường: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào
cỗ nhất… Trái lại, hãy ngồi vào chỗ cuối”.
Tại sao thế? Để tránh trường hợp
khi có người quan trọng hơn mình đến thì mình sẽ “bị mời” xuống dưới; còn khi mình thực sự là quan trọng thì chủ
nhà sẽ mời mình lên trên. Chắc chắn ở
đây Chúa Giê-su không có ý dạy chúng ta một “mánh khóe”, nhưng Người chỉ muốn mỗi
người hãy thành thực nhận biết giá trị đích thực của mình. Khiêm nhường là nhìn nhận mình thực sự là ai,
không tô son vẽ phấn cho mình và cũng không “giả vờ” chối nhận những gì mình có
hay mình là. Trong câu chuyện đi ăn cưới
mà Chúa Giê-su đã kể, Người bảo chúng ta đừng ngồi vào cỗ nhất, nói khác đi, đừng
cho mình là cao nhất hoặc cao hơn mọi người.
Đúng vậy, chúng ta thông minh tài giỏi, nhưng chắc chắn có người còn
thông minh tài giỏi hơn chúng ta. Khi Đức Phanxicô trả lời câu hỏi “Gorge Mario
Bergoglio là ai?”, ngài không ngần ngại nói:
“Tôi là một kẻ tội lỗi”. Đức Giáo
Hoàng không giả vờ, nhưng ngài nhìn nhận con người đích thực của ngài trước mặt
Chúa, chứ không đặt địa vị giáo hoàng của ngài lên trên mọi người. Ngài đã lấy Chúa làm tiêu chuẩn để nhận định
về giá trị đích thực của ngài. Đó cũng là
tiêu chuẩn mà Chúa Giê-su đã nêu lên khi Người khẳng định: “Phàm
ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ
mình xuống sẽ được tôn lên”. Hoặc
chúng ta sẽ hiểu ý của Chúa Giê-su như thế này:
Ai tôn mình lên trên cả Thiên Chúa, người ấy sẽ bị hạ xuống; còn ai thú nhận trước mặt Chúa rằng mình là kẻ
tội lỗi đáng thương và mong được tha thứ thì sẽ được Chúa đoái thương tha thứ.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Nhờ những lời chỉ dạy của sách Huấn ca
cũng như những lời giảng của Chúa Giê-su về đức khiêm nhường, chúng ta biết rõ
“tôi là ai?”. Nhưng làm thế nào để sống
điều mình biết thì quan trọng hơn. Đoạn
trích thư Do-thái cho Ki-tô hữu chúng ta một lối sống khiêm nhường tuyệt vời. Tất cả chúng ta đều được diễm phúc “tới núi
Xi-on, tới thành đô Thiên Chúa hằng sống”, để gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng xét xử mọi
người, và gặp gỡ vị Trung Gian giao ước mới là Đức Giê-su. Nói khác đi, chúng ta được ân huệ làm con cái
Thiên Chúa và làm một thành phần trong số “đàn em đông đúc” của vị Trưởng Tử
nhân loại mới là Chúa Ki-tô. Nếu đã là một
ân huệ thì đâu phải do giá trị của cá nhân chúng ta, nhưng hoàn toàn do lòng quảng
đại và tình thương của Chúa. Đến đây,
tác giả thư Do-thái bảo chúng ta hãy nhìn lên trời, nơi có các thiên thần, các
thánh nam nữ, các người công chính đã được nên hoàn thiện, để nhận biết mình là
thụ tạo, là kẻ tội lỗi, là kẻ hèn mọn… mà sống sao xứng với tình yêu và lòng
thương xót của Thiên Chúa. Nhất là ta
hãy sống theo linh đạo của Mẹ Ma-ri-a: “Linh
hồn tôi ngợi khen Đức Chúa…, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường”.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi