CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN

Tôi sẽ ca tụng lòng Chúa thương xót tới muôn đời

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Xh 32:7-11, 13-14;  1 Tm 1:12-17;  Lc 15:1-32)

          Mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người là đề tài lặp đi lặp lại trong Kinh Thánh.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay không chỉ đề cập đến liên hệ giữa Ít-ra-en với Thiên Chúa, mà còn trình bày sự liên hệ giữa Chúa với từng cá nhân chúng ta.  Mỗi lần Ít-ra-en bỏ Thiên Chúa để đi theo các thần ngoại và Thiên Chúa toan từ bỏ họ thì Người đều “nghĩ lại” mà nguôi cơn giận và tha thứ cho họ.  Vậy bao nhiêu lần tha thứ ấy nói lên điều gì về Thiên Chúa nếu không phải là lòng thương xót của Người?  Cũng vậy, trong mối tương quan giữa Chúa và cá nhân chúng ta, ta cũng có thể nghiệm thấy điều ấy khi bước ra khỏi tòa giải tội và tâm hồn được bình an đích thực.  Điều này cũng gặp thấy trong cảm nghiệm “trở lại” của thánh Phao-lô.  Tuy nhiên đặc biệt nhất chính là lời giảng của Chúa Giê-su về lòng thương xót khi Người dùng dụ ngôn để mô tả lòng nhân hậu vô bờ của Thiên Chúa.

          Vậy trước hết bài trích sách Xuất Hành nói gì với chúng ta về lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa?  Sau khi dẫn con cái Ít-ra-en ra khỏi Ai-cập, ông Mô-sê luôn phải đương đầu với thái độ bất trung của họ đối với Thiên Chúa.  Ông được Thiên Chúa gọi lên núi để Người ban cho ông Lề Luật khắc trên hai tấm bia đá.  Trong khi ông vắng mặt khá lâu, dân chúng sinh tật, hùa theo thói dân ngoại nên cùng nhau quyên góp nữ trang để đúc một con bê bằng vàng.  Họ gọi vật vô tri ấy là “Thiên Chúa” của họ và phụng thờ nó.  Chúa bảo ông Mô-sê:  Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng.  Thế là ông Mô-sê lại một phen van nài Chúa đừng hủy diệt dân Người.  Ông còn khéo léo nhắc nhở Chúa về những lời Người đã hứa với các tổ phụ dân Ít-ra-en, để Người giữ lời hứa, nguôi cơn giận và khỏi phải “mất sĩ diện” của Người trước các dân tộc khác!  Lời chuyển cầu Mô-sê dâng lên Thiên Chúa đã đụng tới trái tim nhân hậu của Người, nên Người đã tha thứ, bỏ quyết định hủy diệt Ít-ra-en và tiếp tục giúp họ trở về Đất Hứa.  Ôn lại bài học về lòng nhân hậu tha thứ của Thiên Chúa, tác giả Thánh Vịnh đã nhiều lần kêu lên:  “Con sẽ ca tụng lòng Chúa thương xót đến muôn đời!”

          Nhưng cốt lõi của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nằm trong bài Tin Mừng rất quen thuộc và cảm động, đó là ba dụ ngôn Chúa Giê-su kể để nói lên lòng nhân hậu của Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ tội lỗi chúng ta nếu ta quay về với Người và nỗi vui mừng của Thiên Chúa vì Người nối lại được mối tương quan với chúng ta.  Dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc đánh mất vừa diễn tả niềm vui của người chủ chúng, vừa nói lên giá trị tình cảm người chủ dành cho chúng.  Như vậy hai dụ ngôn này dường như muốn nhấn mạnh rằng sở dĩ con chiên lạc và đồng bạc đánh mất đều có giá trị là vì tình cảm chủ dành cho chúng.  Xét theo giá trị bình thường, một con chiên lạc không thể sánh với chín mươi chín con còn lại, cũng thế, đồng bạc đánh mất không thể bằng chín đồng tiền còn lại.  Cho nên người chủ khổ công đi tìm kiếm cho được những cái đã mất là vì người ấy dành cho chúng một tình cảm đặc biệt mà thôi!

          Hai dụ ngôn nhỏ ở trên được Chúa kể để chuẩn bị cho dụ ngôn lớn, dụ ngôn người cha nhân hậu.  Nếu con chiên lạc và đồng tiền đánh mất còn đáng để chủ của chúng đi tìm, thì chúng ta là con cái Chúa lại chẳng đáng cho Người đi tìm và đưa chúng ta trở về sao?  Dựa trên cách sắp đặt thứ tự ba dụ ngôn này, chúng ta càng dễ cảm nhận được Chúa Giê-su muốn đề cao lòng nhân hậu của người cha, tức tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, cao cả ngần nào!  Câu chuyện thứ ba đã quá quen thuộc với chúng ta, nhưng không vì thế mà chúng ta rơi vào cái bẫy “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”  Vậy hôm nay chúng ta sẽ tìm được điều gì mới trong dụ ngôn này?  Trước kia người ta thường đặt đầu đề cho câu chuyện là “dụ ngôn đứa con hoang đàng”.  Nhưng bây giờ thì ai cũng thích cái đầu đề “dụ ngôn người cha nhân hậu” hơn!  Như vậy là chúng ta hiểu được ý của Chúa Giê-su rồi!  Quả thực Người thích rao giảng về Thiên Chúa như người cha nhân hậu, nào là trong kinh Lạy Cha, nào là trong bài giảng trên núi khai triển ý niệm về Thiên Chúa quan phòng… Không những qua lời giảng, mà ngay trong đời sống hằng ngày, Chúa Giê-su đã đối xử với dân chúng bằng lối sống nhân hậu.  Người tiếp nhận các người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến với Người.  Người để ý hơn đến những người bị xã hội loại bỏ hoặc khinh dể.  Người bỏ ngoài tai những lời phê bình Người “đi lại với quân tội lỗi và phường thu thuế”.  Các dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay cũng là để nhằm biện hộ cho lối sống nhân hậu của Người (Lc 15:1-3).

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Ta có thể rút bài học của sứ điệp Lời Chúa hôm nay qua câu chuyện thánh Phao-lô.  Đây không còn là câu chuyện dụ ngôn, nhưng là chuyện đời ngài.  Ngài thích ôn lại chuyện cũ, nhất là việc ngài trở lại với Chúa Giê-su.  Ngài không xấu hổ khi kể lại cho môn đệ Ti-mô-thê nghe dĩ vãng xấu xa, vì đây là cơ hội rao giảng lòng Chúa từ bi nhận hậu đối với cá nhân ngài.  Chúa đã quên hẳn dĩ vãng của Phao-lô rồi, cho nên Phao-lô mạnh dạn “quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3:13)!

          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C