CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN
Theo Chúa Ki-tô là sống đức khôn ngoan của Thiên Chúa
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Kn 9:13-18;
Plm 9b-10, 12-17; Lc 14:25-33)
Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta tự nguyện
làm môn đệ Người chứ Người không ép buộc chúng ta. Tự do ở đây vừa nói lên thái độ tôn trọng
Chúa dành cho chúng ta vừa làm tăng thêm lòng quảng đại của ta khi theo
Chúa. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình
bày việc theo Chúa Ki-tô là hành động theo đức khôn ngoan, nghĩa là hành động
theo ý nghĩa tự do đích thực mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Bài trích sách Khôn Ngoan nói về ý định hoặc
thánh ý của Thiên Chúa, nhất là điều gì Người muốn ta thực hiện. Bài đọc 2 trích thư thánh Phao-lô gửi cho
Philêmôn là một kinh nghiệm thực tế kể lại việc ngài khuyên người tín hữu này
hãy đối xử với tên nô lệ cũ của anh theo thánh ý Chúa. Sau hết là đoạn Tin Mừng Lu-ca cho ta biết điều
kiện Chúa Giê-su muốn kẻ theo Người phải thi hành cũng phải được chấp nhận một
cách khôn ngoan chứ không mù quáng.
Trước hết chúng ta cần hiểu thế nào là
khôn ngoan đích thực. Sách Khôn Ngoan khẳng
định khôn ngoan là hồng ân Chúa ban cho chúng ta, để nhờ đó chúng ta “hiểu thấu
thánh ý của Chúa”. Đoạn sách hôm nay mở
đầu với câu hỏi: “Ai trong loài người biết
được ý định của Thiên Chúa?” và câu trả lời sau đó là “nếu Chúa không ban sự
ngoan và không sai Thánh Thần từ trời cao xuống” thì làm sao chúng ta biết được
Thiên Chúa muốn ta làm gì. Tác giả còn
lý luận rằng ngay những điều trước mắt mà chúng ta còn không nhận định được rõ
ràng thì làm sao có thể hiểu được những sự trên trời, cụ thể là thánh ý Thiên
Chúa. Tiếp đến, tác giả còn nhắc nhở ta
rằng mục đích Chúa ban cho ta sự khôn ngoan là để “mọi đường lối những kẻ ở dưới
đất được sửa lại ngay thẳng, và loài người học biết những sự đẹp lòng Chúa”. Với các điều này, chúng ta có thể hiểu rằng ứng
dụng của đức khôn ngoan là để chúng ta biết và sống theo đường lối của Thiên
Chúa, chứ không phải lẽ khôn ngoan của người đời. Như vậy, nếu chúng ta cứ để cho đức khôn
ngoan giúp ta sửa lại lối sống cho ngay thẳng và biết được những điều làm đẹp
lòng Chúa, chúng ta sẽ được cứu độ. Nói
khác đi, đức khôn ngoan là đường dẫn ta đến ơn cứu độ, như thế ta có thể hiểu
Chúa Giê-su chính là đức ngôn ngoan của Thiên Chúa giáng trần và là đường đưa
ta về với Cha trên trời vậy.
Bài đọc trích sách Khôn Ngoan mở đường
cho chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay khi Chúa Giê-su kêu gọi
những ai muốn theo Người thì phải chấp nhận những điều kiện khắt khe: “Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ
con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta”. Điều kiện quả thực quá khắt khe, nhưng điều cốt
yếu là tại sao Người đòi hỏi có vẻ quá đáng như vậy. Rõ ràng Chúa muốn chúng ta phải đặt giá trị của
Người lên trên hết, trên cả cha mẹ, vợ con, anh chị em và bản thân chúng ta nữa. Chọn theo Chúa là chọn theo một giá trị tuyệt
đối không gì có thể so sánh được. Sau
khi đã đánh đổi mọi sự để chọn Chúa rồi, chúng ta lại còn phải “vác thập giá
mình” mà theo Người nữa! Dĩ nhiên chúng
ta có thể hiểu “thập giá” theo nhiều ý nghĩa.
Tất cả những gì làm cho ta không được thoải mái, mất tự do, bị lệ thuộc
đều được coi là thập giá. Thập giá có thể
là người thân sống bên cạnh mình: người
chồng người cha vô trách nhiệm, đứa con ngang bướng hoặc lêu lổng, người hàng
xóm khó tính. Thập giá có thể là đau ốm
bệnh tật gây đau đớn phần xác lẫn tinh thần.
Thập giá nằm ngay trong lối sống của ta, như một tính xấu khó sửa sai, một
tội lỗi phạm đi phạm lại vì yếu đuối… Tóm lại, chúng ta không bao giờ tả hết
các loại thập giá. Nếu chỉ hiểu thập giá
theo quan niệm loài người, thì ngần ấy thứ thập giá sẽ vùi giập chúng ta, không
sao đứng dậy mà bước theo Chúa được. Vậy
mà Chúa lại mời gọi ta làm môn đệ Người với tình trạng bị vùi giập thì chắc chắn
không đúng với suy nghĩ khôn ngoan của loài người. Nhưng chúng ta đừng quên chính Chúa ban cho
ta đức khôn ngoan của Người nên chắc chắn ta có thể thực hiện được điều Người
muốn. Hẳn chúng ta không quên lời Chúa
Giê-su mời gọi chúng ta: hãy học Người
mà sống hiền lành và khiêm nhường, hãy đến với Người và mang theo gánh nặng của
chúng ta để Người bổ sức cho chúng ta.
Sau cùng Chúa Giê-su nhấn mạnh việc theo Chúa phải là một hành động trưởng
thành, tự nguyện và nhất là cần suy nghĩ chín chắn, đã quyết định thì không bỏ
ngang, không lùi trước bất cứ khó khăn nào.
Tất cả những điều kiện này, chúng ta không thể thực hiện được nếu không
được dẫn dắt do Chúa Giê-su và Chúa Thánh Thần là chính Đức Khôn Ngoan của
Thiên Chúa.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Câu chuyện Philêmôn đón nhận lại
Ônêsimô, tên nô lệ của ông, theo lời khuyên của thánh Phaolô là một thí dụ điển
hình thực hành đức khôn ngoan của Thiên Chúa.
Nhờ Thần Khí của Chúa Ki-tô, Philêmôn bỏ đi cái nhìn cũ của ông về
Ônêsimô. Từ nay anh này không còn là tên nô lệ của ông, nhưng là một người anh
em trong Đức Ki-tô. Đức khôn ngoan của
Chúa giúp Philêmôn nhìn Ọnêsimô bằng con mắt đức tin và thay đổi lối cư xử của
ông đối với tên nô lệ cũ. Quả thực đức
Khôn Ngoan đã sửa sai đường lối của Philêmôn cho ngay thẳng, cũng là cách ông
đã thực sự “vác thập giá mình” để đón nhận một người anh em mới trong Chúa và
cùng người anh em này bước theo Chúa mà làm môn đệ Người vậy.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi